Trên dải cồn cát này, ở các xóm Hậu Xá, Thanh Chiếm, An Bang của phường Thanh Hà, năm 1989 các cán bộ Khoa học Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng với các cán bộ chuyên môn chuyên môn của Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng và Ban Quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) đã phát hiện và đào thám sát một số mộ chum.
Mùa điền dã năm 1993, Ban Quản lý Di tích Hội An đã tiếp tục đi sâu ngiên cứu khu vực này và đã phát hiện thêm khu di tích mộ chum Sa Huỳnh Hậu Xá II. Trong 2 năm 1993 và 1994, Ban Quản lý Di tích Hội An phối hợp cùng các cán bộ Khảo cổ học của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành đào thám sát, khai quật tại địa điểm này.
I. ĐỢT THÁM SÁT TỪ NGÀY 16 ĐẾN 23/10/1993: Diện tích đào ban đầu 4m
2 (
2 x 2 m), sau đó phát triển về vách Đông 4m
2 (
2 x2 m), vách Nam 3m
2 (
3 x 1m ). Tổng diện tích cả 3 hố là 11m
2.
- Lớp đất mặt: 0,00 - 0,50, đen nhạt lẫn nhiều rễ cây cỏ, lá mục. Trong lớp này có lẫn một số mảnh chum, mảnh gốm thô và 16 mảnh gốm hiện đại.
- 0,50 - 2,10: lớp đất chứa hiện vật có màu nâu nhạt đến vàng nhạt. Cát nhỏ, hạt mịn. Những nơi có chôn chum đất chuyển màu nâu nhạt hoặc vàng sẫm.
- 2,10m trở xuống: sinh thổ hạt cát mịn màu trắng đục lẫn nhiều lớp cát bị Hydroxit hóa màu đỏ rỉ sắt.
Cả ba hố đều phát hiện thấy loại chum thân hình trụ, cổ eo, không gờ vai, vành miệng hơi loe, gờ miệng lõm, đáy thuôn tròn. Chum ở hố I trên vành miệng có đục hai lỗ tròn đối xứng nhau. Trang trí văn thừng chải. Đồ chôn theo trong và ngoài chum có hạt chuỗi, hạt cườm bằng đá, bằng thủy tinh, có một hạt bằng kim loại màu vàng (?) được chế tác tinh vi, các mảnh gốm của nồi, bát bồng, nắp..., dọi xe chỉ bằng đất nung, một ít mảnh vỡ của đồ sắt ... Trong ba chum ở hố 1 và 2 không thấy dấu vết tro than.
Đáng chú ý là ngôi mộ chum ở hố 3, ở độ sâu 0,95m tìm thấy mộ 2 chum lồng vào nhau. Chiếc ngoài bị vỡ phần miệng, cao còn lại 1,25m, đường kính miệng 0,60m. Hình dáng giống như chum 1 và 2. Chiếc trong nhỏ hơn, còn nguyên, cao 1,05m, đường kính miệng 0,42m, hình dáng giống chum ngoài. Từ miệng chum đến độ 0,50m xuống đáy là cát mịn màu trắng đục. Ở phần sát đáy chum tìm thấy những mẩu xương răng
(1) cùng với 132 hạt cườm đá và thủy tinh màu xanh lơ, nâu, tím than, nồi minh khí, vài mẩu sắt, một vật nhọn bằng xương
(2), một mẩu than tro.
II. ĐỢT KHAI QUẬT TỪ NGÀY 6 ĐẾN 21/5/1994:
Hố khai quật hướng Bắc Nam diện tích 16m2 (4x4m), ký hiệu (Ia).
Đợt khai quật này nhằm mục đích tìm hiểu mối liên hệ của các mộ chum, của các cụm mộ chum trên cùng một mặt bằng, sự phân bố của các hiện vật tùy táng trong và ngoài chum. Vì vậy, trong quá trình đào đã mở rộng thêm một hố góc Tây - Bắc ký hiệu (1b), một hố ở góc Tây Nam (1c) đưa tổng diện tích khai quật lên 32m2. Tổng số chum phát hiện được là 15, trong đó có 9 chum còn giữ được nguyên vẹn.
Chum ở đây có hai loại: Một loại là miệng loe, đáy thuôn tròn, có gờ miệng và vành miệng có 4 lỗ, trang trí văn thừng. Hai là loại hình nồi với những kích thước phong phú, trang trí văn thừng, văn chải.
Xung quanh, bên ngoài các chum thấy khá nhiều than tro, dấu tích khá rõ của sự đốt lửa. Đặc biệt trong lòng chum, ở dưới đáy lớp tro than khá dày từ 10 đến 60cm, nằm lẫn trong lớp cát có đồ tùy táng. Có những chum, ở dưới đáy từ 10 - 30cm hoàn toàn là lớp tro than. Đây là những mẩu than củi, trong lớp tro than này có lẫn một ít xương vụn.
Các chum, phần tiếp xúc giữa nắp và vành miệng chum còn thấy dấu vết của một lớp giống như keo mỏng, trong suốt và láng, khi đốt thử giống như nhựa và có mùi thơm. Phải chăng đây là một thứ kết dính bằng nhựa thực vật (?). Ở miệng nắp còn có hiện tượng mài bớt để khít với vành miệng chum.
Hiện vật chôn theo gồm có:
Đồ gốm:
- Nồi: Có 7 chiếc, đường kính miệng từ 7 - 10cm, chân thấp, bụng phình, đáy tròn, miệng ít loe. Hầu hết không trang trí hoa văn chỉ có một chiếc trang trí văn thừng mịn ở miệng đáy.
- Một hiện vật mà trước đây quen gọi là đèn có trang trí văn khắc vạch trên vành miệng.
- Bát có chân đế cao: có hai chiếc, chân đế choãi, lòng bát nông, miệng loe, không có hoa văn.
- Lọ cắm hoa có chân đế, trang trí văn khắc vạch song song quanh thân.
Đồ sắt:
Có 8 chiếc thuổng, 2 chiếc đục, 2 chiếc rựa, 10 dao nhỏ, trong đó 2 chiếc có chuôi hình vành khăn và một chiếc qua.
Đồ trang sức:
- 2 khuyên tai 3 mấu bằng đá Nephrit
- 1 khuyên tai 3 mấu bằng thủy tinh
- 2 khuyên tai hình vành khăn bằng đá Nephrit
- Nhiều hạt mã não, hồng mã não và cườm đá, cườm thủy tinh.
Tiền đồng:
Có 2 đồng tiền Ngũ Thù chôn trong mộ.
NHẬN XÉT
- Kết quả 3 đợt thám sát, khai quật và đào chữa cháy, một lần nữa cho thấy Hậu Xá II là một khu mộ chum có diện tích rộng. Hậu Xá II liên kết với Hậu Xá I về phía Đông, với các mộ chum và di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh ở Thanh Chiếm, An Bang về phía Tây.
- Mật độ chum khá dày đặc, phân bố theo từng cụm, kiểu dáng chum về cơ bản có 3 loại, nắp hình nón cụt, hình lồng bàn úp... Đồ tùy táng là các loại bình, nồi, đèn,... Với kiểu dáng và hoa văn đặc trưng như văn thừng, khắc vạch, tô màu, tương tự như đồ gốm của các lần đào trước đây và đồ gốm tìm thấy trong khu mộ chum Sa Huỳnh muộn ở Quảng Nam.
- Cho tới nay, tại khu mộ chum Hậu Xá II đã phát hiện hầu hết các loại hình trang sức đá, thủy tinh như khuyên tai 3 mấu, hạt chuỗi, hạt cườm các loại. Tuy nhiên, chưa thấy loại khuyên tai 2 đầu thú, hiện vật đặc trưng cho giai đoạn cuối của Văn hóa Sa Huỳnh.
- Tại đây mới tìm thấy những đồng tiền Ngũ Thù, Vương Mãng. Điều này càng khẳng định về tính chất cảng của Đô Thị cổ Hội An và sự giao lưu buôn bán trực tiếp theo con đường biển của người Sa Huỳnh với người Trung Hoa từ những thế kỷ trước, sau Công nguyên (Lâm Mỹ Dung 1990: 78). Sách Tiền Hán thư Địa Lý chí đã nói đến việc người Hoa từ Quảng Châu đem vàng lụa đi vào biển buôn bán và phần nhiều trở nên giàu có.
- Ngôi mộ chum có xương động vật và răng trẻ em lần đầu tiên phát hiện ở Hội An giống như ngôi mộ và chôn trẻ em ở Mỹ Tường (giai đoạn sớm của Văn hóa Sa Huỳnh). Như vậy, truyền thống chôn trẻ em trong chum, vò được bảo lưu trong một thời gian dài, cho tới tận thời Sơ sử và trên một địa bàn rộng từ Bắc tới Nam Trung Bộ.
- Dạng mộ táng bằng 2 chum lồng vào nhau (nội quan ngoại quách) rất ít gặp, chỉ thấy ở Đại Lãnh, Gò Dừa, Tabhing, Hậu Xá.
- Nét đặc trưng cho khu Hậu Xá là việc sử dụng loại chất kết dính có nguồn gốc thực vật để dính nắp miệng chum. Kỹ thuật này liệu có gì chung với kỹ thuật xây tháp của người Chăm ở các giai đoạn muộn hơn?
- Nhìn chung, trong các chum, ngoài tro than không thấy vết tích của xương cốt. Ở một số chum dấu vết than tro rất mờ nhạt hay hầu như không thấy. Theo một vài nhà nghiên cứu, đó là hiện tượng chôn tượng trưng ở đất liền của mộ táng tục chôn lần đầu là trả thi thể người chết về với biển (Ngô Sĩ Hồng 1990;103).
- Tuy vậy, dấu tích đốt lửa xung quanh cụm mộ chum và những lớp tro than dày trong một số chum Hậu Xá II hay vết tích than tro dầu ít ỏi trong nhiều vò, chum ở các khu mộ chum Văn hóa Sa Huỳnh khác cho thấy rõ ràng sự hiện diện của táng hỏa thiêu. Đây có phải hiện tượng nguyên Sa Huỳnh hay do ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ, Trung Hoa (Ngô Sĩ Hồng 1990:103) ? Theo chúng tôi, mộ vò Sa Huỳnh không chỉ là biểu hiện của kiểu táng tục đặc biệt là ở giai đoạn muộn. Tư liệu của những năm gần đây cho thấy rõ điều đó. Người Việt ở Trung Bộ cho đến nay vẫn đốt lửa ở 4 góc cho “ấm mộ” trong 3 ngày đầu tang lễ.
- Khu mộ Hậu Xá II cùng với khu di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh và địa điểm Hậu Xá I kề cận đã, đang và sẽ còn đặt ra rất nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề nan giải. Nổi bật nhất vẫn là mối liên giao và sự đối tác (Versus) giữa Văn hóa Sa Huỳnh với văn hóa Hán - Chăm cổ - Ấn Độ, ...
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Chiều, Hồ Xuân Tịnh, Nguyễn Chí Trung, 1989: Bãi mộ chum Cẩm Hà, Những phát hiện mới về KCH: 185 - 187.
2. Ngô Sĩ Hồng, Trần Quý Thịnh, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Hai 1990: Đào thám sát di tích Sa Huỳnh ở Hậu Xá, thị xã Hội An (QNĐN) Những phát hiện mới về KCH: 99 - 101.
3. Ngô Sĩ Hồng: 1990: Mộ vò ở Việt Nam - tư liệu và nhận thức mới. Những phát hiện mới về KCH: 102 - 103.
4. Lâm Mỹ Dung 1990: Những đồng tiền cổ ở Hội An. Tạp chí Đất Quảng số 63.
5. Vũ Công Quý 1991: Văn hóa Sa Huỳnh. NXB VHDT Hà Nội.
6. Trần Tuyết Minh 1991: Đồ gốm Văn hóa Sa Huỳnh Sơ kỳ cận sắt ở đất Quảng Nam - Đà Nẵng (Loại hình và kỹ thuật) Luận văn tốt nghiệp Khoa Sử ĐHTH Hà Nội.
(1) Theo phân tích của Nguyễn Kim Thủy (Ban Nghiên cứu Con người và Môi trường cổ - Viện Khảo cổ học), mẩu răng còn lại là mầm răng trẻ em.
(2) Theo phân tích của Vũ Thế Long (
Ban Nghiên cứu Con người và Môi trường cổ - Viện Khảo cổ học) đó là những mảnh xương thú đã bị ăn mòn hóa học do bị chôn lâu trong lòng đất. Sơ bộ chỉ có thể xác định đây là các đốt sống thú, từ versus dịch nghĩa “
đối tác” của GS. Trần Quốc Vượng.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền