Di chỉ ruộng Đồng Cao

Thứ ba - 27/08/2013 22:33
Di chỉ Ruộng Đồng Cao được phát hiện vào năm 1998 bời người dân khi tiến hành cải tạo ruộng trồng lúa. Ngay sau khi được phát hiện, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An) đã tiến hành đào thám với diện tích 8m2.
      Năm 2009, Trung tâm đã phối hợp với khoa Sử, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội tiếp tục đào thám sát tại địa điểm này với diện tích là 15m2
 


       1. Đặc điểm khu vực di chỉ:
       Khu vực này, còn có tên gọi là Ruộng Đồng Cao, nguyên thuộc xóm Hậu Xá, làng Thanh Hà, nay là khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô, Hội An, chuyên trồng lúa và hoa màu. Toàn bộ vùng đất rộng khoảng 150.000 mét vuông.

        - Về phía Tây Bắc là dòng chảy cổ (nay chỉ còn dấu vết gọi là Rọc Gốm) cách tiếp khoảng 200m (cũng về phía Tây Bắc bên kia Rọc Gốm) là khu di chỉ cư trú và mộ táng cư dân Sa Huỳnh (Hậu Xá I).

        - Về phía Đông Bắc, đồng thời nối tiếp Rọc Gốm về phía Đông là một hói nước lớn (Ao Làng), xưa kia tiếp nhận nguồn nước dòng chảy cổ và khe ồ ồ (chảy theo hướng Bắc Nam) thông về lạch Chùa Cầu (Cầu Nhật Bản) ra sông Hội An.

       - Về phía Tây - Nam và Đông Nam là khu dân cư rộng lớn, khá lâu đời. Nơi đây (năm 1985) phát hiện được tượng đá nửa tròn, bán thân 1 vị nam thần của cư dân Cham, niên đại thế kỷ VIII, theo phong cách Khương Mỹ.

        Nhìn chung, khu vực này được tạo thành trên địa hình bãi bồi ven sông cổ, có độ nghiêng cơ bản từ hướng Tây Nam sang Đông Bắc.

        Khảo sát trên mặt đất toàn bộ khu vực, nhận thấy: Mật độ gốm sứ xuất hiện giảm dần theo độ nghiêng của vùng đất cả về số lượng, loại hình và chất liệu. ở khu vực dân cư, hiện vật có gốm đất nung (thô đấn mịn). Đặc biệt đáng lưu ý ở đây, do quá trình cải tạo đất đã để lộ khá nhiều hiện vật gốm phân bổ theo từng cụm, nằm rải rác trên toàn khu vực đất canh tác.
 

       2. Hố đào thám sát:
       - Về địa tầng: Qua sử lý vách Đông và Tây của các hố đào thấy rất rõ quá trình tạo bồi của dải đất ven sông. Độ nghiêng thoải về phía dòng chảy cổ, có nhiều khoảng trũng, dấu vết lớp đất bồi và lớp lắng đọng không đều của phù sa, cát lòng sông qua nhiều giai đoạn khác nhau. Từ mặt ruộng sâu xuống khoảng trên dưới 1m, các lớp đất chịu sự tác động khá mạnh mẽ của hiện tượng feralit hóa.

       -Về hiện vật: Tập trung chủ yếu trong lớp đất phù sa (cát pha sét). Từ hố đào qua sử lý hiện vật cho thấy đây chỉ có 1 tầng văn hóa dày từ 10-50cm, trong khoảng trũng hình lòng chảo chạy dài theo hướng Tây - Đông (bề mặt khoảng 3m, đáy 1,5m). Hiện vật tập trung chủ yếu có: gốm đất nung: thô, hơi mịn, mịn, là những mảnh của đồ đựng: nồi, vò/hũ, ấm, bát, đĩa và rất nhiều mẩu gạch vụn... lớp đất tầng văn hóa đen, lẫn nhiều tro than (than cũi) và có 1 số mẩu xương.

        Dựa trên kết quả xử lý phân loại, thống kê, mô tả, hàn gắn và vẽ kỹ thuật phục dựng... đồng thời dựa vào chất liệu, kỹ thuật, màu sắc, hoa văn trên gốm,... có thể nhận biết về các loại hình, loại hiện vật như sau:

        a) Nồi: Căn cứ vào chất liệu, kỹ thuật, màu sắc có các loại:
        - Gốm thô: Xương gốm đen, cứng lẫn nhiều cát nhỏ trắng, vàng. Aó gốm màu xám trắng, loang nổ nâu đỏ không đều, miệng rộng, loe xiên, vành miệng trơn hoặc có chỉ chìm, nổi chạy vòng quanh. Có 2 kiểu thân: có vai gãy và không có vai (xem hình: 1-1_ đáy bầu. Hoa văn: thừng thô kết hợp vạch chéo nhau không đều. Gốn thô chiếm tỷ lệ ít trong loại hình nồi (42/261 mảnh miệng nồi).

        - Gốm hơi mịn: Xương gốm màu trắng hoặc vàng nhạt, lẫn rất ít hạt cát nhỏ. Aó gốm màu nâu đỏ hoặc vàng nhạt không đều. Dáng nồi thấp. Miệng rộng, loe4 xiên, vành miệng hơi cong, không có gờ chỉ, khá đồng nhất về kiểu dáng miệng. Tạo dáng thân có hai kiểu: Có vai gãy và không có vai, đáy bầu (xem hình: 1-2). Hoa văn thừng hoặc thừng kết hợp vạch chéo hoặc vạch chéo nhau theo hình ô trám. Nhìn chung tạo nét hoa văn khá thô và đơn giản (xem bản dập hoa văn số 1). Gốm hơi mịn chiếm tỉ lệ khá lớn trong loại hình nồi (204/261 mảnh miệng nồi) và cả đối với các loại hình khác ở di chỉ này (chiếm 204/432 mảnh miệng các loại).

        - Gốm mịn: áo, xương gốm màu đỏ gạch chất liệu đất sét qua sơ chế lọc, rửa, độ nung vừa phải. Dáng thấp, miệng loe xiên thấp, vai gãy. Tại điểm gãy tiếp xúc giữa vai và thân có hai chỉ khắc chìm chạy quanh thân, đáy bầu, Aó gốm trơn, láng không hoa văn (xem hình: 2-3). Loại hình này chiếm tỷ lệ rất ít trong loại hình nồi ở đây (15/261 mảnh miệng nồi).

        b) Hũ/vò:
        Nhìn chung, về kiểu dáng loại hình này khá thống nhất là cổ ngắn, miệng đứng hoặc hơi loe, vành miệng tròn, vai tròn, thân phình rộng, đáy bằng. Kết thúc phần vai thường có 1-2 đường chỉ khắc chìm chạy vòng quanh thân (xem hình: 2-1, 2-2, 2-3, 2-4). Độ nung vừa phải. Hầu hết các vò được làm bằng đất sét qua sơ chế lọc rửa, tạo nên xương gốm mịn và chế tác bằng bàn xoay.

       Tuy nhiên, xét về màu của áo, xương gốm và hoa văn loại hình hũ lại có sự khác biệt nhau rất rõ. Có các loại hình màu nâu đỏ, vàng nhạt, xám trắng, đỏ gạch, xám đen. Gốm màu xám đen khá đanh, cứng, độ nung cao như sành, in hoa văn ô vuông. Loại không hoa văn, áo gốm bề mặt trơn láng, loại có hoa văn trang trí với hai hình thức: 1. Trang trí kiểu ký hiệu lạ trên phần vai, từ cổ xuống đường chỉ (xem hình 2-1), đây cũng là trường hợp duy nhất trong hố đào này; 2. Trang trí hoa văn in ô vuông. Hình thức in ô vuông cũng có hai dạng: to và nhỏ khác nhau. Cách in thể hiện qua một số mảnh có dấu hiệu dùng các bàn in dập hình chữ nhật (tạo thành nhiều cụm giống nhau). Một số mảnh khác ô vuông được in khá đều, không thấy giáp mí. Các loại hũ không hoa văn hoặc trang trí kiểu ký hiệu lạ có kích thước nhỏ, tỷ lệ cân đối, đẹp. Riêng loại có hoa văn in ô vuông ngoài loại nhỏ còn có loại kích thước lớn hơn.

     c) Ấm: Qua kết quả xử lý và dựa vào những mảnh miệng được gắn ghép cho biết: ở đây có bốn hiện vật khác nhau. nhưng duy nhất có một cái cũng chỉ vẽ được từ phần phình bụng của ấm trở lên. ấm có áo gốm màu nâu đỏ, hồng nhạt không đều, xương gốm hơi mịn có lẫn nhiều hạt cát nhỏ, phần vẽ dựng được không có hoa văn. Miệng loe được tạo thành do mặt trên vành miệng lõm hình lòng máng, gờ miệng tròn, cổ thắt lại so với thân phình rộng. Thân ấm hình cầu, có vòi, không thấy quai (xem hình vẽ 3a). Do mất nhièu phần đáy nên không biết rõ được hình dáng toàn bộ của ấm.

      d) Bát: Với số lượng mảnh ít và thường khó phân biệt với mảnh thân của loại hình khác, nhất là đĩa (ngoại trừ mảnh miệng). Bát được làm từ đất sét qua sơ chế lọc rửa, xương gốm mỏng, mịn có áo và xương gốm màu đỏ gạch hoặc vàng nhạt không có hoa văn, dáng thấp, miệng loe rộng hoặc hơi khum, đáy  bằng. Tuy nhiên, ở đây, giữa các hiện vật cụ thể, tạo dáng giữa miệng, thân, đáy vẫn có những nét riêng, không đồng nhất (xem hình 4: a, b, c, d).

      đ) Đĩa: Tình trạng về số lượng mảnh, chất liệu và màu gốm giống như bát, không trang trí hoa văn nhưng có thêm chất liệu khác là gốm màu đen, độ nung cao, đanh cứng như sành. Về kiểu dáng cơ bản có hai dạng khác nhau: Miệng loe, thân bầu, đáy bằng và miệng thành đứng , gần về đáy bầu còn có đáy bằng nhưng mặt dưới đáy lõm vào tạo cho mặt trên đáy lồi lên.

      e) Vung (nắp đậy): Phần lớn bị vỡ nát vụn nhưng qua xử lý gắn ghép cho biết gốm mịn hoặc hơi mịn, màu đỏ gạch, vàng nhạt hay hồng nhạt. Núm có 2 kỷ thuật chế tác khác nhau. Loại nhỏ làm bằng tay, loại lớn làm bằng bàn xoay. Nắp (vung) có 2 kiểu dáng:

      Kiểu 1: Thân khum hình cầu úp, thấp, mgờ miệng loe xiên, vát hoặc tròn (gần như đĩa úp), giữa vành miệng và thân thường có chỉ chìm chạy vòng quanh.

     Kiểu 2: Từ núm ra vành miệng cong dần lên, vành miệng lại hơi khum, cong xuống. Về phía gần miệng có 2 băng đường chỉ chìm chạy vòng quanh núm, mỗi băng 3 đường , nét không đều. Khoảng giữa của 2 băng có hoa văn hình sóng nước với 3 đường chỉ uốn lượn song song nhau.

      f) Các hiện vật khác:
     - Chân đế: Chỉ còn lại duy nhất một phần thân trong hố, hình trụ tròn, có thể là "Chân đế bát bồng", đất nung đỏ, xương gốm mịn, được chế tác bằng bàn xoay (xem hình: 7) và một số chân đế thấp, gốm hơi mịn, không rõ của loại hình gì? nhưng nơi liên kết giữa đế và thân đồ gốm ở đây.

     - Đầu ngói ống: Bằng gốm đất nung đỏ, xương gốm hơi mịn, chỉ còn 2/3, vẽ hình "mặt nạ".

     - Đĩa bằng đồng: Tuy bị phân hủy, nát vụn không thể lấy lên mặt đất được, nhưng do được nằm ngửa khá cân bằng với mặt đất trong hố đào nên chúng tôi có thể nhận biết và đo được: Cao: 5,5cm; đường kính: 22cm; Dày khoảng 2mm.

      - Hạt chuối thủy tinh: Có 4 hạt nằm rơi vãi trong tầng văn hóa.

     - Gạch: Đã bị vỡ vụn, nằm lẫn trong hố đào (không có viên nguyên), màu đỏ nhạt, độ nung không đều, có lẫn cát lớn.
 

      Nhận xét và kết luận
      Về hiện vật:
      - Chất liệu: Điều đáng lưu ý ở đây là loại gốm thô chỉ còn chiếm tỷ lệ ít những nhìn chung đã mịn hơn và cứng hơn so với gốm thô Sa Huỳnh. Trong khi đó loại gốm hơi mịn lại chiếm tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, cả hai loại gốm này chỉ xuất hiện trong 1 loại hình chủ yếu là nồi. Còn loại gốm mịn tuy chiếm tỷ lệ rất ít trong loại hình nồi nhưng lại có mặt trên tất cả loại hình gốm ở đây.

      - Về tạo dáng vẫn là các loại hình: Nồi, bát, bát bồng, đĩa nhưng đã có sự khác biệt so với đồ gốm loại hình này trong Văn hóa Sa Huỳnh. Mặt khác, lại xuất hiện các loại hình mới như hũ/vò, ấm (kendi), ngói, gạch.

      - Hoa văn trên gốm đã có sự thay đổi về ý tưởng, đề tài. Hoa văn thừng, chải, vạch chỉ còn trang trí trên loại hình nồi, nhưng cách thể hiện khá thô, có tính chất qua loa, phần lớn các loại hình khác, hiện vật với áo gốm trơn láng ùng các đường chỉ chìm, nổi chạy quanh than hoặc vành miệng. Hoặc kết hợp có những ký hiệu lạ trên phần vai của hiện vật. Hoa văn in ô vuông (kiếu Hán -kỷ hà ấn văn đào) đã xuất hiện khá phong phú trên loại hình hũ/vò với loại gốm màu vàng nhạt, nâu đỏ và xám đen, đanh cứng, với cách thể hiện to, nhỏ có khác nhau nhưng nhìn chung khá sắc sảo, rõ nét, thẻ hiện ý tưởng rất được ưa chuộng.

    - Cùng với những hiện vật gốm nói trên, sự có mặt và xuất hiện của hạt chuỗi thủy tinh, đĩa đồng theo kiểu Hán (Trung Quốc thế kỷ I-II sau Công nguyên, gạch... trong di chỉ này, cho chúng ta nhận thấy: vẫn có sự nối tiếp so với giai đoạn văn háo Sa Huỳnh muộn, nhưng đa có sự chuyển hóa và tính chuyển hóa ở đây khá mạnh mẽ, tạo nên sự khác biệt rõ nét trên tất cả các mặt về loại hình, kiểu dáng, chất liệu, màu gốm và hoa văn.

    Về địa tầng - tầng văn hóa: Qua địa tầng thể hiện rõ nguyên xưa đây là một dải đất cát, bãi bồi ven sông cổ, không ổn định, được tạo bồi qua nhiều giai đoạn khác nhau. Tầng văn hóa mỏng, ổn định, khá đồng nhất, thể hiện rõ 1 địa điểm di chỉ cư trú bên thềm sông cổ chỉ trong 1 giai đoạn nhất định. Nhưng, chắc chắn di chỉ này có mối quan hệ tiếp nối hoặc cùng thời với các điểm di tích khác trong khu vực kể cả bờ Nam và bờ Bắc của dòng chảy cổ ở đây như Hậu Xá, Thanh Chiếm, An Bang, Trảng Sỏi, Đồng Nà, Xuân Lâm...

    Về niên đại: Qua xử lý hiện vật và so sánh đối chiếu với các di tích khác nhất là Trà Kiệu (Duy Xuyên), Đồng Nà, Di chỉ Hậu Xá I...(Hội An) ta thấy ở đây có sự tương đồng về chất liệu, màu sắc, loại hình và hoa văn trên gốm. Đặc biệt, có thể nói là khá trùng khớp với tầng văn hóa II của di chỉ Trà Kiệu (Duy Xuyên). Chúng tôi đoán định niên đại của di chỉ này khoảng thế kỷ II-IV sau Công nguyên (Tương đương thời kỳ văn hóa ChamPa).

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây