Thông tin về nhà bà Huỳnh Thị Liêu, xã Cẩm Kim

Thứ sáu - 01/12/2023 03:18
Cẩm Kim là một trong những xã/phường của thành phố Hội An có lịch sử khá lâu đời. Tên xã Cẩm Kim ra đời vào năm 1956. Trước đó, Cẩm Kim được gọi là làng/xã/châu Kim Bồng. Làng Kim Bồng được khai lập vào khoảng thế kỷ 16 bởi những bậc tiền hiền của bốn tộc họ tiên khởi là Huỳnh, Nguyễn, Phan, Trương. Trước đây, cư dân Kim Bồng sinh sống bằng nhiều nghề, trong đó nổi tiếng là nghề mộc và nghề buôn.
nha ba huynh thi lieu
Mặt tiền nhà bà Huỳnh Thị Liêu - Ảnh: Hồng Việt
 
      Nhờ vậy mà đời sống kinh tế của cư dân tương đối khá giả, nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng được dân cư xây dựng. Ngoài ra, còn có nhiều công trình kiến trúc dân dụng (nhà ở) có giá trị cũng được dựng nên. Các nghệ nhân tài hoa của làng mộc Kim Bồng đã ghi dấu đậm nét trong các công trình kiến trúc khu phố cổ Hội An và cả các công trình kiến trúc ngay trên chính quê hương họ, đặc biệt là nhà ở truyền thống. Trong số các ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống (hoặc trước đây là nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống, nay đã bị cải tạo lại một phần) hiện còn ở xã Cẩm Kim có nhà bà Huỳnh Thị Liêu, tọa lạc tại thôn Phước Trung.
      Gia đình bà Liêu[1] là dân gốc, cư trú ổn định tại xã Cẩm Kim, tổ tiên, ông bà đã sinh sống ở đây nhiều thế hệ (tộc Huỳnh của bà Liêu cùng chung tộc với tộc Huỳnh của ông Huỳnh Ri, là một trong bốn tộc tiền hiền ở Cẩm Kim). Ngôi nhà do ông Huỳnh Kim Tại (là ông nội bác của bà Liêu) khởi dựng nhưng không rõ niên đại. Bà Liêu không nhớ rõ ông làm nghề gì. Ông Tại không lập gia đình, không có con cái nên để lại ngôi nhà cho em trai là ông Huỳnh Kim Ẩn. Ông Ẩn (làm thợ may) là ông nội, ông Huỳnh Kim Cư (làm thợ mộc) là cha của bà Liêu. Nhà do thợ Kim Bồng thi công, xây dựng. Theo lời bà Liêu, người dân địa phương thường lấy tên người con đầu tiên trong gia đình để gọi tên cha mẹ, vì vậy, họ hay gọi là “Nhà ông Liêu” thay vì nhà ông Cư. Bà Liêu được thừa kế ngôi nhà này sau khi cha bà – ông Cư mất. Ngôi nhà này trước đây dùng để ở và thờ tự. Sau khi xây dựng thêm ngôi nhà mới bên cạnh thì gia đình bà không ở trong ngôi nhà này nữa, chỉ dùng để thờ tự ông bà tổ tiên và tiếp khách quý mà thôi. Vì nhiều lý do, gia đình không có lưu giữ tư liệu hay hình ảnh gì về ngôi nhà. Dựa vào kiểu dáng, kết cấu kiến trúc của ngôi nhà và những thông tin thu thập được về lịch sử di tích, xin tạm đoán ngôi nhà này được xây dựng cách đây khoảng 100 năm (khoảng đầu thế kỷ 20).
Ngôi nhà có mặt tiền xoay hướng Đông Nam, gồm nhà chính nằm giữa khuôn viên và nhà phụ nằm phía bên trái nhà chính (theo hướng quy ước), là ngôi nhà mới 2 tầng. Trước nhà có hàng cau trồng dọc theo hàng rào. Sân trước hẹp, trồng một số cây cảnh để trang trí, bên phải nhà trồng nhiều chuối, phía sau là bụi tre. Chung quanh nhà là khung cảnh ruộng lúa, đồng quê thanh bình.  

      Theo lời bà Liêu, kể từ thời điểm ông Huỳnh Kim Tại khởi dựng ngôi nhà này, hệ khung gỗ chịu lực của ngôi nhà được giữ gần như nguyên vẹn đến bây giờ. Trước đây ngôi nhà được bao che bằng vách phên tre, trét đất sét. Sau này ông Cư có sửa lại một lần (không nhớ rõ thời điểm sửa nhà), thay vách phên tre bằng tường xây, láng nền xi măng. Bà Liêu sửa lại nhà vào khoảng năm 2005, tô trát tường, quét vôi, thay toàn bộ rui, ngói, lát nền gạch. Cửa đi hiện giờ mới được làm lại sau năm 1975, bộ cửa nguyên gốc đã bị hư hỏng.

      Nhà chính hiện trạng có kiểu thức nhà 3 gian 2 chái, hệ khung chịu lực (cột, kèo, xiên, trính) bằng gỗ (chưa xác định được chủng loại gỗ), tường xây, nền lát gạch, mái ngói âm dương. Nhà có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước: 8,62m x 6,61m. Ba gian có kích thước gần như bằng nhau.

      Toàn bộ cột có tiết diện tròn, chân cột chôn xuống nền nhà, không có đế đá tán (chỉ có hàng cột hiên ở vách gỗ mặt tiền có chân đá tán). Cột hiên xây gạch (có thể trước đây cột hiên cũng là cột gỗ, tuy nhiên vị trí này thường xuyên chịu tác động trực tiếp của mưa nắng, cột gỗ bị hư hỏng, được làm lại bằng cột gạch). Trên thân các hàng cột nhất tiền, nhì tiền có nhiều lỗ mộng với nhiều kích thước khác nhau, chứng tỏ nhiều cấu kiện gỗ liên kết các cột trước đây có, nay không còn. Hai cột nằm sát tường biên ở hàng cột nhất tiền đã bị cắt bỏ phần bên dưới, hiện chỉ còn lại một đoạn ngắn, chân cột gác trực tiếp lên thanh xiên, nhìn cột giống như trụ đội (có thể phần cột bên dưới đã bị hư hỏng, mục nát nên bị cắt bỏ). Một số cột ở hàng cột nhất hậu, nhì hậu cũng có những thay đổi. Tường bao có bổ trụ bằng gạch dọc theo tường biên hai bên và phía sau, tại vị trí những cột đã mất.

      Kèo có dạng kèo kẻ chuyền (ở 3 gian giữa, lòng nhất và lòng nhì trước, lòng nhì sau chỉ gồm một thanh kèo suốt ở mỗi trục). Mỗi thanh kèo kẻ chuyền ở lòng ba trước (3 gian giữa) được tạo dáng thanh mảnh, uốn cong vừa phải, thuôn dần về bên trên, có chạm trổ một số họa tiết trang trí ở đầu và đuôi kèo khá đẹp. Do các thanh kèo khu vực này dễ nhìn thấy nhất nên được làm chăm chút, tỉ mỉ hơn các thanh kèo ở các vị trí khác. Các kèo ở phía sau, kèo đấm, kèo quyết thì không có chạm khắc gì. Phần kèo ở hiên rất đơn giản, gồm một thanh gỗ nhỏ, tiết diện chữ nhật làm trính, một đầu gối lên cột gạch ở hiên, một đầu liên kết mộng với cột tam tiền. Giữa trính có trụ đội tiết diện chữ nhật đỡ đòn tay bên trên. Trính, xiên thẳng, được bào xoi thành một đường gờ nổi, không có chạm khắc hoa văn trang trí.

      Phía trước nhà mở ra sân bằng hệ thống cửa gỗ, ba mặt còn lại là tường gạch bao che. Hệ vách gỗ mặt tiền gồm 3 bộ cửa đi 4 cánh pano gỗ ở mỗi gian, cửa mở ra ngoài. Tại tường biên lòng nhì trước có trổ 2 cửa đi 01 cánh để đi ra hai bên hông nhà, tuy nhiên cửa đi ở tường biên hướng Tây đã bị xây bít bằng tường gạch, tạo ô hộc trang trí (còn để lộ đà gỗ đầu cửa); cửa hiện còn là cửa pano gỗ. Chủ nhà trổ một cửa đi khác ở tường biên lòng nhất, ngay bên cạnh cửa đi đã bị bít để thay thế. Tường biên xây ở chái bao ra khu vực hiên tạo thành phòng lồi 2 bên (nhìn từ mặt tiền). Ở mỗi chái có bộ cửa sổ một cánh bằng gỗ và tôn.

      Về bố trí không gian chức năng: ba gian giữa dùng làm nơi thờ tự; trước bàn thờ gian chính giữa đặt bộ bàn ghế gỗ để tiếp khách. Giữa 2 cột lòng nhất ở gian bên (tiếp giáp gian chái) có vách ván gỗ. Vách gỗ này cùng với tường ngăn bên bằng gạch ở gian thờ (trên cùng một trục) tạo thành tường ngăn của kho ở 2 chái hai bên. Hiện nay, bên trong di tích còn treo bức hoành phi gỗ có nền sơn đỏ, viền đen chạm hồi văn, khắc 3 chữ nhụ vàng: 黄 祠 堂 (Huỳnh (Hoàng) từ đường), không có lạc khoản.   

      Bàn thờ được đặt ở 3 gian giữa, tiếp giáp với tường biên phía sau, nền gian thờ được nâng cao so với nền nhà để phân định không gian chức năng. Bệ thờ xây bằng gạch (do nằm trong khu vực thấp lụt), quần bàn quét vôi màu. Bệ thờ chính giữa xây cao hơn bệ thờ 2 gian bên. Ngăn cách gian thờ với 2 chái 2 bên là các mảng tường gạch. Các bàn thờ gồm:

+ Gian chính giữa: thờ Phật (tranh thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tượng Quán Thế Âm Bồ Tát).
+ Gian bên trái: thờ ông bà tổ tiên, cha mẹ.
+ Gian bên phải: thờ phổ hệ.

      Bàn thờ Phật có khám thờ bằng gỗ, chạm trổ rất cầu kỳ với nhiều đồ án khác nhau. Trán thờ có khắc 3 chữ: 致 中 和 (Trí Trung Hòa). Hai bên khám thờ có cặp câu đối:

      萬 古 剛 常 朱 子 筆
      一 腔 心 事 素 王 知
      Phiên âm: Vạn cổ cương thường Chu tử bút - Nhất xoang (khang) tâm sự Tố vương tri[2].

      Bàn thờ ông bà tổ tiên ở hai bên không có khám thờ. Tường phía sau và tường bên bàn thờ được trang trí bằng các ô hình chữ nhật theo phương vị đứng tô vẽ các màu vôi khác nhau. Chính giữa tường bàn thờ gian trái đắp nổi chữ 福 (Phúc) sơn nhụ vàng, phía gian phải là chữ 壽 (Thọ).

      Ngôi nhà do gia đình bà Liêu quản lý, thường xuyên được dọn dẹp vệ sinh, trông nom hương khói. Hiện nay, ngôi nhà không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự ông bà, tổ tiên của gia đình mà còn có chức năng như nhà thờ tộc của một phái/chi nhỏ của tộc Huỳnh.  

      Di tích vẫn còn giữ được nhiều nét của một ngôi nhà ở làng quê truyền thống, có giá trị cao về mặt kiến trúc nghệ thuật, thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân mộc Kim Bồng nơi đây, còn bảo tồn được nhiều yếu tố mỹ - kỹ thuật, cách thức bố trí công năng sử dụng bên trong nhà... Đây là nguồn cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc truyền thống và nếp sống, sinh hoạt của cư dân địa phương, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình kiến trúc nghệ thuật ở Hội An nói chung và Cẩm Kim nói riêng.

      Di tích được ghi vào Danh mục bảo vệ của Thành phố năm 2008. Hiện nay, tại di tích có đặt bảng thông tin bằng song ngữ Việt – Anh để du khách có thể hiểu rõ hơn về giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa của di tích. Bảng thông tin do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An thực hiện.
 
[1] Bà Huỳnh Thị Liêu sinh năm 1940, năm nay 83 tuổi.
[2]. “Chu tử” tức là Chu Hy, một đại Nho nổi tiếng thời Tống, người ta tôn trọng nên gọi là Chu tử, ông có tác phẩm Chu tử trị gia cách ngôn nổi tiếng và nhiều trước tác khác. Những người học Nho hay có câu chỉ về Nho giáo như: cửa Khổng, sân Trình, Chu tử bút...
- Xoang có nghĩa là lồng ngực, là tấm lòng.
"Tố vương" là vua không ngai, ám chỉ Khổng Tử. Việc này liên quan đến điển tích "lân thổ ngọc thư" tức là lân phun sách ngọc, liên quan đến sự kiện ra đời của Khổng Tử tại nước Lỗ ngày xưa, nay là tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Có thể nhận thấy câu đối trên khám thờ liên quan đến Nho giáo, nhưng chủ thần thờ lại là Phật. Việc câu đối và chủ thần thờ không khớp nhau cũng khá phổ biến bởi nhiều lý do: do dùng khám cũ, thấy đẹp là dùng để thờ; do ngày xưa có sẵn khám thờ cũ rồi thỉnh thêm tượng Phật về thờ luôn vào...

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây