Sắc phong làng Để Võng
Thứ hai - 23/10/2023 04:20
Di sản Hán Nôm là một trong những nguồn tư liệu thành văn rất quan trọng để nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Việt Nam nói chung, về Hội An, Quảng Nam nói riêng từ giữa thế kỷ XX trở về trước.
Qua công tác sưu tầm, xử lý, thống kê và phân loại cho thấy di sản Hán Nôm Hội An vô cùng phong phú và đa dạng, gồm các thể loại từ văn bằng, khế ước, địa bạ, văn tế, bộ đinh, gia phả, câu đối, thơ vịnh, sách kinh,... cho đến các sắc phong, chiếu chỉ của triều đình. Trong đó, sắc phong là bộ phận di sản tư liệu đặc biệt bởi đây là văn bản do Hoàng Đế, người đứng đầu triều đình phong kiến phong/ban tặng cho các vị thần và người có công,... Tại Hội An, hầu hết các sắc phong thần được thờ tự, bảo quản tại đình, lăng, miếu; sắc phong cho người có công được bảo quản, lưu giữ ở nhà thờ tộc họ hoặc tại các gia đình.
Ở Hội An hiện còn lưu giữ khá nhiều bản gốc sắc phong thần, tiêu biểu nhất là 17 sắc phong của làng Để Võng được lưu giữ tại nhà thờ tộc Nguyễn Viết, phường Cẩm Châu. Trong bài viết này chúng tôi xin được thông tin bộ sắc phong này đồng thời phiên âm và dịch nghĩa giới thiệu một số sắc phong tiêu biểu.
1. Thông tin về lịch sử - văn hóa làng Để Võng
Làng Để Võng nay chủ yếu thuộc khối Sơn Phô I, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An. Làng/xã Để Võng là một trong những làng/xã người Việt hình thành sớm ở Hội An.
Về vị trí, làng Để Võng trước năm 1945 nằm ngay giữa con đường tỉnh lộ số 99. Từ một bên là đồn khố xanh, một bên nhà thương Faifo, dọc theo con đường này về hướng Cửa Đại phải đi qua hai cái cống vôi. Làng Để Võng có chiều rộng khoảng 400 thước Tây, chiều dài khoảng 450m dọc theo con đường tỉnh lộ.
Về sự hình thành của làng, trong Quảng Nam xã chí cho biết: theo lời truyền khẩu và giấy tờ để lại, làng Để Võng thành lập từ thời nhà Hậu Lê. Làng còn giữ nhiều bộ thủy điền, địa bộ, cùng đinh bộ năm Thịnh Đức thứ 7 (1655). Trong đó, có 1 quyển thủy điền năm Thịnh Đức thứ 7 (1655), 1 quyển thủy điền năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755), và 4 quyển thủy điền năm Gia Long thứ 11 (1812), thứ 12 (1813), thứ 13 (1814); và địa bộ năm Gia Long thứ 13 (1814).
Đặc biệt, trong làng có sao lại một tờ giấy khai vào năm Khải Định thứ 9 (1924), có tất cả các vị Hương chức và Lý trưởng Trần Duy Phúng đứng chứng nhận rằng: Ông Nguyễn Viết Lệ trước đời Thịnh Đức, đi lính thủy binh vào đây, thấy vùng đất này có thể sinh sống được nên khai trưng ra nhiều thủy điền và lập ra xã hiệu là Để Võng thôn. Hiện mộ địa của ông trong làng và con cháu vẫn còn lưu truyền đến nay. Vì vậy, các Hào mục, Hương chức đều công nhận vị này là Tiền hiền. Đến năm Thịnh Đức[1] thứ 10 (1657), có 2 ông là Đoàn Thế Vinh và Nguyễn Viết Phú (con ông Nguyễn Viết Lệ) khai trưng thêm thủy điền và có địa bộ ghi chép. Vì vậy, làng Để Võng xem 2 người này là Hậu hiền của làng”[2].
Theo văn bia thủy tổ tộc Nguyễn Viết ở nhà thờ tộc Nguyễn Viết tại Khối Sơn Phô I, phường Cẩm Châu, ghi: “Như cây có cội, nước có nguồn, con người cũng có tổ có tông. Tiền hiền làng Để Võng là Cụ Nguyễn, người gốc Nghệ An, theo nhà Lê tòng quân xuống phía Nam đến đất Quảng Nam, ông thấy cảnh vật ở đây, nghĩ rằng có thể dựng được cơ nghiệp lâu dài. Ông tập trung những ngư dân ở đất phù sa lập lại thành xã hiệu dần dần trở thành làng mạc. Kể từ đời Thịnh Đức (1653 - 1657), Cảnh Trị (1663 - 1671), các vị về sau tiếp tục khai khẩn lập nên địa bạ nhưng vẫn coi ông tiền hiền tộc Nguyễn là người đầu tiên lập làng”[3].
Có thể thấy, qua thông tin ghi trong Quảng Nam xã chí, cũng như căn cứ vào văn bia thủy tổ tại nhà thờ tộc Nguyễn Viết, có thể xác định bước đầu làng/xã Để Võng hình thành vào khoảng giữa thế kỷ XVII, thời vua Lê Thần Tông trị vì (khoảng thời gian trước 1653).
Về hành chính, theo địa bạ làng Để Võng năm Gia Long thứ 13 (1814) cho biết, xã Để Võng thuộc tổng Thanh Châu, thuộc Võng Nhi, phủ Điện Bàn. Dưới thời vua Đồng Khánh, xã Để Võng thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Để Võng là 1 trong 18 làng xã của thị xã Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1946, sau khi bầu cử Quốc hội khóa I thành công, thực hiện chủ trương hợp nhất của Chính phủ VNDCCH, thị xã Hội An chia làm 8 khu phố, làng Để Võng thuộc Khu 5 - Nguyễn Bính. Tháng 3/1951, Hội An chia thành 5 đơn vị hành chính mới, làng Để Võng thuộc Khu Bắc. Tháng 7/1956 đến năm 1962, làng Để Võng thuộc xã Cẩm Châu, quận Điện Bàn[4]. Từ năm 1976 đến nay, Để Võng là một trong những làng/khối thuộc xã/phường Cẩm Châu, thị xã/thành phố Hội An.
Về lịch sử - văn hóa của làng Để Võng, qua hồi cố và những ghi chép trong Quảng Nam xã chí, đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về làng trước năm 1945. Dân số làng Để Võng khoảng trên 200 người. Nghề nghiệp của dân làng chủ yếu là nghề đánh cá, nghề lưới, và có một số người làm nghề nông và các nghề khác. Làng có lúa, khoai, và các thực phẩm khác nhưng không đủ tiêu thụ cho dân làng, phải mua của các làng khác.
Làng được lấy thuế trên 6 sở thủy điền của những người đánh cá trên những con sông từ Cửa Đại đến Hà Bản, từ Cửa Đại đến Trà Nhiêu,… vì thủy tổ của làng trước đây trưng canh những thủy điền này, truyền đến bây giờ nên nhà nước cho dân làng có quyền kiểm soát tiền thuế khóa trên những con sông ở trên và những con sông từ Tĩnh Thủy xuống Phú Quý, từ Cồn Si đến cửa An Hòa (Tam Kỳ). Vì vậy, thổ sản của làng là cá tôm.
Trong làng có đình Để Võng, nơi thờ tự và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng chung: Từ Đồn lính khố xanh, dọc theo con đường tỉnh số 99, xuống Cửa Đại khoảng 800 thước Tây sẽ thấy đình làng Để Võng. Đình nằm bên trái của con đường, sau một đám ruộng. Đình có nhà Đông và nhà Tây. Gian giữa là tiền đường. Gian trong đình, bên trái là bàn thờ Tiền hiền, bên phải là bàn thờ Hậu hiền. Gian nhỏ trong cùng là hậu tẩm thờ thần, có bài vị ghi tên những vị thần. Trong đình có một cái hương án. Trước đình có một bình phong, bên trái là tượng con rùa bằng đá, bên phải là tượng con lân bằng vôi gạch. Đình làng tương truyền trước đây làm bằng tranh trên mảnh đất bây giờ làm nhà Hội hương, quay mặt về hướng Đông. Đình lợp ngói lại và đổi tên vào năm Đinh Hợi, trùng tu vào năm Nhâm Thân.
Về việc tế lễ, mỗi năm làng tổ chức cúng tế ở đình 3 kỳ: lễ cúng mồng 10 tháng Giêng gọi là tống ôn, chủ yếu cúng trầm trà hoa quả nhằm để cầu yên trong làng. Lễ cúng ngày rằm tháng 3, lễ vật cúng là heo (2 con), một con dùng để cầu thần cho dân làng đánh bắt được nhiều cá, còn 1 con cúng vị Tiền hiền để tưởng nhớ công ơn người đời trước khai khẩn lập làng. Lễ cúng ngày rằm tháng 8, chủ yếu cúng trầm trà hoa quả để cầu yên cho dân làng.
Tại chùa Âm linh, mỗi năm cúng mội kỳ, vào ngày rằm tháng 4. Tùy vào từng năm, lễ vật cúng dùng heo hoặc cúng chay. Vào dịp cúng này, trong làng có tục lệ đi giảy cỏ mộ.
Về phong tục tập quán của làng, cũng tương tự các làng bên cạnh. Đối với việc cưới hỏi, nếu người con trai và con gái đều sinh sống trong một làng, thì không nộp tiền cưới và làm lễ trình làng. Nếu người con trai là người khác làng phải trình với làng một mâm cau trầu rượu. Lệ cưới ở làng phải có đủ 3 lễ gồm lễ vấn danh, lễ sính, lễ cưới.
Về việc tử táng và tang chế, nếu người dân trong làng có người chết thì đến trình làng 1 mâm cau trầu rượu, làng sẽ cho đất chôn, không phải nộp tiền mộ địa. Làng có tục lệ đi phúng điếu cho người có công đức với làng và giúp cho những người nghèo khổ thiếu thốn. Về việc tang chế thì theo như các làng khác.
Về việc cai trị trong làng, thì có Chánh phó ban thường trực, Hội đồng Hào mục cùng Ngũ hương, mỗi tháng tổ chức họp 2 kỳ để xét xử những việc kiện cáo, tranh chấp. Nếu làng xét ra người nào vi phạm nặng hay bất tuân luật lệ thì sẽ giải quan nghiêm trị.
Có thể nói, qua ghi chép trong Quảng Nam xã chí và tư liệu lịch sử, cho thấy làng Để Võng là một trong những làng/xã hình thành khá sớm ở Hội An trong lịch sử. Những thông tin chi chép trong Quảng Nam xã chí đã khắc họa những nét đặc trưng, riêng biệt về lịch sử - văn hóa làng Để Võng xưa.
2. Sắc phong làng Để Võng
2.1. Tổng quan về sắc phong làng Để Võng
Trong những năm qua, chúng tôi đã sưu tầm được 321 đơn vị sắc phong, trong đó có 252 sắc phong thần kỳ cho 29 vị thần, và 69 sắc phong cho 36 nhân vật có công trạng. Trong các sắc phong này, có 121 bản sắc gốc[5] và 200 bản sao lại trong Quảng Nam tỉnh tạp biên[6] (gồm làng Thanh Hà - ký hiệu A3116/1; làng Hội An và Cẩm Phô - ký hiệu A3116/2; làng Minh Hương và Sơn Phong - ký hiệu A3116/3; các Làng An Mỹ, Sơn Phô, Để Võng, Tân Hiệp, Thanh Nam, Thanh Đông - ký hiệu A3116a/4).
Qua quá trình sưu tầm tư liệu, chúng tôi đã tiếp cận được 17 sắc phong gốc của làng Để Võng xưa, hiện đang được bảo quản tại nhà thờ tộc Nguyễn Viết, khối Sơn Phô I, phường Cẩm Châu. Dựa vào các sắc phong khảo sát được tại thực địa, cũng như dựa vào Quảng Nam xã chí[7] và Quảng Nam tỉnh tạp biên[8], phần ghi chép về làng Để Võng cho thấy, số lượng sắc phong làng Để Võng hiện lưu tại nhà thờ tộc Nguyễn Viết và ghi chép trong 2 nguồn tư liệu trên tương đồng nhau, cụ thể như sau:
Stt |
Nội dung sắc phong |
Niên đại |
Dài
(cm) |
Rộng
(cm) |
Viền
(cm) |
Dấu triện[9]
(cm) |
1 |
Thái Giám
Bạch Mã |
17 tháng 9 năm
Minh Mạng thứ 7 |
132,8 |
50 |
2,9 |
10,8x10,8 |
2 |
Thành Hoàng |
17 tháng 9 năm
Minh Mạng thứ 7 |
131,5 |
50,4 |
2,8 |
10,8x10,8 |
3 |
Thành Hoàng |
12 tháng 4 năm
Thiệu Trị thứ 3 |
132,5 |
51 |
3 |
13,7x13,7 |
4 |
Thái Giám
Bạch Mã |
12 tháng 4 năm
Thiệu Trị thứ 3 |
132,5 |
50,5 |
3 |
13,7x13,7 |
5 |
Thành Hoàng |
14 tháng 5 năm
Thiệu Trị thứ 3 |
133 |
50,4 |
3 |
13,7x13,7 |
6 |
Thái Giám
Bạch Mã |
14 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3 |
132,7 |
51 |
3,1 |
13,7x13,7 |
7 |
Thành Hoàng |
25 tháng 9 năm
Tự Đức thứ 3 |
153,7 |
49,5 |
3,2 |
13,7x13,7 |
8 |
Thái Giám
Bạch Mã |
25 tháng 9 năm
Tự Đức thứ 3 |
137,2 |
50,4 |
3 |
13,7x13,7 |
9 |
Thái Giám
Bạch Mã |
24 tháng 11 năm
Tự Đức thứ 33 |
132 |
50 |
3,2 |
13,7x13,7 |
10 |
Thái Giám
Bạch Mã, Thành Hoàng |
1 tháng 7 năm
Đồng Khánh thứ 2 |
130 |
49,8 |
2,8 |
13,7x13,7 |
11 |
Thái Giám Bạch Mã, Thành Hoàng |
11 tháng 8 năm
Duy Tân thứ 3 |
130 |
49,5 |
3,2 |
13,7x13,7 |
12 |
Ngũ Hành tiên nương, Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương |
8 tháng 6 năm
Duy Tân thứ 5 |
127 |
51,3 |
3,2 |
13,7x13,7 |
13 |
Tứ Dương
tôn thần |
18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 |
130 |
51 |
3 |
13,7x13,7 |
14 |
Bích Sơn
tôn thần |
18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 |
127 |
51,2 |
3,2 |
13,7x13,7 |
15 |
Thái Giám
Mộc Thọ |
18 tháng 3 năm
Khải Định thứ 2 |
128,7 |
51 |
2,9 |
13,7x13,7 |
16 |
Thái Giám Bạch Mã, Thành Hoàng, Thái Giám Mộc Thọ, Tứ Dương tôn thần, Bích Sơn |
25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 |
126 |
51,5 |
2,7 |
13,7x13,7 |
17 |
Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương, Ngũ Hành tiên nương |
25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 |
126 |
51,3 |
2,7 |
13,7x13,7 |
Theo bảng thống kê cho thấy, trong 17 sắc phong, có 12 sắc phong riêng cho từng vị thần, còn lại 5 sắc phong chung cho các vị thần. Thần có số lần sắc phong nhiều nhất là Thái Giám Bạch Mã với 8 lần, Thành Hoàng với 7 lầnTứ Dương tôn thần, Bích Sơn tôn thần, Thái Giám Mộc Thọ, Ngũ Hành tiên nương, Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương, mỗi thần 2 lần sắc phong.
Về niên đại, sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) và muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924). Nhìn chung, các sắc phong làng Để Võng được bảo quản tương đối nguyên vẹn.
Qua kết quả xử lý thông tin, các sắc phong cơ bản có sự thống nhất về hình thức, nội dung, thể thức theo những quy định về sắc phong được ghi chép cụ thể trong Khâm định Đại Nam hội điện sự lệ do Nội các biên triều Nguyễn biên soạn tại các quyển 18, 19, 20 về sắc bằng, quyển 27, 28, 29, 30 về phong tặng[10]. Qua đối chiếu, các sắc phong của làng Để Võng đều thuộc thời Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Đây là những sắc phong thần, chúng đều được viết trên giấy long đằng màu vàng, kích thước bình quân dài 130cm, rộng 50cm, bên ngoài có viền hồi văn chữ vạn hoặc hoa thị, rộng 2,7-3cm, lòng giấy mặt chính vẽ long vân (rồng mây), chữ thọ, phượng hàm thọ (chim phượng ngậm chữ thọ), mặt sau vẽ tứ linh, chữ thọ, quạt lá và hòm sách…
Về nội dung, các sắc phong làng Để Võng cơ bản có 3 phần. Phần mở đầu là chữ “Sắc” hoặc “Sắc chỉ”, tiếp đó là tên của vị thần hoặc tên của địa phương và tên của vị thần. Phần giữa là lý do, mỹ tự, phẩm trật ban phong. Phần cuối là chuẩn cho địa phương y cựu phụng sự (theo lệ cũ mà thờ tự) để dụng đáp thần hưu (đền đáp ơn thần) hoặc “dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển” (ghi lại ngày vui của đất nước để làm rõ điển lệ), hoặc “thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân” (thần hãy ra sức bảo vệ dân ta), và kết thúc bằng hai chữ “Khâm tai”. Như sắc phong cho Ngũ Hành tiên nương và Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương như sau:
Sắc Quảng Nam tỉnh Điện Bàn phủ Để Võng xã phụng sự Ngũ Hành tiên nương tôn thần, Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương tôn thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị mông ban cấp sắc văn.
Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miến niệm thần hưu kỳ Ngũ Hành tiên nương trứ phong Tán hóa Mặc vận Thuận thành Hòa tự Tư nguyên Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần, Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương trứ phong Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần, đặc chuẩn y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai. Duy Tân ngũ niên nhuận lục nguyệt sơ bát nhật. (Tạm dịch nghĩa: Sắc cho thần Ngũ Hành tiên nương tôn thần, Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương tôn thần được xã Để Võng phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam thờ phụng, thần từng giúp nước cứu dân linh ứng hiển hiện, trước nay chưa được ban cấp tặng sắc. Nay Trẫm nhớ đến ơn thần, mà gia tặng mỹ tự thần Ngũ Hành tiên nương trứ phong là Tán hóa Mặc vận Thuận thành Hòa tự Tư nguyên Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần, thần Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương trứ phong là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần, đặc chuẩn cho thần được thờ phụng như cũ, để thần bảo vệ che chở dân ta. Kính thay. Ngày mồng 8 tháng 6 nhuận năm Duy Tân thứ 5 - 1909).
Hay như sắc phong cho Thái Giám Bạch Mã: Sắc Thái Giám Bạch Mã chi thần hộ quốc tỉ dân hiển hữu công đức, kinh hữu xã dân phụng sự. Phụng ngã Thế Tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải vũ, khánh bỉ thần nhân, tứ kim quang thiệu hồng đồ miến niệm thần hưu nghi long hiểu hiệu khả gia tặng Lợi vật chi thần. Nhưng chuẩn hứa Võng Nhi thuộc Để Võng xã y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai. Minh Mạng thất niên cửu nguyệt thập thất nhật. (Tạm dịch nghĩa: Sắc phong cho thần Thái Giám Bạch Mã, xưa nay giúp nước cứu dân, công đức hiển hiện rõ ràng nên được xã dân phụng thờ. Nay vua ta là đức Thế Tổ Cao Hoàng đế đã thống nhất non sông, thần và người đều vui mừng bởi cơ đồ vững mạnh, nay nhớ đến ơn thần mà gia tặng mỹ tự là Lợi vật. Nhưng vẫn chuẩn cho xã Để Võng thuộc Võng Nhi được phụng thờ như cũ, để thần che chở, bảo vệ dân ta. Kính thay. Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7 - 1826).
Về giá trị lịch sử - văn hóa: Sắc phong thần làng Để Võng là một loại tư liệu đặc biệt có giá trị về nhiều phương diện. Về lịch sử chúng là những tư liệu gốc, quý giá, chứa đựng nhiều thông tin chính xác, chân thực về tổ chức bộ máy chính quyền triều Nguyễn, sắc phong thần cũng cung cấp tư liệu chính xác, có giá trị để xác định việc thực hành tín ngưỡng ở các cộng đồng làng xã, nhất là tín ngưỡng thờ tự các vị thần bảo hộ của địa phương. Qua đó thể hiện sự thành kính, biết ơn các vị thần đã che chở cho cộng đồng dân cư khỏi thiên tai, dịch bệnh; làm ăn, buôn bán được tài lộc,…
Đặc biệt, những bản sắc phong này là tài sản vô giá của cộng đồng làng Để Võng do tiền nhân để lại, qua đó góp phần nâng cao lòng tự hào, cũng như vai trò, trách nhiệm của các thế hệ sau trong việc gìn giữ, bảo quản và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
Ngoài ra, các sắc phong của làng Để Võng còn cung cấp những thông tin quan trọng về kỹ thuật chế tác và nghệ thuật trang trí trên giấy truyền thống, đặc biệt là loại giấy long đằng, giấy dó dùng cho sắc phong, về thư pháp học, ấn triện học,… dưới thời nhà Nguyễn.
2.2. Một số sắc phong tiêu biểu của làng Để Võng
- Sắc phong Thành Hoàng
Phiên âm:
Sắc Để Võng Thành Hoàng chi thần, hộ quốc tí dân hiển hữu công đức, kinh hữu xã dân phụng sự.
Phụng ngã Thế Tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải vũ khánh bỉ thần nhân, tứ kim quang thiệu hồng đồ miến niệm thần hưu nghi long hiển hiệu khả gia tặng Bảo an chi thần, nhưng chuẩn hứa Võng Nhi thuộc Để Võng xã y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Minh Mạng thất niên cửu nguyệt thập thất nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho thần Thành Hoàng của làng Để Võng, giúp nước cứu dân công đức hiển hiện rõ ràng, cho phép dân xã được phụng thờ.
Nay Thế Tổ Cao Hoàng đế ta thống nhất non sông, người và thần đều vui mừng bởi cơ đồ vững mạnh, nhớ Đển ơn thần hiển hiệu to lớn mà gia tặng cho thần là Bảo an, nhưng vẫn chuẩn cho xã Để Võng thuộc Võng Nhi được phụng thờ như cũ, để thần bảo vệ che chở dân ta.
Kính thay!
Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7 (1826).
- Sắc phong Thái Giám Mộc Thọ[1]
Phiên âm:
Sắc Quảng Nam tỉnh Điện Bàn phủ Để Võng xã phụng sự Thái Giám Mộc Thọ tôn thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng.
Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miến niệm thần hưu trứ phong vi Túng bạt Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần. Chuẩn kỳ phụng sự thứ cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho thần Thái Giám Mộc Thọ trước nay được xã Để Võng phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam thờ phụng, có công giúp nước cứu dân, linh ứng hiển hiện rõ ràng.
Nay Trẫm nhớ đến ơn thần mà gia tặng mỹ tự Túng bạt Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần. Chuẩn cho bách tính được phụng thờ thần, để thần che chở bảo vệ dân ta.
Kính thay!
Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917).
- Sắc phong Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương
Phiên âm:
Sắc Quảng Nam tỉnh Điện Bàn phủ Để Võng xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương thượng đẳng thần, Tán hóa Mặc vận Thuận thành Hòa nhu Tư nguyên Trang huy Dực bảo Trung hưng Ngũ Hành tiên nương thượng đẳng thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự.
Tứ kim chánh trực Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật quân đặc chuẩn y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.
Khâm tai.
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.Dịch nghĩa:
Sắc chỉ cho xã Để Võng phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam trước nay thờ tự thần Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương thượng đẳng thần, Tán hóa Mặc vận Thuận thành Hòa nhu Tư nguyên Trang huy Dực bảo Trung hưng Ngũ Hành tiên nương thượng đẳng thần, có công trong việc giúp nước cứu dân, đã từng linh ứng, thần được ban cấp tặng sắc chuẩn cho phụng thờ.
Nay nhân dịp đại lễ mừng thọ 40 tuổi của Trẫm, nên ban bửu chiếu đàm ân lẽ long đăng trật cho thần, đều được đặc chuẩn phụng thờ theo điển lễ thờ tự quốc gia.
Kính thay!
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
- Sắc phong Tứ Dương tôn thần
Phiên âm:
Sắc Quảng Nam tỉnh Điện Bàn phủ Để Võng xã phụng sự Tứ Dương tôn thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng.
Tứ kim phi ứng cảnh mệnh miến niệm thần hưu trứ phong vi Quang ý Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần, chuẩn kỳ phụng sự thứ cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho thần Tứ Dương được xã Để Võng phủ Điện Bàn tỉnh QuảngNam phụng thờ, thần giúp nước cứu dân linh ứng rõ ràng.
Nay Trẫm vâng thừa mệnh lớn nhớ đến ơn thần, mà trứ phong là Quang ý Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần, chuẩn cho bách tính được thờ thần, để thần bảo vệ, che chở dân ta.
Kính thay!
Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917).
- Sắc phong Bích Sơn tôn thần
Phiên âm:
Sắc Quảng Nam tỉnh Điện Bàn phủ Để Võng xã phụng sự Bích Sơn tôn thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miến niệm thần hưu trứ phong vi Tú nghi Dực bảo Trung hưng hạ đẳng thần, chuẩn kỳ phụng sự thứ cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho thần Bích Sơn được xã Để Võng phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam thờ phụng, giúp nước cứu dân, linh ứng rõ ràng. Nay Trẫm vâng thừa mệnh lớn, nhớ đến ơn thần mà trứ phong là Tú nghi Dực bảo Trung hưng hạ đẳng thần. Vẫn chuẩn cho bách tính tôn kính mà thờ thần, để thần bảo vệ che chở dân ta.
Kính thay!
Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917).
Kết luận
Có thể nói, sắc phong làng Để Võng ở Hội An là nguồn tư liệu gốc có giá trị về nhiều mặt, góp phần cung cấp những thông tin quan trọng về tín ngưỡng thờ tự tại làng Để Võng nói riêng, trong các làng xã ở Hội An nói chung. Đây được xem là nguồn tài liệu tham khảo có tính chân xác, độ tin cậy cao trong nghiên cứu các loại sắc phong thời các vua nhà Nguyễn, qua đó bổ khuyết khoảng trống của chính sử cũng như hoạt động nghiên cứu lịch sử Hội An nói riêng, Việt Nam nói chung. Việc lưu giữ và bảo quản các sắc phong còn nguyên vẹn này, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của gia đình, tộc họ trong việc bảo quản tài sản vô giá của tiền nhân để lại, qua đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của thế hệ sau trong việc sao chụp, số hóa, bảo quản và phát huy lâu dài nguồn tư liệu đặc biệt này.
* Tài liệu tham khảo:
1. Địa bạ xã Để Võng. Bản sao tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
2. Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điện sự lệ, tập 2, Nxb Thuận Hóa
3. Quảng Nam xã chí, ký hiệu AJ23/7. Bản sao tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
4. Quảng Nam tỉnh tạp biên, ký hiệu A3116a/4. Bản sao tư liệu lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
5. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng.
6. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 6 - Sắc phong, Nxb Đà Nẵng.
Tại Hội An, chỉ có duy nhất 1 sắc phong cho làng Đế Võng thờ tự.
Niên hiệu vua Lê Thần Tông. Vua Lê Thần Tông trị vì lần 1 (1619 - 1643) và lần 2 (1649 - 1662). Niên hiệu Thịnh Đức (1653 - 1657).
Quảng Nam xã chí, ký hiệu AJ23/7, tr.144-146. Bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, tr.14.
Hiện lưu giữ trong các gia đình, tộc họ, di tích,… ở Hội An.
Bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
Quảng Nam xã chí, ký hiệu AJ23/7, tr.140-143. Bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
Quảng Nam tỉnh tạp biên, ký hiệu A3116a/4, tr.27-46. Bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điện sự lệ, tập 2, Nxb Thuận Hóa, tr.220-259, 330-387.
Tác giả: Phạm Phước Tịnh - Võ Hồng Việt - Lê Thị Lưu - Nguyễn Văn Thịnh
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An