Khi đặt chân đến vùng đảo Cù Lao Chàm, du khách sẽ được thưởng ngoạn một cảnh quan thiên nhiên với hệ sinh quyển đa dạng, phong phú, đồng thời du khách còn được thưởng thức những món ăn, thức uống rất dân dã, được chế biến từ nguyên liệu ở dưới biển hoặc trên rừng, rất đặc trưng của xứ đảo, như món rau rừng, rồi những món ăn được chế biến từ cá, ốc, tôm, mực… được đánh bắt từ vùng biển Cù Lao Chàm cũng rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, du khách còn được uống một thứ nước lá rất tốt cho sức khỏe, chỉ có ở Cù Lao Chàm, đó là nước lá Lao. Ngoài ra, về quà bánh thì có bánh ít, bánh su sê. Và một trong những món quà rất được du khách chọn thưởng thức tại chỗ, đồng thời không quên mang về làm quà phải kể đến đó là món mực một nắng.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó đời mình với chiếc lồng đèn, cụ Huỳnh Văn Ba (81 tuổi, ở phường Cẩm Phô, TP.Hội An) vẫn không ngừng trăn trở tìm tòi để sáng tạo ra nhiều mẫu mã lồng đèn có kiểu dáng đẹp nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách gần xa đến với phố cổ...
Với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, đình là bộ phận thiết yếu trong các công trình kiến trúc thuộc thiết chế văn hóa làng xã cổ truyền của người Việt, là hình ảnh thân quen với bao thế hệ cư dân gắn với những kỷ niệm vui buồn của cuộc sống. Ở Hội An, đình được hình thành muộn hơn so với ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, gắn liền với quá trình di dân thành lập cộng đồng làng xã người Việt ở Hội An. Theo các kết quả nghiên cứu, làng xã người Việt được hình thành sớm nhất ở Hội An đến nay được biết là làng Võng Nhi, được hình thành vào cuối thế kỷ XV. Từ thế kỷ XVI-XVIII, nhiều làng xã khác ở Hội An cũng được thành lập như làng Cẩm Phô, Hoài Phô, Hội An, Thanh Châu, Thanh Hà,…
Nhiều nhà báo, nhà văn hoá hiện nay đang nói nhiều về từ hồn phố. Hồn phố ở Hội An bàng bạc trong những đình, chùa, ngõ hẽm…trong những con người thành đạt và cũng có những con người hết sức bình dị đang hàng ngày góp phần làm cho hồn phố thêm đẹp. Trong đó có ông Nguyễn Đường - người gánh nước giếng Bá Lễ.
Đồng chí Trương Tòng sinh năm 1912. Trong thời kỳ niên thiếu do được các đồng chí cán bộ đi trước ở trong làng là Nguyễn Thái, Nguyễn Phe, Hoàng Kim Ảnh… dìu dắt nên đã sớm tham gia cách mạng. Từ năm 1941, đồng chí Trương Tòng đã trở thành một cơ sở cách mạng tích cực ở làng Kim Bồng.
Từ nhiều ngàn năm trước, Cù Lao Chàm là cụm đảo thuộc lãnh hải, lãnh thổ của vương quốc Champa và sau đó là của Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam với nhiều tên gọi Ciam pullo, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La… Nơi đây từng là điểm dừng chân quen thuộc của thương thuyền nhiều nước ở phương Đông cũng như phương Tây trên các chuyến hải trình dọc theo các con đường hương liệu, tơ lụa, gốm sứ trên biển.
Trong quá khứ Hội An không chỉ là nơi đến mua bán, trao đổi hàng hóa của các thương nhân mà còn là nơi nhiều tao nhân mặc khách đã ở hoặc du hành đến đây và có cảm nhận thi vị thể hiện qua nhiều thi phẩm. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số tác giả và bản dịch thi phẩm của họ.
“Đội chim chèo bẻo” là một tổ chức của Đội thiếu niên tiền phong xã Cẩm Thanh, được thành lập từ năm 1965 và đã trở thành một tổ chức cách mạng vang tiếng một thời ở Hội An. Thành viên của Đội là những diễn viên của đội văn nghệ xã Cẩm Thanh, tất cả đều ở độ tuổi từ 12 đến 14. Đội có nhiệm vụ biểu diễn phục vụ cán bộ và nhân dân địa phương, với các tiết mục được yêu thích: Dân ca kịch “Đội chim chèo bẻo”, điệu múa “Vui về Trường Sơn”, “Ngày vui được mùa”… và đi lưu diễn ở một số nơi trong tỉnh Quảng Nam như Bàn Thạch, Xuyên Tân, thuộc huyện Duy Xuyên. Ở Hội An, Đội thường biểu diễn phục vụ bà con ở khu Thuận Tình, xã Cẩm Thanh.
Từ lâu, không ít gia đình ở Cẩm Nam - Hội An lấy nghề cào và chế biến hến làm kế mưu sinh cho cuộc sống thường nhật. Đối với nghề này, do mọi hoạt động hành nghề dựa vào khả năng tự có của mỗi gia đình là chủ yếu nên tính chất gia đình được xem là nét đặt trưng, là nhân tố quan trọng nhất để duy trì và phát triển nghề.
Nằm cách đô thị cổ Hội An chừng 10 hải lý, Cù Lao Chàm được biết đến với 8 hòn đảo lớn nhỏ và nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng biển đảo. Thiên nhiên ban tặng cho Cù Lao Chàm nhiều sản vật quý hiếm như các loài hải sản, động thực vật phong phú đa dạng, nhiều loại cây thuốc quý hiếm, đặc biệt yến sào Cù Lao Chàm từ lâu đã nổi tiếng với giá trị dinh dưỡng cao. Người Cù Lao vốn cần cù, chịu khó, người ta biết tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có để làm ra các sản phẩm phục vụ cho chính mình và gần đây là nhu cầu du lịch đang rất phát triển tại xã đảo. Trong đó, có lẽ phải kể đến món bánh ít làm từ lá gai, một loại quà quê nơi xứ đảo nhưng trở nên nổi tiếng với thương hiệu riêng của mình “Bánh ít Cù Lao Chàm”.
Cù Lao Chàm là cụm đảo với 08 đảo lớn nhỏ trải theo hình cánh cung, nằm cách Cửa Đại chừng 15km về hướng Đông Bắc. Trong lịch sử, Cù Lao Chàm được ví như bức bình phong vĩ đại của Cửa Đại, là đảo tiền tiêu - hoa tiêu dẫn vào thương cảng quốc tế Hội An. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại Cù Lao Chàm đã minh chứng rằng hơn 3000 năm trước con người đã sinh sống tại Cù Lao Chàm. Cù Lao Chàm cũng là điểm dừng chân bổ sung lương thực, thực phẩm, củi, nước của các thương thuyền trên hải trình giao thương quốc tế. Đồng thời là nơi tránh trú bão, gió của các tàu thuyền đi lại trên biển. Những nguồn sử liệu của các nước Arap, Ba Tư hay các ghi chép của Thái Tường Lan, Thiền sư Thích Đại Sán đã minh chứng điều đó.
Cù Lao Chàm - hòn ngọc của biển Đông, nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15km, cách trung tâm khu phố cổ Hội An 19km về hướng Đông - Đông Bắc, là nơi có khí hậu trong xanh, có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, cùng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và thơ mộng, đã tạo nên một điểm du lịch tuyệt đẹp cho du khách, chính vì vậy, có người đã tôn cho hòn đảo này là “thiên đường du lịch”.
Bà Mụ là từ dùng để chỉ chung cho 15 vị thánh gồm “Ba bà Chúa Sanh Thai” còn gọi là “Sanh Thai nương nương” và “12 bà mụ” còn gọi là “thập nhị Hoa Bà” hay “Kim Hoa nương nương”. Có nhiều nguồn tài liệu nhắc đến sự tích Bà Mụ, trong tác phẩm Lược khảo về thần thoại Việt Nam tác giả Nguyễn Đổng Chi viết: “Sự tích của 12 vị nữ thần này hiện nay chúng ta chỉ còn biết một cách lờ mờ. Có thuyết nói đó là các thần giúp việc cho Ngọc Hoàng từ lúc ông ta có ý định sáng tạo ra loại người…”, hay Lê Quý Đôn trong tác phẩm Vân đoài loại ngữ viết: “Tục nước ta, đẻ con được ba ngày, làm mâm cơm cúng Mụ. Đến hôm đầy tháng, hôm một trăm ngày, hôm đầy tuổi tôi, đều có làm cỗ cúng gia tiên, bày tiệc ăn mừng…”
Hòa chung không khí sục sôi cùng cả nước bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, trên chiến trường Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng, nhân dân ta đồng loạt nổi dậy tấn công vào sào huyệt quân địch trên khắp địa bàn. Ở Hội An, lực lượng ngụy quân, ngụy quyền bị rệu rã trong khi khí thế cách mạng ngày một dâng cao. Đến ngày 28/3/1975, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng phất phới tung bay trên tòa hành chính Quảng Nam, báo hiệu thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương. Khắp nơi trong Thị xã ngập tràn niềm vui chiến thắng.
Tháng 10 năm 2003, Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập, mở ra một giai đoạn mới trong việc bảo tồn gìn giữ các sinh vật hoang dã trên đảo cũng như các giá trị thiên nhiên và nhân văn nơi đây.
Yến sào - tổ chim yến[1] là sản phẩm không những có giá trị kinh tế rất cao được ví là “vàng trắng” mà còn chứa những giá trị dinh dưỡng và y dược cực kỳ lớn. Dưới thời phong kiến, đặc sản yến sào được xếp ở vị thứ đầu tiên trong bát trân[2] theo thực đơn của các vua, chúa. Trong y dược cổ truyền, tổ chim yến được xem như thần dược chữa trị được nhiều bệnh nan y như lao phổi, viêm xương, huyết lỵ, đàm cách… Ngày nay, những kết quả nghiên cứu cho thấy trong tổ chim yến có đến 18 loại acid amin, serine, tyrosine, phenylalanune, valine, arginine,… và 39 nguyên tố đa vi lượng là những khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người.
Trong các năm qua, nhất là sau khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, thành phố Hội An vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu nhờ vào vẻ đẹp vốn có của khu phố, định hướng đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành và quản lý của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An và sự phối hợp thực hiện của các ban ngành chức năng. Theo thống kê, hằng năm Hội An đón trên 1 triệu lượt khách đến thưởng ngoạn, tham quan khu phố cổ và các điểm thu hút khác trong thành phố và con số này dường như không chỉ dừng lại mà ngày càng có chiều hướng tăng lên. Đây quả là một tin vui tốt đẹp trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Cùng với Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Óc Eo thì văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi văn minh cổ xưa tạo thành tam giác văn hóa thời kim khí trên lãnh thổ Việt Nam. Kết quả các cuộc khai quật ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam đã cho thấy nền văn hóa này đã tồn tại cách đây hơn 2000 năm kéo dài từ thời hậu kì đồ đá mới đến sơ kì đồ sắt. Với sức sáng tạo mạnh mẽ, những cư dân Sa huỳnh cổ đã biết phát triển các nghề trồng trọt, đánh cá và đi biển, chế tạo đồ trang sức, thủy tinh, đồ gốm với kỹ thuật tinh xảo. Họ cũng đã biết tận dụng lợi thế để giao lưu kinh tế, văn hóa với những vùng khác nhau ở Đông Nam Á, Nam Trung Hoa và Ấn Độ.
Hội An nằm gần cửa biển lớn nhất tỉnh Quảng Nam - Cửa Đại. Thời tiết nơi đây khá khắc nghiệt, hằng năm phải gánh chịu nhiều đợt bão lũ. Chuyện lụt lội ở Hội An đã diễn ra từ rất lâu rồi, “theo ghi chép của giáo sỹ Alexandre de Rhodes khi ông đến Hội An trong vòng hai năm bắt đầu từ 1624 là: “mùa mưa làm nước sông dâng lên gây nên lụt lội”” [1:46].