Ngôi Nhà cổ

Thứ hai - 31/10/2016 05:47
Ngôi nhà số 101 Nguyễn Thái Học không phải là một ngôi nhà phố cổ xưa nhất mà là một ngôi nhà tiêu biểu cho kiểu nhà phố của đô thị cổ Hội An. Phố Nguyễn Thái Học, dưới thời vua Thiệu Trị được gọi là Tân Lộ, được đắp vào năm 1841, nghĩa là cách đây trên một trăm năm mươi năm. Nhưng theo gia chủ thì ngôi nhà này đã được xây dựng trước khi xuất hiện con đường vào 1800 - 1820, nghĩa là gần hai trăm năm. Và cho đến nay bảy thế hệ đã sống và đang sống dưới mái nhà này. Tộc của họ thuộc cộng đồng người Minh Hương, nghĩa là người Hoa nhập quốc tịch Việt Nam vào thế kỷ XVII trước đây.
          Ngôi nhà phố này là loại hình nhà ống hay “nhà ruột ngựa”, dài ba mươi mét, thuộc loại hình kiến trúc dân dụng với bốn nếp nhà nối tiếp nhau. Trước kia đây là một hiệu buôn các mặt hàng quế, tơ lụa với tên hiệu là “Tấn Ký” và sau đó là “Tấn Bửu”. Mặt trước ngôi nhà mở ra đường phố, mặt sau mở ra bến sông.

          Mô tả di tích

          Ngôi nhà gồm bốn nếp nhà:

         Nếp nhà thứ nhất: Nếp nhà này có hai tầng. Nhìn từ bên ngoài, tầng lầu được che bởi một mái ngói âm dương phủ rêu; ở mặt trước người ta không nhìn thấy bao lơn mà chỉ thấy một chiếc cửa lớn bằng gỗ ở chính giữa nhìn ra đường và ở hai bên không có cửa sổ. Thay vào đó là hai ô vuông gồm bốn miếng sứ men xanh hình hoa thị ghép lại có nhiều lỗ thông vào bên trong lầu. Theo gia chủ, đây là phong cách kiến trúc Nhật Bản mà người Việt tiếp nhận, như đã thấy trên một số ngôi nhà của người Nhật trên phố Nhật trước đây ở Hội An. Điều này chứng minh sự giao thoa giữa nền nghệ thuật Việt – Nhật trong cac thế kỷ trước đây.

          Ở phần trệt của nếp nhà thứ nhất, trên bậu cửa lớn vào nhà có đôi chốt bằng gỗ, gọi là “mắt cửa”, được chạm khắc thành hình “xoáy âm dương lá đề”, đặt trên các ô vuông vải điều.

          Ở hai bên cửa lớn, mặt trước nếp nhà được che kín bởi những tấm ván vách dài nằm ngang, xếp chồng lên nhau từ dưới lên trên thành một bức vách gỗ. Khi cần, người ta tháo chúng ra, đặt chúng trên một đôi thân dong và người ta có hai cái phảng gỗ mà trước đây dùng làm nơi bày hàng và nơi ngồi của chủ hiệu. Hiện nay, trong phần này của tầng trệt, người ta chỉ đặt một chiếc ghế trường kỷ.

           Ở trên cao sát trần của nếp nhà này treo một bức hoành màu đỏ viết ba chữ vàng “Lê Từ đường”, có nghĩa là “nhà thờ tộc Lê”.

           Trên trần nhà người ta nhìn thấy một lỗ hổng hình vuông có cạnh một thước với một tấm bửng nhiều lỗ đậy lại, đó là cửa sập thông lên với gác là kho phụ chứa hàng mà trên đó có một chiếc ròng rọc để đưa hàng lên hay bỏ hàng xuống qua cửa sập.

          Ở trên gác, người ta nhận thấy bộ vì kèo được làm theo kiểu nhà rường biến thể, một kiểu kiến trúc thuần Việt.

          Nếp nhà thứ hai: Trước đây, nếp nhà thứ hai là nơi giao dịch, tiếp xúc với khách hàng. Nay là nơi thờ tổ tiên, thờ Phật và là phòng khách của gia đình. Nếp nhà này cao chỉ có 1 tầng.

         Bộ vì kèo của nếp nhà này được cấu trúc theo kiểu “chồng rường – giả thủ”, các vì phía dưới dài hơn các vì phía trên, được đỡ bởi các đoạn gỗ hình trụ ngắn gọi là “tay giả”. Đó là loại vì kèo kiểu Trung Hoa.

          Phía trên cao các cột, người ta thấy các bộ phận phụ bằng gỗ, gọi là “tai cột” dùng để nâng đỡ các xà ngang của bộ khung.

           Các loại gỗ được sử dụng để làm bộ khung chịu lực này là gỗ kiền kiền, một trong bốn loại thiết mộc, nên rất bền chắc có thể chống chịu được mối mọt. Các loại cột lớn nhỏ đều bằng gỗ mít chống chịu rất tốt đối với các loại côn trùng phá hoại, được đặt trên các hòn đá kê bằng cẩm thạch lấy từ núi Non Nước ở Đà Nẵng được đẽo gọt trau chuốt.  Nền của nếp nhà được lát bằng loại gạch vuông to màu hồng, gọi là “gạch Bát Tràng” nổi tiếng, mua từ miền Bắc.

          Điều đáng chú ý là tường của nếp nhà này gồm hai lớp: lớp ngoài được xây bằng gạch và lớp trong được làm bằng gỗ, bởi vậy mà không gian nội thất của ngôi nhà mát mẻ về mùa hè và ấm áp về mùa đông.

          Các bộ phận của bộ khung chịu lực của toàn bộ ngôi nhà này đã được các thợ mộc nổi tiếng làng Kim Bồng lắp ghép lại một cách sít sao nhờ các mộng gỗ mà không hề dùng đến một loại đinh nào, trên đó họ đã chạm khắc một cách tài tình các đề tài trang trí nội thất thuần Việt như các mô típ “bát bửu”, “mai lan cúc trúc”, “long li quy phụng” và “cầm kỳ thi tửu”. Các giả thủ được cách điệu thành hình quả bí thật đẹp mắt.

          Ở gian giữa trên cao treo các biểu hiện hình bình phong của cửa hàng buôn bán này mang tên Tấn Ký (đời ông cố của chủ nhà hiện nay) và Tân Bửu (đời ông nội của chủ nhà hiện nay). Trên tấm biển hiệu sau cùng, sơn son thếp vàng, ngoài hai chữ Hán màu vàng khắc nổi trên nền đỏ, còn chạm nổi ở hai bên các mô típ truyền thống như “chồng sách ống bút” và “mâm bồng lọ hoa” trông rất đẹp.

           Ở bốn góc nhà còn treo đôi lồng đèn cổ hình lục giác gọi là cung đăng mà trên sáu mặt của nó có trang trí hình vẽ Bát Tiên với các từ thế và màu sắc khác nhau rất sinh động. Đó là những sản phẩm Trung Hoa được bán tại cảng thị Hội An trong các hội chợ quốc tế vào những thế kỷ trước đây.

          Ở nếp nhà này còn giữ lại bộ bàn nghế cổ bằng gỗ sơn mài đen, mặt bàn và lưng ghế được làm bằng cẩm thạch của núi Ngũ Hành Sơn tại Đà Năng cách đây một trăm năm.

          Trên tường treo bộ tranh thủy mặc bằng mực tàu, đó là bộ tranh tứ bình với cảnh núi sông và tuấn mã mang bút pháp Trung Hoa cổ đại. Đặc biệt là trên các cột của nếp nhà này được trang trí bằng nhiều câu đối khác nhau. Ở bốn góc nhà là hai đôi liễn bằng gỗ sơn màu đỏ tươi, xung quanh được trang trí bằng những hình chạm nổi thếp vàng với các mô típ cành lá và quả đào, ở giữa là những hàng chữ Hán khảm xà cừ óng ánh nhiều màu sắc, mô tả sinh hoạt tinh thần của sĩ phu Việt Nam thời xưa với các nội dung lý thú:

Mai với tuyết, tùng với gió
Được hai thứ đó, rũ chiều ngồi chơi
Khi trời quang, rọi ánh mây
Thì mãi chơi đàn và say ngâm thơ…(*)
          Và
Giàu sang là điều ước muốn của đời người
Kiêu căng, keo kiệt chẳng đáng cho người trong vô. (*)
 
         Trên hai chiếc cột ở giữa nếp nhà treo đôi liễn gỗ mà thời gian đã làm cho màu gỗ biến thành nâu bóng, xung quanh liễn được viền bằng các họa tiết hoa lá, trĩ bướm khảm bằng xà cừ. Phía dưới đôi liễn đó được trang trí bằng các đồ án truyền thống với “mai lan cúc trúc”, “sinh hoạt vua quan” khảm xà cừ óng ánh và ngoạn mục. Ở giữa các đôi liễn đó là một bài thơ Đường thất ngôn tuyệt cú tả cảnh mùa xuân tuyệt vời.
Hoa mai nở sớm hơn trăm hoa,
Tuyết điểm cành mai đẹp nhất đồi.
Cảnh trí như nhau ai biết được,
Đất trời, vũ trụ thả xuân về… (*)
 
          Ở hai góc hàng cột thứ hai treo đôi liễn sơn mài màu đen mà gia chủ gọi là “Bách Điểu”. Ở giữa là một hàng dọc chữ Hán cũng được khảm bằng xà cừ. Mỗi nét bút thể hiện một con chim tước – biểu tượng của người quân tử - với tư thế khác nhau: đứng yên, rỉa lông, xòe cánh, bay lượn… với nét khám thanh thoát. Một trăm hình khảm xà cừ chim tước xếp đầy trên mười bốn chữ Hán của đôi câu đối đó, chứa đựng nội dung sâu sắc.
 
Hàng dương chỉ dài trăm thước mà đón được mưa rơi từ ngàn dặm,
Một vầng trăng rộng chỉ mười phân mà rọi sáng được cả lầu Thơ (*).

          Cuối nếp nhà thứ hai, trên một đôi cột sau cùng ở giữa còn theo một đôi liễn khảm xa cừ với đề tài “hoa điểu”, “mai lan cúc trúc” ở phần dưới; phần trên đôi liễn là những dòng chữ Hán viết theo lối cổ tự trông rất đẹp. Hiện nay rất ít người có thể đọc được loại chữ cổ đó.

         Ở dưới phần nối liền hai mái của nếp nhà thứ hai và thứ ba là một vòm bằng gỗ để mở rộng nếp nhà này, được đỡ bởi những vì gọi là “vì vỏ cua”. Đó là một mô típ trang trí cung đình thuần Việt mang ý nghĩa cầu mong mọi sự như ý.

          Trên những chiếc cột sau cùng, trên cao, người ta thấy các bẩy hiên chạm hình cá chép hóa long rất độc đáo.

          Nhà cầu với sân trời.

          Tiếp theo nếp nhà thứ hai là nếp nhà thứ ba gồm nhà cầu nằm bên phải và sân trời nằm bên trái.

         Nhà cầu bên trên có gác, nằm theo chiều dọc của ngôi nhà, nối liền nếp nhà thứ hai với nếp nhà thứ tư. Các cột đỡ tầng gác mang những tai cột được chạm trổ hình “con sóc cành nho”, “con dơi cánh xèo”. Những xà gỗ nối liền các cột được gắn với các hình chạm trổ quả đào, phật thủ làm đẹp thêm cho các cấu kiện kiến trúc.

           Phần gác của nhà cầu, nơi ở của các thành viên của gia đình, được chia thành những buồng nhỏ.

          Sân trời đối diện với nhà cầu có tác dụng chiếu sáng và làm thông thoáng ngôi nhà. Sân trời được lát bằng những viên đá xám hình vuông khai thác ở Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam hay ở Thanh Hóa trước đây.

          Trên bức tường của ngôi nhà chạy dọc sân, người ta đắp nổi một phù điêu hình bình phong. Trên bình phong đó đắp nổi hình lư hương ghép sành sứ. Trên mặt bình phong được trang trí đề tài “đông bình tây quả” và cũng được khảm bằng xà cừ. Ở hai bên bình phong, có hai câu đối đắp nổi, nhưng qua thời gian nhiều chữ Hán đã bị xóa đi. Đó là những trang trí ngoại thất mang tính truyền thống sâu sắc.

          * Nếp nhà thứ tư

          Đây là nếp nhà cuối cùng nằm quay ngang như nếp nhà thứ nhất của ngôi nhà. Trên cao của bậu cửa có hai mắt cửa chạm theo hình xoáy âm dương, đặt trên các ô vuông vải điều.

          Bề mặt bên trái của nếp nhà này được che bởi một vách gỗ được chạm thành hình bình phong cách điệu. Ở góc trên hai bên của bức vách đó được trang trí bằng những mô típ “con dơi cánh xòe” và ở phía dưới là “đôi trâm vắt chéo buộc giải lụa”.

          Nếp nhà này có một gác rộng và trên trần, người ta cũng thấy một lỗ hổng hình vuông, cửa sập, dùng để đưa hàng hóa lên xuống và có một ròng rọc. Tầng gác đó là kho chính chứa hàng của ngôi nhà trong các thế kỷ trước đây.

          Phần trệt của nếp nhà này cũng là nơi ở của gia đình: ở đó còn có một chiếc giường cũ. Phần sau của nếp nhà gồm các phần phụ của ngôi nhà: bếp, giếng nước, buồng tắm và hố xí.

          Cửa sau của ngôi nhà mở ra bến sông Hội An, rất thuận lợi cho việc nhận hàng và giao hàng. Trước đây, ngôi nhà nằm sát bờ sông, nhưng về sau do sự bồi lấp sông, đến thời vua Tự Đức vào năm 1878, người ta lập thêm con đường mới gọi là đường Quảng Đông, nay gọi là đường Bạch Đằng.

          Ảnh hưởng của lụt.

         Hàng năm, vào mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch, đô thị cổ Hội An thường bị lụt do nước lũ của sông Thu Bồn. Các đường phố Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú nằm gần sông nhất thường bị ngập lụt. Có trên hai trăm di tích cổ bị ảnh hưởng tai hại của thiên tai đó. Các di tích cổ bị ngập nước từ một đến ba mét trong một hai ngày.

          Ngôi nhà cổ 101 Nguyễn Thái Học, trong khi bị lụt cũng bị ngập nước một đến hai mét. Người ta buộc phải đưa đồ đạc lên trên gác. Sau trận lụt, người ta phải làm vệ sinh ngôi nhà, đánh véc ni lại những phần gỗ đã bị ngập nước. Các công việc đó nặng nhọc và tốn kém.

          Chính phủ Việt Nam sẽ có một dự án mười triệu đô la để phục chế trùng tu các di tích lịch sử và nạo vét con sông Hội An để chống lụt, thực hiện việc bảo tồn đô thị cổ, và tiến hành những nghiên cứu khảo cổ học ở đáy sông, tổ chức du lịch trên sông, trên biển, cải thiện môi trường.

          Nếu Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam để bảo tồn đô thị cổ Hội An, không chỉ là vì những quan hệ văn hóa và kinh tế Nhật - Việt tốt đẹp trong thế kỷ XVII, những kiến trúc lịch sử của Nhật Bản còn lưu lại đến nay mà trước hết là vì đô thị cổ Hội An là một bộ phận quý báu của di sản văn hóa thế giới hiếm thấy trên hành tinh chúng ta…
 
          (*) Dịch của tác giả.
 

Nguồn tin: Trích sách Đô thị cổ Hội An và những di tích tiêu biểu, Nguyễn Phước Tương, tr 129 - 137, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2007

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây