Ảnh Hoàng Phúc - Phòng Quản lý Di sản
Hát bả trạo là loại hình diễn xướng dân gian gắn với tục thờ cá Ông - biểu tượng của hải thần, thần biển, còn được gọi là ông Ngư, ông Ngọc, tên tôn xưng trong các sắc phong là Nam Hải cự tộc Ngọc lân tôn thần. Đây là loại diễn xướng mang tính tổng hợp bao gồm các yếu tố hát tuồng, dân ca nghi lễ, múa dân gian, dân ca. Một bản hát bả trạo có kết cấu giống một bản hát tuồng với các phần giáo đầu, phát sinh tình huống, cao trào thắt nút và mở nút, kết thúc. Phần cao trào kịch tính ở đây là sự đối chọi của đội chèo với sóng gió, bão tố để đưa ông Ngư đến nơi an toàn. Trong hát bả trạo sử dụng các làn điệu hát Nam, phủ lục, hát khách, nói lối, tẩu mã của tuồng, tán của dân ca nghi lễ Phật giáo; hò, lý của dân ca.
Hát bả trạo được tổ chức vào những lúc có cá Ông lụy (
chết) dạt vào bờ. hoặc vào dịp lễ cầu ngư, cầu an, kỵ Ông (
ngày mất của cá Ông) hàng năm ở các lăng Ông, miếu Hội Đồng.
Đội hát gồm 3 hoặc 4 ông tổng và 18 hoặc 20 con trạo, trong đó tổng lái còn được gọi là đà công đứng ở đuôi thuyền có nhiệm vụ lèo lái con thuyền bả trạo, tổng khoan hoặc tổng thương đứng ở giữa thuyền lo tát nước, canh giữ thuyền, tổng mũi hoặc tổng tiền đứng ở mũi thuyền lo kéo neo và các việc ở phía mũi ghe. Một ông tổng thứ tư là tổng khậu lo việc đi chợ, bếp núc, thường đứng ở giữa thuyền cùng vị trí với tổng thương. Khi hát các con trạo đứng theo đội hình như đang chèo một chiếc thuyền, mũi thuyền quay vào lăng, miếu nếu chèo hầu Ông, quay ra biển nơi đặt bàn thờ âm linh nếu chèo đưa âm linh. Một bản hát diễn ra khá dài từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ.
Hát bả trạo ở Hội An ngoài những điểm chung về nội dung và nghệ thuật hô hát, biểu diễn còn có một số điểm khác, mới như sự có mặt của nhân vật tổng khậu trong vai trò là người lo bếp núc, hậu cần, tổng khoang được gọi là tổng thương, tổng mũi gọi là tổng tiền. Nội dung lời bài hát có một số đoạn nói về việc đi chợ mua sắm đủ thứ thực phẩm để nấu ăn cho đội chèo… Với cách bố trí của thủy thủ đoàn trên thuyền, mà ở đây là các ông tổng và con trạo, với các sinh hoạt như uống rượu, câu cá giải khuây; ghé vào bờ mua lương thực, thực phẩm chúng tôi nhận thấy chiếc thuyền chèo hầu Ông mang dáng dấp một chiếc thương thuyền hơn là chiếc thuyền đánh cá. Và biết đâu loại hình diễn xướng này lại có gốc gác sâu xa từ tín ngưỡng thờ thần biển của người Chăm, một dân tộc vốn nổi tiếng về truyền thống hải thương - buôn bán trên biển, hoặc chỉ ít là nghề buôn đường biển và hoạt động hải thương đã có ảnh hưởng, tác động nhất định đến loại hình hát bả trạo chứ nó không chỉ đơn thuần là loại diễn xướng dành cho những ngư dân hành nghề đánh bắt, khai thác hải sản. Và ở đâu thì không rõ chứ ở Hội An, trong các cuộc hát bả trạo hầu Ông chắc chắn sẽ có mặt khá đông những người dân chuyên buôn bán bằng ghe bầu, ghe thuyền trên biển.
Về tên gọi loại diễn xướng này hiện nay có nhiều cách lý giải. Có người gọi là hát bả trạo với bả tiếng Hán nghĩa là cầm, nắm, chữ trạo tiếng Hán nghĩa là mái chèo. Có người lại cho là hát bá trạo với chữ bá tiếng Hán nghĩa là 100; trạo là mái chèo, kiểu hát có 100 mái chèo. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tiếp cận được văn bản gốc có hai chữ bả hoặc bá này. Thường chữ bả được ghi bằng chữ Việt là bá hoặc bả và chú thích bằng chữ Hán theo lối suy diễn ngược lại. Theo điều tra thì người dân ở đây thường gọi là hát ba trạo và trong các bản hát bằng tiếng Nôm gần đây chúng được ghi là hát ba trạo với chữ ba nghĩa là số 3, chữ trạo nghĩa là mái chèo.
Tại Hội An có một loại diễn xướng tương tự bả trạo nhưng được dùng trong đám tang và được gọi là hát bạn chèo đưa linh. Giữa hát bạn chèo đưa linh và hát bả trạo hầu Ông hoặc đưa âm linh có nhiều nét tương đồng, điểm khác là hát bạn chèo đưa linh thường ngắn hơn, ít làn điệu hơn. Có thể có một bước đi từ hát bạn chèo đưa linh đến hát bạn chèo hầu Ông, bạn chèo đưa âm linh hoặc ngược lại và cái gốc dân gian của chúng là hát bạn chèo. Trong bản hát có nhiều lần dùng từ ba trạo để gọi đám bạn chèo: “
Bớ ba trạo: dạ”. Nếu ba trạo nghĩa là cần nắm mái chèo thì khó làm đại từ để gọi, còn ba trạo nghĩa là bạn chèo thế sẽ ổn: “
Bớ ba trạo (bớ bạn chèo): dạ”
Trò chơi dân gian miền biển cũng khá phong phú, đa dạng. Chúng bao gồm những trò chơi vốn phổ biến ở nhiều nơi ở nông thôn, phố thị như các loại bài chòi, bài tới, bài kiệu, tứ cúc, đánh tổng, tán tiền, đá kiện, bịt mắt bắt dê, dung dăng dung dẽ, ma da lên bờ… và một số trò chơi mang dấu ấn biển đảo như thi đẩy thuyền, kéo co trên cát, lắc thúng chai…
Kéo co trên cát là trò chơi tương truyền trước đây được tổ chức để rèn luyện sức khỏe, kỹ năng kéo thuyền cho binh lính ở các hải đội. Còn lắc thúng chai là trò chơi thể hiện rõ hình ảnh của biển bởi thúng chai là loại dụng cụ đan bằng tre, hình như cái thúng nhưng lớn hơn chuyên dùng để đi biển trong lộng, để qua lại giữa các thuyền lớn và cũng để cứu hộ những lúc bị đắm thuyền. Điều khiển thúng chai là cả một nghệ thuật và là một kỹ năng đặc biệt của dân biển.
Có thể thấy, các hình thức diễn xướng và trò chơi dân gian liên quan đến biển đảo ở Hội An rất phong phú và đa dạng, phản ảnh đầy đủ mọi khía cạnh đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của dư dân làm nghề biển ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung.