Về niên đại, cho đến nay tại dãi cát phía Bắc Hội An đã phát hiện những khu di tích mộ táng thuộc thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh. Đó là những mộ chum nhiều kiểu dáng bên trong chôn theo những đồng tiền thời Tây Hán và Đông Hán thế kỷ I trước công nguyên đến thế kỷ I, công cụ lao động bằng sắt, dao có chuôi tròn mang kiểu dáng dao Chiến Quốc, nồi nấu, bát cổ bồng các loại, khuyên tai ba mấu bằng đá, đồ trang sức phổ biến thời Sa Huỳnh, trước đó đã tìm thấy tại một số vùng khác ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Mộ ông Đinh Thạnh Hương - Khối Bàu Đưng- Thanh Hà - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
Điều khá lý thú ở chỗ, bên trên các mộ chum Sa Huỳnh là những di tích mộ cổ thuộc các thời kỳ muộn hơn. Hiện nay, tại dãi cát thuộc các xóm An Bang, Hậu Xá, Thanh Chiếm, Trường Lệ và một số cồn đất cao khác ven Thành phố đã phát hiện trên vài ngàn ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Nếu tiến hành điều tra, thống kê trên diện rộng con số này sẽ nhiều hơn và chính xác hơn. Riêng về những ngôi mộ thuộc thế kỷ XVII - XVIII, chúng tôi đã ghi chép, chụp ảnh, thống kê được trên 100 ngôi. Đây là những mộ còn nguyên trạng các yếu tố cơ bản, nhất là bia, quynh, nấm và thành.
Bia mộ Hội An, do ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa trong và ngoài nước, nhất là vùng Nam Trung Hoa nên có dáng vẻ riêng, phong phú về kiểu thức và đa dạng về phong cách, trang trí,... Bia tạc bằng đá, những mộ có niên đại trước thế kỷ XIX chuyên dùng loại đá muối (
sa thạch), từ thế kỷ XIX về sau phổ biến dùng loại cẩm thạch trắng. Bên cạnh các kiểu bia thông thường, đã tìm thấy những bia mộ kích thước 1,7m x 1m x 0,3m; bia mộ hình bán nguyệt...
Trong từng thời kỳ, trang trí bia mộ mang đặc điểm riêng, rất thống nhất về phong cách. Đây là một trong những cơ sở để xác định niên đại dựng bia. Trang trí bia mộ Hội An gồm 4 phần: lòng, diềm, đế, trán. Lòng các bia mộ thuộc thế kỷ XVII - XVIII có chữ khắc sâu, rõ nét phân biệt với các bia mộ có niên đại muộn hơn. Ở một số ít mộ cổ Trung Hoa, Nhật Bản, lòng bia trang trí các hình đóa hoa, chữ triện, dơi... cách bố trí nội dung lòng bia, nhìn chung thống nhất qua các thời kỳ và ở các thành phần cư dân. Trên cùng là quốc hiệu hoặc quê quán người quá cố. Dòng bên hữu nhỏ hơn, ghi ngày tháng năm dựng bia. Số lượng chữ, cách ghi theo quy ước riêng phụ thuộc vào tập quán của mỗi thành phần cư dân. Các quốc hiệu thường gặp ở bia mộ người Việt: Đại Việt, Hoàng Việt, Nam Cố, Việt Nam, An Nam... Ở bia mộ Trung Hoa: Đại Minh, Đại Thanh. Bia mộ Nhật Bản: Nhật Bản, Chính Hộ, Bình Hộ. Mộ giáo sĩ Bồ Đào Nha: Sa Nha Quốc... Nếu không ghi quốc hiệu, người ta thay bằng quê quán của người quá cố. Cách ghi này có một quy ước khá phổ biến.
Mộ bà họ Lê dâu tộc Trần - Khối Thanh Chiếm - Thanh Hà -
Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An Cũng có trường hợp người ta ghi nguyên tên quê quán vào bia. Vì thế, tại Hội An ta gặp khá nhiều bia mộ ghi địa danh khắp nơi: Hà Đông, Gia Định, Thiên Đô, Quỳnh Châu...
Ở nhiều bia, các đề tài này thể hiện rất điêu luyện, chứng tỏ tay nghề khá cao của người thợ địa phương, chúng góp phần làm phong phú nghệ thuật trang trí bia mộ không những chỉ ở Hội An mà còn đối với cả nước ta nói chung.
Thành phần chủ nhân | Quê quán người quá cố | Chữ ghi ở bia mộ |
Việt | Hội An Cẩm Phô Thanh Châu | Hội giang Cẩm giang Thanh giang |
Trung hoa | Đồng An Chương Châu Trường Lạc Long Khê | Đồng ấp Chương ấp Trường ấp Long ấp |
Trang trí diềm, đế, trán bia thường sử dụng các đề tài:
Diềm | Hoa cúc dây, hoa sen dây, lá cuộn, rồng mây, hồi văn, chữ triệu, mây cuộn… |
Đế | Hoa sen, hồi văn, hoa dây, dải lụa, cuốn thư… |
Trán | Mặt trời mây lửa, vòng lưỡng nghi, phượng chầu mặt trăng, lưỡng long tranh châu, chữ triện, hổ phù, rồng ẩn, hạt châu, khánh… |
Vật liệu xây dựng các thành phần kiến trúc còn lại (
nấm, quynh, thành) của các mộ cổ Hội An phổ biến là vôi "bồ ghè", gạch, đá, đá ong, trong đó vôi bồ ghè (hợp chất gồm vôi giã từ vỏ sò hến, mật mía, nước ngâm từ một số vỏ cây...) là vật liệu chính để tạo nên các nấm mộ cổ. Những nấm mộ này đã tồn tại trên hai, ba trăm năm chứng tỏ được độ bền vững của vật liệu tạo thành. Nấm mộ cổ Hội An có đặc điểm thấp về chiều cao và có nhiều hình dáng: Tròn, tròn xoáy trôn ốc, hột xoài, chữ nhật, mai rùa, yên ngựa, lá sen úp... Bên dưới nấm là tam tỉnh hình chữ nhật bằng vôi hoặc gạch, đá, trong đựng thi hài và đồ tùy táng. Bên ngoài nấm thường có quynh bao quanh. "
Quynh" là bộ phận kiến trúc giống hình tay ngai có hai trụ hình xoáy trôn ốc ngược chiều nhau, phía sau nhô cao, thấp dần về phía trước. Những ngôi mộ lớn bao quanh quynh là thành rộng với các trụ biểu, mảng tường và bình phong trang trí các đề tài hoa lá, tứ nghệ, tứ thời, mai hạc, tùng điểu, câu đối... Đặc biệt có những ngôi mộ xây toàn bằng đá, tọa lạc trên diện tích 150m2 đến 250m2 hoặc những ngôi mộ với nấm bên trong, quynh bên ngoài, nhà bia ở phía trước tạo dáng giống một con vật đang phủ phục rất sinh động và cũng rất tượng trưng.
Mộ ông Trần Ngọc Giao - Khối Tu Lễ - Cẩm Phô - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
Loại hình mộ cổ Hội An không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về kiểu thức mà còn phong phú về chủ nhân. Không kể các di tích mộ chum Sa Huỳnh và những ngôi mộ theo chỉ định của dân gian là mộ Hời, mộ Chàm, tại Hội An đã phát hiện những ngôi mộ thủy tổ tộc phái người Việt, trong đó có mộ thủy tổ tộc Trần ghi niên đại 1498, mộ thủy tổ tộc Lê con cháu Thái tổ Lê Lợi vào năm 1623, mộ các vị Chưởng Cơ, Cai Đội thời các chúa Nguyễn, mộ Thứ Phi và các tướng Tây Sơn, mộ các vị Thượng Thư, Tổng đốc triều Nguyễn... Góp phần minh chứng về thời kỳ phát triển phồn vinh ở thương cảng Hội An là những ngôi mộ thương nhân, giáo sĩ, tăng sĩ nước ngoài hiện tồn tại địa phương. Đó là hàng trăm mộ cổ kiều dân và thương nhân Trung Hoa có niên đại xác định vào thế kỷ XVII - XVIII. Trong số này có thể kể mộ Cai phủ tàu Văn Huệ Hầu Khổng Thiên Như, Cai phủ tàu Ân Huệ Hầu Chu Kỳ Sơn, những người có công khai sáng Minh Hương xã tại Hội An giữa thế kỷ XVII, tháp mộ hòa thượng Minh Hải tổ khai sơn thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Đàng Trong vào thế kỷ XVII... Về kiều dân Nhật Bản đã tìm thấy mộ các ông Banjiro, Gusokukun, Tani Yajirobei, thương nhân Nhật sống ở Hội An vào thế kỷ XVII. Ngoài ra còn phải kể đến một số thương nhân, các giáo sĩ nước ngoài khác chôn tại Hội An, những ngôi mộ mang phong cách kiến trúc Pháp thời thuộc địa... Những ngôi mộ này mang dáng vẻ và phong cách riêng, góp phần làm phong phú đặc điểm kiến trúc của loại hình mộ cổ ở Hội An.
Cũng cần lưu ý một điều, bên cạnh giá trị về lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, loại hình mộ cổ ở Hội An còn cung cấp những thông tin cần thiết cho ngành Folklore học nhất là về tập quán tang ma - tống táng của các thành phần cư dân Hội An xưa, về đặc điểm tống táng của giới thương nhân và tầng lớp thị dân ở Hội An nói riêng, xứ Quảng và cả nước nói chung.
Bảng thống kê các di tích mộ cổ ở Hội An
(gồm các di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh,
di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bảo vệ, số liệu tính đến ngày 31/12/2014)
TT | Tên Di tích | Địa chỉ (xã/phương) |
01 | Mộ ông Khổng Thiên Như | Số 21 Hai Bà Trưng - Minh An |
02 | Mộ ông Trần Ngọc Giao | Khối Tu Lễ - Cẩm Phô |
03 | Mộ tổ tộc Huỳnh | Khối Lâm Sa - Cẩm Phô |
04 | Mộ tổ tộc Lê | Số 589 Hai Bà Trưng - Cẩm Phô |
05 | Mộ tổ tộc Trần Trung Mộ ông Chu Kỳ Sơn | Số 599 Hai Ba Trưng - Cẩm Phô |
06 | Mộ vợ chồng ông đô đốc họ Nguyễn | Khối Phong Niên - Sơn Phong |
07 | Mộ Lê Nhụ Nhân | Khối Phong Niên - Sơn Phong |
08 | Mộ ông Gosukukun Vạn thiện đồng quy | Khối An Hòa - Sơn Phong |
09 | Khu mộ người Hoa kháng | Khối An Phong - Tân An |
10 | Nhật | Khối Tân Lập - Tân An |
11 | Mộ chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu | Khối Tân Hòa - Tân An |
12 | Mộ thượng thư bộ Binh | Thôn Bến Trễ - Cẩm Hà |
13 | Nguyễn Điển | Thôn Trà Quế - Cẩm Hà |
14 | Khu mộ tộc Phan Xuân | Thôn Phước Thắng - Cẩm Kim |
15 | Khu mộ tộc Nguyễn Viết | Khối Sơn Phô I - Cẩm Châu |
16 | Khu mộ tổ tộc Lưu | Khối Sơn Phô II - Cẩm Châu |
17 | Mộ ông Banjiro | Khối Trường Lệ - Cẩm Châu |
18 | Mộ ông Tani Yajirobei | Khối Trường Lệ - Cẩm Châu |
19 | Mộ ông Đỗ Khai Tiên (mộ tổ tộc Đỗ | Khối Trường Lệ - Cẩm Châu |
20 | Khu mộ tổ tộc Trần | Khối Thanh Tây - Cẩm Châu |
21 | Khu mộ Thứ phi vua Quang Trung và các tướng Tây Sơn | Thôn Thanh Đông - Cẩm Thanh |
22 | Mộ ông Trần Chưởng cơ | Thôn Thanh Nhì - Cẩm Thanh |
23 | Mộ thủy tổ tộc Lê | Thôn Thanh Đông - Cẩm Thanh |
24 | Mộ tổ tộc Trần | Thôn Võng Nhi - Cẩm Thanh |
25 | Khu mộ tộc Hồ - Làng yến Thanh Châu | Thôn Võng Nhi - Cẩm Thanh |
26 | Mộ bà Huỳnh Tình Yên | Khối Bàu Đưng - Thanh Hà |
27 | Mộ vợ chồng ông Hồng Lô Tự Khanh Họ Tăng (Tăng Nghị, Dũ Trang) | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
28 | Mộ ông tú tài Tăng Thuần Bác | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
29 | Mộ vợ chồng ông Tăng Điềm Dật | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
30 | Mộ ông Cửu Phẩm Trần Đại Quang | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
31 | Mộ bà Lê Huệ Mẫn | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
32 | Mộ vợ chồng ông Đinh Tựu Hiên | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
33 | Mộ ông Đinh Thạnh Hương | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
34 | Mộ bà Trần Như Tốn | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
35 | Mộ bà Đinh Thị Năm | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
36 | Mộ ông bát phẩm Lê Thuần Giản & bà Phạm Đôn Thiện | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
37 | Mộ vợ chồng ông Phẩm Luân | Khối An Bang- Thanh Hà |
38 | Mộ bà Lê Thiện Ký | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
39 | Mộ ông họ Lâm, bà họ Phạm | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
40 | Mộ ông họ Thái, bà họ Đinh | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
41 | Mộ ông Trần Ôn Giản | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
42 | Mộ bà họ Cù | Khối Bàu Đưng- Thanh Hà |
43 | Mộ bà họ Lê dâu tộc Trần | Khối Thanh Chiếm- Thanh Hà |
44 | Mộ bà họ Mạnh | Khối Thanh Chiếm- Thanh Hà |
45 | Mộ bà họ Đinh | Khối Thanh Chiếm- Thanh Hà |
46 | Mộ bà họ Trần dâu họ Đinh | Khối Thanh Chiếm- Thanh Hà |
47 | Mộ ông đô đốc (họ Nguyễn Đức) thời Tây Sơn | Khối An Bang- Thanh Hà |
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền