Hội chơi bài chòi được tổ chức thường xuyên ở Hội An. Ảnh: Đ.H
Đã trở thành hoạt động truyền thống, trong nhiều năm qua TP.Hội An tổ chức hội thi hô hát bài chòi và đạt được thành công hơn mong đợi. Hội thi đã thu hút, giới thiệu được lực lượng diễn viên quần chúng tham gia diễn xướng, có triển vọng trở thành những anh hiệu, chị hiệu tài năng trong tương lai nếu thường xuyên được cọ xát, rèn luyện. Hội thi cũng tạo được hấp lực mạnh mẽ đối với đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức, tìm hiểu loại hình nghệ thuật đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này.
Lồng ghép trong các chương trình tổng hợp đón giao thừa Tết Nguyên đán giàu âm hưởng truyền thống và đương đại hằng năm là các hoạt cảnh, tiết mục hô hát bài chòi đố vui, tạo sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và khách du lịch. Điều đó một lần nữa minh chứng cho ý thức thực hành văn hóa của người dân phố Hội và sự sáng tạo độc đáo của những người làm công tác văn hóa – văn nghệ thành phố.
Ở Hội An, song song với việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, ngành quản lý và bảo tồn cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư, giá trị làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như: dân ca, bài chòi và đương đại như: thơ, ca, nhạc, họa… để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch riêng có.
Các tài nguyên văn hóa, tài nguyên nhân văn, tài nguyên thiên nhiên ngày càng được nhận diện sáng tỏ. Trong đó việc kết nối di sản văn hóa thế giới – khu phố cổ với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và không gian văn hóa các làng quê, làng nghề truyền thống đã có những kết quả bước đầu. Các sản phẩm làng nghề truyền thống, yến sào, lồng đèn, ẩm thực cùng với chương trình “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Hội đèn lồng”… đã trở thành những sản phẩm văn hóa – du lịch đặc trưng, hấp dẫn…
Nét độc đáo của các sản phẩm du lịch ở Hội An là giá trị văn hóa kết hợp hài hòa giữa vật thể và phi vật thể. Việc bảo tồn và khai thác du lịch ở các làng nghề gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, mộc Kim Bồng… theo hướng giữ gìn nguyên vẹn cảnh quan, không gian sinh động của làng nghề để tạo thành điểm du lịch cho du khách hay trình diễn, giới thiệu các công đoạn, các sản phẩm của nghề may mặc, làm lồng đèn… là hướng đi đúng đắn và phát huy tốt hiệu quả trong thời gian qua. Ngoài 29 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 240 di tích ngoài khu phố cổ được đưa vào danh mục quản lý, Hội An cũng đã thiết lập 5 bảo tàng và khu trưng bày chuyên đề phục vụ cho hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu.
Những năm gần đây, hình ảnh xa quay, nong tằm, khung dệt; bóng dáng những thôn nữ xe chỉ, luồn kim… trong không gian tằm tang ở Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An hay trong khuôn viên Công ty Làng lụa Hội An là nét mới trong nỗ lực giới thiệu về nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải ở Hội An, Quảng Nam. Trong Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An, những dụng cụ đánh bắt nghề sông nước cũng luôn thu hút sự quan tâm theo dõi, khám phá, tìm hiểu của du khách…
“Hội An trong quá trình nghiên cứu, khảo cổ lịch sử và dân tộc học, nghiên cứu văn hóa đã hình thành nên các bảo tàng chuyên đề, là những dạng bảo tàng nhân học và dân tộc học, khảo cổ lịch sử để giúp các nhà nghiên cứu và người tham quan hiểu biết thêm về Hội An trong tiến trình lịch sử thông qua các tư liệu hiện vật” - ThS.Nguyễn Chí Trung – nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết.
Theo các nguồn tư liệu thư tịch, hoạt động nghề truyền thống ở thương cảng cổ Hội An xưa rất nhộn nhịp, với khoảng 50 nghề tập trung vào 4 nhóm gồm: thủ công mỹ nghệ, dịch vụ khai thác, chế biến gia công và nhóm nghề đặc biệt. Tiềm năng của loại hình văn hóa này vẫn còn khá phong phú. Biết phục hồi và phát huy giá trị như những gì đã làm với nghệ thuật bài chòi thời gian qua, tin rằng Hội An sẽ có thêm những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và đặc sắc.
20/10/2020 09:15 | QUẢNG NAM ONLINE
Tác giả: ĐỖ HUẤN
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn