Du lịch nội địa là cứu cánh
Chúng ta phải hoàn toàn khẳng định rằng du lịch thế giới phục hồi và đường bay quốc tế mở cửa trở lại chỉ khi nào có vắc xin triển khai đại trà thành công trên người. Trước mắt, trong ngắn hạn giải pháp thị trường khách chủ yếu vẫn là nội địa, tuy nhiên lượng khách này đi trong thời điểm cố định, không kéo dài quanh năm, tập trung vào mùa hè và các kỳ nghỉ lễ quốc gia ngắn hạn. Số lượng khách nội địa cũng chỉ đảm bảo khỏa lấp 20 - 30% công suất dịch vụ điểm đến.
Với điều kiện du lịch Hội An trước đây là điểm đến đón du khách quốc tế, việc thu hút khách nội địa sẽ là một bài toán khó khăn cho các doanh nghiệp chuyển đổi, xoay xở kịp thời và hiệu quả. Trong thời gian đến cuối năm, Hội An nên tranh thủ các kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Âm lịch để thu hút khách nội địa, duy trì hoạt động đợi ngày đón khách quốc tế. Các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch phải nhanh chóng nắm bắt xu hướng du lịch của khách nội địa sau Covid-19, xu hướng tiêu dùng du lịch mới, cũng như điều chỉnh phù hợp sản phẩm dịch vụ của mình để đáp ứng thị trường “khó tính” này.
“Dọn nhà đón khách mới”
Dịch bệnh cũng là lúc chúng ta có nhiều thời gian để “dọn nhà đón khách mới” - dọn dẹp các bất cập mà trước đây chưa giải quyết triệt để, để khi du lịch phục hồi dễ dàng đón khách, tạo ra diện mạo mới, như đào tạo lại lao động tay nghề, vệ sinh môi trường, sắp xếp ngăn nắp cơ sở hạ tầng. Nếu chúng ta đã từng thành công trong việc cấm sử dụng ni lông tại Cù Lao Chàm thì tại sao trong thời điểm này không tận dụng cơ hội triển khai việc cấm sử dụng túi ni lông hoặc các chất sử dụng ô nhiễm môi trường trong phố cổ, dần dần mở rộng ra toàn địa bàn TP.Hội An?
Phát triển du lịch bắt đầu từ sản phẩm, du lịch xanh - mô hình tăng trưởng mới cho du lịch Hội An. Trước khi xảy ra Covid-19, thị trường khách du lịch truyền thống tại Hội An đã bắt đầu sụt giảm liên tục qua các năm. Đẩy ra tình trạng dư thừa lượng cung phòng lưu trú, tình trạng quá tải khách du lịch tại các điểm tham quan, gây áp lực lên hạ tầng du lịch tại Hội An. Vì vậy, chúng ta cần đánh giá lại khả năng phục vụ khách du lịch tại điểm đến, lựa chọn thị trường phục vụ, cơ cấu lại sản phẩm du lịch, cân đối cung cầu, hoạch định những bước đi bền vững.
Phát triển du lịch xanh
Hiện nay thiên tai cực đoan khó lường ngày càng rõ nét, hệ lụy nhãn tiền. Mùa mưa thì bão lũ tàn phá bờ biển Cửa Đại, An Bàng, gây ngập nước sâu và nhanh tại phố cổ và vùng ven sông Thu Bồn; mùa hè thì nắng gắt và khô hạn. Với mục tiêu phát triển nền tảng thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An quán triệt theo đuổi trong nhiều năm qua, đây là tiền đề tốt để chúng ta dẫn dắt cộng đồng phát triển du lịch xanh, hướng đến giá trị bền vững.
Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh cũng trùng với chủ trương chung của Ngân hàng Thế giới - World Bank tư vấn Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn phát triển thu nhập cao giai đoạn 2021 - 2030. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ngày Du lịch thế giới năm nay (27.9), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) kiến tạo phát triển du lịch nông thôn nhằm bảo tồn phát triển thiên nhiên tại khu vực nông thôn.
Đặc biệt gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động xây dựng 1 tỷ cây xanh trên cả nước trong 5 năm đến. Từ tất cả cấp ngành du lịch trên thế giới đến khu vực và Việt Nam đang kêu gọi định hướng phát triển du lịch xanh. Nếu địa phương nào tiên phong, dẫn dắt phát triển xây dựng sản phẩm du lịch xanh thành công, sẽ tạo ra lợi thế so sánh nổi trội, tạo ra một thị trường riêng biệt, một “đại dương xanh” bền vững mà các đối thủ khác khó tiếp cận, theo đuổi.
Hiện tại Hội An đã có nhóm doanh nghiệp tiên phong xây dựng hoàn chỉnh sản phẩm du lịch xanh như Công ty Du lịch Hoa Hồng (mô hình kinh tế tuần hoàn - vườn Kybimơ) và Công ty Emic Hospitality. Lợi thế nổi bật của sản phẩm du lịch này là không phải ai cũng có thể xây dựng được, mà phải có quá trình nghiên cứu, đầu tư bài bản, tay nghề cao, chuyên nghiệp, bán giá thành rất cao, tạo ra giá trị lớn, định vị thị trường du lịch cao cấp. Nhiều mô hình sản phẩm du lịch xanh khác tại Hội An đang được cộng đồng doanh nghiệp du lịch quan tâm, tạo sức bật lớn, mới trong việc dẫn dắt, định hướng thị trường và sản phẩm du lịch.
Làm ấm du lịch bằng các chuỗi sự kiện
Chúng tôi nhận thức rằng trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, khi có sự trục trặc xã hội và thất bại thị trường đều có vai trò “bà đỡ” rất quan trọng của Nhà nước. Mọi ý tưởng sự kiện lớn nhỏ trong bối cảnh này cần được nâng niu và phát huy, nâng tầm lên để thành các sự kiện văn hóa - du lịch đầy màu sắc, hứng khởi. Nó cũng tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và giữ lửa nghề trong giai đoạn này.
Hội An là địa phương có bề dày lịch sử, nơi giao thương nhiều nền văn hóa quốc gia khác trên thế giới, là nơi có nhiều “nguyên liệu du lịch” phong phú để tạo nên các sự kiện văn hóa phục vụ du lịch, là công cụ để kích cầu du lịch trong những mùa thấp điểm và tối đa hóa công suất khai thác du lịch trong mùa cao điểm. Các ký ức, hồi ức của văn hóa, con người Hội An xưa đều có thể được phục hồi, xây dựng thành những câu chuyện kể bằng chuỗi sự kiện, hoặc show diễn thực cảnh trên nền phố cổ.
Trong ngắn hạn, đầu tư tạo mới các sự kiện phục vụ khách nước ngoài cư trú tại Hội An hoặc Việt Nam, khách du lịch nội địa trong các kỳ nghỉ lễ quốc gia hoặc tết. Trong dài hạn, Hội An tận dụng các mùa vụ cao điểm để khai thác khách từng thị trường, như du lịch quốc tịch khách gốc Hoa thường đi vào các mùa Tết Âm lịch (tháng 12 đến tháng 2 năm sau) như Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Singapore. Các nước có kỳ nghỉ lễ hội té nước như Thái Lan, Myanamr, Lào, Camphuchia có kỳ nghỉ dài ngày vào tháng 4; kỳ nghỉ dài ngày của người Hàn Quốc vào Tết Trung thu (tháng 8); Nhật Bản có kỳ nghỉ vàng vào tháng 9; khách châu Âu có kỳ nghỉ dài ngày từ Noel đến Tết Dương lịch (cuối tháng 12).
Tương lai nếu chúng ta khai thác khách Hồi giáo từ các nước Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Trung Đông thì chúng ta càng có nhiều kỳ nghỉ dài ngày khác. Nhìn chuỗi kỳ nghỉ của các nhóm khách khác nhau, chúng ta sẽ có chuỗi giá trị sự kiện chạy quanh năm, chạy từ năm này qua năm khác sẽ định vị được hình ảnh sự kiện trong tâm trí khách hàng.
Khai thác mạng xã hội, truyền thông và dữ liệu lớn
Hội An quá nổi tiếng với truyền thông và mạng xã hội, tuy nhiên bao lâu nay, các ngoại tác tích cực này đến từ sự ưu ái, tình cảm nồng nhiệt từ báo chí, truyền thông bên ngoài, mà bản thân Hội An chưa chủ động xây dựng kênh truyền thông chủ lực cho riêng mình.
Trước đây, các điểm đến du lịch khác trong cả nước chưa được nổi tiếng thì Hội An là tâm điểm của truyền thông trong nước và quốc tế. Nhưng với thời đại công nghệ số, sự đầu tư phát triển không ngừng của các địa phương lân cận, các điểm đến thay thế Hội An, sẽ vô tình đẩy hình ảnh Hội An bị loãng đi trên các phương tiện đại chúng và mạng xã hội, vô tình chúng ta mất lợi thế cạnh tranh và thứ bậc trên không gian mạng bị suy giảm.
Hơn 20 năm phát triển du lịch (kể từ khi Hội An được công nhận Di sản thế giới vào tháng 12.1999), Hội An chưa có kênh quảng bá chính thống trên Facebook có lượng theo dõi cao; chưa có kênh quảng bá rộng rãi trên YouTube, Instagram, Linkedin, Twitter và gầy đây nhất là ứng dụng TikTok... Chưa kể đặt mục tiêu cao hơn là đạt nút vàng, nút bạc trên YouTube, tích xanh trên Facebook hầu như chưa có.
Mạng xã hội không chỉ là công cụ quảng bá truyền thông cho du lịch mà còn làm vai trò quản lý nhà nước về du lịch và trật tự xã hội cũng rất hữu dụng. Dữ liệu lớn hiện nay trở thành tài sản của mỗi quốc gia và doanh nghiệp, nó sẽ hữu ích nếu chúng ta biết khai thác vào vận hành quản lý xã hội. Đơn cử áp dụng vào việc quản lý bán vé tham quan phố cổ sẽ quản trị triệt để hơn các công cụ kiểm soát vé truyền thống như hiện nay, tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội.
Theo báo cáo Sở VH-TT&DL, có đến 90% doanh nghiệp du lịch tạm ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, hàng nghìn người lao động mất việc làm. Ước tính số lao động tạm ngừng việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc tại các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Quảng Nam đến tháng 11.2020 hơn 14.000 người.
Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2020 ước đạt hơn 1,46 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó khách quốc tế ước đạt 763.900 lượt, giảm 83,6%; khách nội địa ước đạt 703.500 lượt, giảm 77,5%. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 1.068 tỷ đồng, giảm 82,7%. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 2.510 tỷ đồng.
03/12/2020 15:07 | QUẢNG NAM ONLINE
Tác giả: NGUYỄN SƠN THỦY
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn