Một ngày, cháy hai vụ
Chỉ trong một ngày cuối tháng 10, sự cố chập điện suýt gây cháy nhà đã xảy ra cả ban ngày và ban đêm. Chị Nguyễn Thị Anh, người phát hiện sự cố chập điện ở ngôi nhà 166 Trần Phú (Hội An) kể: “Chiều 20-10, tôi đang đi trên đường Trần Phú thì ngửi có mùi khét rất nặng. Tôi đi tới, đi lui một lúc để quan sát đường dây điện có bị chập hay có nhà ai bị cháy không? Một lát sau tôi thấy khói trắng bốc ra từ ngôi nhà 166 Trần Phú. Lúc ấy ngôi nhà không có ai, cửa khóa bên ngoài. Tôi gọi người hàng xóm và cùng với anh ấy báo lên Công an phường Minh An. Cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn (TTQLBT) Di sản Văn hóa Hội An và Công an phường Minh An, nhân viên chi nhánh điện cùng người dân kịp thời xử lý nên sự cố chập điện đã được khống chế kịp thời, chưa gây ra cháy nhà”.
Cũng ngay trong đêm 20-10, một ngôi nhà khác trên đường Trần Phú cũng xảy ra chập điện. Sự cố xảy ra khi chủ nhân ngôi nhà đang nằm viện, may mắn, người dân phát hiện kịp thời nên chưa xảy ra cháy nhà. Trước đó vài ngày, theo chị Nguyễn Thị Lệ Hằng ở hội quán Quảng Đông: “Đúng vào lúc nước lũ đang dâng lên, trời mưa tầm tã, ngay trước cửa nhà Vĩnh Hưng, đối diện hội quán Quảng Đông xảy ra chập đường dây điện phát lửa lớn đùng đùng đến nửa mét. Tôi phát hiện và kịp thời báo lên chi nhánh điện để xử lý nếu không cũng cháy to rồi”.
Nguy cơ cháy nhà đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, chập điện, hoặc do người dân, chủ các cửa hàng thắp hương dẫn đến phát hỏa. Theo ông Thái Tế Thông, gần 90 năm sống trong khu phố cổ Hội An, cho hay: “Chuyện cháy nhà trong lịch sử đã từng xảy ra nhiều”. Chỉ tính từ 2016 đến 2019, tại Hội An đã xảy ra 12 vụ cháy, phần lớn xảy ra trong khu vực phố cổ.
Đơn vị quản lý cần chủ động
Mấy tháng qua, do nhiều nhà hàng trong khu phố cổ chưa mở cửa kinh doanh trở lại nên phố rất vắng. Nhiều ngôi nhà đóng cửa, không có người trực bảo vệ ban ngày và ban đêm nên nếu cháy, nổ xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Vì những ngôi nhà trong khu phố cổ được xây dựng liền kề với nhiều vật liệu gỗ. Để chủ động phòng, chống cháy, nổ trong khu phố cổ những ngày mưa, vắng khách và vắng chủ, vừa qua, lãnh đạo phường Minh An đã gửi thông báo đến các hộ trên địa bàn. Theo đó, họ phải tự kiểm tra các thiết bị điện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong nhà để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đối với các hộ chưa mở cửa kinh doanh và không có người trực hằng ngày thì phải kiểm tra, tự tắt nguồn điện hoặc liên hệ chi nhánh điện Hội An để cắt nguồn điện vào nhà bảo đảm an toàn điện, phòng xảy ra chập điện gây cháy nổ. Ông Nguyễn Trần Vũ, Chủ tịch UBND phường Minh An, cho hay: “Chúng tôi liên tục phát thanh lưu động trong khu vực phố cổ để nhân dân thấy được các nguy cơ, chủ động các giải pháp phòng ngừa”.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc TTQLBT Di sản Văn hóa Hội An cho biết: “Hằng năm, Trung tâm (TT) đều gặp mặt chủ di tích để trao đổi nội dung cụ thể về phòng cháy, chữa cháy, phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh trật tự kinh doanh, trưng bày hàng hóa trong khu phố cổ. Tại bảy điểm bảo tàng, di tích trong khu phố cổ do TT quản lý, chúng tôi trang bị 35 bình chữa cháy, bảy bộ nội quy, tiêu lệnh phòng cháy, thành lập bảy đội phòng cháy chữa cháy thường trực”. Ông Ngọc cho biết thêm: “Dù vậy, nguy cơ cháy các di tích là rất cao, cho nên công tác phòng tránh phải thường xuyên, liên tục và cấp thiết”.
Tại Hội An có gần 1.400 di tích, trong đó tập trung nhiều nhất là khu phố cổ với 1.142 di tích. Các di tích trong khu phố cổ phân bổ với mật độ dày đặc, chất liệu chủ yếu từ vật liệu gỗ. Đặc biệt, quần thể khu phố cổ là một bảo tàng sống, mỗi ngôi nhà - di tích, đều gắn liền với sinh hoạt thường ngày của người dân như: nấu ăn, thờ cúng, buôn bán. Mặc dù chính quyền, người dân và các cơ quan, ban, ngành Hội An đã và đang chủ động phòng, chống cháy nổ nhưng khu phố cổ Hội An vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, đặc biệt trong thời gian đang có quá nhiều ngôi nhà thiếu vắng sự trông coi của người dân.
Tác giả: KHIẾU HOÀI, NINH NGUYỄN
Nguồn tin: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn