Hội An tình đất, tình người

Chủ nhật - 11/10/2020 22:40
Tôi sinh ra ở một vùng ven đô gần với Hội An, nhưng cha tôi làm việc ở đó nên ngày ấy tôi luôn lẽo đẽo theo cha vào những buổi chiều không phải đi học để được vào phố thị.
​​
img 6886 lbew
Hội An ẢNH: THIÊN ANH

Nói là phố thị nhưng cả thành phố lúc ấy cũng chỉ dăm ba dãy phố lụp xụp, buồn tẻ trong nội thị, lại thêm phần tiêu điều khi vừa trải qua đận lụt lịch sử năm 1999. Được cái, Hội An nắng oi nồng cũng đẹp mà mưa dầm dề cũng đầy thơ mộng. Càng tĩnh lặng thì càng đẹp mê hồn.
Có những ngày hè nắng oi ả, ve kêu ầm ĩ cả một góc trời, tôi cầm vân vê những quyển tạp chí lạ lẫm chi chít lần đầu được trông thấy lần giở linh tinh xem hình trên căn gác xếp cửa hàng rồi nhìn vu vơ qua khung cửa sổ. Một Hội An trầm mặc, êm đềm thu vào mắt, những con đường, không, đúng hơn là những con hẻm ngập nắng, thỉnh thoảng có bà cụ quảy gánh mì Quảng lầm lũi rảo bước trên vỉa hè, bóng người đổ xiêu theo bóng nắng.
Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần ăn mì từ quang gánh của bà cụ nữa. Không bàn, ai ăn chỉ kê thêm chiếc ghế nhỏ nhưng mọi thứ đều rất mộc mạc và đầy ấm áp. Thỉnh thoảng bà còn thêm tôi lát thịt, quả trứng khi trông thấy cách ăn uống rất hồn nhiên của con trẻ, có lẽ vì tôi cũng chỉ như cháu, chắt của bà ở nhà mà thôi. Đã bao lần tôi trở lại phố Hội để kiếm tìm cái quang gánh tròng trành và nụ cười móm mém ấy nhưng có lẽ nó chỉ còn trong hoài niệm.
Về sau này, rất nhiều du khách và cả những người bạn phương xa mà tôi biết cũng đều ít nhiều tiếc rẻ về ký ức Hội An ngày cũ với không gian thanh bình, những đêm trăng thanh gió mát chỉ còn ánh đèn đường tù mù hắt bóng xuống mái nhà rêu phong ven sông Hoài. Họ đã cố gắng đến đây vào mùa thấp điểm khách du lịch chỉ với hy vọng có thể bắt gặp lại khung cảnh này.
Hồi đó, không mấy ai nghĩ thị xã buồn tẻ này sẽ trở thành điểm đến thu hút khách quốc tế hàng đầu cả nước như hiện nay. Ấy mà, chính từ những nếp quê, tình người dung dị, mộc mạc ấy đã lan tỏa đến hàng triệu, hàng triệu du khách trên toàn cầu về một mảnh đất nhân tình thuần hậu, để thương hiệu Hội An bay cao chỉ sau chừng hai thập kỷ. Để thấy rằng, từ con số không, ngành du lịch địa phương đã tiến bước rất nhanh nhờ vào vốn văn hóa trăm năm bồi tụ nơi thương cảng vang bóng một thời…
Dịch bệnh tai hại ập đến, những vùng quê khác buồn một thì Hội An hụt hẫng mười. Hàng ngàn người với sinh kế chính dựa vào du lịch rồi đây sẽ nhiêu khê với cuộc sống hậu dịch bệnh. Nhưng trong thời khắc gian khó đó, nhiều người Hội An tạm chưa nghĩ đến ngày mai. Hôm nay họ phải đùm bọc, san sớt nhau qua khoảnh khắc khốn khó đã. Có bà cụ bán sinh tố mưu sinh từng bữa qua ngày cũng lặng lẽ gói ghém mấy chục bịch sinh tố đến tận cổng Trung tâm Y tế thành phố trao tận tay cho y, bác sĩ đang ngày đêm gồng mình chống dịch; có anh thanh niên là chủ doanh nghiệp vận tải du lịch tình nguyện lên đường vận chuyển hàng trăm lượt người đi cách ly, nghi nhiễm bệnh; có chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đang còn ngồi trên giảng đường y khoa đáp lời kêu gọi từ chính quyền thành phố tràn trề nhiệt huyết thanh xuân tình nguyện vào “chia lửa” nơi tuyến đầu để truy vết mầm bệnh. Họ khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp nhưng chung tình yêu đồng bào, yêu mảnh đất Hội An nhỏ bé, thuần hậu.
Những thời khắc khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi, người miền Trung bao đời chịu thương chịu khó, người Hội An lại “lận lưng” thêm vốn tinh tế, tài hoa thì mọi bĩ cực sẽ càng sớm lùi lại phía sau.
Và mọi thứ đều có thể làm lại, như cách bao lần người Hội An làm lại trong vòng quay thời gian thăng trầm của mình. Bởi nơi đây luôn tràn ngập tình người. Người Hội An cho đi nhưng luôn còn mãi, luôn đọng lại ân tình đến lữ khách muôn phương như lời thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Hội An không là quê
Mà là hương, khổ thế
Quên quê, ai có thể
Hương ư? Ôi dễ gì…”

Tác giả: Phạm Quốc Tuấn

Nguồn tin: thanhnien.vn

 Từ khóa: sinh ra, làm việc, lẽo đẽo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây