Hệ thủy cổ tại Cù Lao Chàm là sự kết hợp giữa các khu vực trồng trọt (ở dạng địa hình triền đồi, chân núi dốc) gắn với việc sử dụng nguồn nước ngọt tự nhiên (nước nhỉ từ đất lên và nước khe suối bằng hình thức đắp bờ ngăn nước và đào mương dẫn).
Hệ thủy cổ này có giá trị về lịch sử, văn hóa và sinh thái tự nhiên, đây cũng là tài nguyên độc đáo, riêng có ở Cù Lao Chàm.
Khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện có 9 hệ thủy lợi cổ tại Cù Lao Chàm, gồm: khu rẫy Ông Quy và suối Tình, đồng Chùa và khe Ông Thơ, đồng Am và khe Am, ruộng Bà Đành và khe Bà Đành, ruộng Bà Môn và khe Cây Cắt, nà Bà Nghiêm, ruộng Bãi Ông và khe Ông Son, khu rẫy bà Trần Thị Chức, suối Bãi Chồng; phân bố chủ yếu tại Hòn Lao.
Trung tâm tiến hành ghi chép, chụp hình, quay phim, sơ đồ hóa các đặc điểm, yếu tố nổi bật, đặc trưng của các hệ thủy cổ để đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy.
Theo “Tổng quan về khảo cổ, lịch sử - văn hóa Cù Lao Chàm” của Thạc sĩ Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Hội An, dọc các sườn núi Hòn Lao nhìn xuống các bãi cát có nhiều điểm “đá xếp” thành hệ thống còn được bảo tồn khá tốt, khá điển hình ở khu vực miền Trung Việt Nam vào thời kỳ của cư dân Champa với mục đích sử dụng nguồn nước tự nhiên cho nhu cầu của cuộc sống.
Đó là hệ thống “đá xếp” theo từng bậc, từ thượng nguồn xuống dùng để lấy nước cúng tế - nước ăn uống - nước tắm giặt, sinh hoạt khác - tưới cho ruộng lúa trước khi chảy ra biển.
Hệ “đá xếp” thứ hai tạo thành điểm cư trú (làm nhà), kết hợp nương rẫy, làm ruộng khô (xích điền), trồng hoa màu, cây ăn trái... hoặc nà (ruộng bậc thang có nước) và ruộng trên những bãi bằng, thường xuyên có nước để trồng lúa nước (bạch điền),...
Tác giả: Quốc Hải
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn