Trên cơ sở những nền tảng sẵn có, Hội An đã có những quyết sách sáng tạo, hợp tình hợp lý để bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị của làng nghề truyền thống, hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ; không gian sống của văn nghệ dân gian trong đời sống hiện đại...
Gắn kết nghề thủ công với du lịch bền vững
Từ khi Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, TP Hội An đã có những thay đổi từ tầm nhìn, định hướng trong chính sách phát triển tổng thể để phù hợp với thực tế. Đặc biệt là định hướng xây dựng Hội An thành một thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch, lấy cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ làm ngành kinh tế chủ đạo.
Trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống, Hội An luôn có sự tập trung chỉ đạo, điều hành sâu sát trên cơ sở gắn kết các hoạt động làng nghề với hoạt động tham quan du lịch, phù hợp với định hướng văn hóa, sinh thái và cộng đồng của thành phố. Không gian phát triển du lịch được trải khắp các vùng nhưng được điều tiết có trọng điểm trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên, tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn. Một số tuyến điểm du lịch được đưa vào khai thác tại các làng nghề truyền thống, gắn các tour du lịch tham quan với trải nghiệm hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ, tăng thêm thu nhập cho chính người dân ở làng nghề. Chẳng hạn như làng nghề khai thác yến sào Thanh Châu đã phát triển các sản phẩm hiện có tại đảo Cù Lao Chàm như tour tham quan di tích, lặn biển, câu cá, đi bộ dưới đáy biển, sản phẩm Đêm Cù Lao.
Tại làng gốm Thanh Hà có các tour trải nghiệm làm gốm thủ công, khám phá không gian cổ xưa của làng gốm cùng với những điểm đến mới như công viên đất nung,… Làng rau Trà Quế thu hút khách với các tour một ngày làm nông dân Trà Quế, cùng trải nghiệm quy trình sản xuất, trồng rau, “cooking class” học chế biến các món ẩm thực từ rau Trà Quế,… Tại làng nghề tre dừa Cẩm Thanh có như tour xe đạp, tour sông nước, khám phá rừng dừa Bảy Mẫu, vườn rau hữu cơ Thanh Đông…
Các quyết sách thúc đẩy làng nghề phát triển
Chia sẻ về một số chính sách để thúc đẩy phát triển các nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An, Ths Nguyễn Thị Xuân Vui, Phó phòng Kinh tế TP Hội An cho biết trên cơ sở cơ chế ưu đãi khuyến khích đầu tư của Trung ương, tỉnh Quảng Nam, TP Hội An đã ban hành các đề án, phương án phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống, hỗ trợ một số nội dung để khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống tại địa phương. Ngoài ra, điều tiết nguồn thu vé tham quan tại các làng nghề để hỗ trợ thu nhập cho người lao động tại một số làng nghề, tái đầu tư để phát triển các làng nghề truyền thống.
Nhận thức được tầm quan trọng của di sản nghề truyền thống, một bộ phận hữu cơ cấu thành DSVH Hội An, là nền tảng và động lực văn hóa quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương, Hội An với những bước đi riêng của mình đã có những cách làm sáng tạo và đạt được những thành quả quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề, làng nghề trên nhiều phương diện. Theo ông Quảng Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, trong gần 20 năm qua, các cơ quan chuyên môn thực hiện xuyên suốt công tác nghiên cứu, kiểm kê nhận diện giá trị bộ phận di sản văn hóa nghề, làng nghề. Qua nghiên cứu thống kê nhận diện bước đầu, hiện tại thành phố có hơn 50 nghề truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương vẫn được duy trì và phát triển. Đến nay phần lớn các di sản nghề truyền thống này đã bước đầu được nghiên cứu nhận diện cơ bản các thông tin về lịch sử, quy trình sản xuất, thực trạng, tình hình nghệ nhân, lao động, thị trường tiêu thụ,,...qua đó cũng đã tạo nguồn dữ liệu khoa học bước đầu phục vụ công tác nghiên cứu phát huy bộ phận di sản quan trọng này.
Trên cơ sở đó, tiến hành nhiều đợt nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, hiện vật lịch sử quý liên quan đến các nghề, làng nghề truyền thống để hình thành nên các bảo tàng chuyên đề văn hóa dân gian, nghề y truyền thống hết sức độc đáo trong Khu phố cổ Hội An, mở cửa đón khách thường xuyên. Qua đó góp phần quảng bá về giá trị của các ngành nghề truyền thống Hội An đến với du khách trong nước và quốc tế. Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận các danh hiệu cho các nghề, làng nghề, công nhận nghệ nhân các cấp,…Đến nay, thành phố Hội An đã có 4 làng nghề và 1 phố nghề được UBND tỉnh công nhận. Đặc biệt, các nghề khai thác yến Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Đặc biệt đã tiến hành đầu tư tu bổ, tôn tạo cho hơn 20 di tích kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng liên quan đến lịch sử hình thành các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, tạo điểm tham quan cho du khách trong tour trải nghiệm làng nghề tại Hội An.
Tác giả: KHÁNH CHI
Nguồn tin: baovanhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn