Thành phố Hội An hiện có 4 làng nghề và một phố nghề đèn lồng, trong đó các nghề gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, trồng rau Trà Quế và khai thác yến Thanh Châu đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại hội thảo “Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống và văn nghệ dân gian ở Hội An hướng đến thành phố sáng tạo” do TP Hội An phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức vào tháng 7.2022, nhiều ý kiến của các chuyên gia về lĩnh vực nghề thủ công và văn nghệ dân gian đều cho rằng, các làng nghề truyền thống ở Hội An được xem là nguồn tài nguyên văn hóa, là nguồn nguyên liệu cho những sáng tạo tiếp theo, là minh chứng cho thấy tác động của du lịch trong việc nuôi dưỡng, kích thích quá trình sáng tạo.
Sự “giàu có” những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của vùng đất Hội An nói riêng, xứ Quảng nói chung có sự đóng góp rất lớn của các làng nghề truyền thống ở Hội An, nơi đã tạo dựng, lưu giữ được những giá trị văn hóa làng nghề đặc sắc; bao gồm cả tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phong tục tập quán, lễ hội, văn học dân gian, các giá trị thẩm mỹ,… Các lễ hội cúng Tổ nghề ở các làng nghề truyền thống luôn được chính quyền cùng cư dân Hội An giữ gìn, tổ chức theo truyền thống từ xưa nay. Không chỉ để tri ân công đức tiền nhân, mà qua đó kêu gọi cộng đồng cùng chung tay góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, truyền nghề và phát triển làng nghề. Góp phần quảng bá bản sắc văn hóa, thương hiệu của các làng nghề đến với người dân và du khách trong và ngoài nước.
Có thể nhắc đến các lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách cùng đến tham dự như lễ giỗ Tổ nghề mộc làng Kim Bồng; Lễ hội Cầu Bông làng rau Trà Quế; Lễ giỗ Tổ nghề gốm làng Thanh Hà; Lễ giỗ Tổ nghề yến tại Cù Lao Chàm,… Các sản phẩm du lịch làng nghề như một ngày làng nông dân làng rau Trà Quế, du lịch sinh thái Cẩm Thanh, đêm phố cổ,… là những sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo của Hội An. Điểm đặc biệt là những sản phẩm này được sáng tạo, phát triển từ những “vật liệu truyền thống” ở chính không gian của làng nghề như cảnh quan, kiến trúc truyền thống, các giá trị văn hóa phi vật thể lễ giỗ Tổ nghề, lễ hội, các hoạt động văn hóa, diễn xướng, trò chơi dân gian, ẩm thực đặc sắc của làng nghề. Cùng với đó là sự sáng tạo, bền bỉ gắn bó với làng nghề, trao truyền giữ lửa các hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ của những nghệ nhân, người dân làng nghề,… Tất cả những điều ấy đã giúp các sản phẩm du lịch gắn với làng nghề, làng quê sinh thái hấp dẫn, bền vững, góp phần thúc đẩy du lịch Hội An phát triển.
Không chỉ vậy, làng nghề truyền thống cùng với các hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nông thôn mới, giải quyết việc làm và phát triển du lịch ở Hội An. Các thế hệ nghệ nhân ở các làng nghề đã tích lũy kho tàng tri thức phong phú về nghề. Như làng mộc Kim Bồng với nghề đóng ghe thuyền, làm nhà cửa, sản xuất hàng mỹ nghệ, hàng gia dụng. Hay làng gốm Thanh Hà ngoài việc sản xuất theo phương thức cha truyền con nối, thế hệ nghệ nhân đương đại có sự cải tiến trong việc sản xuất gốm mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang trí và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP Hội An chia sẻ: Hội An hướng đến mục tiêu “Thành phố sáng tạo toàn cầu” vẫn luôn chú trọng đến tiêu chí hàng đầu và trọng tâm là có sự tham gia tích cực của cộng đồng (người dân, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, tầng lớp tinh hoa, doanh nhân…). Không chỉ tham gia vào các quyết định liên quan đến sáng tạo và phát triển, mà còn các thực hành sáng tạo vì sinh kế và kết nối cộng đồng. Các thế hệ cộng đồng Hội An đã sáng tạo, bồi đắp, truyền lưu những giá trị di sản vô cùng độc đáo và đa dạng. Hạt nhân của các giá trị đặc trưng này chính là văn hóa và con người, tinh thần cố kết cộng đồng ở làng cũng như ở phố, vai trò và trách nhiệm chủ thể của người dân trong các hoạt động văn hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, văn hóa làng nghề, nghề thủ công truyền thống vang tiếng khắp nơi, cùng với kho tàng văn nghệ dân gian muôn hình muôn vẻ là những thành tố quan trọng tạo thành và truyền tiếp dòng chảy văn hóa Hội An.
Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, các làng nghề truyền thống cùng với hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ Hội An cũng đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, tồn tại, đứng trước nhiều thách thức. Trong năm 2020-2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành du lịch, lượng khách tham quan đến các làng nghề vì thế cũng giảm đáng kể; nguồn thu từ dịch vụ du lịch bị giảm sút, thị trường tiêu thụ tại chỗ chậm, lúng túng trong việc phát triển mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ trong làng nghề gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các làng nghề cũng phải đối diện với những khó khăn như: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất - kinh doanh tại làng nghề. Sản phẩm làng nghề chưa phù hợp với thị hiếu khách hàng. Thiếu người trẻ kế nghiệp; công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn; chưa có chế độ đãi ngộ, phụ cấp lương cho các nghệ nhân và thợ giỏi tại làng nghề,…
Tác giả: THU HOÀI
Nguồn tin: baovanhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn