Di sản văn hóa thế giới Hội An

Thứ sáu - 02/10/2020 03:22
(VTR) Sự hình thành và phát triển của đô thị - thương cảng Hội An là một kiểu mẫu tiêu biểu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thời Trung - Cận đại. Nó là kết quả của hơn 2.000 năm lịch sử khai phá, tạo dựng, phát triển, từ thời Tiền - Sơ sử với Tiền cảng thị sơ khai, đến thời Vương quốc Champa với Chiêm cảng - Lâm Ấp Phố (Phố của người Lâm Ấp/Champa) và thời Đại Việt - Đại Nam với sự phát triển cực thịnh của đô thị thương cảng quốc tế Hội An. Mặt khác, nó luôn được trân trọng, giữ gìn, tiếp thu, giao lưu và phát triển của bao thế hệ dân cư Hội An, trên mảnh đất đầy đủ các yếu tố “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa” để Hội thủy, Hội nhân, Hội văn, với một địa danh - tên gọi rất Việt Nam, đầy ước vọng - Hội An.
29 hoi an

Ngày 4/12/1999, khu phố cổ Hội An được Ủy ban Di sản Thế giới của Tổ chức UNESCO chính thức ghi vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới bởi giá trị nổi bật toàn cầu với 2 tiêu chí: Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

Quả là hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An. Theo thống kê gần đây, hiện có hơn 1.360 di tích, trong đó có 1.283 di tích khảo cổ và di tích kiến trúc nghệ thuật như các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ); công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng, miếu, nhà thờ tộc, hội quán, nhà thờ - thánh thất); và công trình đặc thù - mộ.

Đặc biệt cho đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn là môi trường sinh sống của hàng chục nghìn người, đã trở thành một “Bảo tàng sống” về kiến trúc - lối sống đô thị, cảng thị, chủ nhân của các ngôi nhà cổ vẫn tham gia hòa nhập vào cuộc sống đời thường.

Quá trình giao lưu kinh tế - văn hóa trong nhiều thế kỷ đã tạo cho đô thị cổ Hội An hội tụ được các yếu tố nghệ thuật dân tộc truyền thống và làm phong phú thêm bằng những tố chất thích hợp của nghệ thuật nước ngoài để tạo nên cái riêng có - Hội An.

Hội An còn có một khối lượng khổng lồ cổ vật, di vật hết sức giá trị còn được bảo lưu.

Tất cả đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa vật thể với những giá trị đa dạng, đa diện, đa sắc - của  một Hội An văn vật.

Hội An là cái nôi truyền bá thiên chúa giáo và phật giáo ở Đàng Trong, là một trong cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ vào thế kỷ 17, là điểm gặp gỡ giao lưu giữa các nền văn hóa Champa, Việt, Hoa, Nhật, Ấn, Đông Nam Á và phương Tây. Các yếu tố văn hóa từ nhiều nguồn đã trải qua quá trình gạn lọc, tiếp biến, để rồi định hình sắc thái riêng, rất Hội An và tất yếu cũng để lại nguồn di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú, hết sức giá trị và độc đáo như các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; các lễ tục và phong tục - tập quán; món ăn; ngành nghề, làng nghề truyền thống; các loại hình văn nghệ dân gian khác…

Sự quyến rũ và hấp dẫn của Di sản Văn hóa thế giới Hội An còn được nhân lên bởi sự lan tỏa, gắn kết, bao bọc của một môi trường sinh thái - nhân văn hết sức độc đáo, phong phú: sông, nước - biển - bãi biển - làng quê - làng nghề truyền thống. Cách bờ biển khoảng 15km là cụm đảo cù lao Chàm -  Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trên đảo và các vùng biển quanh đảo có đa dạng sinh học cao với 947 loài sinh vật thủy sinh. Trên những vùng núi cao của đảo có các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, nhiều loài sinh vật được ghi vào sách đỏ. Cư dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, thu hái cây thuốc, dịch vụ du lịch... đặc biệt là nghề khai thác tổ Yến - một dạng thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và còn là dược liệu có thể chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo.

Với những ưu thế vượt trội của một quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên, Hội An đang được nhiều nhà khoa học quan tâm và là thiên đường du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

 

Tác giả: N.C.T

Nguồn tin: vtr.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây