Kiểm soát dịch dưới triều Nguyễn khi có sự kết hợp Tây y

Thứ năm - 16/04/2020 20:49
Các văn bản hành chính triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho thấy, có sự thay đổi rõ rệt trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở nước ta dưới triều Nguyễn khi bắt đầu có sự kết hợp Tây y.
Mot so vi quan trieu Nguyen

Một số vị quan dưới triều Nguyễn - Ảnh tư liệu

Kiểm soát dịch thời các triều vua đầu triều Nguyễn

Các vua triều Nguyễn luôn trăn trở, lo lắng mỗi khi nước ta bị dịch bệnh càn quét gây thiệt hại lớn cho dân. Vì vậy, việc tấu báo kịp thời về tình hình dịch bệnh là hết sức cần thiết. Những người có trách nhiệm tấu báo chậm trễ sẽ bị khiển trách, thậm chí bị cách chức. Bản Tấu của Bộ Lại vào năm Thiệu Trị thứ 2 bẩm rằng: tình hình dịch bệnh ở tỉnh Thanh Hóa, nhân dân hạt đó bị bệnh dịch chết hơn 200 người trong vòng 5 tháng, vậy mà đã qua hơn 2 tháng, viên phủ viên Nguyễn Quốc Trinh điềm nhiên không có bẩm báo, thì thật rất không hợp. Châu phê (của vua): Nguyễn Quốc Trinh truyền giao cho bộ Lại nghị xử. Bộ thần bàn xét viên phủ viên Nguyễn Quốc Trinh xin nên theo lệ những việc cần tâu mà không tâu, cách chức. Châu phê: Y nghị.

Những biện pháp chống dịch chủ yếu lúc bấy giờ được đề cập trong nhiều văn bản là lập đàn cầu khấn và đưa thầy thuốc đến tận nơi điều trị, chế thuốc cấp phát cho người dân.

Năm Tự Đức thứ 2, Lâm Duy Nghĩa, Phạm Quý... phụng Thượng dụ: Vừa qua, bệnh dịch hoành hành còn chưa hoàn toàn yên ổn, lại trời lúc nắng nóng ẩm ướt lúc lạnh, thực không phải là khí hậu thích nghi. Đã lệnh cho Tả Tham tri Bộ Hộ là Tôn Thất Thường đến miếu Thành Hoàng ở Kinh đô, và Tả phó đô Ngự sử viện Đô Sát Bùi Quỹ đến miếu Hội đồng, tất cả đều lãnh vàng hương, cùng sao lời dụ rồi đốt, lòng thành khẩn cầu đảo. Ngày mồng 3 tháng này lại chuẩn cho Kinh Doãn Vũ Trọng Bình đến đền Dương phu nhân làm lễ. Sau đó, thấy mây đen che kín, liền mấy ngày có mưa, cho đến ngày mồng 6, mưa đều khắp. Đến nay, khí hậu đã trở lại bình thường, thật là thần lực linh ứng. Đã chuẩn cho viên Kinh Doãn đến miếu đã cầu khấn chuẩn bị lễ nghi làm lễ tạ ơn. Nay truyền xuất hương lụa trong kho các sở ty chuẩn bị cỗ bàn xôi thịt lễ phẩm, đến ngày mồng 9 tháng này, Tôn Thất Thường và Bùi Quỹ đều đến các miếu đã cầu khấn để làm lễ tạ ơn. Văn bản đã được Vua Tự Đức phê duyệt.

Năm Tự Đức thứ 31, Bộ Hộ tấu báo về việc nhận được tờ tư của phủ thần tỉnh Trị Bình Vũ Khoa trình bày: Theo huyện viên huyện Minh Linh (Vĩnh Linh) bẩm rằng, hạt ấy gần đây có dịch bệnh, các xã Thủy Ba, Thượng Lại có người nhiễm bệnh chết, mỗi xã khoảng 3-5 người. Quan tỉnh tỉnh ấy đã tạm chi 30 quan tiền công quỹ mua thuốc, sai thầy thuốc chữa trị. 
 
Khi có sự kết hợp Tây y

Châu bản triều Thành Thái đến thời Bảo Đại cho thấy, cách kiểm soát dịch bệnh ở nước ta thời gian này chủ yếu theo cách thức người Pháp đưa ra. Cụ thể thiêu hủy những căn nhà có người bị bệnh dịch, đưa thân nhân của họ đến nhà thương, lưu lại điều trị tại đây, khỏi mới được cho đến nơi ở tạm, sau đó mới được về quê. 

Trước tình hình dịch bệnh vào năm Thành Thái thứ 11, Lãnh Tổng đốc Thuận Khánh tư trình gấp: 2 xã Ngọc Hội và Phương Sài, huyện Vĩnh Xương (Nha Trang) từ tháng Chạp năm ngoái đến tháng Giêng năm nay nhân dân bị bệnh dịch hạch, 23 người chết. Ngày 28 tháng trước, đã đốt các nhà cửa có người bị bệnh ở xã đó và đưa thân nhân của họ đến nhà thương. Đến nay đã tương đối yên. Vậy mà một tuần nay, bệnh đó lại tái phát trở lại, 2 xã đó và xã Vĩnh Điềm, tổng cộng có 10 người bị chết. Quý quan lại thiêu đốt các nhà có người bị bệnh và đưa thân nhân của họ đến nhà thương, nhắc nhở nhân dân tuân theo các điều cấm của quý quan, dọn dẹp nhà cửa đường sá sạch sẽ để tránh truyền nhiễm và từ sau nếu có người nào bị bệnh lập tức báo ngay, không được dấu giếm. Vậy xin tư trình quan đại thần Viện Cơ mật soi xét.

Một bản Tư trình khác của tổng đốc Thuận Khánh cho biết, dân Phương Sài hiện đang ở nhà thương đã được quý sứ cho về làm nhà ở tạm tại xứ Thương Sơn gần quý tòa, còn 2 thôn Vĩnh Điềm và Ngọc Hội quý sứ bảo lưu lại nhà thương vài ba tháng rồi sau sẽ cho chọn nơi đến ở tạm. Hẹn 6 tháng mới được trở về quê quán. Trừ sẽ tư trình quan bộ Hộ ra, xin tư trình quan đại thần viện Cơ mật soi xét.

Bản Tấu của Bộ Binh vào năm Duy Tân thứ 6, về việc đề nghị khen thưởng viên làm việc tích cực ở nhà thương, nhưng qua nội dung văn bản, có thể thấy rõ khi có bệnh dịch, các quan trong thành và nhân dân đến điều trị, bệnh nhân nặng thì nằm lại nhà thương, được bác sĩ cấp thuốc theo bệnh và điều trị: Tháng 10 năm ngoái nhận được tờ tư của tỉnh Nghệ An trình bày: Viên Nguyễn Văn Sửu làm việc ở nhà thương tỉnh ấy, làm việc đã 13 năm, gần đây các quan trong thành và nhân dân người nào bị bệnh dịch truyền nhiễm hay có bệnh gì lạ đều đến xin thuốc điều trị. Bệnh nhân nặng cho nằm lại nhà thương ấy, phàm các bệnh nhân được bác sĩ cấp thuốc theo bệnh và chỉ thị cho viên ấy ngày đêm thường xuyên túc trực ở đó để điều trị. Viên ấy không ngại vất vả, thực là đáng khen, xin thưởng cho viên ấy hàm Suất đội Tinh binh để khuyến khích. Bộ thần vâng xét và nhận được công văn của viên Khâm sứ đại thần trả lời: Xin cho Nguyễn Văn Sửu được giữ hàm Đội trưởng Tinh binh, xin nên chuẩn cho thi hành.  Bản Tấu đã được Vua Duy Tân phê duyệt.

Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, việc đi và đến địa phương có dịch bệnh chịu sự kiểm soát chặt chẽ.

Tờ tư của Bố chánh sứ tỉnh Phú Yên vào năm Duy Tân thứ 8 trình rằng: Nay theo tờ bẩm của phủ viên phủ Tuy An Nguyễn Hữu Hiền, thôn Mĩ Quang hạt đó bị bệnh dịch hạch, được quý toà sức cấm người thôn đó không được đi lại sang thôn khác và người thôn khác cũng không được qua lại thôn đó. 

Bên cạnh đó, thuyền buôn của tỉnh bị dịch bệnh cũng bị nghiêm cấm đến các cửa biển để tránh khỏi truyền nhiễm. Năm Thành Thái 11, Bố chánh và Án sát sứ tỉnh Phú Yên tư trình: Ngày 28 căn cứ lời bàn rằng, nhận được điện của quan Khâm sứ đại thần nói bệnh dịch ở Nha Trang lại tái phát, cần nghiêm sức các tấn ngày đêm rà soát không cho thuyền buôn của tỉnh đó vào tấn. Ngày 28 Bố chánh tôi về đến tỉnh đã lập tức bàn sức gấp cho các phủ huyện Tuy An, Tuy Hòa và nghiêm nhắc các tấn cùng phái thập binh đóng chặn tại Điều Kỳ. Ngày đêm canh giữ vặn hỏi không cho thuyền buồm vào cửa tấn để tránh khỏi truyền nhiễm. Nếu sơ suất ăn hối lộ cho đi, phát hiện ra phải trị tội. Xin trình đầy đủ quan đại thần viện Cơ mật soi xét.
 
Ngoài ra, còn phái lính canh đóng giữ để kiểm soát di chuyển giữa nơi bị dịch bệnh với nơi khác. Ngày mồng 9 tháng 7 năm Duy Tân thứ 2, Bộ Binh nhận được  tư văn của quan Phủ tỉnh Bình Thuận Hồ Văn Phức trình rằng: Thấy ngài công sứ ngụ ở tỉnh bàn rằng hiện bệnh dịch ở trong hạt chưa trừ được, nên phái lính đến đóng giữ để khỏi lây lan đến xóm thôn, nhưng số lính ở tỉnh không có bao nhiêu, cần đặt thêm 60 tên lính canh phòng chia phái đóng giữ các nơi. Bộ của thần xét thấy việc này đã trình xin quan bàn bạc giải quyết. Sau đó nhận được trả lời rằng ngày 29 tây lịch tháng trước họp bàn, toà Khâm sứ đại thần nghĩ cho triệu tập lấy 30 tên lính canh phòng, thuộc tỉnh ấy, lương tháng của bọn ấy nên do ngân sách bảo hộ trích cấp một nửa, còn 1 nửa do ngân sách nước ta trích cấp, 30 tên ấy lương tháng mỗi tên là 2 đồng 2 hào 5 xu. Bộ của thần tra cứu thấy ngày mồng 1 tháng trước nhận được  điện tiếp của tỉnh ấy xin phái thêm 30 tên lính canh phòng đến giúp đỡ. Vào ngày mồng 5 tháng 9 họp bàn, ngài Khâm sứ đại thần xét duyệt chỉ số đó, đã điện trả lời cho tỉnh ấy biết mà thi hành. Nay nhận được các điều trả lời của chính phủ. Xin nên chuẩn y cho thi hành. Bản Tấu đã được Vua Duy Tân phê duyệt.
 
Có thể thấy, cách chúng ta hàng trăm năm, dưới thời các vua đầu triều Nguyễn, để chống dịch bệnh, việc kết hợp cả biện pháp về tâm linh với các phương thuốc được coi là hiệu quả và sử dụng thường xuyên. Đến những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, dưới thời Thành Thái, Duy Tân đến cuối triều Nguyễn, có sự kết hợp thêm các biện pháp đưa bệnh nhân đến điều trị tại nhà thương, vệ sinh tẩy uế nhà cửa đường sá và kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển đi và đến nơi có dịch bệnh.

Tác giả: Hồng Nhung

Nguồn tin: laodong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây