Hội An trong công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích

Thứ sáu - 08/09/2023 06:04
Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001 được chia thành 7 chương với 74 điều. Sự ra đời của Luật Di sản văn hóa cùng với một hệ thống văn bản dưới luật đã tạo nên hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, góp phần tác động tích cực đến đời sống xã hội ở nhiều mặt. Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ sớm Hội An đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế đặc thù của địa phương, đặc biệt là trong công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích theo Luật Di sản văn hóa.
      Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hội An có 1.439 di tích thuộc đủ 4 loại hình theo phân loại của Luật Di sản văn hóa và các nghị định, thông tư liên quan. Trong đó, có 24 di tích khảo cổ, 1.337 di tích kiến trúc nghệ thuật, 70 di tích lịch sử, 08 danh thắng. Trong số 1.337 di tích kiến trúc, chiếm đến khoảng 80% là thuộc sở hữu tư nhân và tập thể. Với những đặc thù đó, từ rất sớm Hội An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa Hội An đồng thời đảm bảo phát huy giá trị di sản một cách tốt nhất.

      Ngoài các văn bản pháp quy của Trung ương và Tỉnh, với những đặc thù của di tích ở Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa đã tham mưu thành phố Hội An xây dựng, ban hành nhiều quy định thông qua các Quy chế, Cơ chế: “Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong Khu phố cổ (2006)”. Quy chế này đã được Trung tâm tham mưu, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần vào các năm 2008, 2015. Đến năm 2020, Trung tâm đã tham mưu, xây dựng “Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An” (tích hợp Quy chế này và một số Quy chế liên quan) được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành tại Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 18/12/2020.

      Đối với di tích trong Khu phố cổ, Trung tâm đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa - cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân - tập thể vào năm 2016. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ từ 40 đến 75% kinh phí cho chủ di tích trong công tác tu bổ, tùy theo giá trị bảo tồn của di tích, địa điểm di tích ở trục đường chính hay kiệt/hẻm và đảm bảo các quy định khác liên quan[1]. Đối với di tích ngoài Khu phố cổ, vào năm 2010, Trung tâm đã tham mưu UBND thành phố Hội An ban hành Cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ. Theo đó, tùy theo giá trị và hình thức sở hữu, ngân sách nhà nước sẽ có mức hỗ trợ đầu tư tu bổ cụ thể[2]. Cũng trong năm này, Trung tâm đã tham mưu UBND thành phố Hội An ban hành Quy định về hỗ trợ kinh phí bảo vệ di tích cho 46 di tích tín ngưỡng cộng đồng có giá trị trên địa bàn thành phố[3]. Mạng lưới cộng tác viên quản lý, bảo tồn di sản trong Khu phố cổ được thành lập từ năm 2011, kiện toàn lại vào năm 2020 với 27 thành viên, thành phần bao gồm: Khối trưởng, Tổ trưởng dân phố, cán bộ công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố có liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn Khu phố cổ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, những người có tâm huyết với công tác này[4].

      Công tác điều tra, khảo sát, thống kê, lập danh mục di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố thường xuyên được Trung tâm thực hiện. Hàng năm, danh mục di tích được cập nhật, bổ sung khi có phát hiện di tích mới. Riêng di tích trong Khu phố cổ đã tiến hành đánh giá, phân loại giá trị bảo tồn từng công trình, từ loại đặc biệt, loại I, II, III, IV để có giải pháp quản lý, bảo tồn phù hợp. Công tác nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học trình đề nghị xếp hạng di tích các cấp thường xuyên được quan tâm thực hiện, qua đó tạo cơ sở pháp lý để quản lý và tạo nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo. Các di tích cộng đồng trên địa bàn thành phố đều được thành lập Tổ quản lý di tích. Công tác khảo sát, nắm bắt tình hình di tích được Trung tâm thực hiện định kỳ trong từng năm, qua đó giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, triển khai các giải pháp chống đỡ bảo vệ di tích vào các đợt bão lũ. Hầu hết các di tích đều đã được khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc, đặt bảng nội dung, thông tin thuyết minh di tích. Công tác cấp phép xây dựng, tu bổ di tích trong Khu phố cổ, giám sát tu bổ di tích, trật tự xây dựng cũng có sự tham gia phối hợp thường xuyên của Trung tâm cùng các cơ quan chức năng.

      Công tác khai quật khảo cổ được quan tâm triển khai thực hiện xuyên suốt, đảm bảo tính khoa học, từ năm 1999 đến năm 2022, Trung tâm đã phối hợp tiến hành 14 đợt khai quật, thám sát khảo cổ trên địa bàn thành phố Hội An. Các di chỉ khảo cổ học trên địa bàn thành phố được thực hiện các thủ tục khoanh vùng, dựng bia cắm mốc để bảo vệ. Các hiện vật khảo cổ được xử lý, bảo quản tốt, phục vụ trưng bày tại các bảo tàng do Trung tâm quản lý.
 
hau xa
Khai quật khảo cổ di tích Hậu Xá - Ảnh: Trần Phương
 
      Công tác tu bổ di tích đạt nhiều kết quả, nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động tu bổ di tích được mở rộng, đa dạng như: Hỗ trợ nước ngoài, kinh phí của trung ương, của tỉnh, của thành phố, của chủ di tích và xã hội hóa. Đối với kinh phí trung ương chủ yếu là thực hiện Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và Du lịch giai đoạn 2012 - 2025 theo Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 12/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn kinh phí của tỉnh đầu tư cho Dự án đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong Khu phố cổ với cơ chế phân bổ kinh phí 60% của tỉnh và 40% của thành phố. Nguồn kinh phí của thành phố thu từ bán vé tham quan Khu phố cổ được đầu tư tu bổ cho di tích nhà nước 100% và hỗ trợ di tích tư nhân - tập thể theo Cơ chế hỗ trợ nêu trên. Kinh phí đầu tư của chủ/đại diện chủ di tích cho tu bổ di tích cũng khá lớn. Toàn bộ di tích nhà nước, di tích thuộc sở hữu tập thể cộng đồng do nhà nước làm chủ đầu tư; di tích còn lại do chủ/đại diện chủ di tích làm chủ đầu tư, có sự tham gia giám sát, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
 
tu bo chua ba mu
Tu bổ di tích Cổng chùa Bà Mụ - Ảnh: Trần Phương
 
      Công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thành phố Hội An, mặc dù đạt được những thành quả đáng ghi nhận, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn vấp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là: Các loại vật liệu truyền thống phục vụ cho tu bổ di tích theo nguyên tắc bảo tồn tính chân xác vẫn còn thiếu hoặc không có; các nghệ nhân/tay nghề truyền thống cao cho công tác tu bổ di tích hiện nay không nhiều. Sự thay đổi chủ sở hữu trong các di tích, ngôi nhà cổ Hội An làm biến đổi chức năng cấu trúc, không gian của các di tích này ảnh hưởng đến sự bảo tồn toàn vẹn chung của Khu phố cổ. Các nguy cơ cháy nổ, mối mọt, lũ lụt là những mối nguy thường xuyên đối với Khu phố cổ hiện nay. Cơ sở hạ tầng du lịch quá tải, xuống cấp. Nguồn lực tài chính, áp dụng giải pháp khoa học, công nghệ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Một số quy định pháp luật khác còn chồng chéo với pháp luật về di sản văn hóa gây nên chậm tiến độ trong hoạt động thẩm định các dự án tu bổ di tích. Các quy định định mức kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ, công tác tu bổ di tích và phát huy giá trị di sản nhìn chung còn thấp, chưa đủ nguồn lực để thực hiện một cách tốt nhất các nhiệm vụ đặt ra.

      Có thể khẳng định, công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích theo Luật Di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa địa bàn thành phố Hội An, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản của các thế hệ tiền nhân, thu hút du khách đến tham quan, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương hiệu quả. Do đó, công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích, di sản trên địa bàn thành phố Hội An cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh một cách hợp lý theo tình hình thực tế góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Hội An hơn nữa trong hiện tại và tương lai.
 

[1] Quyết định số 1912/QĐ-UBND ngày 05/9/2008 của UBND thành phố Hội An về việc ban hành Cơ chế quản lý việc hỗ trợ kinh phí tu bổ các di tích sở hữu tư nhân - tập thể (Cơ chế này đã được thay thế) bằng Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 27/10/2016 của UBND thành phố Hội An về việc ban hành Cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa - cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân - tập thể trong khu phố cổ Hội An.
[2] Di tích cấp quốc gia: Di tích nhà nước được đầu tư 100%, di tích sở hữu tư nhân - tập thể là từ 40 - 100%. Di tích cấp tỉnh: Di tích nhà nước được đầu tư 100%, di tích sở hữu tư nhân – tập thể là từ 10 - 75%. Di tích trong danh mục bảo vệ thành phố: Di tích nhà nước được đầu tư 100%, di tích sở hữu tư nhân - tập thể là từ 30 - 60%.
[3] Mức hỗ trợ hiện nay được phân cấp theo giá trị di tích là: Di tích cấp quốc gia: 350.000đ/tháng/người, di tích cấp tỉnh: 300.000 đ/tháng/người, di tích thuộc danh mục bảo vệ của thành phố: 270.000 đ/tháng/người.
[4] Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho đội ngũ này là 150.000đ/tháng/người.
 

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

 Từ khóa: văn hóa, di sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây