Ghe đua trong đời sống văn hóa của cư dân Hội An

Thứ tư - 18/01/2023 21:33
Đóng ghe/thuyền đua và tổ chức hoạt động đua ghe/thuyền vào các dịp lễ, tết từ lâu đã trở thành nét văn hóa dân gian độc đáo của nhiều vùng miền ở Việt Nam như đua ghe Ngo ở Nam bộ, bơi chải ở miền Bắc và đua ghe ở miền Trung.
dua ghe o thanh ha 2022
Đua ghe ở phường Thanh Hà năm 2022 - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Nhìn trên bản đồ thế giới, đất nước Việt Nam dáng hình chữ S nằm bên bờ biển Đông rộng lớn, có đường bờ biển dài hơn 3.260km. Dọc ven bờ và ngoài khơi có các đảo, cụm đảo và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đất liền có hệ thống sông suối dày đặc, chảy chủ yếu theo hướng Tây - Đông xuôi dòng về biển cả mênh mông. Với khoảng 1.000.000km2 biển và diện tích lưu vực rộng lớn của hơn 2.360 con sông có chiều dài từ 10km trở lên quả là trở ngại lớn đối với người Việt Nam trong việc đi lại kết nối giữa các vùng miền, các khu vực để giao lưu, trao đổi, phát triển. Tuy nhiên, với diện tích mặt nước sông, suối và biển rộng lớn như vậy cũng là môi trường chứa đựng nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là nguồn lợi thủy hải sản. Từ lâu đời, để thích ứng, khám phá, chinh phục và khai thác các nguồn lợi từ sông biển, cũng như để đi lại kết giao, trao đổi giữa các vùng miền với nhau, người Việt Nam đã sáng tạo ra các loại ghe thuyền, bè mảng với nhiều kích cỡ, hình thức và bằng các vật/ chất liệu khác nhau. Những phát hiện về khảo cổ học cho thấy, cách đây hơn 2000 năm, người Việt đã biết cách đóng và sử dụng thành thạo ghe thuyền được minh chứng qua hình ảnh trên trống đồng Đông Sơn. Không chỉ sử dụng vào mục đích đi lại, làm phương tiện vận chuyển, phương tiện chiến đấu, phương tiện khai thác nguồn lợi thủy hải sản, ghe thuyền còn được người Việt Nam tạo tác với những dáng hình độc đáo để dự nhập vào hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội như thuyền/ghe đua. Đóng thuyền/ghe đua và tổ chức hoạt động đua ghe/thuyền vào các dịp lễ, tết từ lâu đã trở thành nét văn hóa dân gian độc đáo của nhiều vùng miền ở Việt Nam như đua ghe Ngo ở Nam bộ, bơi chải ở miền Bắc và đua ghe ở miền Trung. Sách Từ điển lễ tục Việt Nam cho biết: “Đua thuyền là một sinh hoạt truyền thống của cư dân Việt cổ từ thời các vua Hùng mà hình ảnh còn lưu lại trên các hình trang trí ở trống Đông Sơn. Hàng trăm làng xã từ Bắc đến Nam đều tổ chức đua thuyền trong các lễ hội dân gian. Ngày nay nhiều nơi vẫn duy trì sinh hoạt đua thuyền trong lễ hội. Đua thuyền trở thành một nghi lễ có tính quốc gia (quốc lễ) cách đây hơn một ngàn năm. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: Ngày 15 tháng Bảy năm Ất Dậu (985) là ngày sinh của vua Lê Đại Hành, Vua sai người làm thuyền đặt ở giữa sông Hoàng Long (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), lấy tre làm núi giả ở trên thuyền gọi là Sơn Nam. Từ đó Vua đặt lễ đua thuyền, rồi từ đó trở thành thông lệ trong cả nước[1]

      Hội An là vùng đất nằm ở cửa sông, ven biển của tỉnh Quảng Nam với Đại Chiêm hải khẩu nổi tiếng trong lịch sử. Vùng đất này là nơi hợp lưu của nhiều con sông lớn của xứ Quảng, có hệ thống sông ngòi, mương rạch chằng chịt, phía đông là vùng biển rộng lớn và cụm đảo Cù Lao Chàm. Từ đặc điểm tự nhiên nổi bật là yếu tố sông nước, biển đảo cùng với đặc điểm về lịch sử là cảng thị mậu dịch quốc tế một thời vang bóng nên trong quá khứ cũng như hiện nay, ghe thuyền trong hoạt động đi lại, chuyên chở hàng hóa thương mại, đánh bắt thủy hải sản,… ở Hội An rất đa dạng về loại hình, chất liệu và kích cỡ mà ghe/thuyền đua là một trong số đó.

      Trong chuyên khảo Thuyền buồm Đông Dương (Voiliers d’Indochine)[2] vào đầu thế kỷ 20, J. B. Piétri nhận xét về ghe thuyền ở Hội An như sau: “Mọi loại tàu thuyền Việt Nam đều có mặt tại cảng Hội An này, đó là một tập hợp đa dạng muôn màu muôn vẻ đủ loại thuyền biển, thuyền sông, đủ mọi kích cỡ và tải trọng[3]. Đồng thời nhấn mạnh thêm: “chính đây là nơi đóng thuyền bè có uy tín mà trên hai bờ của nó, những tiếng kêu gọi í ới của những người chèo đò, của những thương nhân di chuyển trên sông nước, những phu bốc vác, hòa trộn với tiếng búa xảm trét thuyền và những tiếng rì rầm của những công xưởng đang hoạt động[4]

      J. B. Piétri cũng mô tả về cảnh đua ghe ở Hội An như sau: “Vào những dịp lễ tết trong năm, người ta tổ chức những cuộc đua thuyền. Thế là trong một cảnh diệu kỳ nhiều màu sắc, trong âm thanh ồn ào của trống kèn cồng chiêng, trong tiếng pháo đì đùng, mọi tàu thuyền, từ thuyền mành Trung Hoa, ghe bầu, ghe nan, ghe trường, tới ghe mành, tất cả kéo lên những lá cờ đuôi nheo có răng cưa của người Việt với màu vàng, đỏ, xanh lá, cam, tất cả những dải vải báo gió sặc sỡ, những cờ hiệu, cờ đuôi én, cờ lệnh, quốc kỳ phấp phới trên mọi cột buồm[5]

      Từ mô tả của J. B. Piétri và qua nhiều nguồn tư liệu khác cho thấy, từ lâu đóng ghe đua và đua ghe đã trở thành nét văn hóa độc đáo ở Hội An vào những ngày lễ, tết. Qua hoạt động này không chỉ thể hiện khả năng tập hợp lực lượng, trình độ kỹ thuật, kỹ năng, sức bền, tính phối hợp, tính tổ chức,… của mỗi đội ghe đua mà còn khẳng định bản lĩnh chinh phục sông nước của người Hội An.

      Không phải người thợ đóng ghe nào cũng có thể đóng được ghe đua. Thợ đóng ghe đua mang tính chuyên biệt, không chỉ có trình độ tay nghề cao, dày dạng kinh nghiệm mà nhiều khi còn có cả bí quyết gia truyền thì mới đóng được chiếc ghe đua đẹp về hình dáng, hình thức trang trí và màu sắc ấn tượng, hài hòa, và quan trọng hơn là khi bơi chiếc ghe lướt nhanh nhẹ nhàng. Vào giữa thập niên 80, 90 thế kỷ 20, tại Hội An có ông Đỗ Thành Lý ở Thanh Chiếm, Thanh Hà nổi tiếng với nghề đóng ghe đua. Hầu như những ghe đua ở Hội An cũng như vùng lân cận như Duy Vinh, Duy Tân, Duy Thu, Bình Triều, Bình Dương,… lúc bấy giờ đều do ông đóng. Đó là những chiếc ghe đua dài hơn 20m với số người bơi lên đến 52 người. Những chiếc ghe đua kích cỡ kiểu này thịnh hành trong thời gian dài. Giai đoạn thập niên 70 và đầu 80 của thế kỷ XX, ghe đua có chiều dài tầm 15m với 32 người bơi (ghe Minh Hội đóng năm 1982)[6]. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, do nhiều nguyên nhân mà chiều dài của ghe đua giảm lại còn khoảng 13-15m với khoảng 12-17 người bơi. Hiện nay, ở Hội An còn ông Đỗ Thành Minh (con ông Đỗ Thành Lý), Phan Nhu là còn giữ nghề đóng ghe đua[7]. Hầu hết ghe đua ở Hội An đóng từ năm 2018 trở về sau đều do người ở nơi khác đóng[8].

      Vật liệu chủ yếu để đóng ghe đua hiện nay là gỗ và kim loại (nhôm tấm dày 2ly, và sắt tròn nhỏ). Gỗ làm be, lô/sọ, đọ, then, đòn buộc then, dang, đà, ốp lép, con lương, chốt, bổ chèo, cột chèo, chèo, dầm,… Nhôm tấm dùng để làm mê, sắt dùng làm cây ti để gông chắc ghe. Thông tin từ thợ đóng ghe đua cho biết các ghe đua trước đây làm bằng mê nan, sau này mới chuyển thành mê nhôm[9]. Hầu hết những bộ phận của ghe cũng như dầm, chèo đều làm từ gỗ kiền kiền để đảm bảo độ bền chắc. Riêng bộ lô/sọ làm bằng gỗ mít hoặc gỗ xà cừ. Đây là điểm khác biệt so với lô của các loại ghe khác được làm chủ yếu bằng gỗ lim.
Quy trình đóng ghe đua mê nhôm gồm các công đoạn: Chuẩn bị vật liệu (gỗ và nhôm tấm) - ra đôi be hoàn chỉnh (rập, ra gỗ, bào, uốn be[10]) - rút khung - làm then - ốp lô (giáp ghim, liên kết giữa lô và be) - úp khung để ráp nhôm - lật ngửa lại để ráp sườn đà (ốp lép[11], con lươn giữa và con lươn bên, đà, dang) - hoàn chỉnh (trít chai phà[12], làm mắt ghe, trang trí mang mũi và lái, diềm be[13],...)
 
dua ghe 1990
Đua ghe ở Hội An năm 1990 - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
      Ghe đua có hình dáng khá đặc biệt, thon dài, hẹp chiều ngang, cong nhọn về phía mũi, cong nhẹ về phía lái. Mang mũi, mang lái và diềm be được tạo dáng và sơn phối màu rất bắt mắt. Nổi bật ở chính giữa mang mũi là mắt ghe màu trắng đen[14]. Khảo sát thực tế hiện nay và qua ảnh tư liệu về các giải đua thuyền ở Hội An trước đây cho thấy, mắt ghe đua có 3 kiểu gồm: mắt mũi rỗi (đuôi mắt nhọn), mắt mũi trường (đuôi mắt bầu), mắt mũi lồi (mắt có hình giống hột xoài). Việc trang trí mang và kiểu dáng mắt ghe tùy thuộc và truyền thống của mỗi địa phương. Từ quan niệm dân gian cũng như quan sát trên thực địa cho thấy, ở Hội An mắt ghe kiểu đuôi mắt nhọn phổ biến đối với ghe sử dụng/hoạt động ở môi trường biển; mắt ghe kiểu đuôi mắt bầu phổ biến đối với ghe sử dụng/hoạt động ở môi trường sông. Ghe đua dù truyền thống chỉ đua trên sông[15] nhưng do yếu tố văn hóa - nghề nghiệp của cộng đồng/đội ghe đua mà mắt ghe được tạo tác theo kiểu mắt đuôi nhọn hoặc đuôi bầu. Hầu hết mắt ghe đua trước đây ở Hội An kiểu đuôi mắt bầu[16]. Hiện nay, hầu như là kiểu đuôi mắt nhọn[17].

      Kích thước của ghe đua, đặc biệt là chiều dài phụ thuộc vào số lượng người bơi và hình thức bơi. Trước đây, với hình thức đứng bơi, ghe dài hơn 20m thường có tới 52 người bơi, ghe dài 15m có khoảng 32 người bơi, ghe dài 13m có khoảng 24 người bơi. Hiện nay, với hình thức ngồi bơi và sự thay đổi về kiểu dáng ghe nên ghe dài 13 - 15m có khoảng 12-16 người bơi và 1 người chèo, ghe dài 9 - 11m có 8 người bơi và 1 người chèo. Khảo sát một số ghe đua cho biết, những ghe trước đây có kích thước chiều dài từ 2030 - 2300cm thường rộng từ 163-173cm, sâu 67-80cm. Những ghe đua hiện nay dài 900-1500cm thường rộng 100-115cm, sâu 40-50cm.

      Có nhiều kiêng cữ và lễ cúng liên quan đến đóng ghe đua. Đóng hoàn thiện 1 chiếc ghe đua có ít nhất 3 lễ cúng phải thực hiện là lễ khởi công (phạt mộc), lễ giáp ghim và lễ hạ thủy (phóng thủy). Những lễ cúng này do địa phương đặt ghe cử người sắm lễ vật và đứng cúng. Trong quá trình đóng ghe đua thường kiêng cử nhiều điều, nhất là lúc làm mắt ghe.
Một chiếc ghe đua hay, đồng nghĩa với việc đua đạt được nhiều giải cao, ngoài phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật đóng của người thợ còn quyết định bởi nghệ thuật đua của đội bơi. Một đội bơi trên ghe đua có phách nhất (phách mũi, người ở vị trí này chỉ đường cho người chèo điều khiển hướng đi của ghe đua), phách nhì, phách ba[18], dầm hàng (dầm hông 2 bên), chèo (1 hoặc 2 chèo tùy thuộc vào từng loại ghe, người chèo giữ vai trò quan trọng nhất, điều khiển hướng đi của ghe)[19], sau cùng là một người chốt lái (dầm dột).
 
dua ghe o hoi an truoc nam 1975 01
Đua ghe ở Hội An trước năm 1975 - Ảnh: Huỳnh Sỏ
 
      Ở Hội An, hoạt động đua ghe được duy trì tổ chức thường xuyên từ xưa đến nay vào dịp lễ, tết với nhiều cấp độ, quy mô khác nhau, thu hút nhiều ghe đua ở các địa phương trong và ngoài Hội An tham gia. Vào dịp này, như mô tả của J.B.Piéri đề cập ở trên, cả một khúc sông trở nên rộng ràng, sôi động bởi các loại cờ phướn rực rỡ cùng tiếng chuông trống, tiếng hò reo của mỗi đội ghe đua và người dự xem, cổ vũ. Hiện nay, vào dịp tết Nguyên đán có hội đua ghe Đảo thủy đầu xuân, hội đua trong dịp lễ hội Cầu ngư, lễ Giỗ tổ nghề gốm, các ngày kỷ niệm của đất nước/địa phương/ngành như 30/4, Quốc khánh, …

      Những địa phương có truyền thống đua ghe đều dành khu đất riêng gần sông để làm nhà che bảo quản ghe đua (trại ghe đua). Bên cạnh nhà này có một miếu thờ để thờ Bà (Thủy Long thần nữ,…). Trước khi tham gia các hội đua, mỗi đội đua đều tổ chức lễ cúng Bà để đưa ghe xuống sông (phóng thủy) cho con bơi luyện tập vài ngày. Trước đây, khi đưa ghe xuống sông, trên ghe có cắm một cây cờ cao, trên treo phướn, cờ hội và buộc những dây cờ xéo tạo nên điểm nhấn nổi bật giữa không gian để báo hiệu với cả cộng đồng, địa phương về việc chuẩn bị tham gia hội đua. Người thủ quân cho con bơi luyện tập, bơi rập ràng theo lời hô hát tạo nên không khí sôi động, thể hiện sự nỗ lực quyết tâm của toàn đội để gành chiến thắng. Có một số đội đua, khi đưa ghe xuống sông có lệ bơi ra cửa sông (Cửa Đại) để làm lễ khấn vái.

      Hầu hết các hội đua đều dành cho nam, thỉnh thoảng của có hội đua dành cho nữ hoặc kết hợp nam nữ. Con bơi tham gia hội đua thường là thanh niên khỏe mạnh bền bĩ và có kinh nghiệm trên sông nước.

      Đến ngày hội đua diễn ra, các ghe đua rộn ràng cờ phướn, cờ lưu niệm đã tham gia các hội đua,... con bơi với trang phục truyền thống tiến hành bơi dợm trên khúc sông nơi tổ chức hội đua. Có đội ghe đua như ghe đua Cẩm Châu trước đây, trên ghe ngoài trang trí cờ phướn còn có chiêng trống để đến làm lễ tại các cột tiêu. Hầu như tất các cả các ghe đua khi tham gia hội đua đều sắm lễ vật đến khấn vái tại tiêu rốn và tiêu đông, tiêu tây với mong muốn được bà Thủy phù hộ để tham gia hội đua được an toàn và đạt kết quả tốt. Tại các tiêu đều có treo cờ tạo điểm nhấn. Sau khi thực hiện các nghi thức tâm linh tại tiêu, các ghe đua tập trung về bàn quan để bắt đầu cuộc đua. Hội đua ghe thường có 2 giải, gồm giải rượu (giải hòa bình) và giải chính. Giải rượu có số vòng bơi ít hơn giải chính. Trước đây, các ghe đua đều xuất phát từ bàn quan bơi ra tiêu rốn rồi vặn tiêu huớng về tiêu tây. Hiện nay các ghe đua xuất phát thẳng về tiêu tây. Với quan niệm đua là tiến lên nên hướng xuất phát các giải đua ghe bao giờ cũng bơi về phía tiêu tây trước. Các ghe đua, tùy theo vị trí xuất phát của mình cũng như dòng nước chảy mà lựa chọn đường đi cho phù hợp, kết hợp với kỹ thuật vặn tiêu khéo léo để giành vị trí dẫn đầu cuộc đua. Tại mỗi hội đua, ban tổ chức có thể lệ cụ thể để làm căn cứ các trao giải thưởng nhất, nhì, ba và phong cách.

      Sau mỗi hội đua, các ghe đua được đưa lên bờ (lên nề) để bảo quản. Dù đạt hay không đạt giải, các đội đua đều tổ chức cúng tạ ơn bà Thủy tại miếu thờ.

      Đua ghe là hoạt động văn hóa, thể thao không chỉ thỏa mãn nhu cầu của  cộng đồng vào mỗi dịp lễ, tết mà qua đó góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng của mỗi cá nhân, tính phối hợp và tinh thần đoàn kết của tập thể. Hơn thế nữa, trong không khí vui tươi, rộn ràng của ngày hội đua ghe, đặc biệt là khi đạt được các giải thưởng là ước nguyện lớn lao của cộng đồng về cuộc sống thái bình, thịnh vượng, phát triển. Do vậy, việc tạo tác ra chiếc ghe đua để đạt giải trong mỗi cuộc đua có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cộng đồng, địa phương.
 
[1] Bùi Xuân Mỹ, Bùi Thiết,  Phạm Minh Thảo (1996),  Từ điển lễ tục Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.173.
[2]Bản gốc được biên soạn năm 1943, xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp vào năm 1949 tại Sài Gòn, được dịch sang tiếng Anh xuất bản năm 2006, xuất bản tiếng Việt năm 2015.
[3] J. B. Piétri (1943), Thuyền buồm Đông Dương, Đỗ Thái Bình dịch, NXB Trẻ, năm 2015, tr.122.
[4] J. B. Piétri (1943), Thuyền buồm Đông Dương, sđd, tr. 122.
[5] J. B. Piétri (1943), Thuyền buồm Đông Dương, sđd, tr. 122.
[6] Ghe đua này do ông Tăng Nơi và Đỗ Khu đóng, ông Trần Cho quyên góp, phóng thủy ngày 19/12 năm Nhâm Tuất.
[7] Trong đội đóng ghe đua của ông Đỗ Thành Minh còn có ông Đỗ Thành Nga, Ngô Ba, Trương Văn Bình, ông Hoa, Thiệt, Hòa, Đào,… Những người này chỉ tham gia đóng ghe đua, không phải là thợ cả.
[8] Do ông Nguyễn Nhất, Nguyễn Ngôn ở Núi Thành
[9] Ông Đỗ Thành Minh (ở tại tổ 34, Thanh Chiếm, Thanh Hà) cho biết ngày xưa cùng cha (Đỗ Thành Lý) từng sửa ghe đua mê nan ở Đại Cường, Đại Phong. Ông Đỗ Thành Lý cũng từng đóng ghe đua mê nan. Sau này, những năm 80 của thế kỷ trước mới chuyển qua đóng ghe mê nhôm. Ghe mê nan thường dài tối đa 10m (15 người bơi), còn chủ yếu dài từ 6-8m.
[10] Hiện nay không uốn be do be mỏng và đóng kỹ thuật mới, ghe đua kiểu dáng mới.
[11] Trước đây, mê tôn lận phía trong nên phải có ốp lép để giữ mê với be. Hiện nay mê được bắn vít phía ngoài be.
[12] Hiện nay sử dụng keo để trít.
[13] Có ghe không làm diềm be.
[14] Theo Piétri: “Người ta có thể nghĩ rằng con mắt được vẽ đằng mũi những công trình xây dựng ở miền Nam Trung Hoa, và chúng ta tìm thấy trên tất cả những tàu buôn An Nam đều có hình vẽ này, nhất là tàu buôn ven bờ, đã được du nhập từ những tàu thuyền buôn Ả Rập tại những biển miền Nam, từ thời xa xưa và có nguồn gốc từ con mắt Osiris mà người Ai Cập vẽ trên mũi tàu thuyền con cổ đại (3). Thật vậy, trên những bức khắc chạm nổi Deir El Bahari, miêu tả tỉ mỉ tuyệt vời từng giai đoạn cuộc viễn chinh của Nữ hoàng Hatchepsout ở đất nước Encene, vào thế kỷ 17 trước CN, chúng ta đã tìm thấy con mắt nằm dọc theo mỗi bên của mũi tàu, và tò mò xem xét với Ivon A. Donnelly và P. Paris việc đóng tàu ở Trung Hoa, cũng như ở Đông Dương, các
chiếc thuyền nhỏ đặc thù có nguồn gốc từ đất nước này, đặc biệt không phải thuyền buôn ven biển, nói chung bỏ qua loại này.


Phong tục của dân chúng cho thấy là con mắt này làm chiếc nghe như một con cá sống động đi biển băng qua những vùng đá ngầm nơi đây, con mắt biết cách nhận biết và né tránh”.
[15] Trong một số hoạt động văn hóa, thể thao gần đây ở Hội An thì có tổ chức đua ở Cù Lao Chàm
[16] Ghe đua Minh An dài 2300cm có mang mũi dài 390cm, dáng mũi tên, màu xanh; mắt đuôi bầu dài 68cm, rộng 12,5cm; mang lái dài 306cm, màu đen, chính giữa trang trí âm dương. Ghe Thanh Hà dài 2030cm có mang mũi dài 383cm, màu xanh; mắt đuôi bầu dài 68cm, rộng 12cm; mang lái dài 320cm, màu vàng.
[17] Hầu hết các ghe đua hiện nay do ông Nguyễn Ngôn, Nguyễn Nhứt đóng đều tạo tác mắt ghe kiểu đuôi mắt nhọn. Ghe trưng bày tại Bảo tàng Hội An dài 1220cm, có mang mũi dài 270cm, màu cam; mắt dài 57cm, rộng 12cm; mang lái dài 130cm, màu cam.
[18] Tùy thuộc và ghe sẽ có hoặc không có phác ba.
[19] Những ghe đua dài trước đây thường có 2 người cùng điều khiển một cây chèo, có ghe có đến 2 chèo)  

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây