Vài nét về các di tích cách mạng ở Hội An hiện nay:● Về số lượng:Theo thống kê năm 2000, trên địa bàn thành phố Hội An đã xác định được 69 địa điểm là các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng. Các địa điểm này phân bố đều khắp ở các xã phường, trong đó các di tích về thời kỳ tiền khởi nghĩa tập trung ở khu vực trung tâm phố thị và các di tích liên quan đến hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ xâm lược phân bố nhiều hơn ở các vùng ven. Đây là con số chưa đầy đủ và sẽ được phát hiện, bổ sung dần khi đủ cơ sở khoa học cũng như cơ sở pháp lý.
● Về loại hình:Tuy chỉ mới xác định được 69 di tích, dấu tích lịch sử - cách mạng nhưng bộ phận di sản này ở Hội An bao gồm nhiều loại hình, liên quan đến nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng. Chúng tôi tạm phân thành các loại di tích, dấu tích như sau:
STT | Loại di tích, dấu tích | Số lượng |
1 | Nơi ghi dấu tội ác của địch | 3 |
2 | Căn cứ địa, nơi đóng quân, trú chân của lực lượng cách mạng | 9 |
3 | Nơi ghi dấu các chiến thắng của quân và dân Hội An qua các thời kỳ | 35 |
4 | Nơi ghi dấu các sự kiện cách mạng quan trọng của địa phương | 22 |
Tổng cộng | 69 |
Có thể nói rằng các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng ở Hội An phân bố ở nhiều loại hình, thể hiện sự phong phú, đa dạng trong các hoạt động của quân và dân địa phương qua các thời kỳ kháng chiến. Trong đó, có những loại hình mang giá trị lịch sử cao và không phải địa phương nào cũng có như các di tích: nhà lao Thông Đăng, nhà lao Hội An, căn cứ địa Xóm Chiêu, căn cứ địa Rừng Dừa Bảy Mẫu... Đặc biệt, Rừng Dừa Bảy Mẫu có thể xem như là một di tích căn cứ địa tiêu biểu gắn với môi trường sông nước của địa phương cũng như với khả năng thích nghi, với trí thông minh, sáng tạo, của quân và dân Hội An trong hai cuộc kháng chiến.
● Về niên đại: Các di tích, dấu tích lịch sử - cách mạng ở Hội An có khung thời gian khá rộng, bao quát cả thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến nay. Không kể những di tích liên quan đến các phong trào Cần Vương, Nghĩa Hội, Đông Du, Duy Tân, đến hoạt động chống sưu thuế do các sĩ phu yêu nước cầm đầu, phát động, ở Hội An hiện còn bảo tồn được một số địa điểm, dấu tích liên quan đến thời kỳ tiền khởi nghĩa, thời kỳ vận động chuẩn bị thành lập Đảng. Một số di tích liên quan đến việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An hiện vẫn được bảo tồn. Những di tích liên quan đến các mốc lịch sử quan trọng của dân tộc như cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến thắng 1954, xuân Mậu Thân 1968, xuân Ất Dậu 1975 đã có mặt ở Hội An, là minh chứng về sự đóng góp của quân dân địa phương vào công cuộc cách mạng chung của dân tộc. Đây cũng là một đặc điểm làm nên giá trị của bộ phận di sản này.
● Về đặc điểm, tính chất: Các di tích lịch sử cách mạng ở Hội An như đã nói ở trên, có khung thời gian rộng, bao quát nhiều vấn đề lịch sử, liên quan đến nhiều hoạt động cách mạng, nhiều nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của phong trào cách mạng, không chỉ ở Hội An mà còn ở phạm vi cả tỉnh và cả nước. Hội An là một trong những nơi sớm diễn ra quá trình tiếp thu, phổ biến tư tưởng cách mạng thông qua các hoạt động giao lưu, tiếp xúc văn hóa với bên ngoài. Hội An cũng là nơi hoạt động của một số cơ sở thời tiền khởi nghĩa và là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản sớm so với các địa phương khác. Trong cách mạng tháng Tám, Hội An là một trong 4 thành phố, tỉnh lỵ giành chính quyền sớm nhất so với cả nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Hội An đã lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975. Phản ảnh chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu chống thực dân đế quốc xâm lược cũng như truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của quân và dân địa phương chính là một đặc điểm quan trọng của các di tích cách mạng ở đây.
■
Vai trò, vị trí các di tích lịch sử cách mạng trong di sản văn hóa Hội An: Trước hết có thể nói rằng, các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng là một bộ phận quan trọng cấu thành di sản văn hóa Hội An, hay nói đúng hơn là tạo thành giá trị của di sản văn hóa Hội An. Các di tích, dấu tích này ngoài phần vật thể hiện tồn, chúng còn mang những ý nghĩa văn hóa sâu sắc và là bằng chứng thể hiện sinh động truyền thống yêu nước - cách mạng của quân và dân Hội An qua các chặng đường đấu tranh gian khổ để giành tự do, độc lập. Qua các di tích, dấu tích này những người đương thời và những người đời sau có thể hình dung được phần nào sự hy sinh vô bờ bến cùng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, dũng cảm của quân và dân Hội An qua các thời kỳ kháng chiến cứu nước, từ đó động viên mọi người vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Đó chính là giá trị tinh thần, giá trị phi vật thể nổi bật của các di tích, dấu tích này.
Các di tích, dấu tích cách mạng ở Hội An là nguồn tư liệu thực địa ghi dấu quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, quá trình xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp của quân dân địa phương. Chúng cung cấp những thông tin cần thiết để các nhà nghiên cứu, bè bạn gần xa cùng nhân dân địa phương hiểu rõ hơn về quá trình này.
Ngoài các giá trị mang tính địa phương, một số di tích cách mạng ở đây còn góp phần bổ sung những thông tin cần thiết cho các phong trào cách mạng, các sự kiện, nhân vật cách mạng mang tầm vóc cấp tỉnh và cả nước. Do từng là trung tâm kinh tế, văn hoá, trung tâm chính trị của tỉnh Quảng Nam, là địa bàn cách mạng quan trọng nên các sự kiện diễn ra ở đây đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng của cả tỉnh, của khu vực. Một số trong chúng đã thực sự mang tầm vóc này, như các di tích về thời tiền khởi nghĩa (nhà Đức An - nơi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào 10-1927, hiệu sách Vạn Sanh - cơ sở hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên), các di tích liên quan đến việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Tỉnh và Thị xã, các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào đêm 17 rạng ngày 18-8-1945, di tích nhà lao Thông Đăng, nhà lao Hội An, căn cứ địa Rừng Dừa Bảy Mẫu, Xóm Chiêu... Sự hiện tồn của các di tích này đã góp phần làm phong phú hệ thống di tích cách mạng cũng như góp phần minh chứng cho bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng của cả tỉnh và cả nước.
Các di tích lịch sử cách mạng nói chung ở Hội An giữ vị trí quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những bài học lịch sử sẽ trở nên khô cứng nếu như không có những di tích, dấu tích chứng minh. Những người đời sau sẽ không thể nào hình dung được sự tàn ác, dã man của kẻ thù đối với đồng bào, đồng chí của ta nếu chưa được tận mắt nhìn thấy cảnh giam cầm, tù đầy tại các nhà lao của địch, dù chỉ là hình ảnh tái hiện. Cũng vậy, những gian khổ, khó khăn cũng như tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân Hội An sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn một khi các hoạt động cũng như các cơ sở cách mạng trước đây ở Rừng Dừa Bảy Mẫu được phục hồi, tái hiện...
Các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng của Hội An phong phú về loại hình, phân bố đều khắp ở các xã, phường, liên quan đến nhiều phong trào cách mạng, đây là nguồn tài nguyên văn hoá quý giá và không phải nơi nào cũng có để phát triển du lịch, phục vụ tham quan, nghiên cứu, nhất là các tuyến du khảo, tham quan nghiên cứu tìm về cội nguồn, về các địa chỉ đỏ.
■
Một số đề xuất, kiến nghị:Để bảo tồn và phát huy các di tích cách mạng ở Hội An, theo chúng tôi cần thiết phải tiến hành đồng thời một số công việc sau:
1- Tiếp tục công tác sưu tầm, xác định địa điểm, tập hợp tư liệu, lập hồ sơ khoa học về các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Thị xã. Đây là công việc cần tiến hành khẩn trương nhằm đối phó với tình hình biến đổi đất đai, cảnh quan môi trường và sự mất dần các nhân chứng lịch sử cao tuổi.
2- Lập bia lưu niệm, đánh dấu các di tích, dấu tích đã được xác định. Công việc này đã được tiến hành trong một vài năm gần đây nhưng vẫn chưa dứt điểm.
3- Đầu tư kinh phí tu bổ phục hồi một số di tích cách mạng tiêu biểu của địa phương. Theo chúng tôi, trước mắt nên đầu tư để tu bổ, phục hồi nhà lao Hội An và căn cứ địa Rừng Dừa Bảy Mẫu, là hai di tích có thể phát huy được ngay.
4- Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về các di tích cách mạng nói riêng, truyền thống cách mạng của địa phương nói chung bằng nhiều phương tiện, hình thức. Đưa các nội dung cơ bản về giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương vào chương trình giảng dạy ở các trường học tại chỗ.
5- Chọn và lập hồ sơ đề nghị công nhận một số di tích cách mạng tiêu biểu của địa phương là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.
6- Tiến hành phân cấp quản lý, bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử cách mạng của Thành phố và xác định cụ thể trách nhiệm của từng cấp