Năm 1858, thực dân Pháp đã nổ phát súng đầu tiên tấn công vào Cửa Hàn - Đà Nẵng và đến năm 1885, chúng đã thực sự đặt bộ máy cai trị, đô hộ lên toàn cõi Việt Nam. Thực dân Pháp đã cấu kết với phong kiến Nam triều khai thác, bóc lột các tầng lớp nhân dân về kinh tế, nô dịch về văn hóa, chuyên chế về chính trị, cai trị theo lối bắt bớ, tù đầy làm cho đời sống nhân dân ta lâm vào cảnh lầm than cơ cực. Để đảm bảo cho việc khai thác, cai trị thâm độc của mình, thực dân pháp đã xây dựng hệ thống nhà tù từ Bắc chí Nam làm công cụ đàn áp, tiêu diệt các phong trào đấu tranh yêu nước của dân tộc ta. Ngay từ đầu thế kỷ XX, ở Quảng Nam, một số nhà tù đã được chúng xây dựng như: Nhà Lao tỉnh Quảng Nam, nhà lao Tourane... để đàn áp những người con yêu nước của Quảng Nam tham gia các phong trào chống Pháp.
Ở Hội An (
lúc bấy giờ pháp gọi là thành phố Faifo) cũng vậy, ngoài việc xây dựng những công trình hành chính, quân sự như: Tòa Công sứ, đồn Giám binh, đồn lính Khố Xanh, tăng cường các điếm canh ... thực dân Pháp còn cho xây ở đây một nhà lao lớn và thường được mọi người nhắc đến với tên gọi là nhà lao Hội An (
văn bản của mật thám Pháp ghi là nhà lao Faifo). Nhà lao Hội An lúc bấy giờ được thực dân Pháp xây dựng trên khu đất rộng thuộc ấp Trường Lệ, nằm ở phía đông bắc nội ô Hội An cách Tòa Công sứ 500m về phía đông nam, cách đồn lính Khố Xanh chừng 100m, nay thuộc khu vực khoa Lao – Trung tâm y tế Hội An. Nhà Lao này thuộc quyền quản lý trực tiếp của quan chức người Pháp thuộc Công sứ Hội An được dựng lên nhằm giam cầm những người tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước cả trong và ngoài tỉnh Quảng Nam. Trong đó một số ít là dùng để giam thường phạm.
Nhà lao Hội An cũng là một trong những nhà lao có qui mô lớn lúc bấy giờ với khuôn viên rộng khoảng 2ha. Toàn bộ nhà lao được bao bọc bởi một hệ thống tường rào khép kín cao hơn 3m, được xây bằng gạch, ximăng, có trụ sắt kiên cố. Đến năm 1942 chúng cho xây cao thêm tường rào lên lên 1m nữa và bên trên dầu tường chúng cắm rất nhiều mảnh thủy tinh vỡ. Ở bồn góc tường rào có xây dựng 4 vọng gác cao hơn tường để dễ bề quan sát những động tỉnh của khu vực bên trong và ngoài nhà lao. Với cấu trúc như vậy, nên mặc dù nằm ở khu vực nội ô Hội An nhưng nhà lao Hội An lại biệt lập, không quan hệ được với bên ngoài.
Cấu trúc bên trong nhà lao Hội An ban đầu có các dãy nhà giam gần nhau được gọi là cái bót 1, 2, 3 và 4. Đến năm 1930, địch dùng bót 1 để giam cấm cố tù chính trị và trong bót này có một dãy cùm chân. Bót giam nữ tù chính trị gắn liền với dãy xà lim cấm cố. Các bót giam tù nhân được xây dựng rất kiên cố bằng bê tông cốt sắt. Hệ thống tường dày, kín, ít lỗ thông hơi nên thiếu không khí, ánh sáng và rất oi bức nhất là vào mùa hè. Trong mỗi bót chúng bố trí một chiếc thùng để tù nhân tiểu tiện, mỗi ngày chỉ cho đổ thùng một lần. Ngoài các hạn mục bót giam chính, nhà lao còn có các hạng mục công trình khác như: Bếp tù, giếng nước... và các công trình này cũng được thay đổi qua các năm theo ý đồ giam giữ của địch.
Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có đủ tư liệu để xác định rõ niên đại xây dựng, thành lập của nhà lao Hội An. Tuy nhiên, tư liệu hiện có đã ghi nhận rằng từ năm 1908 đã có những tù nhân bị giam giữ tại nhà lao Hội An, vì vậy có thể tạm xác định rằng nhà lao Hội An đã được thực dân Pháp xây dựng muộn nhất cũng phải vào năm 1908. Ở nhà lao Hội An, bên cạnh hệ thống các phòng giam kiên cố, địch còn xây dựng ở đây hệ thống lính đề lao khét tiếng tàn ác để đàn áp các phong trào đấu tranh trong lao. Công sứ Pháp giao việc cai quản nhà lao Hội An cho lực lượng lính Khố Xanh. Đứng đầu bộ máy cai trị tù là các tên giám binh – sĩ quan Pháp chỉ huy đồn lính Khố Xanh ở Hội An. Trực tiếp cai quản nhà lao hằng ngày là những tên quản lao tay sai người Việt. Bọn này cai quản tù chính trị theo lối nhà binh, rất tùy tiện trong việc thi hành chính sách với tù chính trị. Chế độ ăn uống của tù nhân thường xuyên bị cắn xén. Cơm tù thì thường gạo bị mốc, nhiều sâu, mọt, trấu, sạn. Thức ăn, thường là xác mắm thối, gốc rau già. Tù nhân phải thường xuyên sống trong cảnh chịu đói, chịu khát. Người tù phải sống chen chúc trong diện tích nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng, không khí lại bị ô nhiễm bởi các mùi xú uế nên luôn bị bệnh dịch hành hoành dẫn đến thân xác tiều tụy, tính mạng luôn bị đe dọa. Trong nhà lao, tù nhân luôn bị đánh đập, chửi bới và bị bắt đi làm khổ sai nặng nhọc. Ngoài ra địch còn tra tấn đánh đập dã man các tù nhân bằng nhiều loại nhục hình, nhất là đối với những tù chính trị mà chúng cho là cứng đầu nguy hiểm.
Nhà lao Hội An lúc bấy giờ còn là đầu mối quan trọng để địch chuyển các tù nhân ở Hội An, Quảng Nam đày đi các nhà tù lớn ở các địa phương khác trong các nước và ngược lại, nhiều tù nhân ở các địa phương khác cũng đã bị địch đưa về giam cầm, cấm cố ở nhà lao Hội An. Từ khi được xây dựng cho đến năm 1945, tại nhà lao Hội An, thực dân Pháp và phong kiến nam triều đã bắt bớ và giam giữ hàng ngàn người yêu nước đã tham gia các phong trào đấu tranh kháng Pháp ở Quảng Nam và các tỉnh khác ở Trung Kỳ như: Quảng Trị, Nghệ An và Quảng Ngãi.
Qua các phong trào đấu tranh yêu nước và kháng Pháp như: Phong trào chống sưu thuế ở Quảng Nam tháng 3 năm 1908 của nông dân Quảng Nam, cuộc khởi nghĩa năm 1961 tại Huế do Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ trương, đã có hàng trăm người con Quảng Nam bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao này. Các nhà chí sĩ yêu nước của Quảng Nam như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cũng bị địch giam giữ tại đây từ năm 1908. Trong đó có người con ưu tú của Hội An – Châu Thượng Văn. Ông đã bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An sau khi tham gia phong trào chống sưu thuế 1908. Khi bị giam giữ, ông không khai báo và đã tuyệt thực ở nhà lao Hội An hơn 20 ngày. Sau đó ông bị đày đi ở nhà tù Lao Đảo nhưng do kiệt sức ông mất ở nhà lao Thừa thiên Huế.
Từ tháng 5/1930, nhiều nhà hoạt động cách mạng ở Quảng Nam như: Phan Văn Định, Trần Thị Dư, Huỳnh Lắm, Hà Mùi, Nguyễn Vỹ… cũng bị địch bắt giam cầm tại nhà lao Hội An. Từ năm 1930 – 1945, tại nhà lao Hội An dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản trong nhà lao, tù chính trị tại đây đã tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh đưa ra yêu sách đòi tăng khẩu phần ăn, chống đánh đập tù chính trị thành công. Qua các hoạt động đấu tranh này, uy tín và vị thế của Đảng được nâng cao qua đó thu phục, thu hút đông đảo quần chúng hướng theo các mục tiêu đấu tranh do Đảng đề ra. Chính vì vậy, từ khi có Đảng lãnh đạo các cuộc đấu tranh tại nhà lao Hội An luôn hướng theo những cao trào đấu tranh của Đảng ở bên ngoài.
Đến tháng 5/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, số tù nhân chính trị tại nhà lao Hội An đã tổ chức đấu tranh và được trao trả tự do. Nhiều cán bộ đảng viên của ta sau khi ra tù trở thành những cán bộ cốt cán tham gia và lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng của quê hương mình để tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong công cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại của dân tộc.
Có thể nói rằng, nhà lao Hội An (
trước Cách mạng tháng Tám) không chỉ là di tích ghi dấu tội ác của thực dân, phong kiến mà đó còn là bằng chứng sinh động cho ý chí quật cường, tinh thần đấu tranh bền bỉ của quân và dân ta, đồng thời nhà lao này còn là nơi tưởng niệm hàng trăm chiến sỹ, đồng bào ta đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, đến năm 1947, công trình nhà lao đã bị phá hủy hoàn toàn do tiêu thổ kháng chiến. Hiện nay, nhà lao Hội An không còn dấu vết kiến trúc, thế nhưng việc khảo sát lại vị trí để xây dựng bia lưu niệm cho di tích cũng là điều hết sức cần thiết phải thực hiện nhằm giáo dục truyền thống yêu nước Cách mạng của cha ông không chỉ cho thế hệ trẻ hôm nay mà còn cả mai sau.