MỘT VÀI Ý KIẾN VỀ VIỆC BẢO TỒN PHÁT HUY CÁC DI TÍCH GẮN VỚI LÀNG QUÊ SINH THÁI ĐẶC THÙ Ở CẨM THANH

Thứ năm - 12/07/2012 03:30

MỘT VÀI Ý KIẾN VỀ VIỆC BẢO TỒN PHÁT HUY CÁC DI TÍCH          GẮN VỚI LÀNG QUÊ SINH THÁI ĐẶC THÙ Ở CẨM THANH

Cẩm Thanh là một xã vùng ven, nằm cách Trung tâm thành phố Hội An về phía đông khoảng 4km. Phía đông và phía bắc giáp với phường Cửa Đại bởi sông Ba Chươm, phía tây giáp với phường Cẩm Châu bởi sông Đò, phía nam giáp với xã Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên bởi phần hạ lưu sông Thu Bồn trước khi chảy ra Cửa Đại.
    Cẩm Thanh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Đặc biệt, trong các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thống nhất Tổ quốc, Cẩm Thanh đã từng là vùng căn cứ địa cách mạng của thị xã Hội An và tỉnh Quảng Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, vì là địa bàn đứng chân của bộ máy lãnh đạo chính trị, quân sự và lực lượng vũ trang Thị xã nên Cẩm Thanh là một trong những chiến trường ác liệt của Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi hứng chịu nhiều bom, đạn và các chất hóa học hủy họi môi trường của quân thù. Chính vì vậy nhân dân Cẩm Thanh chịu nhiều mất mát, đau thương và gánh chịu những hậu quả nặng nề từ chiến tranh để lại. Trong đó, nhiều di tích có giá trị về lịch sử văn hóa của vùng đất này đã bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt. Sau ngày quê hương giải phóng, nhân dân địa phương đã khôi phục, xây dựng lại một số di tích để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng nhưng do điều kiện kinh tế eo hẹp nên qui mô tu bổ, phục hồi các di tích nhìn chung là quá nhỏ bé so với qui mô di tích nguyên trạng trước đây, cũng như chưa tương xứng với không gian chung của làng quê truyền thống ở Hội An.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Thành phố và các ban ngành, công tác bảo tồn và phát huy di tích ở Cẩm Thanh đã bước đầu được triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như đã khảo sát đưa các di tích quan trọng vào danh mục của Thành phố, xây dựng hồ sơ khoa học, đề nghị các cấp công nhận xếp hạng một số di tích là di tích cấp Tỉnh và Quốc gia, tiến hành tu bổ cho một số di tích giá trị như: Lăng Bà - thôn 6, miếu ông Tiến - thôn 5, mộ ông Chưởng Cơ - thôn 4, lăng Trà Quân thôn 5, dựng bia lưu niệm cho các di tích Chiến thắng Lùm Bà - thôn 6, vườn xã Tiếp - thôn 3, đình Thanh Nhất - thôn 3... Nhiều di tích bước đầu được phát huy phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cư dân địa phương, riêng di tích rừng dừa Bảy Mẫu bắt đầu được đưa vào khai thác phục vụ tham quan du lịch. Nhìn chung việc bảo tồn và phát huy di tích ở Cẩm Thanh trong thời gian qua đã bước đầu có những bước chuyển tích cực. Thế nhưng, nhìn một cách tổng quan thì thừa nhận rằng việc đầu tư cho các di tích ở Cẩm Thanh vẫn còn tản mác, thiếu sự qui hoạch một cách đồng bộ và mang tính chiến, lược căn cơ lâu dài.
Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, theo định hướng của Hội đồng Nhân dân Thành phố là xây dựng Cẩm Thanh thành - Làng quê sinh thái đặc thù thì đòi hỏi công tác bảo tồn và phát huy di tích ở địa phương cần phải có những định hướng đúng và những bước đi thích hợp.
Theo chúng tôi việc bảo tồn và phát huy di tích ở Cẩm Thanh hiện nay cần phải có cách làm riêng cho phù hợp và cần thiết phải hướng đến những mục tiêu mang tính bền vừng:
Thứ nhất, cần định hướng bảo tồn di tích ở Cẩm Thanh hiện nay phải gắn liền với việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc làng quê, đảm bảo cho hệ thống di tích hài hòa với cảnh quan truyền thống của địa phương để hướng đến xây dựng Cẩm Thanh thành làng quê sinh thái đặt thù, đồng thời, phải gắn kết với việc bảo vệ cho được các giá trị văn hóa, sinh thái của Cẩm Thanh - Vùng chuyển tiếp của Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An nhằm hướng đến xây dựng Cẩm Thanh trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn với nhiều tiềm năng lợi thế về sinh thái, nhân văn độc đáo, phát huy tốt giá trị di tích phục vụ cho việc phát triển du lịch góp phần nâng cao đời sống nhân dân địa phương.
Thứ hai, bảo tồn và phát huy các di tích ở Cẩm Thanh cần đặt trong mối tương quan chung với việc xây dựng phát triển và các giá trị văn hóa đương đại nhằm phấn đấu xây dựng Cẩm Thanh thành một trong những điểm sáng về văn hóa - xã tiêu biểu theo tiêu chí phát triển nông thôn mới của Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, bảo tồn di tích ở Cẩm Thanh hiện nay (nhất là các di tích tín ngưỡng) phải gắn liền với việc phát huy giá trị, công năng của các di tích vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống vừa phục vụ cho việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa đương đại (tương đương chức năng của các thiết chế văn hóa hiện nay) nhằm chấn hưng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đồng thời làm phong phú thêm các giá trị văn hóa tinh thần của cư dân Cẩm Thanh đương đại.
Thứ tư, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục dựng các di tích ở đây cũng cần phải thực hiện song hành với việc gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của chính di tích đó, đồng thời gắn kết việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, những giá trị nhân văn đặc trưng mang tính địa phương của Cẩm Thanh.
Thứ năm, trong định hướng bảo tồn di tích ở Cẩm Thanh cần đặc biệt quan tâm và có cơ chế riêng đối với các di tích cách mạng, các dấu tích chiến tranh bởi Cẩm Thanh là vùng đất giàu truyền thống yêu nước cách mạng, đặc biệt nơi đây từng là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng của Hội An và tỉnh Quảng Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và cho đến nay vẫn còn hiện tồn nhiều di tích có giá trị là những địa chỉ đỏ quan trọng có thể phát huy trở thành những địa điểm l‎ý tưởng để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phụ vụ tham quan du lịch cho du khách gần xa.
Có thể nói, việc đầu tư tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích ở Cẩm Thanh là công việc hết sức quan trọng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nghiêm túc về từng đối tượng di tích để có những ứng xử thích hợp. Qua khảo sát hiện nay, trên địa bàn xã Cẩm Thanh có 36 di tích, dấu tích trong đó có: 27 di tích kiến trúc nghệ thuật, 01 di tích khảo cổ, 08 di tích lịch sử cách mạng, 02 danh thắng. Nhìn chung, các di tích ở Cẩm Thanh có qui mô kiến trúc nhỏ là chủ yếu, trong đó có nhiều di tích đã bị chiến tranh tàn phá nên việc đầu tư tu bổ ở đây nhất thiết phải tiến hành theo các giải pháp “tu bổ - tôn tạo - phục hồi” là chủ yếu nhằm trả lại vóc dáng cổ xưa cho di tích nên đòi hỏi phải có sự đầu tư về kinh phí khá lớn từ nhà nước. Chính vì vậy, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích  cần thiết phải có sự tập trung, có trọng điểm, phân kỳ hợp lý‎ chứ không nhất thiết thực hiện một cách dàn trải dễ dẫn đến lãng phí và kém hiệu quả.
Theo chúng tôi hiện nay đối với các di tích ở Cẩm Thanh trong việc đầu tư cần xác định theo thứ tự ưu tiên đối với từng nhóm đối tượng di tích cụ thể. Trước hết cần ưu tiên đầu tư tu bổ và phát huy cho các di tích có giá trị lớn đã được công nhận, xếp hạng hoặc nằm trong danh mục của Thành phố. Tiếp theo đó cần quan tâm đầu tư tu bổ, phát huy các di tích theo cụm tuyến (các khu vực có di tích tập trung nhiều). Bởi lẽ sự phân bố các di tích ở Cẩm Thanh hiện nay tập trung thành 4 cụm, tuyến chủ yếu đó là: Cụm Lăng Trà Quân - thôn 5, cụm di tích khu vực Lăng Bà - thôn 6, cụm di tích khu vực Rừng Dừa Bảy Mẫu - thôn 1, 2, 3, 7 và cụm di tích Khu vực Thuận Tình - thôn 1. Nhìn chung mật độ di tích ở các cụm, tuyến này tương đối dày mang nhiều giá trị về lịch sử văn hóa đặc trưng của vùng đất Cẩm Thanh. Đối với các cụm - tuyến di tích nêu trên ngoài việc ưu tiên về kinh phí, thời gian, tiến độ đầu tư cần quan tâm đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, các tuyến giao thông nội bộ, hành lang tham quan để liên kết các di tích trở thành các điểm tham quan quan trọng của Cẩm Thanh trong thời gian đến. Nếu được đầu tư một cách đồng bộ thì tương lai bộ phận di tích này sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, có chất lượng có thể thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Cẩm Thanh.
Bên cạnh đó, cũng cần chú ý quan tâm phục hồi các di tích có qui mô, giá trị lớn trong lịch sử từng nói lên được tầm vóc của mảnh đất Cẩm Thanh xưa nhưng đã bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn như các di tích đình Thanh Đông, Thanh Nam, Thanh Tam... Ngoài ra, cũng cần quan tâm tu bổ, tôn tạo cho các di tích vừa mới được nhân dân xây dựng, phục hồi trong thời gian gần đây ví dụ như các Miếu xóm, ấp... Tất các di tích này nếu được đầu tư tu bổ tôn tạo và phát huy một cách có hiệu quả thì lâu dài cũng sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn có thể thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Cẩm Thanh.
Song song với việc đầu tư tu bổ, bảo tồn về di tích, thì công tác phát huy quảng bá thông tin về các giá trị đặc trưng, tiềm năng của đất và người Cẩm Thanh cũng cần được xúc tiến. Trước hết trong quá trình tu bổ tôn tạo di tích cần quan tâm đầu tư đến cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát huy di tích như xây dựng hệ thống các bảng, biểu chỉ dẫn đường đi, thông tin, giới thiệu về các di tích tại chỗ với các hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin về Cẩm Thanh trên các phương tiện thông tin truyền thông trong nước và quốc tế, nhất là trên hệ thống Internet, có kế hoạch nghiên cứu, in ấn, xuất bản các án phẩm giới thiệu, quảng bá về du lịch Cẩm Thanh để giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế.
Tóm lại, việc đầu tư tu bổ, phục hồi, phát huy các di tích ở địa bàn thành phố Hội An nói chung và xã Cẩm Thanh nói riêng là công việc hết sức phức tạp cần phải đặt trong mối tương quan chung là gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vì vậy, tùy theo điều kiện, mỗi địa phương  cần có những mục tiêu, giải pháp khác nhau để bảo tồn và phát huy di tích gắn liền với những tiềm năng thế mạnh, đặt trưng của địa phương đó nhằm hướng đến vừa bảo tồn tốt các di tích, đồng thời có thể phát huy tốt di tích phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trên đây chỉ là một số ý kiến liên quan đến việc bảo tồn và phát huy di tích ở Cẩm Thanh hiện nay, rất mong đồng nghiệp trong cơ quan trao đổi thảo luận để tìm ra biện pháp hay nhằm giúp Cẩm Thanh có những định hướng tốt trong việc bảo tồn di sản địa phương  trong thời gian sắp đến

Tác giả: Quảng Văn Quý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây