Theo một số tài liệu nghiên cứu thì chức chưởng cơ xuất hiện từ thời các chúa Nguyễn, là vị quan chỉ huy các đội chiến thuyền của một vùng. Đến đời Minh Mạng, khi định lại quan chế không còn chức này. Bên cạnh đó, tài liệu truyền khẩu tại địa phương còn cho biết tên của ông Trần Chưởng Cơ còn được nhắc trong văn tế của đình làng Thanh Đông (
hiện đã bị sụp đổ do chiến tranh) xưa với tên là gọi dân gian là Ông Lớn. Đối chiếu với gia phả tộc Trần ở thôn 5 - Cẩm Thanh cho thấy rằng vị Chưởng Cơ là người tộc Trần tại Thanh Châu (
nay là xã Cẩm Thanh và một phần của phường Cẩm Châu), một tộc có nhiều công trạng với địa phương và với Chúa Nguyễn cùng vương triều Tây Sơn. Tên thật của Trần Chương Cơ là Trần Công Nghị. Ông có 6 người con trai và 7 người con gái. Các con và cháu của ông có rất nhiều người làm quan thời Tây Sơn. Trong đó, đặc biệt có bà Trần Thị Quỵ là thứ phi của hoàng đế Quang Trung (
Nguyễn Huệ). Theo gia phả này thì bà Thứ phi gọi ông Chưởng Cơ (
Trần Công Nghị) bằng ông cố nội. Như vậy, từ đời của bà Trần Thị Quỵ đến đời ông Chưởng Cơ đã cách nhau 4 đời nên nhận định ông Chưởng Cơ là vị võ tướng thời các Chúa Nguyễn là hoàn toàn hợp lý. Theo các nhà nghiên cứu, thì Thanh Châu xưa là một vùng xung yếu về quân sự, có thể trước đây từng là căn cứ thủy quân trấn giữ, canh phòng mặt biển và cửa Đại Chiêm, bảo vệ phố Hội An nói riêng, dinh trấn Thanh Chiêm và xứ Quảng nói chung trong các thời kỳ phong kiến. Chính vì điều này mà làng Thanh Châu sản sinh ra những vị võ quan chức Chưởng Cơ, Đô đốc cho các chúa Nguyễn và triều Tây Sơn. Trong đó, nhà nước phong kiến (
có thể từ thời các chúa Nguyễn) đã giao cho một số người của tộc Trần trấn giữ vùng này trong đó có khâm sai Trần Chưởng Cơ.
Mộ ông Trần Chưởng Cơ bên cạnh có giá trị nghệ thuật còn là một trong những di tích quan trọng góp phần làm rõ vai trò quan trọng của Hội An trong quân sự, thương mại hàng hải thời kỳ Phong kiến cũng như minh chứng chứng cho truyền thống võ quan của Hội An cùng với Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân ở Cẩm Phô, Binh bộ thượng thư Nguyễn Điển ở Cẩm Hà.