Đồ gốm phát hiện tại di tích Ruộng Đồng Cao có các loại hình gồm nồi, hũ, bình, ấm (kendi), bát, đĩa, nắp đậy (nắp vung), đầu ngói...
Nồi gốm thường có chất liệu thô và hơi thô, dáng không cao, thân hình cầu, bán cầu hay gẫy gấp, đáy tròn hoặc bằng, miệng rộng và loe. Trên vai của một số kiểu nồi có 2 - 3 gờ nổi tạo thành những dải chạy vòng quanh vai. Màu sắc bên ngoài không đồng nhất, chủ yếu là màu xám đen hoặc xám đỏ, đỏ gạch. Thân thường trang trí văn chải dọc thân, văn chải đan chéo nhau tạo thành hình ô trám hoặc văn chải kết hợp đường khắc vạch chìm quanh vai.
Bình gốm có cổ ngắn, miệng đứng hoặc hơi loe, vai tròn và phình rộng, thân thu nhỏ dần xuống đáy, đáy bằng, đường kính miệng và đáy gần bằng nhau. Hầu hết bình được làm từ đất sét đã qua lọc rửa nên xương gốm mịn, chế tác bằng bàn xoay, độ nung vừa phải. Bình có màu đỏ nhạt, hồng nhạt, vàng nhạt hay xám nhạt. Kết thúc phần vai thường có 1 - 2 đường chỉ chìm chạy vòng quanh. Cá biệt, trên vai một số bình có vạch những ký hiệu giống trên gốm kiến trúc hay gia dụng và nghi lễ tìm thấy ở di tích Trà Kiệu. Loại bình gốm in văn ô vuông kiểu Hán có một số mảnh nung gần thành sành.
Hũ gốm có đáy bằng, xương mịn và cứng, màu xám trắng, vàng nhạt hay đỏ gạch, trang trí văn in ô vuông với hai dạng to và nhỏ. Một số mảnh gốm cho thấy văn in ô vuông thực hiện bằng các bàn in dập hình chữ nhật, in khá đều không thấy dấu giáp mí.
Ấm gốm có áo màu nâu đỏ hoặc hồng nhạt không đều, xương hơi mịn lẫn nhiều hạt cát nhỏ, miệng loe, vành miệng lõm hình lòng máng, gờ miệng tròn, cổ eo, thân phình rộng hình cầu, có vòi nhưng không có quai.
Bát gốm có dáng thấp, miệng loe rộng hoặc hơi khum, đáy bằng, xương hơi thô hoặc hơi mịn, màu vàng nhạt và màu hồng xám trắng, chủ yếu không trang trí hoa văn. Cá biệt, có một trang trí 2 đường chỉ chìm song song trên thân.
Đĩa gốm có kiểu miệng loe, thân bầu, đáy bằng và kiểu miệng đứng, hơi bầu gần về đáy, mặt dưới đáy lõm vào. Đĩa nông lòng, xương gốm mịn hoặc hơi thô, màu vàng nhạt, đỏ gạch và hơi xám.
Nắp vung phần lớn được làm từ gốm hơi thô và mịn, thường có màu đỏ gạch non, màu vàng nhạt hoặc màu hồng nhạt. Một số nắp vung trang trí những đường sóng nước trong băng khắc vạch. Nắp vung thường có kích thước lớn và bị ám khói ở phần rìa. Nắp vung có hai kiểu gồm kiểu hình cầu úp, thấp, gờ miệng loe xiên, vát hoặc tròn, giữa vành miệng và thân thường có chỉ chìm chạy vòng quanh. Kiểu khác có hình dáng từ núm ra vành miệng cong dần lên, vành miệng hơi khum, phía gần vành miệng có hai băng đường chỉ chìm chạy quanh, mỗi băng ba đường, nét không đều, khoảng giữa hai băng có hoa văn hình sóng nước gồm ba đường chỉ uốn lượn song song.
Chân đế bát bồng choải rộng, tròn đều, xương mịn, màu đỏ hơi vàng, xương chắc và cứng. Trên chân đế trang trí 2 đường chỉ nhỏ, trên bề mặt và phía trong chân đế còn rất rõ dấu vết bàn xoay.
Hoa văn trang trí trên đồ gốm di tích Ruộng Đồng Cao có sự thay đổi về ý tưởng lẫn đề tài so với đồ gốm Sa Huỳnh. Hoa văn chải, khắc vạch hoặc chải kết hợp khắc vạch chỉ trang trí trên đồ vật có chất liệu thô và hơi thô như loại hình nồi với cách thể hiện đơn giản. Các đồ vật khác với chất liệu mịn, áo trơn láng được trang trí đường chỉ chìm, nổi chạy quanh thân, vai hoặc vành miệng. Ngoài ra, còn có loại kết hợp giữa đường chỉ chìm/nổi với văn in ô vuông hay khắc vạch ký hiệu lạ trên vai. Hoa văn in ô vuông cỡ lớn/nhỏ xuất hiện khá phong phú trên loại hình bình, hũ có màu vàng nhạt, xám trắng, nâu đỏ hoặc xám xanh, xương cứng.
Đồ gốm di tích Ruộng Đồng Cao được chế tác có sự kết hợp bởi nhiều kỹ thuật khác nhau nhưng phổ biến là kỹ thuật bàn xoay. Những đồ vật được sản xuất từ kỹ thuật bàn xoay thường có dáng tròn đều như nồi, bình, bát. Trên bề mặt đồ vật còn rất rõ các vết xước song song do kỹ thuật bàn xoay tạo thành. Kết hợp với kỹ thuật bàn xoay là kỹ thuật nặn tay và ghép bộ phận. Thủ thuật miết vẫn được sử dụng để tạo độ láng cho đồ vật.
Những hiện vật gốm phát hiện tại di tích Ruộng Đồng Cao có những nét tương đồng với đồ gốm phát hiện tại di chỉ Đồng Nà, Hậu Xá I... ở Hội An và di chỉ Trà Kiệu ở Duy Xuyên về loại hình, chất liệu, màu sắc và hoa văn trang trí. Nó phảng phất dấu ấn của sự kế thừa truyền thống kỹ thuật giai đoạn văn hoá Sa Huỳnh và tiếp biến văn hoá Hán ở Hội An trong thế kỷ III, IV sau Công nguyên, cho thấy có sự mở đầu cho truyền thống văn hoá mới với những thay đổi về ý tưởng lẫn đề tài. Bộ sưu tập đồ gốm tại di tích Ruộng Đồng Cao cung cấp thêm thông tin để nghiên cứu diễn biến văn hoá giai đoạn thế kỷ I đến IV sau Công nguyên ở khu vực sông Thu Bồn.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền