Di tích khảo cổ học Thanh Chiếm ở khối Thanh Chiếm, phường Thanh Hà, Hội An được phát hiện và đào thám sát vào tháng 7/1989. Kết quả nghiên cứu cho thấy tầng văn hóa của di tích tương đối dày, chứa các di vật liên quan đến việc sinh sống, cư trú của cư dân Sa Huỳnh, Chăm pa và các lớp cư dân Hội An thời Đại Việt như đồ gốm Sa Huỳnh, gốm Chăm, gốm sứ Trung Quốc, gốm sứ Hizen của Nhật Bản và gốm đất nung Thanh Hà - Hội An.
Nhằm nhận diện thêm những giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học của di tích cũng như bổ sung hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hội An nhằm làm phong phú hơn nội dung khoa học của bảo tàng và tính hấp dẫn của bảo tàng đối với công chúng; đồng thời xác định phạm vi khu di tích để triển khai dự án Khu dân cư dọc tuyến đường đường Điện Biên Phủ nối dài (giai đoạn 1) phường Thanh Hà, trên cơ sở chủ trương thống nhất của UBND thành phố Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An có kế hoạch hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức nghiên cứu khảo cổ học di tích. Theo quyết định cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích sẽ triển khai từ ngày 15- 30 tháng 8/2019. Những hiện vật khai quật được sẽ được xử lý và trưng bày phát huy giá trị, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của công chúng.