Vào những ngày gần Tết, các di tích tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà thờ tộc họ… được quét dọn sạch sẽ, trang hoàng cờ hoa rực rỡ, trong đó có nhiều di tích được phục dựng cây nêu ngày Tết. Trên bàn thờ, mâm ngũ quả, hương đèn,… được bày biện trang nghiêm. Đúng vào thời khắc giao thừa, chiêng trống tại các di tích được gióng lên tạo thêm không khí linh thiêng giao hòa giữa trời đất vạn vật.
Sau 3 ngày tết Nguyên đán, những hoạt động lễ lệ, lễ hội bắt đầu được cộng đồng cư dân tổ chức để tế thần linh, tổ nghề trong dịp đầu xuân nhằm cầu mong năm mới an lành, hạnh phúc, công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, hanh thông. Ngày mồng 7 diễn ra lễ Cầu Bông tại làng rau Trà Quế; ngày mồng 9, lễ cúng cầu an được tổ chức ở di tích Tín Nghĩa từ,... Những hoạt động lễ lệ, lễ hội được cộng đồng cư dân tổ chức vào những ngày đầu xuân là nét đẹp văn hóa nhân văn, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người dân Hội An nói riêng, người Việt Nam nói chung.