HỆ SINH THÁI

Thứ tư - 11/07/2012 22:54
THẢM THỰC VẬT
Cù Lao Chàm là một trong số rất ít đảo của cả nước còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ lớn. Kiểu thảm chiếm diện tích lớn nhất là rừng cây lá rộng nhiệt đới, phân bố chủ yếu ở độ cao từ 50m đến 500m. Đây là kiểu thảm thường có nhiều cây gỗ qúy như gõ biển, quỷnh, lim xẹt,....
Ngoài gỗ, đây cũng là nơi có nhiều loại lâm sản phụ như song, mây, cây làm thuốc, làm vật liệu xây dựng... Ngoài ra, tại sườn phía Đông của đảo, nơi địa hình rất dốc, lớp đất phủ trên bề mặt hầu như không có lại vẫn tồn tại một kiểu thảm thực vật cây bụi và trảng cỏ với những loài đặc trưng như sến đất, huyết giác và cỏ cứng. Còn Hòn Dài là nơi hấp dẫn cho khách du lịch sinh thái. Khách tham quan có thể đi dạo, nghỉ ngơi hoặc có thể ngắm nhìn những cây thiên tuế cao 2-3m, hình dạng lạ mắt. Qua thống kê hệ thực vật ở Cù Lao Chàm từ độ cao 100m trở xuống có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao. Thảm thực vật Cù Lao Chàm là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá góp phần tạo nên môi trường du lịch sinh thái ở đảo Cù Lao Chàm.
 


 
ĐỘNG VẬT
Nhờ có lớp phủ thực vật tương đối tốt, là nơi cư trú của nhiều loại động vật. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, hiện Cù Lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái. Trong đó đáng chú ý là Khỉ đuôi dài và chim Yến là 2 loài được đưa vào sách đỏ động vật Việt  Nam.
          
 
 
BÃI TRIỀU ĐÁ
Hình thành trên các bãi triều đá với kích thước tảng 1000-2000mm và lớn hơn, xen kẽ giữa các bãi đá tảng và đá cuội - sỏi - sạn phân bố chủ yếu trong các cung lõm hoặc trong các máng trảng sâu. Các bãi triều đá phân bố ở phía Đông Bắc đảo Cù Lao Chàm và ở hầu hết xung quanh các đảo nhỏ còn lại, là nơi phân bố của hệ sinh vật vùng triều rạn đá. Đặc biệt là những loài đặc sản quý hiếm như ốc vú nàng, vú sao, ốc nhảy, ốc mắt, ốc hương,...
 

 

 
TÀI NGUYÊN SINH VẬT BIỂN
Kết quả nghiên cứu từ năm 1994 trở lại đây, đã tập hợp được danh mục gồm: 947 loài sinh vật sống trên vùng nước quanh đảo. Trong số các loài sinh vật biển, cá biển sống trên rạn san hô có 178 loài, 80 giống và 32 họ; Rong biển 122 loài, thực vật phù du 215 loài; động vật phù du 87 loài; san hô 135 loài thuộc 35 giống. Thân mềm 144 loài. Giáp xác 25 loài, da gai 21 loài, giun 21 loài. Đây là ngư trường khai thác khá lý thú của ngư dân trên đảo và các vùng lân cận. Khi về đêm, đèn đánh cá trên biển giăng mắc như một thành phố nổi lung linh rạng rỡ sắc màu rất ấn tượng cho những ai muốn mạo hiểm theo ngư dân ra khơi đánh bắt.
 
SAN HÔ
Rạn san hô là các dạng đặc thù của vùng biển nhiệt đới và cũng rất điển hình ở vùng đảo Cù Lao Chàm. Khu vực phía Bắc Hòn Khô, Hòn Lá, Hòn Tai và Vũng Cây Chanh - Tây Bắc Hòn Mồ là những nơi giàu có nhất về thành phần giống loài san hô. Một trong những đặc điểm nổi bật ở vùng này là tỉ lệ san hô cứng và san hô mềm không có sự phân biệt nhau quá nhiều. Trên 261 loài thuộc 59 giống của 15 họ san hô cứng, 15 loài thuộc 11 giống của 6 họ san hô mềm, 3 loài thuỷ tức san hô, 1 loài san hô xanh và 2 loài san hô gai. Các loài san hô này sinh trưởng rất chậm, trung bình tăng từ 5-15mm theo bán kính mỗi năm.
     
    

          

 
CÁ RẠN SAN HÔ
Khoảng 200 loài cá thuộc 85 giống 36 họ đã được ghi nhận trên các rạn san hô của đảo Cù Lao Chàm và các đảo xung quanh. Họ cá Thia (39 loài) và cá Bàng Chài (33 loài) khá phong phú, và họ cá Bướm có 19 loài. Một số họ cá phổ biến khác như cá Đuôi gai (12 loài), cá Mó (12 loài), cá Dìa (6 loài), cá Mú (6 loài), và cá Hồng. Một số loài có giá trị thực phẩm đã được ghi nhận bao gồm  cá Dìa (9 loài), cá Mú (6 loài), cá Hồng (6 loài), cá Hè Gáy (2 loài), cá Kẽm (1 loài). Hầu hết các nhóm cá chủ đạo được đánh bắt làm thực phẩm hay nuôi cảnh. Các loài thuộc họ cá Thiên Thần không phổ biến và hiếm gặp. Nhưng cá Thia và cá Bàng Chài xuất hiện với số lượng khá cao trên tất cả các mặt cắt và chúng là thành phần chính của quần xã cá rạn.
257201341

257201361

 
CỎ BIỂN
Cỏ biển có 4 loài đã được ghi nhận trên các thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm. Cỏ phân bố tại bờ phía Tây của đảo Cù Lao Chàm, trên các vùng cát, chủ yếu tập trung ở Bãi Bắc, Bãi Ông, Bãi Chồng, Bãi Bìm, Bãi Hương và một vùng rất nhỏ ở Bãi Nần, chúng ở độ sâu từ 2 - 10m.
 
    

THÂN MỀM
Thân mềm là nhóm quan trọng trong cấu trúc nguồn lợi động vật đáy ở các đảo, đến nay đã thống kê được 84 loài thân mềm, trong đó có 66 loài chân bụng sống phụ thuộc vào các rạn san hô, thuộc 43 giống và 28 họ. Trong đó, lớp một mảnh vỏ chiếm 20 loài, chia làm 3 nhóm chính (nhóm quý hiếm, nhóm làm thực phẩm, nhóm làm đồ mỹ nghệ). Lớp hai mảnh vỏ 34 loài có giá trị kinh tế, chủ yếu tập trung ở các họ Trai Ngọc, Trai Tai Tượng, Điệp Quạt, Sò, Ngao. Trai tai tượng phổ biến ở các rạn thuộc vùng nước nông, trong khi đó Trai Ngọc môi đen phong phú ở các rạn sâu.

 
      
 
      


     
     
 
GIÁP XÁC
Hiện nay đã thống kê được trên 11 loài có giá trị kinh tế sống ở vùng nước quanh đảo Cù Lao Chàm, tập trung ở 2 nhóm chính, bao gồm 3 loài thuộc nhóm Tôm He và 4 loài thuộc nhóm Tôm Hùm biển: và một loài cua được tìm thấy trên các rạn san hô. Đây là những loài kinh tế quan trọng đối với ngư dân địa phương, trong đó Tôm Hùm bông được xem là loài quan trọng vì nhu cầu làm thực phẩm và nuôi trồng thủy sản.

      
 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây