Ngoài đặc điểm chung về thể loại, những đơn vị cao dao sưu tầm được đã góp phần thể hiện một số nét riêng của vùng đất và con người Hội An.
Ta bắt gặp những câu ca dao nói về một Hội An với cảnh sắc sông nước hữu tình:
“Non sông ai dựng ai làm
Dòng Sài Giang uốn khúc, Cù Lao Chàm xanh um”
Về một Hội An yên bình, giàu truyền thống văn hoá:
“Hội An đất hẹp người đông
Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu
Dạo từ sông trước, xóm sau
Dưới thì Â m Bổn, chùa Cầu ở trên”
Về một Hội An phố thị với những sinh hoạt đặc trưng:
“Phố Hoài bốn tháng một phiên
Gặp cô hàng xén anh kết duyên vừa rồi
Gánh hàng cô những quế cùng hồi
Những mẹt bồ kết những nồi phèn chua...”
Và những chuyến buôn dọc theo các bến nước đã để lại nhiều mối tình không kém phần sâu đậm, nên thơ:
“Gió Nam thổi xuống lò vôi
Ai đồn với bạn ta có đôi bạn buồn
Dời chân bước xuống ghe buôn
Sóng bao nhiêu gợn dạ buồn bấy nhiêu
Cạnh buồm gió thổi xiêu xiêu
Nước mắt ra chàng chặm bốn múi dây lưng điều không khô
Sự tình thảm biết chừng mô
Con cá lui về biển Bắc bỏ chiếc nơm khô một mình”
Sự xuất hiện với số lượng lớn các câu ca dao nói về nghề buôn, về hoạt động kinh tế thương nghiệp - ngoại thương và sinh hoạt của tầng lớp thương nhân là một trong những đặc điểm nổi trội của các đơn vị ca dao sưu tầm được ở Hội An.
Ngoài nghề buôn, hoạt động ngư nghiệp và sinh hoạt của ngư dân cũng được phản ảnh khá rõ nét:
“Tay cầm cần câu trúc
Lưỡi câu trắc năm bảy đường tơ
Bằng đầu bạt thử dọc bờ
Bạt ra tí nữa đặng lờ nước nông
Hai tay ôm lấy cần không
Hỏi thăm thục nữ có chồng hay chưa”
Hoặc:
“Đem chài mà vãi cá căn
Cá đi đường cá, chài đi đường chài”
Những cung bậc tình cảm của người dân miền biển đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ca dao. Đó là nổi buồn chia ly, xa cách:
“Đêm nay anh gối tay nàng
Ngày mai ra biển anh gối đàn dây neo”
Những chuyến ra khơi đầy bất trắc đã để lại sự trông ngóng, mong chờ nhiều khi đến thắt lòng:
“Một mai mai một ngó chừng
Ngó sông sông rộng, ngó rừng rừng xa
Ngó ra ngoài biển ngoài Lao
Thấy thuyền anh chạy như dao cắt lòng”
Tuy có gian nan, vất vả nhưng cuộc sống của những người dân sông nước không vì vậy mà vắng tiếng hát, câu hò:
“Sáng trăng anh bủa cá ve
Em ngồi bụi dứa em nghe anh hò”
Tiếng cười lạc quan, sự bộc trực, nghịch ngợm đặc trưng của người dân miền biển cũng được bộc lộ mạnh mẽ:
“Con cá dưới sông anh còn bắt bộ
Huống chi em ở trên bờ anh dỗ cũng xiêu”
Dòng ca dao tại Hội An chảy liên tục qua các thời kỳ lịch sử. Đó vừa là dòng suối trữ tình, trong mát ngọt lành vừa là tấm gương ghi lại thái độ của các thế hệ cư dân Hội An trước những vấn đề lịch sử, trước thế thái nhân tình. Bên cạnh việc ca ngợi lối sống nghĩa nhân, thuỷ chung son sắc, coi trọng các giá trị tinh thần:
“Áo rách có cách người thương
Nón cời có ngãi người thương nón cời”
Ca dao ở đây thể hiện thái độ phê phán đối với những hành vi đi ngược với tập quán tốt đẹp của địa phương:
“Trăng tròn thì mược trăng tròn
Bậu xinh mược bậu, bậu xằng anh chê”
Những biểu hiện hà khắc của chế độ phong kiến cũng bị nhân dân phê phán gay gắt:
“Con quạ ăn dưa bắt con cò dừa đem ra phơi nắng
Ngẫm lại sự đời con cò trắng con quạ đen”
Việc để mất đất vào tay thực dân Pháp của triều Nguyễn đã bị lên án kịch liệt:
“Gia Long, Minh Mạng chầu trời
Để cho Tự Đức sống đời hại dân”
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ xâm lược, những câu ca dao kháng chiến, địch vận đã kịp thời cổ vũ toàn dân tham gia đánh giặc, góp phần không nhỏ đưa hai cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Ở đây ta bắt gặp thái độ hết sức rõ ràng, dứt khoát của nhân dân địa phương trước thủ đoạn của kẻ thù:
“Ta về ta ở làng ta
Ôm cây cột cháy vẫn là thơm danh”
Đói lòng ăn mấy trái sung
Còn hơn ở trại tập trung Thanh Hà”
Những hình ảnh đẹp đẽ, lãng mạn của phong trào toàn dân tham gia đánh giặc đã đi vào ca dao và lưu truyền cho đến ngày nay:
“Hầm hầm hồ hố khắp làng
Cổng anh với cổng nhà nàng để thông”
“Trở về khu bốn hôm qua
Trông thấy mẹ già cảnh giới bên sông
Mẹ già tóc trắng như bông
Da nhăn má tóp mà lòng hiên ngang
Đêm khuya bến lặng trăng tàn
Mẹ già cảnh giới cho làng ngũ yên”
Ngoài giá trị văn học, những câu ca dao trên còn ẩn chứa những giá trị tinh thần hết sức sâu sắc và có tác động tích cực đến đời sống tình cảm của người dân địa phương trước đây cũng như hiện nay.
Về dân ca, hình thức hát hò khoan được lưu truyền phổ biến trong cư dân địa phương. Vào những đêm trăng, những dịp giã vôi, giã gạo, đạp nước, đập lúa cư dân thường mở cuộc hò khoan. Số lượng người không nhất định. Có khi chỉ tới sáu đến tám người cũng có thể tổ chức một buổi hát. Đây là hình thức hát tập thể bao gồm nhiều giai đoạn, có khi kéo dài suốt đêm. Thường chọn ra ba, bốn đôi nam nữ để hát chính, những người xung quanh, sau mỗi câu hát lại xướng đệm vào. Để lấy hơi thường dùng hình thức ngân giọng kéo dài “a... ơ, khoan hỡi hò khoan...” Lúc dứt câu hát, chỉ cần xuống giọng, dứt câu, những người xung quanh lại hò đệm vào.
Một cuộc hát hò khoan có thể chia ra làm ba giai đoạn: Mở đầu, phát triển, kết thúc:
- Mở đầu thường có hát dạo, hát chào, hát rao, hát phong cảnh.
- Phát triển cuộc hát thường có: Hát ghẹo, hát đố, hát xạo, hát tích, hát kết (hát nhân ngãi), hát sinh tử, hát báo hiếu, hát xa cách...
- Kết thúc thường có hát đưa tiễn, hát dặn.
Về trình tự cuộc hát ta thấy giống kiểu hát Phường Vải Nhgệ Tĩnh.
Về nội dung: Nội dung phổ biến là bộc lộ khát vọng về tình yêu. Hát hò khoan là môi trường để nam nữ giao duyên, trao đổi tình cảm, bộc lộ và gởi gắm ước mơ về cuộc sống hạnh phúc lứa đôi. Tại nơi đây, dân gian đồng thời cũng thể hiện quan niệm yêu, ghét, thể hiện tình cảm đối với quê hương đất nước, với gia đình, nói lên sự gian nan vất vả trong đời sống hàng ngày để cùng nhau cảm thông, cùng nhau khắc phục. Không ở đâu, dân gian lại có môi trường để bộc lộ nhiều sắc thái tình cảm như ở hát hò khoan. Trong hò khoan có hát xạo. Hát xạo thể hiện sự nghịch ngợm, đồng thời cũng là sự thông minh của dân gian qua hình thức nói lái, chơi chữ. Có những câu hát xạo là một câu đố hiểm hóc, buộc đối phương phải suy nghĩ nát óc:
“Nực cười gà mổ bông kê
Ngựa ăn gò mả rồng về Thanh Long
Ngó lên hòn Tượng ông voi chạy có dằm
Ngó về biển bắc con cá nằm ngất ngư
Chàng mà đối đặng chừ chừ
Trầu em têm kiến phụng, hộp xa cừ xin dâng”.
Hát xạo thường sử dụng các biện pháp như hàm nghĩa, đồng âm, trái nghĩa, đồng nghĩa (từ hoặc bộ phận), nói lái. Trong đó nói lái được sử dụng khá phổ biến.
Ngôn ngữ trong hát hò khoan là ngôn ngữ dân gian. Phổ biến là dùng thể lục bát để diễn đạt. Trong quá trình hát, mở rộng một số từ trong câu để phù hợp với làn điệu hoặc thêm vào một số từ đệm. Các câu hát sáng tác theo lối phú, tỉ và hứng, ví von so sánh, lối nói hình tượng và một số thủ pháp nghệ thuật truyền thống khác.
Trong quá trình hát, về cơ bản là không có nhạc cụ. Các dụng cụ lao động cầm theo (chày, lưỡi hái...) có tác dụng như những nhạc cụ giữ nhịp. Về làn điệu, do không có điều kiện tiếp cận nên chúng tôi chưa có những nhận xét chính xác. Trên đại thể, hò khoan ở Hội An, nhất là các vùng ven biển có âm điệu kéo dài ở các nơi ngắt hơi. Làn điệu mượt mà và ngân dài. Những nơi có dấu hỏi (?) thường hát cao giọng lên, không xuống như một số nơi.
Hát hò khoan cũng xuất hiện chỉ với hai người qua một dụng cụ bằng hai ống tre rỗng ruột, bịt một đầu bằng vải hoặc da nối liền bằng một sợi dây. Hình thức này gọi là hát ống. Những đôi nam nữ, do kín đáo hoặc do một lý do nào đó không thể đến đám hát tập thể thường dùng hát ống để trao đổi tình cảm. Hình thức này vẫn được duy trì cho đến gần đây mới thôi.
Hò nện: Hát trong các buổi đầm nền nhà, đập đá vôi. Đây cũng là hình thức hát tập thể gắn với sinh hoạt lao động. Số lượng người tham gia ít hơn. Câu bắt giọng là: “Hò khoan hớ hò khoan”, không ngân dài. Hát theo nhịp chày giã.
Giọng lên ít giọng xuống, cuối một số câu có hiện tượng láy
Người /đạo nghĩa/tìm nơi/nhân đức/
Kẻ/tri âm/lại kiếm chốn/(bần) thanh bần/
Về ngôn ngữ sử dụng như hò khoan, phổ biến là loại thơ ca lục bát. Do sự qui định của tính chất lao động, nên làn điệu hát hò khoan là không ngân nga, kéo dài.
Hò chèo ghe: Trong những lúc chèo ghe trên sông, dân gian lại thả hồn theo nhịp chèo trên sóng nước mênh mông với làn điệu hò chèo ghe. Hò chèo ghe có âm điệu kéo dài, ngân nga, đòi hỏi phải có hơi dài.
Hò kéo neo: Trong các văn bản hát bả trạo chúng tôi còn bắt gặp điệu hò kéo neo với kiểu ngắt hơi bốn chữ và câu đệm “là hò hỡi lơ”:
“Là tơ rối tơ (là hò hỡi lơ)
Phải gỡ cho rồi (là hò hỡi lơ)
Nước săn neo thẳng (là hò hỡi lơ)
Lần hồi mà phăng (là hò hỡi lơ)...”
Ngoài ra tại địa phương còn có làn điệu hô thai, bài chòi, hò ba lý, lý lạch, lý con sáo, lý gió đưa trăng, các điệu hát ru con v.v...
(Trích sách Di sản Văn hóa Văn nghệ Dân gian Hội An - Năm 2005 - Tác giả: Trần Văn An)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền