Múa Thiên cẩu

Thứ tư - 10/10/2012 23:19
Múa Thiên cẩu là một loại múa linh vật lưu truyền ở Hội An. Về tên gọi, Thiên cẩu có nghĩa là con chó nhà trời, con vật này được tô điểm thành một linh vật mang tính huyền thoại với những đặc điểm khác thường.
           Về hình dáng nó hoàn toàn không mang dáng dấp gì của con chó thật với một chiếc đầu to tạo bằng mây, tre, giấy, tô phết nhiều màu rực rỡ. Sau ót Thiên cẩu mọc lên một chiếc sừng nhọn, cong về phía trước trán. Tai kiểu tai lợn nhưng lớn hơn nhiều. Mắt Thiên cẩu mở to, trợn trừng đầy vẻ đe dọa. Mi mắt nhô cao và có thể mở khép được. Nổi lên giữa mặt là chiếc mũi to lớn, ba ngấn, thoạt trông như kiểu mũi trâu nhưng sống mũi nổi cao rất kỳ lạ, nên một số người cho đó là mũi rồng. Miệng Thiên cẩu mở to, hàm trên cố định, hàm dưới có râu dài, có thể khép vào mở ra theo điệu múa. Hai bên hàm có hai chi tiết gọi là mang, hình giống hai con cá chép. Mình Thiên cẩu là một dải vải dài, thường là màu đỏ, ở giữa tạo dáng sống lưng, phía sau buộc một túm lá cây tạo dáng đuôi. Khi múa, đầu Thiên cẩu do một người rúc vào thực hiện, mình và đuôi do một, hai hoặc đôi khi gồm nhiều người cầm và thực hiện các động tác uốn lượn, vặn mình theo điệu múa, tạo thành sự phối hợp nhịp nhàng giữa đầu, mình và đuôi. Nếu Lân, Sư tử chỉ do hai người múa, một ở đầu, một ở đuôi tạo thành con vật bốn chân thì múa Thiên cẩu có thể do nhiều người thực hiện, tạo thành một con vật khác thường, nhiều chân. Tính dân dã của múa Thiên cẩu thể hiện ở chỗ có thể dung nạp được nhiều người cùng múa ở phần mình và đuôi, tựa như trò chơi rồng rắn của trẻ em. Cùng múa với Thiên cẩu là một nhân vật Ông Địa vẻ mặt béo phị, miệng cười hớn hở, bụng to, tay cầm quạt. Để tăng phần sinh động, hấp dẫn một số đội múa còn hóa trang thêm một nhân vật Tiên đồng tay cầm quả cầu hoặc gậy lửa để đùa giỡn cùng Thiên cẩu.
             Múa Thiên cẩu gắn liền với tết Trung Thu rằm tháng Tám và là hoạt động không thể thiếu của lễ Tết này. Hàng năm cứ đến những ngày giáp tết Trung Thu, khắp các xóm thôn, ngõ phố ở Hội An lại rộn ràng các hoạt động chuẩn bị múa Thiên cẩu đón Tết. Sự rộn ràng, náo nức này đặc biệt rõ nét ở khu vực trung tâm phố thị. Nhiều ngày trước Tết Trung Thu những “Ông Thiên cẩu” đã được mang ra khỏi các đình miếu để phơi phóng, tô điểm lại. Trước đây người ta không mang đầu Thiên cẩu về nhà. Mãn mùa Trung Thu người ta làm nghi thức trảm Thiên cẩu rồi đem gửi ở một di tích tín ngưỡng gần đó hoặc đốt đi. Nếu đốt thì năm sau người ta làm lại một đầu Thiên cẩu mới. Cùng với việc chuẩn bị các đầu Thiên cẩu và mặt nạ Ông Địa, những dụng cụ, nhạc cụ như trống, phèng la, xập xỏa, thang tre,... cũng được tích cực gia cố tu bổ để sẵn sàng cho các buổi múa. Đêm đêm tiếng trống tập dợt rộn vang đây đó ở các ngõ phố cuốn hút đông đảo trẻ em tụ tập reo hò cổ vũ.
             Về lịch sử: Qua tư liệu hồi cố cho biết, vào những thập kỷ 20 của thế kỷ XX họ đã được xem một số đội múa Thiên cẩu biểu diễn ở Hội An. Đó là đội Thiên cẩu Đại Hòa Lạc của ông Trịnh Cẩm Quân, làm nghề dạy võ; tại Sơn Phong có đội Tiểu Hòa Lạc của ông Hà Sửu, Năm Khê, Bốn Siêu tổ chức…. Từ những năm 1947 - 1956 có các đội Thiên cẩu của ông Xâu Hổ làng Xuân Mỹ, đội của ông Năm Nghiã làng Cẩm Phô, đội của các ông Hứa Tự Long, Hứa Tự Trân bang Triều Châu. Từ năm 1955 - 1975 có đội Thiên cẩu Nghiệp đoàn. Sau ngày giải phóng năm 1975, có một số đội Thiên cẩu mang tên Trung Bắc, Viên Giác, Chùa Ông, Khuân Vác, Khối Sáu Cẩm Phô, Sơn Phong...  Đến khoảng những năm 1995 - 1997, múa Thiên cẩu hầu như vắng bóng hẳn trên các đường phố Hội An vào dịp tết Trung Thu cũng như vào các dịp hội hè hằng năm. Thay vào đó là những đoàn múa Lân, Sư tử theo kiểu mới phát triển mạnh mẽ giành được sự hâm mộ, ưa thích của đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.
         

 
            Về tư thế biểu diễn: ở múa Thiên cẩu có những thế bộ chính như sau:  Thiên cẩu đi được thể hiện là người múa đầu và đuôi cùng đi một thế, trong đó một chân trụ, chân kia duỗi thẳng về sau, ngón chân chạm đất, hai chân tạo thành chữ  T (người ta gọi là đi bộ chữ Đinh). Thiên cẩu ngủ được múa như sau: Hai người múa vẫn chuyển bộ hình chữ T, lưng hơi gấp, 2 tay hạ đầu cuối xuống đất diễn tả Thiên cẩu buồn ngủ. Thiên cẩu ăn giải được thể như sau, ngồi trên gót, ngồi bệt dưới đất. Nếu giải thưởng được đặt ở mặt bàn, người múa đầu đứng hai chân, lưng hơi gập về phía trước, tay đưa đầu hạ xuống, hả miệng ăn. Một bài biểu diễn ở hội thi có trình tự như sau: Thiên cẩu và Ông Địa vái chào tiếp đến Thiên cẩu ăn lá đa, xỉa răng và chìm vào giấc ngủ. Sau đó thức dậy vươn vai liếm đuôi, gãi tai rồi đi lại, vờn giỡn ông Địa, liếc mắt, thể hiện các sắc thái tình cảm vui vẻ, thận trọng, hung dữ. Cuối cùng là Thiên cẩu ăn giải, lạy tạ. Trong bài múa còn xen kẻ các màn biểu diễn kỹ thuật rất ngoạn mục như: phun lửa tung hứng, chưng cộ, trèo cây, ăn pháo... góp phần cho buổi diễn thêm sinh động, gay cấn, thu hút người xem.
Biểu diễn ở nhà dân thì đơn giản hơn, ban đầu là Thiên cẩu vô nhà, lạy bàn thờ, múa quanh nhà tìm mồi, xông trừ tà khí, ăn giải và lạy tạ gia chủ. Kết hợp với bài diễn là những nghi thức tín ngưỡng như hả miệng đớp trẻ em trừ phong, liếm cổng trừ tà hay trình diễn trèo cây, chưng cộ.
            Múa Thiên cẩu có các kiểu đánh trống chính là đánh trống xổ, gồm có trống xổ giục liên hồi cho Thiên cẩu vô nhà hay rồi đánh trống xổ ăn, xổ ngủ. Sau khi dứt trống xổ thì có đánh trống lên điều khiển Thiên cẩu bước đi mạnh mẽ. Điều khiển Thiên cẩu đi, nhảy, lạy tạ cũng có những điệu xổ riêng, đơn giản. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy múa Thiên cẩu, múa Lân và múa Sư tử có nhiều điểm phân biệt.
          Điểm phân biệt trước tiên nằm ở kiểu dáng, đạo cụ để tạo thành con vật múa. Đặc điểm về kiểu dáng của những đầu Lân hiện nay là đầu tròn, sừng ngắn, mắt tròn, mi mắt nhô cao, mình ngắn phủ đầy lông, vảy. Trong khi đó, Thiên cẩu có đầu lớn, trán trài không tròn, mắt xếch đuôi cá, sừng cong cao, mình dài không có lông. Về trang trí, đầu Thiên cẩu sử dụng năm màu theo nguyên tắc ngũ hành. Còn đầu Lân thường dùng màu chủ đạo là đỏ hoặc vàng nên thoạt trông Lân có vẻ hiền hòa hơn. Riêng Sư tử thì được tạo dáng gần giống Sư tử thật với thân phủ đầy lông một màu, có bờm, mũi to, mắt lồi, chiếc sừng được thay bằng những cục u thấp. Với những đặc điểm về kiểu dáng như vậy nên trông Thiên cẩu có vẻ khác thường và ấn tượng hơn so với hai con vật kia.
            Về kỹ thuật biểu diễn giữa ba loại múa này có sự khác nhau đáng kể. Múa Lân hoặc Sư tử yêu cầu cao về bài bản, động tác nhất là những động tác liên quan đến bộ thế võ thuật. Trong khi đó múa Thiên cẩu mang tính dân dã hơn, ít yêu cầu về bộ thế hơn. Về bài bản, múa Thiên cẩu thiên về diễn tả các động tác sinh hoạt liên quan đến đặc tính của một linh vật còn múa Lân, Sư tử thiên về biểu diễn các bài bản mang tính kỹ thuật, do vậy ở múa Lân, Sư tử có nhiều bài múa hơn ở múa Thiên cẩu. Sơ bộ chúng tôi ghi nhận được một số bài múa hiện lưu truyền ở Hội An liên quan đến múa Lân, Sư tử như sau: Song Lân mừng hội; Tam Lân Sư hội tụ; Lân phá trận; Ngũ Lân tranh châu; Sư tử độ giang; Lân đăng Mai hoa thung...
            Các thế bộ của múa Lân, Sư tử cũng có những điểm khác với của múa Thiên cẩu. Đuôi (hoặc mình) của Lân, Sư tử ngắn nên người múa đuôi luôn gập song song với mặt đất, hai tay ôm hông của người múa đầu. Điều này cho phép thể hiện nhiều động tác phức tạp có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai người. Tư thế của những người múa Thiên cẩu có phần thoả mái hơn và có thể có nhiều người tham gia múa ở phần đuôi. Tuy vậy khi thể hiện các động tác phức tạp thì rất khó tạo nên sự phối hợp giữa đầu và đuôi. Do vậy, khi đăng thiên phun lửa, Thiên cẩu chỉ do một người múa đầu thực hiện.
            Khi di chuyển Lân, Sư tử không bước theo hình chữ đinh như Thiên cẩu. Tư thế di chuyển của Lân, Sư tử nhẹ nhàng, uyển chuyển và tự do hơn. Khi bước lên phía trước chân và đầu Lân, Sư tử quay cùng một phía chứ không ngược nhau như ở múa Thiên cẩu. Về cách đánh trống, các điệu trống của múa Sư tử, Lân có đặc điểm nhanh, dồn đập, vang dội, trong khi đó, trống Thiên cẩu chậm, trầm hùng. Nhịp điệu đánh cũng có sự phân biệt.
            Việc khai thác tối đa âm thanh của xập xỏa để tạo ấn tượng lôi cuốn người xem cũng là một đặc điểm của các đội múa Sư tử, Lân kiểu mới trong việc sử dụng nhạc khí. Nếu các đội múa Thiên cẩu trước đây chỉ dùng một xập xỏa để đệm theo tiếng trống thì ở một số đội múa Lân Sư gần đây sử dụng một lúc nhiều xập xỏa, tạo nên âm thanh rất vang dội. Do có sự khác nhau này nên chỉ cần nghe tiếng trống người ta có thể phân biệt được đó là múa Thiên cẩu hay múa Sư tử, Lân Sư.
            Cuối cùng, chúng tôi thấy rằng, nếu múa Lân, Sư tử mang ý nghĩa chủ đạo nhằm cầu mong những điều tốt lành cho con người, cầu chúc đất nước thái bình thịnh trị, thì ở múa Thiên cẩu, ngoài những ý nghĩa ấy dường như còn ẩn hiện những dấu vết văn hóa xa xưa liên quan đến hoạt động nông nghiệp, liên quan đến trăng, mưa, hỏa hạn, thời tiết, thời gian... cũng như tập quán, tín ngưỡng xa xưa, đến ước mơ cụ thể, đời thường của cư dân bản địa. 
          

Tác giả: Trần Văn An - Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây