Trăm năm giữ những nếp nhà

Thứ ba - 02/02/2021 21:15
Không lạ khi phố thị hình thành bên bờ dòng sông xuôi về Cửa Đại được người ta mệnh danh là một “bảo tàng sống”. Ở đó, những nếp nhà cổ được giữ phần nào nguyên vẹn, từ kiến trúc, không gian cho đến cả những câu chuyện của nếp nhà…
TNB 10160 01
Phố cổ Hội An. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

“Bảo tồn một cách hoàn hảo”

Anh Ando Katshuhiro - kiến trúc sư người Nhật, hơn 13 năm (2001 - 2014) góp mặt trong các câu chuyện bảo tồn công trình kiến trúc cổ tại Hội An, cứ mỗi bận Lễ hội Văn hóa Hội An - Nhật Bản lại tất tả về phố Hội. Với anh, mỗi con hẻm, mỗi ngôi nhà phố, mỗi di tích cổ… đều là những chỉ dấu thời gian quý giá đối với vùng đất đặc biệt này. “Mỗi viên ngói cổ trên các mái nhà rêu phong hàng trăm năm tuổi ở đây đều là mỗi viên ngọc quý.

Trước tiên là người Hội An, họ đã cố gắng giữ gìn, để mỗi chuyên gia đến thực hiện trùng tu bất cứ công trình kiến trúc nào tại đây đều thấy cần phải tôn trọng tuyệt đối bản sắc địa phương” - Ando nói. Một di tích cổ vẫn đầy hơi thở cuộc sống vì trong ấy, là nếp sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương. Những không gian sống đan xen giữa cũ và mới… cứ vậy làm nên dáng dấp Hội An. Hơn 1.000 di tích cổ trong khu vực phố cổ được bảo tồn nguyên trạng. Mỗi sự “đụng chạm” di tích đều có sự tham gia từ cơ quan chức năng, chuyên gia và cả người dân. Ông Phạm Thanh Vân, chủ nhân căn nhà số 96 Trần Phú nói, đương nhiên nhà của mình thì phải giữ gìn, nhưng vui thay khi có cả một tập thể phía sau cùng chung tay gìn giữ cho chính ngôi nhà - di tích. Đó là điều đặc biệt ở phố Hội!
 

TNB 10160
Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Năm 1999, UNESCO đã công nhận Đô thị cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới (VHTG) với 2 nội dung: “Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế” và “Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo”. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, chính điều đó đã khẳng định khu phố cổ Hội An là một loại hình di sản văn hóa đặc biệt, với không gian đô thị thương cảng xưa có sự kết hợp hài hòa giữa các công trình kiến trúc độc đáo, bến cảng, thiên nhiên, những giá trị văn hóa phi vật thể và con người tạo nên sức hấp dẫn riêng.

Chính quyền các cấp Hội An đã sớm quan tâm và xây dựng các quy chế, coi như “cẩm nang” trong hoạt động quản lý, tu bổ, sử dụng các ngôi nhà cổ - trước ngay cả khi Hội An được công nhận Di sản VHTG. Đến nay, Hội An đã hình thành được nhiều quy chế từ quản lý, tu bổ, sử dụng khu phố cổ, quy chế về trật tự kinh doanh, quy chế về biển hiệu quảng cáo, quy chế về tham quan, du lịch, quy chế về hoạt động du lịch trên sông và kể cả các cơ chế phối hợp. Việc bảo tồn được quan tâm mạnh mẽ hơn ngay khi đô thị cổ này là Di sản VHTG.  “Chúng tôi tổ chức xác định và khoanh vùng khu vực bảo vệ khu phố cổ, khảo sát, đánh giá phân loại di tích, trong đó, khu vực bảo vệ I với 1.117 di tích được bảo tồn nguyên trạng ở các phường Minh An, Cẩm Phô và Sơn Phong, khu vực bảo vệ II thuộc các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong và Cẩm Nam nhằm bảo tồn cảnh quan. Và Hội An được đánh giá là điển hình của việc bảo tồn di sản có lẽ vì sự đồng lòng từ chính quyền lẫn người dân” - ông Nguyễn Chí Trung nói. 

Làm nên dấu ấn

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói, quá trình bảo tồn ở Hội An càng mạnh mẽ bao nhiêu thì càng giúp sự phát triển về kinh tế và làm giàu của người dân Hội An tốt lên bấy nhiêu. “Hội An phải giữ lại chính mình, nghĩa là bất kỳ sản phẩm mới nào làm ra đều phải mang giá trị Hội An. Vấn đề thứ hai, bảo tồn cũng chính là nương tựa vào tự nhiên để phát triển, phải giữ lại các giá trị thiên nhiên, phải tạo ra một sản phẩm và sự thích thú đối với khách cũng như với cuộc sống con người, nếu không con người sẽ tự lưu vong trên chính mảnh đất của họ kể cả về mặt văn hóa và nơi ở” - ông Nguyễn Sự nói. Đồng nghĩa với bảo tồn di tích vật thể, những nếp sống, sinh hoạt của người phố Hội, dù đang có bao nhiêu va đập với các cư dân từ nơi khác đến, vẫn nhận ra một Hội An nền nã, nhân tình, thuần hậu. 

Chính vì tiêu chí bảo tồn để phát triển, Hội An gần như là địa phương duy nhất xây dựng và ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ di tích, với đối tượng hưởng lợi là các di tích ở bên ngoài phố cổ thuộc danh mục bảo vệ của UBND thành phố. Theo đó, mức hỗ trợ đối với di tích thuộc sở hữu Nhà nước là 100% và di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể khoảng 30% - 60%. Với những cơ chế này, hầu như di tích xuống cấp nặng trong và ngoài phố cổ đều được đưa vào danh mục tu bổ. Hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích, dù đó là sở hữu tư nhân hay Nhà nước, đều nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân.

Từng nếm trải đủ các giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, Hội An lần nữa ở thời hiện tại phát triển hưng thịnh dựa trên các nền tảng vốn có. Bí thư Thành ủy Hội An - Trần Ánh đã chia sẻ rằng, điều đặc biệt quan trọng là từ bao nhiêu năm, không gian kiến trúc của đô thị cổ Hội An hiện tồn gần như nguyên trạng, dù trải qua rất nhiều biến thiên lịch sử. Đó cũng là điều đặc biệt để làm nên dấu ấn Hội An...

26/08/2019 13:59 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: LÊ QUÂN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây