Nhiều hoạt động
Một trong những mục tiêu mà ICOM hướng tới là “Nâng cao vai trò của đa dạng và hòa nhập trong các thiết chế văn hóa”. Tuy nhiên, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu và đang thực hiện giãn cách xã hội, ICOM đã có hướng dẫn giúp các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội.
Vì vậy, trong thời gian qua Bảo tàng Hội An đã đẩy mạnh giới thiệu về hiện vật trên facebook (Bảo tàng Hội An), website (Hội An museum). Cán bộ chuyên môn bảo tàng cũng bảo quản phòng ngừa đối với hiện vật gốm và hoàn thiện hồ sơ khoa học cho những bộ sưu tập hiện vật để trưng bày chuyên đề trong thời gian đến. Trong đó, tại Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An (số 33, Nguyễn Thái Học) tổ chức trưng bày mô hình một số ghe, thuyền truyền thống ở Hội An xưa.
Từ tháng 6 này, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức chuỗi hoạt động trải nghiệm với du khách tại hệ thống các bảo tàng do trung tâm quản lý. Cụ thể, tại Bảo tàng Văn hóa dân gian là hoạt động dập tranh giấy dó, làm bánh in và nước trà lá lao.
Tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch (số 80, Trần Phú) tổ chức hoạt động chuốt gốm và vẽ tranh trên gốm. Tại Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An (số 46, Nguyễn Thái Học) có các hoạt động bắt mạch, ngâm chân bằng thảo dược. Thông qua những hoạt động này, trung tâm hy vọng du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá thú vị về các di sản văn hóa truyền thống của Hội An, qua đó góp phần thu hút du khách đến tham quan các bảo tàng sau thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tăng sự tương tác
Thực tế, ở Hội An hoạt động của bảo tàng nói chung và hoạt động bảo tàng gắn với du lịch đã được định hình từ lâu, trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng biệt. Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, công tác thu nhận, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục, học tập và thưởng thức theo khuyến cáo của tổ chức ICOM đã được chú trọng. Đến đầu những năm 90, các bảo tàng chuyên đề ở Hội An được thành lập và đưa vào tuyến tham quan chính thức trong khu phố cổ.
Ông Nguyễn Chí Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, các hiện vật, di vật, báu vật, cổ vật là một trong những yếu tố cấu thành di sản vật thể gắn với kiến trúc. “Nó như một vật chứng sống để tìm hiểu thêm về Hội An. Rất may là gắn với các bảo tàng chuyên đề, du khách đến tham quan Hội An có thêm trải nghiệm, tìm hiểu các di vật, cổ vật trong các bảo tàng” - ông Trung nói.
Hội An hiện có 6 bảo tàng và khu trưng bày mang tính chuyên đề đang hoạt động gồm: khu trưng bày lịch sử - văn hóa, khu trưng bày truyền thống cách mạng, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa Sa huỳnh, Bảo tàng Văn hóa dân gian và Bảo tàng Nghề y truyền thống. Qua đó tạo được một bản đồ du lịch thu nhỏ, thuận tiện cho du khách khi đến tham quan phố cổ, góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi hình ảnh di sản văn hóa thế giới.
Anh Jonathan Kruisselbrink (đến từ Hà Lan) sau khi tham quan Bảo tàng Văn hóa dân gian chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm bảo tàng này và tôi nghĩ chắc là sẽ quay lại nhiều lần nữa. Tại đây có nhiều hình ảnh, cổ vật rất đẹp với nhiều thông tin thú vị. Tôi rất vui vì có cơ hội đến đây và sẽ quay lại cũng như giới thiệu cho bạn bè biết đến Hội An”.
“Cùng với sự phát triển của bảo tàng thế giới, hiện nay người ta đang hướng tới bảo tàng gắn với công chúng, bảo tàng gắn với công nghệ để làm sao tạo cho du khách cảm nhận và cảm hứng với hiện vật. Theo cách truyền thống, bảo tàng chỉ trưng bày những hiện vật theo chủ quan của người làm bảo tàng nhưng bây giờ phải tương tác giữa du khách với bảo tàng. Thông qua hiện vật, người ta có thể góp ý kiến, trao đổi thêm với các nhà bảo tàng”.
(Ông Nguyễn Chí Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An)
16/06/2020 14:30 | QUẢNG NAM ONLINE
Tác giả: ĐỖ HUẤN
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn