Dáng phố
Bắt đầu từ tháng 1.2021, người dân Hội An lẫn du khách, vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần đều có thể chiêm ngưỡng những tà áo dài Việt duyên dáng trên phố. Đây là một trong những hoạt động trình diễn nghệ thuật thực cảnh dưới sự kết hợp của Trung tâm Văn hóa Hội An và những người thực hiện chương trình Ký ức Hội An.
Với tên gọi “Dáng phố”, show diễn thực cảnh lấy không gian phố cổ làm sân khấu, những bộ trang phục áo dài truyền thống qua nhiều thập niên dễ khiến người xem say mê. Ê-kíp thực hiện cho biết, với việc vận dụng các bộ sưu tập áo dài xưa và áo dài cách tân, đội ngũ làm chương trình mong muốn mang đến một điểm nhìn mới cho những bộ áo dài Việt từ phía người thưởng thức.
Phác họa hình ảnh áo dài qua những miền văn hóa, lịch sử cách đầy sinh động, ý nghĩa và tự hào, ê kíp thực hiện chương trình hy vọng sẽ mang lại diện mạo mới trên hành trình sáng tạo, nâng tầm và khẳng định giá trị bản sắc văn hóa Việt. Phối hợp đạo cụ xích lô, xe đạp, lồng đèn, nón lá, khoảng 40 người mẫu đi qua các các tuyến đường Trần Phú - Châu Thượng Văn - Nguyễn Thái Học - Hoàng Văn Thụ - Bạch Đằng về cầu An Hội, cầu gỗ và Chùa Cầu...
Vừa là một sản phẩm du lịch mới của phố cổ, vừa như một cách góp phần định danh cho tà áo dài Việt, show diễn “Dáng phố” mang trong mình trách nhiệm tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt, thông qua trang phục.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn - tác giả tập sách “Đại Lễ phục triều Nguyễn”, cho rằng thế giới đã công nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam. Từ khi có mẫu y phục áo dài của Đàng Trong này đến cuối thế kỷ 20 cho đến bây giờ, hầu như ai cũng công nhận mẫu áo dài này là trang phục của nước Việt, là quốc phục của dân tộc Việt.
Tương đồng với ý kiến này, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay, áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, được coi là trang phục truyền thống của mỗi người dân Việt Nam. “Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam và là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh xã hội đương đại” - ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
“Yêu áo dài để thêm hiểu mình là ai”
Bà Trịnh Thu Thủy - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, trong năm 2020, Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế trang phục áo dài cũng như tuyên truyền, quảng bá áo dài tùy theo thế mạnh của mỗi vùng đất. Chính việc này sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.Từng ngày một, tà áo dài Việt đi vào cuộc sống, trở thành phục trang mà ai cũng muốn khoác lên mình trong những dịp trọng đại của cuộc đời. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là thời điểm mà tà áo dài Việt trở thành biểu tượng văn hóa mặc của người Việt. Không chỉ áo dài truyền thống của người phụ nữ, áo dài dành cho nam giới cũng nhận được không ít sự đồng tình về đề xuất khôi phục.
Nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải chia sẻ, ông Phan Kế Bính trong sách “Việt Nam phong tục”, Đào Duy Anh trong “Việt Nam văn hóa sử cương” và Toan Ánh trong “Nếp cũ”, đều cho rằng, “trang phục nam giới ngày xưa của dân tộc chúng ta được chia đại khái ra làm 4 loại: phẩm phục, nhung phục, lễ phục và thường phục. Phẩm phục dành cho vua quan, nhung phục dành cho binh sĩ, lễ phục dành cho dân chúng khi cúng tế còn thường phục thì ai cũng mặc áo dài, đội khăn đóng, mang giày hạ”. Bộ thường phục khăn đóng áo dài đã trở thành quốc phục của người Việt.
“Quốc phục dành cho đàn ông Việt Nam là câu chuyện đã được bàn luận suốt mấy chục năm qua, nhưng thực tế là trong lịch sử, bộ quốc phục ấy đã tồn tại, chứng minh được vẻ đẹp trang nhã, lịch lãm và cổ điển của nó trong hàng thế kỷ. Vậy tại sao chúng ta không khôi phục lại vị thế của nó, biến nó thành tiêu chí để nhận diện, thành quốc phục của đàn ông Việt Nam?” - ông Phan Thanh Hải viết.
Những giải pháp thiết thực nhằm phục hồi và tôn vinh chiếc áo dài ngũ thân dành cho đàn ông Việt ở tầm quốc gia và thế giới đã được luận bàn. Theo đó, áo dài truyền thống không chỉ là một di sản văn hóa vô giá mà chúng ta được thừa hưởng từ cha ông mà còn là điều để hậu thế tự hào. Với nhiều nhà thiết kế, giữ lại hay cách tân tà áo dài Việt để phù hợp với đời sống đương đại luôn là một ranh giới buộc họ phải tỉnh táo và bản lĩnh.
Để áo dài được phổ biến và được yêu thích, cần phải sáng tạo, đa dạng trong chất liệu, màu sắc có thể bắt nhịp cuộc sống đương đại, thị hiếu thời trang, gần gũi hơn với đời sống mỗi người. Tuy nhiên, gần như mặc định ngầm trong giới này, sự cách tân chiếc áo dài đều phải dựa trên nền tảng dấu ấn văn hóa, lịch sử, không thể để đánh mất hồn cốt của chiếc áo dài truyền thống. Những người thực sự yêu mến và mong muốn lan tỏa hình ảnh áo dài trong đời sống cộng đồng, sẽ có cách để từng ngày một đưa áo dài trở thành biểu tượng của văn hóa Việt, phụ nữ Việt.
Tác giả: LÊ QUÂN
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn