Ý nghĩa của những đồ án trang trí trên Khổng Tử Miếu Hội An
- Thứ tư - 15/03/2017 05:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khổng Tử Miếu - Hội An được xây dựng vào các năm 1961 - 1962, trên một khoảng đất rộng gần 2 mẫu, với quy mô tráng lệ bao gồm cổng tam quan, cầu bán nguyệt - hồ sen, trụ biểu, bình phong, tiền đường, hậu tẩm,... Cổng tam quan của Khổng Tử Miếu làm theo kiểu cửa Khuyết Lý ở Khúc Phụ, Trung Hoa với hình thức gồm đồ án Khổng Tử giảng đạo đồ bên trên, tấm biển đá cẩm thạch có mang ba chữ Khổng Tử Miếu kề cạnh và 4 vế đối ở 4 trụ cổng.
Từ cổng tam quan nhìn vào, cầu bán nguyệt lát gạch bát tràng, hai bên có lan can theo nền cầu vồng rất đẹp mắt. Trong là 4 cây trụ biểu đứng sừng sững giữa sân, đều đặn, hiên ngang, có 4 nhân thú ngồi chễm chệ bên trên. Trước và sau 4 trụ biểu đều có các vế đối. Sân lát gạch bát tràng vuông có lan can 3 phía, ở giữa là bồn hoa trồng ngâu, mai, ngọc anh, thiên tế và 4 cây tùng 4 góc tượng trưng cho Tứ phối. Phía ngoài lan can là vườn rộng với những dãy tùng xanh ngắt tượng trưng cho Thập triết và Thất thập nhị hiền. Bình phong rất nguy nga tráng lệ, trang trí đề tài Long mã phụ hà đồ và Tứ dân (ngư, tiều, canh, mục). Tiếp đến là nhà tiền đường với dáng vẻ nguy nga tráng lệ, mặt trước đắp nổi rồng mây, các trụ xung quanh đều đắp vân mây uyển chuyển. Hậu tẩm có đặt chân tượng của đức Khổng Phu Tử và các bậc tiên nho. Mặt trước của tiền đường trang trí nhiều đồ án mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, đáng để cho đời sau học tập:
Đồ án Lân Thổ Ngọc Thư: Là hình ảnh con kỳ lân phun ra sách ngọc. Đồ án này xuất phát từ điển tích trước khi bà Nhan Thị sinh ra Khổng Tử, bà thấy có Kỳ Lân xuất hiện, nhả ra sách ngọc, trong sách đề mấy câu: "Thủy tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương” nghĩa là “con của Thủy tinh, kế nghiệp nhà Chu đã suy vi mà làm vua không ngôi”. Theo quan niệm của người xưa, Kỳ lân xuất thế hoặc Phượng hoàng xuất hiện là những biểu tượng của thời thái bình thịnh trị, thánh nhân ra đời. Chính vì vậy, người ta mới đặt ra việc “lân thổ ngọc thư” (Lân phun sách ngọc); Kỳ lân tống tử (Lân đưa quý tử)... để chỉ sự xuất thế của thánh nhân.
Đồ án Ngũ Lão Giáng Đình: Là hình ảnh 5 vị lão tinh tú trên trời giáng xuống khi bà Nhan Thị sắp sinh ra đức Khổng Tử. Năm vì sao này là các vị Văn Xương, Vũ Khúc... Đây là các tinh tú làm tả phụ hữu bậc cho tướng tinh của Khổng Tử.
Đồ án Song Long Giáng Hạ: Là hình ảnh 2 con rồng từ trên trời bay xuống khi bà Nhan Thị sinh ra đức Khổng Tử. Hình ảnh này ứng với hào Cửu Ngũ trong Kinh dịch “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân” nghĩa là thấy rồng xuất hiện tất sẽ có quý nhân. Hào Cửu Ngũ là hào cực quý chí tôn thiên tử. Qua việc này cho thấy người xưa đã xem Khổng Tử ngang hàng với các bậc đế vương thiên tử.
Đồ án Mạnh Mẫu Vị Tử Trạch Lân: Là hình ảnh Mạnh Mẫu 3 lần chọn chỗ ở để dạy con. Mạnh Mẫu là mẹ của Á Thánh Mạnh Tử. Hồi Mạnh Tử còn nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, suốt ngày bên cạnh nhà toàn là cảnh thê thảm: đào huyệt, kẻ khóc người la. Tuổi nhỏ hay bắt chước, Mạnh Tử cũng ra xem khóc la như người lớn. Bà Mạnh Mẫu nghĩ rằng: Nếu cứ ở đây lâu ngày, con ta sẽ hư hỏng tính tình. Sau đó bà dời nhà đến ở gần chợ, hàng ngày Mạnh Tử ra chợ, thấy thiên hạ mua bán, giết heo mổ lợn, về nhà Mạnh Tử cũng làm y như vậy, Mạnh Mẫu rất không vừa ý, sau đó bà quyết định dời nhà đến gần trường học. Thấy đám con trẻ đến trường siêng năng học hành, ăn nói có lễ phép, Mạnh Tử cũng bắt chước theo chúng và đến trường đi học. Có lúc thầy Mạnh Tử vì ham chơi bỏ học, bỏ lớp về nhà. Bà Mạnh Mẫu ngồi dệt vải bên khung cửi, thấy con hư hỏng như vậy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt dang dỡ trên khung. Mạnh Tử sợ sệt chưa hiểu vì sao mẹ hành động như thế, bà liền giải thích: Việc học hành của con cũng giống như việc dệt vải của mẹ, con bỏ học chẳng khác nào mẹ cắt đứt tấm vải này, Mạnh Tử nghe xong xin lỗi mẹ trở vào lớp học. Từ đấy Mạnh Tử siêng năng hơn trước, lớn lên trở thành một bậc đại hiền.
Đồ án Tử Lộ Vị Thân Phụ Mễ: Là hình ảnh Tử Lộ vì song thân mà đi đội gạo. Tử Lộ tên là Trọng Do, người ấp Biện, là học trò của đức Khổng Tử. Thờ cha mẹ rất hiếu, nhà nghèo thường phải đi đội gạo đường xa trăm dặm về nuôi cha mẹ; bữa ăn không có thức ăn, phải ra vườn hái rau dền, rau muống về nấu canh cho cha mẹ ăn. Sau khi cha mẹ ông chết, ông mới đi sang nước Sở, được vua nước Sở dùng, cho làm quan bổng lộc nhiều. Nghĩ đến công lao cha mẹ, ông lấy làm đau tủi, muốn lại được đi đội gạo và nấu canh rau để phụ dưỡng cha mẹ nhưng không được nữa.
Theo Khổng Tử: “Hiếu là nết đứng đầu trăm nết,hiếu cảm đến trời thì gió hòa mưa thuận, hiếu cảm đến đất thì vạn vật tốt tươi, hiếu cảm đến người thì phúc lộc dồi dào thịnh vượng” (hiếu giả bách hạnh chi tiên, hiếu chí ư thiên tắc phong vũ thuận thời, hiếu chí ư địa tắc vạn vật hóa thành, hiếu chí ư nhân tắc chúng phước hàm trăn). Việc Tử Lộ vì song thân đội gạo đường xa là việc làm xuất phát từ lòng hiếu thuận của một con người. Khi đi học, ông là một người trò giỏi, nổi tiếng hiếu thuận, ông thường kề cận bên thầy nên càng thấm nhuần chữ hiếu mà thầy thường giảng giải: Người nào biết hiếu thảo với song thân thì con cái sẽ hiếu thảo với người ấy, ngược lại, mình bất hiếu với song thân thì sẽ sinh con ngỗ nghịch (hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử, ngỗ nghịch hoàn sinh ngỗ nghịch nhi).
Đồ án Khổng Tử Tác Hiếu Kinh: Là hình ảnh đức Khổng Phu Tử nhân việc hiếu thuận của Tăng Tử mà viết ra sách Hiếu Kinh. Sách này gồm 18 chương giảng về đạo hiếu cho từ Thiên tử đến các bậc thứ dân. Tăng Tử tên là Sâm, tự là Tử Dư, người ấp Vũ Thành nước Lỗ, sinh vào thời Xuân Thu, học trò vào bậc giỏi của đức Khổng Tử, sau được liệt vào bậc tứ phối. Ông thờ cha mẹ rất hiếu, bữa ăn nào cũng có rượu thịt. Khi cha mẹ ăn xong, còn thừa lại món ăn, ông hỏi cha mẹ để cho ai thì ông vâng theo lời mà cho người ấy. Một hôm, ông đi vào rừng kiếm củi, ở nhà có khách đến chơi, mẹ ông không biết làm thế nào cho ông về ngay, bèn cắn ngón tay của mình để cho động lòng con, quả nhiên ông ở trong rừng thấy đau quặn trong dạ, ông gánh củi về ngay.
Sở dĩ Khổng Tử phải viết sách Hiếu Kinh là vì ông thấy đương thời xã hội quá sức nhiễu nhương, các nước chư hầu đua nhau tranh hùng xưng bá, cát cứ khắp nơi, nguyên nhân chính của việc này là xã hội đã mất chính danh, con người đã mất tôn ty thượng hạ, không còn lo nghĩ đến cội nguồn. Vì vậy, ông có ước vọng soạn sách Hiếu Kinh để giảng giải truyền bá về đạo hiếu, về tôn ty trật tự hòng phần nào cứu vãng được “chính danh”, giềng mối xã hội đương thời.
Đồ án Mẫn Tử Đan Y Thuận Mẫu: Là hình ảnh ông Mẫn Tử mặc áo mỏng chịu lạnh để vừa lòng mẹ kế. Mẫn Tử còn gọi là Mẫn Tử Khiên, tên Tốn, sinh vào thời Xuân Thu, học trò của đức Khổng Tử. Mẹ ông mất sớm, cha ông lấy vợ kế sinh được 2 con. Mẹ kế đối với ông rất cay nghiệt, nhưng ông vẫn thờ cha, thờ mẹ rất hiếu. Mùa rét, mẹ kế cho 2 con mình mặc áo bông dày, cho ông mặc áo mỏng hoa lau. Ông tuy thấy không đủ ấm nhưng không hề nói gì. Một hôm, ông đẩy xe cho cha đi chơi, vì quá rét, cóng tay, rời tay xe ra. Cha ông suy xét mãi mới biết là ông bị mẹ kế cho mặc rét, cha ông tức lắm định đuổi ngay mẹ kế đi, ông khóc và cố kêu vang với cha xin đừng đuổi mẹ kế: Có mẹ kế thì chỉ một mình ông bị rét, nếu đuổi mẹ kế đi thì cả 3 anh em cùng khổ sở. Cha ông nghe lời ông không bỏ mẹ kế nữa. Người mẹ kế nghe biết chuyện, về sau đối đãi với ông rất tốt, thành ra một người mẹ hiền.
Việc Mẫn Tử mặc áo đơn, cam chịu giá lạnh để vừa lòng mẹ kế và xin cha chớ đuổi mẹ kế thể hiện sự hiếu thuận, ôn hòa. Điều kiện tiên quyết của nho gia và đạo gia là phải thực hiện cho được chữ “Nhẫn” và chữ “Hòa”, nếu người nào không thực hiện được những điều cơ bản ấy thì khó có thể thành công trên đường đời. Để làm được việc đó, họ quan niệm rằng: “Nếu người ta ở tốt với mình thì mình ở tốt lại, nếu người ta ở ác với mình thì mình cũng ở tốt lại, mình không ở ác với họ lẽ nào họ lại ở ác với mình mãi sao” (Ư ngã thiện giả ngã diệc thiện chi, ư ngã ác giả ngã diệc thiện chi, ngã kí vô ác nhân năng ư ngã hữu ác tai). Việc trang trí đồ án Đan Y Thuận Mẫu của Mẫn Tử chính là để khuếch trương việc giữ hòa hiếu, tương thân tương trợ trong gia đình và ngoài xã hội.
Đồ án Nhan Hồi An Bần Lạc Đạo: Là hình ảnh một thư sinh ngồi đọc sách bên giỏ cơm hẩm với bầu rượu lã ở cảnh nhà thanh bạch trong chốn nhỏ hẹp mà nét mặt vẫn vui tươi. Sách Luận Ngữ có ghi lời đức Khổng Tử nói rằng: “Hiền tai Hồi giả! Nhất đan tự nhất biều ẩm, tại lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi bất cải kỳ lạc, hiền tai Hồi giả” nghĩa là “hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước chốn ngõ hẹp, giá người khác không chịu nổi, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái tính vui của mình”. Nhan Hồi là môn đệ số một của Khổng Tử, người nổi tiếng là người đức hạnh, hiếu học, ham hiểu biết mặc cho hoàn cảnh khó khăn. Ông cố gắng thực hiện theo chủ trương của thầy là: học không biết chán, dạy không biết mỏi (học nhi bất yếm, giáo nhi bất quyện). Tuổi ông tuy nhỏ hơn nhiều so với Khổng Tử, nhưng do cực khổ và mải mê học tập nên đầu ông sớm bạc và cũng sớm quy tiên. Lúc ông mất, Khổng Phu Tử đau đớn than rằng: “Khả tích Nhan Hồi mệnh tảo vong, giáo nhân tư tưởng mấn như sương. Chỉ nhân lậu hạng đơn biều lạc, lưu đắc hiền danh vạn cổ dương” nghĩa là “Khá tiếc Nhan Hồi mạng vắn ôi ! Nhớ thương mái tóc bạc như vôi. Giỏ cơm bầu nước vui quê hẹp, Để tiếng hiền danh vạn thuở thôi”. Gương khắc khổ cần học của Nhan Hồi là có ý nhắc nhở người sau phải biết chịu đựng gian khổ, có ý chí khắc phục có khăn để dựng gây sự nghiệp vẻ vang. Như Nhan Hồi lúc sống làm rạng rỡ sư môn, lúc chết bài vị luôn đứng đầu trong hàng Tứ phối, Thập triết và Thất thập nhị hiền trong Khổng Miếu.
Những đồ hình trang trí trên Khổng Tử Miếu Hội An không chỉ là những đồ án trang trí thông thường nhằm tăng vẻ đẹp cho di tích, mà đây còn là những bài học, những tấm gương hiếu hạnh của các bậc hiền nhân đáng để cho đời sau suy ngẫm, học tập.
Đồ án Lân Thổ Ngọc Thư: Là hình ảnh con kỳ lân phun ra sách ngọc. Đồ án này xuất phát từ điển tích trước khi bà Nhan Thị sinh ra Khổng Tử, bà thấy có Kỳ Lân xuất hiện, nhả ra sách ngọc, trong sách đề mấy câu: "Thủy tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương” nghĩa là “con của Thủy tinh, kế nghiệp nhà Chu đã suy vi mà làm vua không ngôi”. Theo quan niệm của người xưa, Kỳ lân xuất thế hoặc Phượng hoàng xuất hiện là những biểu tượng của thời thái bình thịnh trị, thánh nhân ra đời. Chính vì vậy, người ta mới đặt ra việc “lân thổ ngọc thư” (Lân phun sách ngọc); Kỳ lân tống tử (Lân đưa quý tử)... để chỉ sự xuất thế của thánh nhân.
Đồ án Ngũ Lão Giáng Đình: Là hình ảnh 5 vị lão tinh tú trên trời giáng xuống khi bà Nhan Thị sắp sinh ra đức Khổng Tử. Năm vì sao này là các vị Văn Xương, Vũ Khúc... Đây là các tinh tú làm tả phụ hữu bậc cho tướng tinh của Khổng Tử.
Đồ án Song Long Giáng Hạ: Là hình ảnh 2 con rồng từ trên trời bay xuống khi bà Nhan Thị sinh ra đức Khổng Tử. Hình ảnh này ứng với hào Cửu Ngũ trong Kinh dịch “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân” nghĩa là thấy rồng xuất hiện tất sẽ có quý nhân. Hào Cửu Ngũ là hào cực quý chí tôn thiên tử. Qua việc này cho thấy người xưa đã xem Khổng Tử ngang hàng với các bậc đế vương thiên tử.
Đồ án Mạnh Mẫu Vị Tử Trạch Lân: Là hình ảnh Mạnh Mẫu 3 lần chọn chỗ ở để dạy con. Mạnh Mẫu là mẹ của Á Thánh Mạnh Tử. Hồi Mạnh Tử còn nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, suốt ngày bên cạnh nhà toàn là cảnh thê thảm: đào huyệt, kẻ khóc người la. Tuổi nhỏ hay bắt chước, Mạnh Tử cũng ra xem khóc la như người lớn. Bà Mạnh Mẫu nghĩ rằng: Nếu cứ ở đây lâu ngày, con ta sẽ hư hỏng tính tình. Sau đó bà dời nhà đến ở gần chợ, hàng ngày Mạnh Tử ra chợ, thấy thiên hạ mua bán, giết heo mổ lợn, về nhà Mạnh Tử cũng làm y như vậy, Mạnh Mẫu rất không vừa ý, sau đó bà quyết định dời nhà đến gần trường học. Thấy đám con trẻ đến trường siêng năng học hành, ăn nói có lễ phép, Mạnh Tử cũng bắt chước theo chúng và đến trường đi học. Có lúc thầy Mạnh Tử vì ham chơi bỏ học, bỏ lớp về nhà. Bà Mạnh Mẫu ngồi dệt vải bên khung cửi, thấy con hư hỏng như vậy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt dang dỡ trên khung. Mạnh Tử sợ sệt chưa hiểu vì sao mẹ hành động như thế, bà liền giải thích: Việc học hành của con cũng giống như việc dệt vải của mẹ, con bỏ học chẳng khác nào mẹ cắt đứt tấm vải này, Mạnh Tử nghe xong xin lỗi mẹ trở vào lớp học. Từ đấy Mạnh Tử siêng năng hơn trước, lớn lên trở thành một bậc đại hiền.
Đồ án Tử Lộ Vị Thân Phụ Mễ: Là hình ảnh Tử Lộ vì song thân mà đi đội gạo. Tử Lộ tên là Trọng Do, người ấp Biện, là học trò của đức Khổng Tử. Thờ cha mẹ rất hiếu, nhà nghèo thường phải đi đội gạo đường xa trăm dặm về nuôi cha mẹ; bữa ăn không có thức ăn, phải ra vườn hái rau dền, rau muống về nấu canh cho cha mẹ ăn. Sau khi cha mẹ ông chết, ông mới đi sang nước Sở, được vua nước Sở dùng, cho làm quan bổng lộc nhiều. Nghĩ đến công lao cha mẹ, ông lấy làm đau tủi, muốn lại được đi đội gạo và nấu canh rau để phụ dưỡng cha mẹ nhưng không được nữa.
Theo Khổng Tử: “Hiếu là nết đứng đầu trăm nết,hiếu cảm đến trời thì gió hòa mưa thuận, hiếu cảm đến đất thì vạn vật tốt tươi, hiếu cảm đến người thì phúc lộc dồi dào thịnh vượng” (hiếu giả bách hạnh chi tiên, hiếu chí ư thiên tắc phong vũ thuận thời, hiếu chí ư địa tắc vạn vật hóa thành, hiếu chí ư nhân tắc chúng phước hàm trăn). Việc Tử Lộ vì song thân đội gạo đường xa là việc làm xuất phát từ lòng hiếu thuận của một con người. Khi đi học, ông là một người trò giỏi, nổi tiếng hiếu thuận, ông thường kề cận bên thầy nên càng thấm nhuần chữ hiếu mà thầy thường giảng giải: Người nào biết hiếu thảo với song thân thì con cái sẽ hiếu thảo với người ấy, ngược lại, mình bất hiếu với song thân thì sẽ sinh con ngỗ nghịch (hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử, ngỗ nghịch hoàn sinh ngỗ nghịch nhi).
Đồ án Khổng Tử Tác Hiếu Kinh: Là hình ảnh đức Khổng Phu Tử nhân việc hiếu thuận của Tăng Tử mà viết ra sách Hiếu Kinh. Sách này gồm 18 chương giảng về đạo hiếu cho từ Thiên tử đến các bậc thứ dân. Tăng Tử tên là Sâm, tự là Tử Dư, người ấp Vũ Thành nước Lỗ, sinh vào thời Xuân Thu, học trò vào bậc giỏi của đức Khổng Tử, sau được liệt vào bậc tứ phối. Ông thờ cha mẹ rất hiếu, bữa ăn nào cũng có rượu thịt. Khi cha mẹ ăn xong, còn thừa lại món ăn, ông hỏi cha mẹ để cho ai thì ông vâng theo lời mà cho người ấy. Một hôm, ông đi vào rừng kiếm củi, ở nhà có khách đến chơi, mẹ ông không biết làm thế nào cho ông về ngay, bèn cắn ngón tay của mình để cho động lòng con, quả nhiên ông ở trong rừng thấy đau quặn trong dạ, ông gánh củi về ngay.
Sở dĩ Khổng Tử phải viết sách Hiếu Kinh là vì ông thấy đương thời xã hội quá sức nhiễu nhương, các nước chư hầu đua nhau tranh hùng xưng bá, cát cứ khắp nơi, nguyên nhân chính của việc này là xã hội đã mất chính danh, con người đã mất tôn ty thượng hạ, không còn lo nghĩ đến cội nguồn. Vì vậy, ông có ước vọng soạn sách Hiếu Kinh để giảng giải truyền bá về đạo hiếu, về tôn ty trật tự hòng phần nào cứu vãng được “chính danh”, giềng mối xã hội đương thời.
Đồ án Mẫn Tử Đan Y Thuận Mẫu: Là hình ảnh ông Mẫn Tử mặc áo mỏng chịu lạnh để vừa lòng mẹ kế. Mẫn Tử còn gọi là Mẫn Tử Khiên, tên Tốn, sinh vào thời Xuân Thu, học trò của đức Khổng Tử. Mẹ ông mất sớm, cha ông lấy vợ kế sinh được 2 con. Mẹ kế đối với ông rất cay nghiệt, nhưng ông vẫn thờ cha, thờ mẹ rất hiếu. Mùa rét, mẹ kế cho 2 con mình mặc áo bông dày, cho ông mặc áo mỏng hoa lau. Ông tuy thấy không đủ ấm nhưng không hề nói gì. Một hôm, ông đẩy xe cho cha đi chơi, vì quá rét, cóng tay, rời tay xe ra. Cha ông suy xét mãi mới biết là ông bị mẹ kế cho mặc rét, cha ông tức lắm định đuổi ngay mẹ kế đi, ông khóc và cố kêu vang với cha xin đừng đuổi mẹ kế: Có mẹ kế thì chỉ một mình ông bị rét, nếu đuổi mẹ kế đi thì cả 3 anh em cùng khổ sở. Cha ông nghe lời ông không bỏ mẹ kế nữa. Người mẹ kế nghe biết chuyện, về sau đối đãi với ông rất tốt, thành ra một người mẹ hiền.
Việc Mẫn Tử mặc áo đơn, cam chịu giá lạnh để vừa lòng mẹ kế và xin cha chớ đuổi mẹ kế thể hiện sự hiếu thuận, ôn hòa. Điều kiện tiên quyết của nho gia và đạo gia là phải thực hiện cho được chữ “Nhẫn” và chữ “Hòa”, nếu người nào không thực hiện được những điều cơ bản ấy thì khó có thể thành công trên đường đời. Để làm được việc đó, họ quan niệm rằng: “Nếu người ta ở tốt với mình thì mình ở tốt lại, nếu người ta ở ác với mình thì mình cũng ở tốt lại, mình không ở ác với họ lẽ nào họ lại ở ác với mình mãi sao” (Ư ngã thiện giả ngã diệc thiện chi, ư ngã ác giả ngã diệc thiện chi, ngã kí vô ác nhân năng ư ngã hữu ác tai). Việc trang trí đồ án Đan Y Thuận Mẫu của Mẫn Tử chính là để khuếch trương việc giữ hòa hiếu, tương thân tương trợ trong gia đình và ngoài xã hội.
Đồ án Nhan Hồi An Bần Lạc Đạo: Là hình ảnh một thư sinh ngồi đọc sách bên giỏ cơm hẩm với bầu rượu lã ở cảnh nhà thanh bạch trong chốn nhỏ hẹp mà nét mặt vẫn vui tươi. Sách Luận Ngữ có ghi lời đức Khổng Tử nói rằng: “Hiền tai Hồi giả! Nhất đan tự nhất biều ẩm, tại lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi bất cải kỳ lạc, hiền tai Hồi giả” nghĩa là “hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước chốn ngõ hẹp, giá người khác không chịu nổi, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái tính vui của mình”. Nhan Hồi là môn đệ số một của Khổng Tử, người nổi tiếng là người đức hạnh, hiếu học, ham hiểu biết mặc cho hoàn cảnh khó khăn. Ông cố gắng thực hiện theo chủ trương của thầy là: học không biết chán, dạy không biết mỏi (học nhi bất yếm, giáo nhi bất quyện). Tuổi ông tuy nhỏ hơn nhiều so với Khổng Tử, nhưng do cực khổ và mải mê học tập nên đầu ông sớm bạc và cũng sớm quy tiên. Lúc ông mất, Khổng Phu Tử đau đớn than rằng: “Khả tích Nhan Hồi mệnh tảo vong, giáo nhân tư tưởng mấn như sương. Chỉ nhân lậu hạng đơn biều lạc, lưu đắc hiền danh vạn cổ dương” nghĩa là “Khá tiếc Nhan Hồi mạng vắn ôi ! Nhớ thương mái tóc bạc như vôi. Giỏ cơm bầu nước vui quê hẹp, Để tiếng hiền danh vạn thuở thôi”. Gương khắc khổ cần học của Nhan Hồi là có ý nhắc nhở người sau phải biết chịu đựng gian khổ, có ý chí khắc phục có khăn để dựng gây sự nghiệp vẻ vang. Như Nhan Hồi lúc sống làm rạng rỡ sư môn, lúc chết bài vị luôn đứng đầu trong hàng Tứ phối, Thập triết và Thất thập nhị hiền trong Khổng Miếu.
Những đồ hình trang trí trên Khổng Tử Miếu Hội An không chỉ là những đồ án trang trí thông thường nhằm tăng vẻ đẹp cho di tích, mà đây còn là những bài học, những tấm gương hiếu hạnh của các bậc hiền nhân đáng để cho đời sau suy ngẫm, học tập.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền