Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Xây dựng thương hiệu cho lá Lao ở Cù Lao Chàm

Cùng với các hoạt động khai thác kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, trải qua quá trình phát triển lịch sử người dân ở Cù Lao Chàm cũng đã tích hợp nên một truyền thống văn hóa ẩm thực có nhiều nét riêng, gắn với môi trường biển đảo. Một trong những biểu hiện của truyền thống này là sự phát hiện và sáng tạo nên một loại nguyên liệu không ở đâu có dùng để nấu nước uống hàng ngày là lá Lao.
Lá Lao tên gọi bao đời
Cây xanh rừng núi đất trời tạo nên
             “Lá Lao” tuy không nổi tiếng bằng “chè Thái” nhưng cũng là một tên gọi, một sản phẩm quen thuộc, phổ biến, không chỉ ở Cù Lao Chàm mà còn ở nhiều địa phương khác của xứ Quảng từ miền xuôi cho đến miền ngược. Người ta dùng lá Lao nấu uống để chữa các chứng bệnh thời khí, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp tiêu hóa tốt. Những sản phụ sau khi sinh con thường dùng nước lá Lao để thanh nhiệt, sạch chắc bụng. Lá Lao là mặt hàng cây lá thuốc không thể thiếu trong các phiên chợ lá cây mồng Năm vào dịp tết Đoan Ngọ ở chợ phố Hội An và ở nhiều bến chợ lân cận khác. Còn đối với người dân Cù Lao Chàm thì lá Lao là một loại chè khô dùng nấu nước uống hàng ngày từ bao đời nay…

            Lá Lao được tạo thành bởi sự gom góp từ 20 đến 30 loại cây lá hái, chặt từ các cánh rừng đầy nắng gió ở Cù Lao Chàm. Những người chặt hái là những người có kinh nghiệm nhận biết các loại cây lá cũng như công dụng của chúng. Lá hái về chặt nhỏ rồi phơi khô và trộn lẫn với nhau thành một loại chè khô.

          Khi nấu, nước lá Lao có vị chát, tỏa mùi thơm đặc trưng của các loại cây lá thuốc dân gian như bồ đề, dỏ dẽ, từ bi, ngũ gia bì, hà thủ ô, sâm núi, cam thảo, ổi núi, ngủ ngày, sợp, trì tà, mù tru, ngà voi, é trắng, quế hương, vv… Do hấp thụ thường xuyên ánh nắng và hơi nước biển cùng với đặc điểm thổ nhưỡng vùng đảo nên các loại cây lá này thường săn chắc và giàu dược tính hơn các cây lá cùng loại ở các nơi khác. Người dân địa phương đã sớm phát hiện ra đặc điểm này để gia công tạo nên một loại chè lá vừa có hương vị riêng vừa có tác dụng phòng chữa bệnh. Có thể nói đây là sự sáng tạo về ẩm thực gắn với môi trường biển đảo của người dân xứ Quảng.

          Nếu trước đây lá Lao chỉ phổ biến ở địa phương và một số vùng miền của xứ Quảng thì ngày nay với sự phát triển của hoạt động du lịch, lá Lao đã theo chân nhiều du khách để có mặt ở nhiều vùng miền trong Nam ngoài Bắc. Lá Lao ngày nay đã trở thành là một sản phẩm du lịch và là một loại nước uống không chỉ của người Việt mà còn của cả những khách nước ngoài khi họ đặt chân đến Cù Lao Chàm. Tuy nhiên một thực tế là các khâu khai thác, chế biến, bày bán lá Lao tại địa phương còn rất thô sơ, đơn giản. Dường như trước đây như thế nào thì ngày nay vẫn vậy cho dù nhu cầu sử dụng tăng gấp nhiều lần. Giá cả cũng còn rất thấp, mỗi gói lá 300 gram bán khoảng 20.000 đồng, bán sỉ thì khoảng 50.000 đồng một ký. Bao bì vẫn là loại bao lát như trước đây. Ngoài ra, việc khai thác liên tục với số lượng lớn, có hộ mỗi năm bán đến 10 tấn lá Lao nên dễ dẫn đến cạn kiệt nguồn cây lá tại chỗ ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và sinh kế lâu dài của người dân.

           Để khắc phục những hạn chế trên, tạo thương hiệu cho lá Lao Cù Lao Chàm, đầu năm 2016 vừa qua, một dự án có tên “Đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản tại các bản làng nông, ngư nghiệp ở vùng sâu, vùng xa” với sự tài trợ kinh phí của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã được triển khai ở Cù Lao Chàm.

           Dự án có nhiều hoạt động, hợp phần trong đó có hợp phần tạo thương hiệu cho trà lá Lao. Hợp phần bao gồm các bước: Đánh giá quy trình sản xuất; thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh; kiểm nghiệm thành phần và công bố kết quả; đầu tư máy móc, hoàn thiện quy trình; đăng ký vệ sinh, an toàn thực phẩm; thiết kế logô, bao bì và tài liệu tiếp thị; xây dựng thương hiệu tập thể, quảng bá và bán sản phẩm. Hiện nay các nhóm kỹ thuật của dự án đang tiến hành bước xây dựng mẫu mã bao bì và tài liệu tiếp thị. Tên gọi của sản phẩm được các nhóm kỹ thuật đưa ra là Trà rừng Cù Lao Chàm, tuy nhiên theo chúng tôi để bảo vệ tính truyền thống về tên gọi và chỉ dẫn địa điểm của sản phẩm nên dùng tên gọi Trà lá Lao Cù Lao Chàm thì phù hơp hơn.

           Hy vọng với sự hỗ trợ của Dự án, sự phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, sự đồng thuận tham gia của cộng đồng dân cư, rồi đây thương hiệu lá Lao Cù Lao Chàm sẽ cất cánh bay cao và vươn xa đến mọi miền đất nước, tạo điều kiện khẳng định một sản phẩm ẩm thực biển đảo đặc trưng của Quảng Nam, miền Trung Việt Nam qua đó thiết thực góp phần nâng cao sinh kế của nhân dân địa phương tại vùng đảo Cù Lao Chàm./.
 
 
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây