Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Về di tích Mộ ông họ Lâm, bà họ Phạm ở khối Hậu Xá, phường Thanh Hà

Ở Hội An hiện có rất nhiều ngôi mộ cổ với nhiều hình thức kiến trúc, kết cấu khác nhau, có sự phong phú, đa dạng về thành phần chủ nhân, tập quán tống táng. Những ngôi mộ này là minh chứng sinh động cho quá trình phát triển liên tục của vùng đất Hội An, muộn nhất cũng từ thế kỷ thứ I trước công nguyên đến nay với thành phần cư dân gồm nhiều quốc tịch. Làng Thanh Hà là vùng đất hiện còn bảo tồn được rất nhiều ngôi mộ cổ.
Vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với việc dân cư tăng nhanh và diện tích được mở rộng, một số làng/xã ở Hội An có quy mô dân số, diện tích đất phát triển đã tách ra thành các làng nhỏ hoặc dưới làng hình thành các thôn, sau đổi thành ấp, làng Thanh Hà lúc này được chia thành 13 ấp, gồm: Bộc Thủy, Hậu Xá, An Bang, Thanh Chiếm, Nam Diêu, Bầu Ốc, Trảng Sỏi (nay thuộc phường Thanh Hà), Đồng Nà, Bến Trễ, Trà Quế, Cửa Suối, Trảng Kèo (nay thuộc xã Cẩm Hà) và Cồn Động (nay thuộc phường Cẩm An). Theo địa bạ làng Thanh Hà được lập vào thời vua Gia Long năm thứ 11 (1812), xã Thanh Hà thuộc tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
 
Khối Hậu Xá, phường Thanh Hà ngày nay là phần đất thuộc ấp Hậu Xá ngày xưa. Khu vực này có rất nhiều ngôi mộ cổ có giá trị về kiến trúc, lịch sử đã được đưa vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa thành phố Hội An. Các ngôi mộ có hình thức kiến trúc đa dạng với nhiều quy mô khác nhau, là nơi yên nghỉ của người Việt, người làng Minh Hương…
 
Di tích mộ ông họ Lâm, bà họ Phạm là một trong số những ngôi mộ nằm trong Danh mục di tích nêu trên. Ngôi mộ xoay mặt về hướng Nam, được xây bằng vôi ghè, diện tích khoảng 52m2. Tổng thể công trình còn khá hoàn chỉnh, quy mô ngôi mộ bề thế, kiến trúc đồ sộ với nhiều họa tiết trang trí cát tường độc đáo. Điều này có thể suy đoán chủ nhân ngôi mộ lúc sinh thời là người có điều kiện kinh tế khá giả. Ngôi mộ có bố cục gồm: bao bia + bia mộ, nấm mộ, quynh trong, quynh ngoài và tay ngai ở phía trước. Bia và bao bia gắn liền vào nấm mộ.
 
- Bao bia xây bằng gạch và vữa vôi, có mặt bằng hình móng ngựa, hai đầu bao bia (phía trước) vát cong hình trụ tròn (hai trụ này không thật sự tròn mà hơi có dạng hình bầu dục), cao dần về phía sau. Đầu hai trụ xoáy trôn ốc ngược chiều nhau. Mặt trên bao bia đắp hoa dây ở hai bên xoáy trôn ốc. Một số mảng xây liên kết với bia mộ bị vỡ nhưng bao bia vẫn cơ bản giữ được hình dáng ban đầu. Bệ đặt bát hương bằng cẩm thạch, tạo dáng kiểu chân quỳ, hiện bị vỡ mất một mảng.
- Bia mộ làm bằng cẩm thạch. Bia có tiết diện hình chữ nhật, vát góc ở phần trên. Phần diềm bia, trán bia và mặt bia được làm riêng rồi ghép lại với nhau. Chữ trên bia khắc sâu, đến nay, trải qua thời gian dài nhưng các chi tiết vẫn còn rất sắc nét. Diềm và trán bia để trơn, không có chạm khắc hoa văn trang trí, chỉ có đường gờ nhỏ ở các cạnh biên. Về thư phong: khải thư.

Toàn văn bia như sau:
       
     
     
   
   
   
   
   
       
       
 
Phiên âm:
    Giang Minh    
    Hiển   Tự
    Khảo Tỷ   Đức
Nam    Hương   Đích     nhị
Thành    Lão  Thất     niên
Hưng     Lâm   Phạm    hạ
Lập     Vĩnh   Gia    lục
Thạch   Phát Từ   nguyệt
    Giai    
    Thành    
 

Tạm dịch: Đây là phần mộ của mẹ - vợ chính Phạm Gia Từ; cha - hương lão Lâm Vĩnh Phát (1) - Tự Đức năm thứ 2 (1849), mùa hè tháng 6 - Con trai Thành, Hưng lập bia.
 
Từ các dữ liệu trên văn bia, hai chữ “Minh Giang” và thượng khoản, có thể suy đoán người được an táng dưới mộ là người làng Minh Hương, gia đình họ mua đất tại Hậu Xá làng Thanh Hà để làm nơi chôn cất. Bia mộ được lập năm Tự Đức thứ 2 (1849). Như vậy, ngôi mộ này đã được tạo dựng cách ngày nay 170 năm.  
 
- Nấm mộ thấp, có hình yên ngựa. Phần dưới (gần sát bao bia) được đắp nổi hình mây cuộn, gồm 3 lớp. Phần trên nấm mộ đắp hồi văn kiểu gấp khúc (đã bị bong tróc một vài mảng).
 
 
- Quynh trong: có hình yên ngựa, bao bọc quanh nấm mộ. Giữa quynh và nấm mộ có rãnh thoát nước, tạo dốc xuôi về phía trước. Phần cuối của quynh được uốn cong, xây cuốn tròn hình trôn ốc bao bọc hai bên bao bia. Hai khối xoắn ốc có hướng xoắn ngược nhau, thấp dần theo hướng từ ngoài vào trong.

- Quynh ngoài: cũng có hình yên ngựa, bao bọc quanh quynh trong và nấm mộ. Giữa quynh ngoài và quynh trong có rãnh thoát nước, tạo dốc xuôi về phía trước. Phần cuối của quynh được uốn cong, xây cuốn tròn hình trôn ốc. Hai khối xoắn ốc có hướng xoắn ngược nhau và ngược với hướng khối xoắn ốc của quynh trong, thấp dần theo hướng từ trong ra ngoài. Cạnh khối xoắn ốc đắp thêm hình mây cuộn.

- Tay ngai bắt đầu từ trụ xoáy trôn ốc của quynh ngoài, kéo dài và mở rộng về phía trước ở hai bên. Mặt tay ngai bằng phẳng, song song với mặt nền chứ không tạo dốc. Để tạo sự kết nối giữa quynh ngoài và tay ngai, người thợ xây thêm một đoạn vữa vôi bên ngoài, đắp nổi hình vân mây.

Tay ngai ở mỗi bên có hai cấp, thuôn nhỏ dần về phía trước. Phần cuối của tay ngai được uốn cong, xây cuốn tròn hình trôn ốc. Hai khối xoắn ốc có hướng xoắn ngược nhau, tương tự như khối xoắn ốc của quynh ngoài. Một mảng tường gạch được xây uốn cong nối hai khối xoắn ốc, nên mặt bằng tổng thể phần tay ngai phía trước mộ cũng có hình yên ngựa. Phần nền giữa hai tay ngai, phía trước ngôi mộ được láng vữa vôi, bề mặt rất bằng phẳng, thấp hơn nền đất tự nhiên bên ngoài khoảng 0,5m.

Để tạo sự liên kết về kiến trúc giữa bia mộ và tay ngai, người ta xây hai khối trụ tiết diện chữ nhật ở mỗi bên, mở rộng ra hai bên. Thân trụ được đắp nổi gờ chỉ để trang trí.

Đây là một trong những ngôi mộ táng có kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ XIX, bố cục, quy mô tổng thể vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn. Ngôi mộ bị bao quanh bởi cây bụi rậm rạp, rất khó tiếp cận, đã lâu không có thân nhân chăm nom, dọn dẹp vệ sinh, hương khói. Thỉnh thoảng những hộ dân lân cận có đến hương khói ngày rằm, mồng 1, Tết.
 
Mộ ông họ Lâm, bà họ Phạm được ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa thành phố Hội An năm 2008. Ngôi mộ đã được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An lập hồ sơ khoa học để lưu trữ phục vụ công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị về mộ cổ ở Hội An.
Một số hình ảnh về mộ ông họ Lâm, bà họ Phạm - Ảnh: Hồng Việt

Mo ong ho Lam ba ho Pham 2

Mo ong ho Lam ba ho Pham 1
 
Mo ong ho Lam ba ho Pham (6)

Chú thích

(1) Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thu thập được thông tin, tài liệu gì về lai lịch của người được an táng dưới ngôi mộ.

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây