Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Về danh xưng Faifo - Hội An

Tìm hiểu cội nguồn của danh xưng Faifo - Hội An được bắt đầu từ rất lâu và đây là một đề tài thu hút nhiều nhà nghiên cứu khoa học, người yêu phố cổ Hội An quan tâm đặc biệt. Bởi nó có ý nghĩa rất quan trọng về định danh mà theo đánh giá của các nhà sử học quốc tế về sự hình thành và phát triển của Đô thị - thương cảng quốc tế Hội An: “là một kiểu mẫu tiêu biểu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á - châu Á thời Trung - Cận đại”.
          Xét theo nghĩa rộng, Faifo - Hội An là danh xưng của một vùng đất, có Đô thị - thương cảng/phố cảng quốc tế nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam được hình thành vào cuối thế kỷ XVI. Không gian địa lý của nó bao gồm: Cửa biển - Cửa Đại và Cửa Hàn; Tiền cảng - nơi neo đậu tàu lớn, chờ làm thủ tục hải quan như Touron, Trà Nhiêu, Trung Phường...; Các bến - chợ: Đà Nẵng, Trà Nhiêu, Thăng Bình, Thanh Hà, Trà My... Tất cả đều trở thành vệ tinh trực tiếp của trung tâm phố chợ/thị Faifo - Hội An. Nơi “quy tụ hàng hóa sản phẩm, năm nào cũng mở hội chợ kéo dài gần 4 tháng”. Rộng hơn nữa đến Dinh Trấn Quảng Nam, thượng đô thứ 2 của các Chúa Nguyễn và cả xứ Quảng - Đàng Trong để làm nên cái “Hải Cảng tỉnh Kẻ Chiêm/Cacciam” nổi tiếng quốc tế ở vào thế kỷ XVII, XVIII.

         Còn Faifo - Hội An theo nghĩa không gian hẹp với Hoài (phô) phố, Hội (An) phố... theo cách gọi dân gian hay trong các văn bản nhà nước: Faifo phố/“Ville de Faifo” thời thuộc Pháp; hay Phố cổ Hội An, Đô thị cổ Hội An, Khu phố cổ Hội An... theo cách gọi hiện nay của các nhà lịch sử, kiến trúc, bảo tồn di sản văn hóa... thì không gian địa lý của nó là một phần rất nhỏ của Faifo - Hội An với hàm nghĩa là Đô thị - thương cảng hay phố cảng quốc tế. Tức nó chỉ là phần trung tâm phố/thị gắn với chợ, nơi bán buôn, tương ứng với khu phố cổ Hội An hiện nay.

          Faifo chỉ thực sự trở thành tên gọi của một đơn vị hành chính: “Ville de Faifo” bắt đầu từ bản dụ của Vua Thành Thái ngày 20/10/1898 và 12/7/1899, và Nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 30/8/1899 cho thành lập thị xã Faifo. Còn Hội An nguyên là tên gọi của một đơn vị hành chính làng/xã thương nghiệp - buôn bán của người Việt, nay còn đình Tiền hiền (Hội An Tiên tự) và đình thờ Thần (đình Ông Voi) ở đường Lê Lợi. Theo nguồn tư liệu thư tịch, đồ tịch cổ Việt Nam, bia ký thì danh xưng Hội An xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XVII với tên gọi: Hội An phố, Hội An xã, Hội An kiều/cầu, Hội An đàm/đầm, Hội An khố/kho.

         Faifo là tên gọi quen dùng với người Châu Âu và xuất hiện cùng với các cuộc tiếp xúc của họ vào vùng biển Cù Lao Chàm - Hội An, có thể bắt đầu bởi thương nhân Bồ Đào Nha ngay từ nửa đầu thế kỷ XVI và mạnh mẽ vào các thế kỷ XVII, XVIII cùng thương nhân các nước khác (Hà Lan, Anh, Pháp...). Đồng thời cũng xuất hiện nhiều cách gọi đồng âm, khác chữ/ký tự như: Faifo, Haifo, Faicfo, Haiso, Faiso, Faifoo... Có thể khẳng định, để dẫn đến có nhiều chữ/ký tự khác nhau về danh xưng Faifo chắc chắn nó phải được xuất phát từ tên/chữ vốn có từ trước ở đây.

          Theo từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre De Rhod in năm 1651 có ghi: HOÀI PHÔ (Hoài Phô): Một ngôi làng ở Cochinchine, nơi có người Nhật đến sinh sống còn gọi là Faifo. Đặc biệt trong tác phẩm “Ô Châu Cận Lục”, tác giả Dương Văn An viết vào năm 1553 có tên làng Hoài Phô và Cẩm Phô. Tên làng Cẩm Phô, hiện nay là tên phường Cẩm Phô. Tra theo bảng bằng chữ Hán thì thấy tác giả dùng chữ ở đây: Hoài () nghĩa là sông khác với Hoài () nhớ; Phô () nghĩa là phô trương, phô diễn như chữ Phô của Cẩm Phô vậy, khác với phố () là chợ, thị. Cho nên khi nghe câu ca dao hiện còn lưu truyền ở xứ Quảng, đặc biệt là ở Hội An: “... Phố Hoài bốn tháng một phiên, Gặp cô hàng xén anh kết duyên vừa rồi...” phải hiểu là Phố Hoài phô giống như Phố Hội - tức Phố Hội An. Không phải là “Phố Hoài” hay “Hoài Phố” với cái nghĩa văn học mà nhiều người sau này đã thi vị hóa “Hoài là nhớ - nghĩa là phố nhớ...

         Trong tác phẩm Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên viết năm 527, tác giả đã mô tả dòng chảy sông Tiểu Nguyên Hoài và Đại Nguyên Hoài bao quanh kinh thành Trà Kiệu - Simhapura của Vương quốc Champa, rồi đổ ra cửa Đại Chiêm thông qua khu vực phố cổ Hội An hiện nay.

          Như vậy, địa danh sông Hoài là có thực và cùng với sự có mặt của cư dân Việt vào cuối thế kỷ XV đã tất yếu dẫn đến hình thành một làng xã người Việt bên bờ sông này được đặt tên là làng Hoài Phô. Rồi bằng vào nội lực của cư dân ở đây, bao gồm cả xứ Quảng, Đàng Trong và nhiều cơ may lịch sử, địa lý... sự xuất hiện của thương nhân các nước phương Tây đến giao thương buôn bán và cũng tất yếu dẫn đến việc ký âm, gọi tên Hoài Phô thành Faifo hoặc nhiều tên gọi đồng âm khác chữ/ký tự của thương nhân các nước phương Tây.

         Bước sang thế kỷ XVII, khi người Châu Âu quen dùng từ Faifo để chỉ địa danh Đô thị thương cảng/phố cảng này, đồng thời tên làng Hoài Phô bị mờ dần rồi biến mất trong lịch sử, cùng lúc này xuất hiện danh xưng Hội An, nguyên là tên gọi của làng/xã người Việt, đã trở thành một danh xưng quen dùng với người Việt, nhà nước Đại Việt với hàm nghĩa chỉ chung cho cả Đô thị thương cảng/phố cảng này.

          Có thể nói về vai trò lịch sử, danh xưng Hoài Phô đã được tiếp nối bởi danh xưng Hội An với hàm nghĩa sâu sa của nó là nơi Hội Nhân - tụ cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc...; Hội Thủy - nơi hợp lưu của 3 nguồn sông lớn của xứ Quảng: Thu Bồn - Ô Gia/Vu Gia, Chiên Đàn; Hội Văn - đó là sự kế thừa văn hóa Sa Huỳnh - Champa, truyền thống văn hóa Việt và sự hội nhập của văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, Phương Tây, cùng các nước trong khu vực Đông Nam Á. Để rồi cùng An, hưởng những gì tốt lành, hòa bình, chung vui lạc nghiệp.

          Từ “Hoài Phô” thành “Faifo” và từ “Hoài Phô” được nối tiếp bởi “Hội An”, là chìa khóa mở ra cho chúng ta cách nhìn quán xuyến, tổng thể về Hội An cổ. Phải bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu Hội An trên cơ sở “danh chính, ngôn thuận” như vậy mới thấy hết được quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng cư dân ở đây và cả quá trình đô thị hoá của đô thị thương cảng/phố cảng này như đã được đánh giá là “một kiểu mẫu tiêu biểu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á - Châu A thời Trung - Cận đại
  
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Văn An ( 1997 ), Ô Châu Cận Lục, Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội.
2. Cristophoro (1998 ), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ dịch. Nxb Thành Hồ Chí Minh.
3. Alexandre de Rhodes ( 1991 ), Từ điển An Nam – Lusitan – Latinh, Nxb Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
 

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây