Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Vài thông tin về địa danh ở Cẩm Kim

Trong di sản văn hóa phi vật thể ở Cẩm Kim, địa danh giữ vai trò không kém phần quan trọng, bởi lẽ địa danh hàm chứa và phản ánh một cách sinh động về vùng đất và con người Cẩm Kim, đặc biệt là những giá trị về lịch sử - văn hóa và địa mạo - cảnh quan.
   

Bến sông Cẩm Kim - Ảnh: Hồng Việt
 
     Qua một số tư liệu cho biết địa danh hành chính của Cẩm Kim có những thay đổi trong lịch sử. Địa danh xã Cẩm Kim được sử dụng từ tháng 7/1956 khi chính quyền Sài Gòn đặt lại tên hành chính ở Hội An. Trước đó, Cẩm Kim được gọi là làng/xã Kim Bồng. Căn cứ vào thế thứ trong gia phả và truyền khẩu của các tộc họ tiền hiền Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương, vùng đất Kim Bồng được người Việt khai khẩn vào khoảng thế kỷ XVI. Tuy nhiên, đến nay chưa tìm thấy tư liệu nhắc đến địa danh Kim Bồng vào thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVIII. Kim Bồng với tư cách là địa danh hành chính được nhắc đến sớm nhất trong tập “Long Thơ Tịnh Độ” (龍 舒 淨 土) đo đại sư Thiệt Uyên, hiệu Trí Bảo trú trì chùa Hội Nguyên (會 源 寺) ở Kim Bồng khắc in vào năm Cảnh Hưng thứ 7 (tức năm 1746). Lúc này, địa danh hành chính của Cẩm Kim là Kim Bồng châu (金 蓬 洲), gồm có giáp Đông (東 甲) và giáp Nam (南 甲). Chữ châu (洲) trong Kim Bồng châu là từ chỉ cồn đất, cù lao, bãi bồi ở giữa sông. Những tư liệu Hán Nôm sưu tầm được ở Cẩm Kim trong thời gian qua cho thấy địa danh hành chính Kim Bồng châu được sử dụng liên tục dưới thời triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại bát niên. Kim Bông châu thuộc tổng Mỹ Khê (美 溪 ), phủ/huyện Duy Xuyên. Trong thời gian này, Kim Bồng châu có hai giáp gồm giáp Đông (東 甲) và giáp Tây (西 甲). Tuy nhiên, theo Đồng Khánh Dư địa chí, dưới thời vua Đồng Khánh (tức từ năm 1885 đến 1889), Kim Bồng châu có 2 giáp là giáp Đông (東 甲) và giáp Trung (中 甲). Từ năm Bảo Đại thứ 11 (tức năm 1935), đơn vị hành chính Kim Bồng châu được chia thành Bồng Đông xã và Bồng Tây xã (Bồng Đông Bồng Tây nhị xã).
 
DSC 0182 (1)

Mùa hoa sen ở Cẩm Kim - Ảnh: Hồng Việt
 
         Địa danh dân gian ở Cẩm Kim khá phong phú và đa dạng. Qua khảo sát sơ bộ đã thu thập được hơn 100 đơn vị địa danh dân gian được hình thành, sử dụng trong lịch sử. Trong đó nhiều địa danh vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Những địa danh dân gian này phản ánh một cách rõ nét đặc điểm tự nhiên - địa mạo của mảnh đất Cẩm Kim là vùng sông nước nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, địa hình bị bao bọc/chia cắt bởi các dòng chảy mà dấu vết hiện còn là những con hói/lạch như hói Đồn, hói Đa, hói bà Dày, hói bà Đợi, hói Mẹo, hói Hương Hộ, lạch Ổi, lạch Xể. Liên quan đến sông nước là những bến sông được hình thành gắn liền với hoạt động sinh sống của người dân Cẩm Kim như về buôn bán có bến Đội 4 gắn với việc buôn gỗ phục vụ đóng sửa tàu thuyền, làm nhà cửa, bến Lò Gạch gắn với hoạt động sản xuất, vận chuyển và buôn bán gạch; về đánh bắt thủy hải sản có bến Sứa ở thôn Trung Châu là nơi neo đậu của gần trăm chiếc ghe thuyền làm nghề giã cào, đánh lưới, thả lờ, hứng lạch,…; về dịch vụ đưa đò có bến đò Phố, bến đò Ruộng, bến đò Trưởng Tranh, bến đò ông Cúc (bến đò bà Ngân),… và nổi tiếng là bến đò Ba Nữ. Bến đò Ba Nữ nằm ở vị trí tiếp giáp giữa thôn Phước Thắng xã Cẩm Kim và Triêm Tây của xã Điện Phương, đưa khách từ Phước Thắng, Triêm Tây sang Ngọc Thành. Tương truyền trong dân gian cho biết, trước đây tại bến đò có một ngôi miếu do nhân dân lập lên để thờ ái phi của vua Quang Trung và 2 nữ tỳ bị quân Nguyễn Ánh bắt chém ở Kim Bồng. Thời Pháp thuộc, tại bến đò có họp chợ bán chủ yếu là rau, cá.
 

Nghề sông ở Cẩm Kim - Ảnh: Hồng Việt
 
        Ngoài ra, cũng liên quan đến sông nước là những địa danh cồn, bãi được thành tạo do sự bồi đắp của phù sa, sự thay đổi dòng chảy như bãi Thượng Phước, bãi bà Mông, bãi Gò Mồ, cồn Trùm Tự, cồn Trùm Phổi, cồn ông Đương, cồn bà Bốn Vịt,… Ngoài ghe thuyền, một trong những sản phẩm phản ánh nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước là những cây cầu khỉ. Hiện nay, những cây cầu khỉ ở Cẩm Kim không còn nhưng nhiều địa danh và những câu chuyện liên quan vẫn được nhiều người nhắc đến như cầu cây Cau (còn gọi là cầu Hương Lũ), cầu bà Bồng, cầu Chánh Nhạc, cầu Cửu Tiếp, cầu Ri,…
 
Dong An Phu Dong Ha Cam Kim

Đồng An Phú - Thôn Đông Hà - Cẩm Kim - Ảnh: Hồng Việt
 
          Ở Cẩm Kim có nhiều địa danh dân gian gắn liền với những sự kiện lịch sử - văn hóa thú vị như cống đuôi Chuột, đồng An Phú,… Cống đuôi Chuột nằm ở khu vực bưu điện xã Cẩm Kim hiện nay. Theo lời kể của các vị cao niên, trước năm 1975, ở Cẩm Kim có phong trào nông dân bắt chuột để bảo vệ mùa màng, xóm nào bắt được nhiều chuột thì được thưởng tiền. Có một xóm bắt được rất nhiều chuột cắt đuôi đem nộp và được thưởng tiền. Người dân trong xóm lấy tiền thưởng mua vé số và trúng thêm được ít tiền nữa nên trích một khoản để làm cống đi qua mương nước cho thuận tiện. Vì thế mới có tên là cống đuôi Chuột.

       Qua bước đầu khảo sát có thể thấy địa danh ở Cẩm Kim là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, góp phần tạo nên Cẩm Kim với những nét riêng. Với ý nghĩa đó, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Cẩm Kim hiện nay, cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo các địa danh để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị, đồng thời phục vụ phát triển du lịch của địa phương trong tương lai.
 
 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây