Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Vài nét về quá trình lập làng/xã với nghề truyền thống ở Hội An

Trải bao thăng trầm, biến cố lịch sử để hình thành và phát triển, cộng đồng cư dân Hội An - xứ Quảng được xem là một trong những địa phương mẫu hình về hành xử trên từng bước đường hành tiến về phương Nam của dân tộc Việt. Điều đó được khẳng định trên nhiều mặt của cơ tầng - cấu trúc kinh tế - văn hóa - xã hội ở nơi đây. Trong phạm vi của chuyên khảo này chúng tôi chỉ xin nêu vài nét về quá trình lập làng/xã với nghề truyền thống Hội An góp phần minh chứng.
          Sau sự kiện Huyền Trân công chúa năm 1306, khu vực Hội An đã là một phần lãnh thổ của nhà nước Đại Việt. Nhưng trên thực tế, do người dân Chăm bất bình sự việc hôn nhân sính lễ này và hơn nữa, chỉ một năm sau vua Chàm - Chế Mân chết, vua Trần Anh Tông đã sai Trần Khắc Chung dùng kế giải thoát được công chúa Huyền Trân khỏi cảnh buộc phải tự thiêu(để chết cùng vua Chàm - Chế Mân theo phong tục của người Chàm) nên dân Chàm liên tiếp nổi dậy chống lại và biến nơi đây thành vùng tranh chấp ác liệt, nhất là thời kỳ vua Chàm - Chế Bồng Nga, vùng tranh chấp còn kéo dài đến Thanh Hóa, Nghệ An và vị vua Chàm này đã từng đánh ra Thăng Long - Hà Nội vào các năm 1371, 1378, 1383, có lần đã buộc vua tôi nhà Trần phải tạm lui về Hải Dương, trước những cơn “vùng vẫy” này của người Chàm vào cuối thế kỷ XIV. Chính từ tình hình trên, nhất là đất này lại quá mới, quá xa tầm kiểm soát của nhà Trần nên về thực tế ở đây vẫn do dân Chàm sinh sống, quản lý.

          Tiếp đến năm Nhâm Ngọ 1402 (tức vào đời Hồ Hán Thương năm Thiệu Thành thứ 2), vào tháng 3, Vua cho “sửa đường sá từ thành Tây Đô đến Hóa Châu, dọc đường đặt phố xá để truyền thị, gọi là đường Thiên Lý”. Rồi Thái thượng Hoàng Hồ Quý Ly “tháng 7, cử đại binh đánh Chiêm Thành. Vua nước ấy là Ba - Đích - Lại dâng đất Chiêm động và Cổ Lũy động. Quý Ly nhận chia làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ bộ Thăng Hoa để cai trị... Đem những dân không ruộng mà có của dời đến ở Thăng Hoa biên làm quân ngũ, khuyên dân nộp trâu thì cho quan tước để lấy trâu cấp cho dân di cư”(1) và “Người đến ở châu nào phải khắc tên châu ấy trên cánh tay hàm ý giữ đất đến cùng”(2).

          Như vậy khác với sự kiện năm 1306, lần này sau khi nhượng đất nguời Chàm rút đi rất nhiều(3) và theo lệnh của nhà Hồ người Việt đã được di dân vào đây để lập nghiệp. Nhưng sự nghiệp của nhà Hồ sớm chấm dứt, không thể làm được gì hơn ngoài việc đưa dân đến đây sinh sống, bởi vào cuối năm 1406, quân Minh tràn sang xâm lược nước ta, cuộc chiến tranh vệ quốc do nhà Hồ lãnh đạo nhanh chóng thất bại, cho nên từ năm 1407 đến 1427 quân Minh thiết lập chính quyền đô hộ trên toàn cõi nước ta. Trong khi đó quân nhà Minh vì nhiều lý do đã không đủ sức cai quản vùng đất mới chiếm được của nhà Hồ từ phía Nam đèo Hải Vân ngày nay trở vào nên “trong thời kỳ thuộc Minh đặt Thăng Hoa phủ... đồ tịch chỉ biên hư danh đó thôi, còn đất đai thì người Chiêm Thành chiếm giữ. Đến đầu thời Lê mới đặt làm đất Kymi/đất ràng buộc”(4).

          Như vậy, ở thời kỳ này cùng với phủ Thăng Hoa, Hội An là một mảnh đất tranh chấp, quyền quản lý về mặt nhà nước, khi thì thuộc Minh, Đại Việt khi thuộc Chàm. Người Việt cùng chung sống với người Chàm. Chắc hẳn cư dân Việt ở đây lúc này  phải khôn khéo, dũng mãnh và tế nhị để có được cuộc sống ổn định làm ăn. Do đó, chưa thể có được các làng xã người Việt công khai ra đời, có chăng mới chỉ đặt nền móng cơ sở cho dịp tốt sau này được hình thành.

         Thực tế phải chờ đến năm 1471 đời Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức) đã đánh Chiêm Thành lấy lại đất này đặt làm Thừa Tuyên Quảng Nam và vua đã ban dụ rằng “Đại Chiêm và Cổ Lũy trước là đất của ta, gần đây bị mất về nước Chiêm Thành, nay lấy lại được hết, sai các người trấn thủ, ai dám không theo lệnh thì chém trước tâu sau. Lại sai Đỗ Tử Quý làm Đồng trị châu coi việc quân dân Đại Chiêm, Lê ý Đà làm Tri châu coi việc quân dân Cổ Lũy. Người Chiêm ai dám làm loạn thì cho chém trước tâu sau”(5).

          Trước hết, như chúng ta đã biết đây là thời kỳ phát triển thịnh vượng của chế độ phong kiến Việt Nam với vị vua Lê Thánh Tông. Thời kỳ nhà nước Đại Việt đủ sức lực để bảo vệ ổn định vùng đất này với việc xây dựng chính quyền phong kiến ở đây. Và cũng rất cần thiết phải tổ chức hành chính xuống tận các làng - xã - thôn - xóm để làm cơ sở cho chính quyền trung ương và địa phương. Đó là cơ hội để các làng xã ở khu vực Hội An nói riêng ở Quảng Nam nói chung ra đời.   
                       
          Việc di dân lập làng ở Hội An- xứ Quảng, Đàng Trong tiếp tục được diễn ra mạnh mẽ gắn với kế sách tạo nghiệp lâu dài của các chúa Nguyễn, với câu sấm truyền “Hoành Sơn nhất Đái, Vạn đại dung thân” bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI. Năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa rồi đến năm 1570 kiêm lãnh trấn Quảng Nam (6) và rồi tháng 7 năm Nhâm Dần - 1602 cho lập Trấn Dinh Quảng Nam vì xem: chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận - Quảng... đồng thời sai công tử thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên trấn giữ (7), sau đó vào năm 1604 chúa Nguyễn Hoàng đã cho chia đặt lại hệ thống đơn vị hành chính của Thuận Quảng, tách huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong ra để lập phủ Điện Bàn (8).

          Những sự kiện nêu trên đã mở ra cho xứ Quảng nói chung và Hội An nói riêng một thời vận mới, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng dân cư, tổ chức hành chính và cả về kinh tế - văn hóa. Các chúa Nguyễn không chỉ đặt niềm tin vào những người cùng họ hàng thân thích hoặc đồng hương Thanh Hóa mà còn tìm cách chiêu dụ nhân dân lưu tán đến với mình, bất cứ những ai dám rời bỏ đất cai quản của “Họ Trịnh” đều được các chúa Nguyễn ân cần tiếp nhận. Vì thế lực lượng xã hội ủng hộ họ Nguyễn ngày một đông, dẫn đến làn sóng di cư mạnh mẽ đến xứ Quảng vào cuối thế kỷ XVI trở đi, mà qua tư liệu thực địa ở Hội An đã minh chứng rất rõ.

          Đàng Trong nói chung, xứ Quảng, Hội An nói riêng, vốn là một vùng đất trù phú, giàu có về các loại nông - lâm - thủy - hải sản... Do đó, cộng đồng cư dân Hội An, ngoài việc kế thừa những gì vốn có ở cố hương trước khi đến đây, họ còn tiếp thu hoặc điều chỉnh để hình thành một số nghề thủ công và các nghề khai thác, chế biến khác... nhằm đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống của họ. Tuy nhiên, ban đầu, về cơ bản, cũng như ở người Việt nói chung, ngành nghề thủ công hoặc các nghề khai thác, chế biến... đều được khai sinh từ nông nghiệp, người thợ vốn là người nông dân. Hàng loạt ngành nghề ra đời đều nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tự cung, tự cấp của mình. Và như vậy, hoạt động các ngành nghề đều với tư cách là hỗ trợ nông nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu người nông dân trong sinh hoạt hàng ngày. Tính chất, cơ cấu của các ngành nghề về căn bản vẫn là mô hình sản xuất mang tính gia đình, công cụ dùng trong nghề nghiệp rất đơn giản, chủ  yếu sử dụng sức người, sự bền chí và khéo tay. Thậm chí phần lớn hoạt động nghề thủ công thường sản xuất theo kiểu nông nhàn, lực lượng lao động không chuyên nghiệp hóa đến mức tách hẳn khỏi nông nghiệp và trong khi sản xuất mọi thành viên gia đình đều có thể tham gia theo khả năng của mình.

          Nhưng, vào đầu thế kỷ XVII, Hội An với vai trò là trung tâm trung chuyển mậu dịch, giao thương trong nước và cả khu vực, với sự nhập cư mạnh mẽ của thương nhân các nước Trung Hoa, Nhật Bản, sự giao lưu buôn bán của thương nhân các nước Đông Nam Á và phương Tây... trên cơ sở kế thừa thương cảng từ thời vương quốc Champa, nơi đây tiếp tục phát triển cực thịnh trong vai trò là một Đô thị thương cảng quốc tế nổi tiếng suốt gần 3 thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Và đây chính là cơ may phát triển cho các ngành nghề thủ công và khai thác chế biến nông lâm - thủy hải sản... ở Hội An, với nhiều ngành nghề nhưng hết sức đa dạng, phong phú. Hơn nữa các ngành nghề này không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của địa phương mà sản phẩm của họ còn đáp ứng cho nhu cầu dịch vụ của một cảng thị quốc tế đồng thời đã thoát ra khỏi ranh giới bó hẹp của một làng nông để trở thành hàng hóa xuất khẩu, cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt trên một địa bàn dân cư rộng lớn hơn ở trong nước, trong khu vực. Các ngành nghề này ở Hội An nằm rải rác khắp nơi gồm có:

          - Nghề  rèn: nằm rải rác ở các điểm giao thông liên làng - xã, thôn - ấp.

          - Nghề thau - thiếc: tập trung ở làng Mậu Tài (nay ở phường Sơn Phong).

         - Nghề làm gương lược (hàng xén): tập trung ở Xuân Mỹ (nguyên là phường trực lệ - nay ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà).
 
         - Nghề đan lát, làm nhà tre/ dừa, làm lồng đèn, liễn đối (bằng tre, gỗ),...: tập trung ở các làng An Mỹ, Sơn Phô, Thanh Hà, Thanh Châu,...

         - Nghề dệt vải, dệt chiếu, thêu: tập trung ở các làng Cẩm Phô, Kim Bồng, Thanh Châu,...

         - Nghề làm đường, làm dầu phụng, dầu mè: ở An Mỹ, Thanh Châu, Sơn Phô, Thanh Hà, Kim Bồng.

         - Nghề muối cà, muối mắm, làm nước mắm: ở An Bàng, Phước Trạch, Thanh Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà...

        - Nghề nung vôi: tập trung ở các điểm ven sông của làng Thanh Hà, Sơn Phô, Thanh Nam...

        - Nghề làm thuốc Bắc, làm vàng mã - lịch, thợ kim hoàn: tập trung ở làng Minh Hương, Hội An.

        - Nghề chế biến thực phẩm (tương ớt, chao, trứng vịt muối, xì dầu...), chế biến - đóng gói (cau, chè, trầu, quế...): tập trung ở các làng Minh Hương, Hội An, Cẩm Phô,...

        - Nghề buôn ghe bầu của một số cư dân các làng ven sông chính như Thanh Châu, Cẩm Phô, Kim Bồng, Thanh Hà,...

        - Nghề nề/ thợ hồ - xây dựng tập trung ở các làng Cẩm Phô, Kim Bồng.

        Tuy nhiên, các nghề thủ công, khai thác có quy mô lớn, tập trung, thu hút nhiều lao động và sản phẩm có giá trị cao, nổi tiếng đáng kể ở Hội An đó là: Nghề mộc ở Kim Bồng, nghề gốm ở Thanh Hà và nghề yến ở Thanh Châu.

          Có thể nói, yếu tố chủ đạo về kết cấu kinh tế của các làng/xã ở Hội An xưa phổ biến vẫn là nghề nông thường kết hợp với nhiều nghề phụ: Như đánh cá ở ven sông, ao, đầm, biển hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc thủ công (đan lát, rèn, làm nghề gốm, dệt, chế biến nông sản,...), buôn bán... Tiến hơn một bước có sự hình thành của làng buôn gắn với đô thị thương cảng bằng các nghề thủ công - chế biến, nông, lâm, hải sản hoặc làng thuần ngư nghiệp - nghề biển. Phải chăng, xuất phát từ điều kiện đặc thù của địa bàn cư trú, nguồn gốc dân cư và nhiều yếu tố lịch sử - xã hội khác nhau mà trên cơ sở nghề nông, các nghề truyền thống khác ở Hội An đã được hình thành một cách thích ứng, rất đa dạng, phong phú. Nhìn trên phạm vi tổng thể của từng làng/xã và của cả khu vực Hội An vừa có sự chuyên ngành, chuyên nghề, lại vừa có sự đan xen đa ngành, đa nghề. Chính vì thế khi nghiên cứu về gốc độ dân tộc học, chúng ta có thể thấy rất rõ vai trò của các xóm - phổ - vạn - phe/giáp... nghề trong không gian văn hóa làng/xã ở Hội An. Đây là yếu tố văn hóa đáng được quan tâm nghiên cứu.
 
Chú thích:
          (1) Lê Quý Đôn (1977) Phủ biên tạp lục - Hà Nội; NXB KHXH - Tr.23 - 24.

          (2, 3) Phan Khoang (2001) Việt sử xứ Đàng Trong, Hà Nội; NXB Văn học - Tr.88.

          (4) Quốc sử quán triều Nguyễn (1963), Đại Nam Thực lực chánh biên - Huế - Tr.104.

          (5, 7, 8) Lê Quý Đôn (1977) Phủ biên tạp lục - Hà Nội; NXB KHXH - Tr.33; 42 và 43.

         (6) Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam thực lực tiền biên; Tập 1, Hà Nội; NXB Khoa học xã hội - Tr.33.
 

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây