Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Vài nét về nhà tộc La ở Hội An

Trong khu phố cổ Hội An hiện còn rất nhiếu nhà thờ tộc có giá trị về mặt kiến trúc và lịch sử cao, như: nhà thờ tộc Lâm số 120 Trần Phú, nhà thờ tộc Trương số 54/4 Phan Châu Trinh, nhà thờ tộc Phạm số 58/9 Lê Lợi… Ngoài ra phải kể đến một ngôi nhà thờ tộc khá đẹp nhưng ít được mọi người biết đến là nhà thờ tộc La số 16 Nguyễn Thái Học.
Mặt tiền Nhà thờ tộc La
       Theo các tư liệu hiện còn cho biết, Tộc La là gia tộc có lịch sử cư trú lâu đời tại Hội An. Tộc La nguyên quán ở Thượng Kiều hương, làng Hàng Khê, huyện Đông Quảng, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông tổ tộc La ở Hội An là La Ngộ Minh, qua Việt Nam định cư vào khoảng giữa thế kỷ XIX, ban đầu định cư tại huyện Trà My, đến đời ông La Thiên Thái (con trai ông La Ngộ Minh) chuyển xuống Hội An sinh sống. Cơ ngơi tộc La ở Hội An là do ông La Thiên Thái gầy dựng nên nhờ buôn bán thổ sản từ Trà My qua Trung Quốc và từ Trung Quốc về Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, tộc La chia thành 5 chi đã có 7 thế hệ sinh sống ở Hội An.
 
DSC 5725

Măt tiền nhà sau nhà thờ tộc La 
 
          Để tưởng nhớ công lao các bậc tiên tổ trong buổi đầu khai cơ lập nghiệp, con cháu trong tộc đã dựng nên nhà thờ để thờ tự. Theo thông tin từ ông La Gia Hồng, ban đầu, nhà thờ tộc La được xây dựng ở một vị trí khác, sau này chuyển dời đến vị trí hiện nay là số 16 Nguyễn Thái Học. Ngôi nhà 16 Nguyễn Thái Học trước đây là cửa hiệu buôn bán thổ sản, thuộc di tích loại I theo phân loại mức độ giá trị bảo tồn di tích trong khu vực I khu phố cổ, tọa lạc trên khu đất rộng chữ L của ấp Hương Định, làng/xã Minh Hương xưa, nay là khối An Định, phường Minh An.

         Về hình thức kiến trúc, di tích xoay về hướng Nam, gồm có 2 nhà: nhà trước tiếp giáp với mặt đường sử dụng để ở và kinh doanh buôn bán, nhà sau dùng làm nơi thờ tự tổ tiên của tộc La.

          Nhà trước 02 tầng, gồm nếp nhà trước và nếp nhà sau, được gắn kết bởi nhà cầu nối, hệ khung chịu lực (cột, kèo, trính, xiên), sàn, đà sàn bằng gỗ, mỗi nếp nhà chia 3 gian bề ngang và 3 gian bề sâu, có hiên ở cả phía trước và sau. Mặt tiền tầng 1 nếp nhà trước là vách gỗ với cửa bản ván xáng, tầng 2 xây gạch. Phía trên cửa chính có gắn đôi mắt cửa hình hoa cúc 8 cánh, trên nữa gắn bảng hiệu gỗ màu đen khắc 3 chữ Thiên Thái hiệu, có nghĩa là hiệu buôn Thiên Thái.

           Hệ khung gỗ ở nếp nhà trước và nếp nhà sau rất giống nhau về hình thức, đều có kết cấu trốn cột khá độc đáo, ít thấy ở các di tích khác trong khu phố cổ. Đó là trốn hàng cột cái gian giữa, phía Tây ở tầng 1 và trốn toàn bộ hai hàng cột cái gian giữa ở tầng 2. Việc trốn cột cái nhằm tạo không gian sinh hoạt thông thoáng hơn, việc ngăn chia không gian sử dụng được linh động hơn. Kèo đỡ kết cấu mái là kèo kẻ chuyền, chạm khắc đơn giản. Mái lợp ngói âm dương, bờ chảy uốn lượn, giật cấp mềm mại, đẹp mắt.          
               
          Nhà bếp 01 tầng, nằm tiếp giáp hiên sau của nếp nhà sau về hướng Tây, mái lợp ngói âm dương. Phần tường bên ngoài trát vữa tam hợp tạo cột, đầu cột trang trí một số gờ chỉ kiểu Pháp đơn giản. Lối đi từ hiên sau nếp nhà sau qua khu bếp có dạng khung cửa vòm

           Chuyển tiếp giữa nhà trước và nhà sau là khoảng sân sau khá rộng trồng một số loại cây cảnh và cây ăn trái. Góc Tây Nam của sân hiện còn một giếng rất đẹp xây bằng gạch thẻ, nước giếng trong vắt.

          Nhà sau được sử dụng làm nơi thờ tự, xây dựng theo kiểu thức kiến trúc Pháp với các gờ chỉ mềm mại. Nhà 01 tầng, mái lợp ngói âm dương, tường ngăn chính giữa chia nhà thành hai gian. Gian phía Đông là nơi thờ tự, gian phía Tây hiện được sử dụng như kho tạm. Hai gian nhà có hình thức kiến trúc và kích thước giống nhau, mỗi gian có xây thêm hai trụ gạch ở hiên, lối vào chính giữa với 04 bậc cấp cong lượn nhẹ có lan can xây gạch, bên trên tạo cuốn vòm, trát vữa và trang trí họa tiết hoa 5 cánh, dây leo uốn lượn đẹp mắt.

          Mỗi gian bố trí một bộ cửa đi 2 cánh loại cửa bản gỗ mở vào trong và 02 bộ cửa sổ 2 cánh lá sách gỗ. Phía trên cửa đi gian thờ tự có 04 chữ Hán sơn màu đen với nội dung: La thị gia miếu.  Bên trong gian thờ tự phía Đông bố trí hai dãy bàn thờ. Nằm ở chính giữa phía trước và thấp hơn so với dãy bàn thờ phía sau là bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Ba khám thờ lớn phía sau thờ ông bà tổ tiên của tộc La, được sơn son thiếp vàng. Các khám thờ có đề các câu đối chữ Hán và được chạm trổ tinh tế với nhiều đồ án trang trí.
         
          Mặc dù di tích có sự đan xen giữa kiểu thức kiến trúc gỗ truyền thống với kiểu thức kiến trúc mang phong cách Pháp nhưng vẫn tạo được sự hài hòa, thống nhất. Hiện nay, di tích là một yếu tố cấu thành của quần thể di tích kiến trúc Hội An, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình kiến trúc nghệ thuật. Di tích còn bảo tồn được nhiều yếu tố mỹ - kỹ thuật trong di sản kiến trúc đô thị thương cảng Hội An.
                         
 
 

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây