Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Vài nét về nghề buôn ở Kim Bồng - Cẩm Kim

Với ưu thế về vị trí địa lý là vùng đất nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, gần Cửa Đại, tiếp giáp cảng thị Hội An và lại có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên các thế hệ cư dân Việt sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất Kim Bồng - Cẩm Kim trong quá trình lao động sản xuất đã sáng tạo, phát triển thêm nhiều ngành nghề mới trong các nhóm nghề nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,... và buôn bán, làm cho bức tranh văn hóa ngành nghề ở Kim Bồng - Cẩm Kim vô cùng đa dạng, để lại những nét riêng trong di sản văn hóa ở Cẩm Kim hôm nay.
          Qua khảo sát cho thấy, trước đây, Kim Bồng - Cẩm Kim có nhiều nghề buôn phát triển mạnh như nghề buôn gỗ nguồn, buôn nguồn về thực phẩm, nông sản, buôn cá (rổi cá), buôn ghe bầu,… Tư liệu hồi cố dân gian cho biết, trước năm 1954, ở Kim Bồng không chỉ có những người đóng ghe bầu nổi tiếng như ông Thủ Khê, Hương Chạy, Trùm Hy, Hương Thiệt,… mà còn có người đi buôn ghe bầu giỏi như ông Chánh Nhạc. Buôn ghe bầu cũng là một trong những nghề buôn đặc trưng, rất phát triển ở Hội An, Quảng Nam vào nửa đầu thế kỷ XX trở về trước. Lúc này ở Quảng Nam có những vạn ghe bầu tiêu biểu như Thanh Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà, Sơn Phô, Hội An, Bàn Thạch, Trà Nhiêu,... Người buôn ghe bầu ở Kim Bồng thường buôn bán giữa Kim Bồng hay Hội An - Quảng Nam với các tỉnh nằm ở dọc duyên hải miền Trung, thậm chí vào đến Sài Gòn. Mặt hàng buôn bán chủ yếu là gạo, mắm, muối, gỗ, cau, quế, chiếu, nón... Nghề buôn ghe bầu tạo sự giao thương kết nối giữa các tỉnh ven biển miền Trung với nhau, cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống của người dân nói chung, cũng như những mặt hàng để trao đổi, giao thương với ngoại quốc tại thương cảng Hội An. Hiện nay, nghề buôn ghe bầu không còn tồn tại ở Cẩm Kim nói riêng và cả Hội An.

          Nếu như hoạt động buôn ghe bầu ở Kim Bồng - Cẩm Kim góp phần tạo sự liên kết giao thương giữa Hội An với các khu vực dọc biển miền Trung với nhau thì ngược lại, hoạt động buôn nguồn bằng ghe ở đây tạo sự liên kết, giao thương giữa miền ngược với miền xuôi của xứ Quảng, giữa vùng hạ lưu với vùng thượng lưu sông Thu Bồn,... Buôn nguồn ở Kim Bồng - Cẩm Kim gồm buôn thực phẩm, nông sản và nổi bật nhất là buôn gỗ.

          Buôn gỗ nguồn bằng ghe là một trong những nghề đặc trưng của cư dân Kim Bồng - Cẩm Kim trong lịch sử. Hoạt động nghề này thịnh hành vào thập niên 80 thế kỷ XX trở về trước và gắn chặt với tuyến sông Thu Bồn từ Cẩm Kim - Hội An lên miền thượng lưu. Phương tiện đi nguồn buôn gỗ trước đây là ghe chèo bằng ghe nan, ghe chèo bằng gỗ, rồi tiếp đến là ghe gắn máy bằng gỗ hoặc bằng ghe tôn. Ghe có khoang che mui để ngủ, có bếp nấu ăn. Những chiếc ghe buôn gỗ nguồn hiện còn ở Cẩm Kim là ghe gắn máy bằng tôn với be trên cùng bằng gỗ, có đặc điểm là thon dài, hẹp, ở giữa có mui, then mũi và then lái dài ra hai bên, không có mắt ghe.

          Thời gian mỗi chuyến đi buôn gỗ nguồn không cố định, vài ngày hoặc cả tháng, khi mua được gỗ thì về. Khi về, gỗ được buộc 2 bên hông ghe để chở/kéo về. Đi buôn gỗ nguồn bằng ghe phải vượt qua đoạn đường dài trên sông tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, bất trắc nên trong mỗi chuyến đi người dân thường kiêng cữ nhiều điều để cầu mong sự bình an. Mỗi chuyến đi, khi qua những nơi linh thiêng, một số chủ ghe thường sắm lễ vật cúng vọng từ ngoài sông/bãi vào. Trên chiếc thuyền xuôi ngược dòng Thu Bồn trong mỗi chuyến buôn, những người làm nghề thường ngâm nga những câu hát có nhắc đến những địa danh dọc sông Thu Bồn như là sự ghi nhớ về lộ trình chuyến đi. Trong đó có những địa danh  như Thác Đôi, thác Chông, Trà Lơ Ba Lạch, thác Ông, thác Bà, thác Khó, thác Cây Sung, thác Lim Dù, thác Cây Dâu, thác Cạn, Đầu Gò hai sông (sông Bung và sông Cái), thác Ba Trang, Ăn Cướp,...

          Những loại gỗ thường mua về là kiền kiền, lim, trâm, quỷnh, cà, chò, trường, leo heo xác mướp, đước, chua, dự, bình luynh, mùn. Các loại gỗ như kiền kiền, lim thường đắt tiền, ở Cẩm Kim trước đây có những người giàu như ông Do, Thủ Được, Thủ Dục, Thủ Hường,... thường buôn. Hầu hết gỗ mua về cung cấp cho những trại gỗ tại địa phương để dùng đóng nghe thuyền hoặc xây dựng nhà cửa, đóng đồ gia dụng.

           Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ cuối thập niên 80 thế kỷ XX, nghề buôn gỗ nguồn bằng ghe ở Cẩm Kim hoạt động thưa thớt dần.

          Có thể thấy, hoạt động buôn gỗ nguồn cung cấp nguồn vật liệu để xây dựng nhà cửa, đóng sửa ghe thuyền và làm đồ gia dụng cho cư dân Cẩm Kim và những vùng lân cận thuộc hạ lưu sông Thu Bồn. Buôn gỗ nguồn góp phần đắc lực cho việc xây dựng các công trình kiến trúc nghệ thuật trong quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới.

          Bên cạnh hoạt động buôn gỗ, trong lịch sử, cư dân Kim Bồng - Cẩm Kim còn tham gia tích cực vào hoạt động buôn bán hàng hóa thực phẩm, nông sản giữa vùng hạ lưu với khu vực thượng lưu sông Thu Bồn. Thông tin từ những người từng làm nghề cho biết, trước đây họ thường theo dòng Thu Bồn lên buôn bán ở khu vực thuộc Đại Lộc, đoạn Giao Thủy đi lên. Phương tiện hành nghề là ghe chèo, sau này là ghe gắn máy. Ghe dài khoảng 15-16 thước mộc, có mui ở giữa để che hàng hóa, ghe đi buôn là ghe có bụng lớn, ít lắc. Mỗi chuyến buôn khoảng 2 - 3 ngày với 2 người đi. Hàng hóa chở lên bán là rau cải, hành, khoai lang, cà,… lấy ở chợ Nồi Rang. Hàng hóa mua về lại là gạo, thóc, mít, chuối,... về bán ở chợ Hội An. Trên ghe, hàng hóa được xếp cẩn thận theo từng vị trí thích hợp để đảm bảo an toàn. Rau cải, quả tươi, gạo, lúa, xếp ở khoang giữa, phần mũi và lái xếp khoai, chuối, mít,... Trên ghe, phía gần lái có bếp nấu ăn. Buôn nguồn về thực phẩm, nông sản không đi xa như buôn gỗ nhưng cũng khá vất vã. Khi thuận nước thuận gió thì giong buồm nhưng khi ngược nước, ngược gió phải lội dưới sông mà dắt ghe. Để tránh bị mắc cạn, những người đi buôn thường quan sát để biết chỗ cạn, chỗ sâu, nhìn màu nước mà đoán lạch mà đi.

          Ngoài ra, một trong những nghề buôn cũng khá đặc trưng ở Kim Bồng -  Cẩm Kim là buôn cá biển bằng ghe, còn gọi rổi cá với nhiều loại cá biển như cá cơm, nục, trích, ngừ, chuồn, cờ,… Những ghe rổi ở Cẩm Kim mua cá từ những tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển khu vực Cù Lao Chàm về bán lại cho những người bán cá lẻ hay những đầu mối buôn cá lên khu vực phía tây của Quảng Nam.

          Sự tồn tại và phát triển của mạng lưới giao thương bằng ghe bầu với các tỉnh ven biển miền Trung và hoạt động buôn nguồn bằng ghe của cư dân Kim Bồng - Cẩm Kim đã chứng minh vai trò quan trọng của hệ thống sông Thu Bồn đối với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An nói chung, các ngành nghề, đặc biệt là nghề mộc ở Kim Bồng - Cẩm Kim nói riêng.

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây