Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Tục cúng cơm mới ở Cẩm Hà

Từ xưa đến nay, những tập tục, lễ lệ đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam nói chung, người dân Hội An nói riêng. Những hình thức sinh hoạt văn hóa đó thể hiện sự biết ơn, kính trọng với các bậc bề trên, chứa đựng những mong ước thiết tha, vừa thánh thiện, vừa đời thường, vừa thiêng liêng, vừa thế tục của bao thế hệ con người. Đồng thời, nó cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc xây dựng lối sống đạo đức, hướng thiện của người dân.
Xã Cẩm Hà là một trong 13 đơn vị hành chính của thành phố Hội An, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 02 km về phía Bắc. Địa bàn xã có tuyến đường Tỉnh lộ 607 dài 2,1km đi qua, nối thành phố Hội An với huyện Điện Bàn và Đà Nẵng; có sông Cổ Cò (Để Võng) làm ranh giới của xã với xã Điện Dương huyện Điện Bàn và phường Cẩm An thuộc thành phố Hội An. Rau Trà Quế và Quật cảnh Cẩm Hà là hai thương hiệu nổi tiếng ở đây. Với diện tích tương đối rộng lớn, đất đai màu mỡ nên bên cạnh nghề đánh bắt thủy sản, nông nghiệp vẫn là ngành nghề chính của người dân nơi đây.

Cũng như một số ngành nghề khác, nông nghiệp ở Cẩm Hà có một số lễ lệ, lễ tục riêng. Hằng năm đều diễn ra các lễ cúng, tập tục khác nhau, tùy thuộc vào nghề nghiệp, về phong tục của từng khu vực mà mỗi nơi có cách thể hiện, bày biện và cúng tế cũng khác nhau. Nhưng các tập tục, các hình thức đó đều có một mục đích chung là tạ ơn các bậc tiền nhân, thần thánh, anh hùng và cầu cho một năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn. Bên cạnh những hình thức sinh hoạt, lễ hội lớn mang tầm cấp thành phố thì một số tập tục, lễ lệ nhỏ gắn liền với bà con nhân dân địa phương cũng được lưu giữ đến nay. Trong đó phải kể đến là lễ cúng cơm mới .

Theo sách “Lễ tục trong gia đình của người Việt Nam”, tục cổ gọi là tết cơm mới hay là tết Hạ Nguyên, tết Thượng Tân. Dưới thời Lý - Trần, tết cúng cơm mới được tiến hành vào mồng Một, mồng Mười hay Rằm tháng Mười là Hạ nguyên. Đạo giáo và Phật giáo quan niệm rằng, ngày đó thiên đình cử ông thần Tam Thanh xuống trần gian xem xét tốt xấu về tâu lại Ngọc Hoàng nên dân gian tiến hành làm lễ vị thần đó để cầu phúc, tránh họa, cũng là dịp “tiến tân” cơm gạo mới cúng tổ tiên.

Sự tích “cúng cơm mới” được người dân Cẩm Hà kể lại rằng, “ngày xưa đến mùa lúa đã chín thì nàng lúa tự lăn về nhà, ba mẹ dặn dò với hai đứa con ở nhà phải quét sân cho sạch sẽ để đón nàng lúa về. Vì mãi mê rong chơi, không quét sân theo lời ba mẹ đã dặn, nàng lúa lăn về thấy sân nhớp nên nàng đã quay đầu lăn trở lại đồng. Chú chó trong nhà thấy vậy chạy theo lạy để cầu xin nàng lúa quay trở lại nhà, thấy vậy hai đứa con mới vội vã ra quét sạch sân và nàng lúa cảm động trước hành động của chú chó nên đã quay lại nhà. Từ đó, sau lễ cúng cơm mới, người dân thường lấy chén cơm cúng cho chó ăn trước để tạ ơn vì nhờ chú chó mà cả nhà không bị mất nàng lúa”. Sự tích này vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay, bởi vì người dân quan niệm rằng chó là con vật trung thành với chủ, cho nó ăn để nó giữ nhà. Sau khi cho chó ăn, mọi người trong gia đình cùng thưởng thức những cúng phẩm để mừng cho một vụ thu hoạch, rồi gia đình mới tiếp tục sử dụng gạo mới vào trong bữa ăn hàng ngày.

Tại các địa phương trên địa bàn thành phố Hội An nói chung, Cẩm Hà nói riêng, tục cúng cơm mới thường được tổ chức ngay tại gia đình, mỗi năm cúng một lần vào sau vụ thu hoạch chính - vụ Đông Xuân, nhưng cũng có gia đình cứ sau mỗi vụ thu hoạch đều cúng. Thời gian cúng không quy định ngày cụ thể mà căn cứ vào thời hạn thu hoạch lúa đồng về nhà. Thông thường vào khoảng đầu tháng 3 đến đầu tháng 4 âm lịch. Ngay sau khi thu hoạch lúa về, mỗi gia đình chọn ngày tốt để cúng, lấy gạo mới xay (máy) về nấu cơm cúng nên tục gọi là cúng cơm mới.

Lễ vật cúng cơm mới đơn giản chỉ là những nông sản: lúa gặt về, phơi khô rồi xay/máy, lấy gạo nấu cơm để cúng. Ngày xưa, một mâm cơm cúng gồm có khoảng 4 đến 6 chén cơm in bên trên có muối mè hoặc muối đậu, hương đèn, hoa quả, rượu - đây là lễ vật không thể thiếu trong cúng cơm mới. Ngày nay, tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình cùng với sự phát triển của xã hội, mâm cúng cơm mới ngoài cơm, xôi, muối mè, hương, đèn, bông, rượu còn có thêm một số món khác như mì xào, thịt heo luộc, chả trứng, cá chiên, có nhà còn làm thêm bánh xèo hoặc nấu mì quảng để cúng.

Mục đích cúng cơm mới, trước là để tạ ơn Thần Nông cai quản đồng ruộng, sau là bày tỏ lòng biết ơn ông bà tổ tiên, các vị tiền hiền - hậu hiền, các vị thần sở tại: Thành Hoàng bổn xứ, các đấng thần linh đã bảo vệ mùa màng tươi tốt, bội thu, đem lại cuộc sống yên bình, no đủ cho người nông dân và qua đó cũng cầu mong cho vụ lúa năm sau được mùa hơn.

Chủ lễ tế thường là người chủ trong gia đình. Lễ cúng không có văn, sớ, tuy nhiên khi cúng, người cúng cũng vái giống như đọc một bài văn tế. Trước tiên, giới thiệu địa danh, ngày, tháng, năm cúng; giới thiệu người cúng; nêu tên lễ cúng; nêu lễ vật gồm có những gì; cúng ai (cúng Thần Nông, Thành Hoàng bổn xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền); mục đích cúng (nhân việc thu hoạch lúa về nấu chén cơm để tạ ơn các vị Thần, nhớ ơn những bậc tiền nhân đi trước đã khai phá đất đai, mở rộng bờ cõi).

Tuy ở mỗi địa phương có những tục lệ, cúng khác nhau nhưng có thể nói, cúng cơm mới là một tập tục thể hiện đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã ăn sâu, thấm nhuần trong mỗi người dân Việt. Vì thế, từ xưa đến nay tục cúng này đã trở thành nét văn hóa truyền thống, thâm nhập sâu vào đời sống tinh thần của những cư dân nông nghiệp ở Hội An nói chung, ở Cẩm Hà nói riêng.         
 
 
 

Tác giả: Trang Thi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây