Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Tục cúng cơm mới của cộng đồng cư dân làng Thanh Hà

Làng Thanh Hà là một trong những làng xã được hình thành từ rất sớm ở Hội An. Dưới triều Nguyễn, làng Thanh Hà có diện tích rộng lớn, gồm 13 ấp là Hậu Xá, Thanh Chiếm, An Bang, Bộc Thủy, Nam Diêu, Cửa Suối, Bàu Ốc, Trảng Kèo, Bàu Súng, Đồng Nà, Trà Quế, Cồn Động, Bến Trễ, thuộc tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Giữa thế kỷ 20, tên xã Thanh Hà được thay thế bằng tên xã Cẩm Hà thuộc khu hành chính Cẩm Phô, huyện Điện Bàn. Sau năm 1975, Cẩm Hà là một trong 9 xã/phường của thị xã Hội An. Đến tháng 9/1999, xã Cẩm Hà được chia tách thành xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà.
         Với diện tích tương đối rộng lớn, đất đai trù phú nên bên cạnh một số ngành nghề khác, ở làng Thanh Hà, nông nghiệp vẫn là ngành nghề chính của cộng đồng cư dân nơi đây. Cũng như một số ngành nghề khác, nông nghiệp ở làng Thanh Hà có một số lễ lệ, lễ tục riêng, trong đó tục cúng cơm mới là tục lệ có từ xa xưa, cho đến hiện nay vẫn còn duy trì ở làng Thanh Hà.

         Ở làng Thanh Hà, đối với những hộ làm nông nghiệp mà chủ yếu là trồng rau, hoa màu thì có tục cúng Cầu Bông, còn đối với những hộ trồng lúa nước hoặc kết hợp trồng lúa đen với khoai lang, đậu, mè thì có tục cúng cơm mới tại gia đình. Trước đây, ngoài trồng giống lúa nước, giống lúa đen cũng được người dân nơi đây chọn để canh tác và mỗi năm làm một vụ từ tháng 5 cho đến tháng 10 âm lịch thu hoạch. Do đó, tục cúng cơm mới ở làng Thanh Hà thường được tổ chức mỗi năm một lần, vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch.

         Không như những lễ tục khác, tục cúng cơm mới chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, do các hộ làm nông nghiệp cúng riêng lẻ tại nhà. Trước đây, hầu như nhà nào làm nông nghiệp cũng đều có tục cúng cơm mới, vì thế có lẽ mà trong dân gian có câu “Rằm tháng giêng ai siêng thì quẩy, rằm tháng bảy kẻ quẩy người không, rằm tháng mười mười người đều quẩy”. Theo thực tế tình hình lúc đó nên câu này có nghĩa là đối với tháng giêng thì do mới ăn tết Nguyên đán xong nên việc cúng kính vào rằm tháng giêng hạn chế. Đối với rằm tháng bảy thì việc cúng cũng không nhiều do tháng bảy khô hạn, mùa màng chưa thu hoạch. Trong khi đó, tháng mười là thời điểm thu hoạch lúa đen nên có lúa gạo để cúng, vì thế vào rằm tháng mười có nhiều người cúng.

        Thời gian cúng cơm mới không quy định ngày cụ thể mà căn cứ vào thời hạn thu hoạch lúa đồng về nhà. Ngay sau khi thu hoạch lúa về, mỗi hộ gia đình làm nông nghiệp chọn ngày tốt để cúng, lấy lúa mới gặt về xay rồi nấu cơm mới cúng nên tục gọi là cúng cơm mới. Tuy nhiên, nếu sau khi thu hoạch lúa về nhà mà chưa kịp cúng thì lấy một bát lúa thắp hương lên rồi có dịp cúng sau. Sau khi cúng xong thì mới lấy gạo đó để nấu cơm ăn.

        Mục đích của tục cúng cơm mới là mừng mùa màng thuận lợi và để cúng tạ ơn Thần Nông - Người đã dạy dân nghề làm ruộng. Bên cạnh, còn bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, các vị thần sở tại: Thành Hoàng bổn xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền, các đấng thần linh... đã bảo vệ mùa màng tươi tốt, đem lại cuộc sống yên bình, no đủ cho người nông dân, đồng thời cầu mong cho vụ lúa năm sau được mùa hơn.

          Lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng cơm mới là cơm in và muối mè, hoa quả, hương đèn, rượu, trầu, cau, vàng mã, gạo muối. Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện gia đình mà lễ vật cúng có thể có thêm một số món mặn như thịt, cá, mì xào, canh, ram, chả… Trước đây, đối với một số gia đình ở làng Thanh Hà có điều kiện thì trong lễ cúng cơm mới có đổ bánh xèo bằng gạo lúa đen hoặc nấu mì để cúng.

          Bàn cúng được bố trí ở ngoài sân một bàn và bên trong nhà thì có đặt lễ vật lên bàn thờ để cúng. Chủ lễ tế thường là người chủ trong gia đình. Lễ cúng không có văn, sớ, tuy nhiên khi cúng, người cúng cũng vái giống như đọc một bài văn tế. Trước tiên giới thiệu địa danh, ngày, tháng, năm của lễ cúng cơm mới, giới thiệu người cúng, lễ vật cúng, liệt kê đối tượng cúng tế và cuối cùng là mục đích của lễ cúng.

         Đối với cư dân nông nghiệp ở làng Thanh Hà, sau khi kết thúc lễ cúng, có tục đem cơm cúng đó cho chó ăn trước, bởi vì người ta quan niệm rằng phải cho con chó ăn trước để khi trồng lúa đen không bị chó phá lúa. Sau đó, mọi người trong gia đình cùng thưởng thức những cúng phẩm để mừng cho một vụ thu hoạch, rồi tiếp đó gia đình mới sử dụng gạo mới vào trong bữa ăn hàng ngày.

          Trước đây, hầu như nhà nào làm nông nghiệp ở làng Thanh Hà đều có tục cúng cơm mới nhưng dần về sau và cho đến hiện nay thì tục cúng cơm mới đã dần mai một, chỉ còn một số ít hộ gia đình duy trì tục cúng này.

           Mặc dù ở mỗi địa phương có những tục lệ cúng khác nhau nhưng có thể thấy, cúng cơm mới là một tập tục thể hiện đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã ăn sâu, thấm nhuần trong mỗi người dân Việt. Vì thế, từ xưa tục cúng cơm mới đã thâm nhập sâu vào đời sống tinh thần của những cư dân nông nghiệp ở Hội An nói chung và cư dân nông nghiệp ở làng Thanh Hà nói riêng.
 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây