Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Truyền thống bảo vệ biển đảo của người Quảng qua một số tư liệu điền dã

Để quản lý vùng biển dài rộng của mình, trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam đã cùng lúc thi hành nhiều biện pháp thực thi chủ quyền bằng việc tuần tra, kiếm soát thường xuyên. Kiểm soát vùng biển nói chung được giao cho đội quân chính qui, song ở các địa phương thường được giao quyền chủ động. Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu về truyền thống bảo vệ biển đảo, chúng tôi phát hiện một số tư liệu liên quan đến truyền thống bảo vệ biển đảo của người Quảng Nam.
          1. Tư liệu đầu tiên là 9 bằng, sắc của quan tuần phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, thủy vệ cấp cho cùng một người có tên là Lê Văn Quý người xã An Thạnh, tổng An Thạnh hạ, huyện Lễ Dương. Dưới thời Tự Đức có 6 sắc bằng trong các năm 1868, 1873, 1876, 1879, 1880 (2 cái) và 1881[1]. Ông Lê Văn Quý giữ chức đội trưởng đội 4, thuộc vệ Tả thủy quân. Qua các bằng, sắc đều cho thấy ông Lê Văn Quý là người “thân thể khỏe mạnh, rành rõi thủy trình và việc thuyền bè”. Trong công việc, ông là người cần mẫn, thông minh nên được đề cử tham gia các hoạt động của thủy binh với nhiệm vụ quyền biện Suất đội (1876) và Ngũ trưởng Chánh đội trưởng Suất đội, thống suất binh biện trong đội nghe theo quan Quản viên phân phái công vụ (1880). Theo một văn bản ngày 28.12 năm Tự Đức thứ 33 (1880) của Chánh vệ cấp bằng cho ông làm Quản giải, phụ trách công việc vận chuyển hàng để nạp về Kinh và ra Nam Định chở hàng theo lệnh sai phái. Ông Lê Văn Quý thậm chí còn tham gia trong thủy quân dưới thời Thành Thái bởi căn cứ vào một tờ sắc của tỉnh Quảng Ngãi ngày 13.12 Thành Thái năm thứ 8 (1896) ông vẫn còn được giao chức cai đội tinh binh Suất đội.

          2. Bên cạnh sắc bằng cho ông Lê Văn Quý, chúng tôi có tiếp cận một số tài liệu chữ Hán tại Hội An về các sắc, chiếu cho lính làm công việc thư lại trong thủy quân của nhà nước[2]. Gồm 2 chiếu thời Minh Mạng và 1 chiếu đầu thời Tự Đức (năm 1849) là chiếu và sắc cho một người có tên là Nguyễn Văn Tảo ở xã Thanh Hà, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn làm thư lại trong thủy quân. Như thế ông Nguyễn Văn Tảo và ông Lê Văn Quý là người làm việc khá lâu. Ông Nguyễn Văn Tảo làm việc trải qua các đời từ Minh Mạng đến Tự Đức và có kinh nghiệm về ghi chép, lưu giữ giấy tờ trong thủy quân. Ông Lê Văn Quý làm việc từ năm 1868 (có thể sớm hơn) và đến 1896 vẫn còn tại chức. Việc chọn quân rất chặt chẽ, chọn người biết việc và cho làm việc lâu dài trong quân.

          3. Chúng tôi cũng tiếp cận tại nhà thờ họ Phạm Văn ở Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) hai bức chế bằng lụa, được làm ngày 1 tháng 10 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) phong tặng bố và mẹ ông Phạm Văn Cục, người giữ chức chưởng vệ thứ nhất, kiêm quản các vệ thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5 ở Hữu doanh, thuộc thủy sư kinh kỳ.

          4. Tại Tân Hiệp, Cù Lao Chàm (Hội An) cũng có 3 tờ sai dưới thời Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, Cảnh Hưng thể hiện nơi đây công tác tuần phòng trên biển được giao cho nhân dân, đó là 3 tờ phê có nội dung giống nhau, “bắt dân trên hòn Cù Lao Chàm phải tuần phòng đêm ngày, lưu ý đến các thương thuyền ngoại quốc đến đó”[3].

          Có thể nói đoạn tư liệu trên tuy ngắn nhưng lại rất quý về công tác tuần phòng tại cửa biển của Hội An, Quảng Nam, nơi có nhiều thương thuyền ngoại quốc thường xuyên lui tới nên phải "ngày đêm tuần phòng". Điều đặc biệt nữa là có sự giống nhau của cả ba tờ phê, nghĩa là có sự xuyên suốt từ các niên hiệu Chánh Hòa (Chính Hòa), Vĩnh Thạnh (Vĩnh Thịnh) và Cảnh Hưng, tức khoảng trên 100 năm, từ 1680 đến năm 1786[4] chính quyền Đàng Trong đều chăm lo đến công tác quan trọng này. Dưới triều Nguyễn, công tác tuần tra, canh giữ tại địa phương vẫn do người sở tại tiến hành. Một Châu bản ngày 8.2 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) ghi nhận đơn của dân trên đảo Cù Lao Chàm xin được miễn thuế và binh dao vì đã cùng lúc canh giữ đài hỏa phong và tuần tra tại vùng biển Cù Lao Chàm”[5].

          5. Chúng tôi cũng tìm thấy trong văn bia chùa Hải Tạng (tại Cù Lao Chàm, Tân Hiệp, Hội An) được khắc ngày 11 tháng 3 năm Tự Đức thứ nhất (1848) cho biết, trong số những người góp tiền để tu sửa chùa Hải Tạng có nhiều người là quan chức thủy quân, gồm họ tên, chức vụ rất đầy đủ như sau: Quảng Nam Thủy quân lãnh binh quan Tôn Thất Sự, 2. Quảng Nam Tả cơ chánh quan Tôn Thất Hòa, 3. Quảng Nam Tả thủy vệ phó vệ úy Trần Đăng, 4. Quảng Nam Trung cơ chính quản cơ Nguyễn Tài, 5. Quảng Nam Tả thủy vệ hiệp quản Nguyễn Thư, 6. Quảng Nam hữu thủy vệ phó vệ úy Nguyễn Tình, 7. Kinh phái Định Tường thuyền viên, 8. Tuần dương châu ô thuyền, 9. Đại Chiêm trấn thủ thủ ngự Nguyễn Dưỡng, 10. Đại Chiêm tấn tấn thủ Nguyễn Giáp[6]...

          Qua bản kê trên cho thấy từ các quan chức cao cấp nhất của thủy quân tại Quảng Nam đến các thuyền viên thuyền tuần dương, thuyền Kinh phái, thủ ngự, tấn thủ đều có đóng góp cho trùng tu chùa. Đây vừa là nơi thực hành Phật giáo vừa là chốn tâm linh cho những ngư dân và thủy binh phải thường xuyên ra biển. Ngoài ra, danh sách trùng tu chùa còn có đầy đủ các chức sắc và nhân dân tại Cù Lao Chàm, chứng tỏ sự đồng tình ủng hộ rất lớn của cộng đồng nơi đây.

         6. Dưới triều Nguyễn, công tác tuần phòng ven biển, cửa biển luôn được vua Nguyễn quan tâm thực hiện. Nhiều tư liệu từ chính sử nhà Nguyễn cho biết điều này được thực hiện rất qui củ, bao gồm hệ thống thành đồn ven biển để giám sát, phòng thủ và thực hiện công tác tuần tra thường xuyên. Tại Quảng Nam, ngoài cửa biển Đà Nẵng là nơi được bố trí hệ thống phòng thủ dày đặc thì về phía Nam còn có tấn Đại Chiêm và Đại Áp. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết tấn Đại Chiêm (tức Cửa Đại, Hội An ngày nay), “cách huyện Diên Phước 25 dặm về phía đông, bờ tả thuộc xã Phúc Trạch huyện Hòa Vang, bờ hữu thuộc xã An Lương huyện Lễ Dương, là chỗ sông chợ củi ra biển. Cửa lạch rộng 160 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc, là chỗ tụ họp thuyền ghe nam bắc. Đầu đời Gia Long đặt một viên thủ ngự và một viên hiệp thủ với 42 thủ binh”.

            Cửa Đại - Hội An vốn là hải khẩu quan trọng dưới thời Chămpa và đặc biệt nổi lên dưới thời chúa Nguyễn, nơi đón nhiều tàu thuyền nước ngoài tới buôn bán, vì thế, công tác tuần tra, kiểm soát rất quan trọng. Dưới thời chúa Nguyễn, không chỉ ở Cửa Đại mà ở Cù Lao Chàm, một cụm đảo án ngữ Cửa Đại, Nhà nước đã giao cho nhân dân trong vùng thực hiện công tác tuần phòng. Quá trình nghiên cứu chúng tôi phát hiện tấm bia “Đại phước nghĩa trủng” tại Hội An khắc năm 1874, hiện dựng cách bãi tắm Cửa Đại khoảng 500m. Nội dung cho thấy tấm bia này được đặt trên địa phận của “bản tấn”, tức Tấn Đại Chiêm, qua đó có thể khẳng định vị trí đặt tấn này ở bờ tả, thuộc phường Cẩm An, Hội An ngày nay.

            Những tư liệu phát hiện tại địa phương đã bổ sung những tư liệu quý vào chính sử triều Nguyễn về công tác bảo vệ biển và tính cộng đồng giữ biển dưới triều đại này. Thủy quân cũng là những người được tuyển chọn từ các địa phương, đặc biệt là những vùng cửa sông, ven biển. Những tư liệu chúng tôi phát hiện đều có chung đặc điểm này bởi đây là những vùng có truyền thống đi biển, bám biển và trường hợp tỉnh Quảng Nam là một trong những minh chứng điển hình cho truyền thống đó.
 

[1] Tài liệu do nhà nghiên cứu Hán Nôm Tống Quốc Hưng dịch, cung cấp. Nhân đây chúng tôi xin trân trọng cám ơn NNC Tống Quốc Hưng
[2] Các tư liệu dưới đây do cử nhân Ngô Đức Chí, cử nhân Hán Nôm dịch.
[3] Lê Tiến Công (2013), “Tìm thấy tư liệu quý về công tác tuần tra vùng biển tại Cù Lao Chàm- Tân Hiệp, Hội An”, Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 119.
[4] Chính Hòa là niên hiệu của vua Lê Hy Tông, làm vua từ 6/1675 - 1705, có hai niên hiệu Vĩnh Trị (1/1676 đến 9/1680), Chính Hòa (10/1680 đến 3/1705). Vĩnh Thịnh là niên hiệu của vua Lê Dụ Tông, ở ngôi từ 1705 - 1729. Ông có hai niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 - 1720) và Bảo Thái (1720 - 1729). Cảnh Hưng là niên hiệu của vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Ông chỉ có một niên hiệu duy nhất cũng là vị vua cuối của nhà Hậu Lê.
[5] Cục văn thư và lưu trữ nhà nước (1998), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2 (năm 1825-1826). NXB VHTT, tr. 369-370.
[6] Ngô Đức Chí dịch.
 
 

Tác giả: TS. Lê Tiến Công

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây