Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Tộc họ xóm tôi

Xa xưa, xóm tôi gọi là Cồn Chài, nay gọi là thôn Thanh Nam. Tên thôn nằm trong sổ bộ của xã. Còn tên Cồn Chài vẫn là thân thương thường gọi của người dân xóm tôi.
        Từ khi mình thành xóm Cồn Chài, các tộc họ ở ngày càng đông, họ đông nhất là họ Phạm Công. Trước đây, họ cử ra trưởng tộc để vận động bà con góp tiền của xây dựng nhà thờ tộc và làm lễ hội. Thế rồi chiến tranh xảy ra, xóm Cồn Chài bị địch tàn phá, tộc họ phải bỏ quê hương ra đi. Người thì tham gia kháng chiến, kẻ thì chuyển đến nơi khác làm ăn. Sau ngày hòa bình lặp lại, họ trở về nơi chôn nhau cắt rốn đoàn tụ lại trên xóm cũ thân yêu của mình. Tộc họ lại cử ra trưởng tộc để điều hành những công việc trong gia tộc, trong đó có việc tu sửa nhà thờ tộc bị hư hại trong chiến tranh. Hàng năm xuân thu nhị kỳ họ tổ chức lễ hội. Bà con ở xa ngoại tỉnh cũng nhớ ngày trở về dự. Học tập trung ở nhà thờ làm lễ tạ ơn những người có công khai khẩn khai cơ và có công trong các cuộc chống ngoại xâm với đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” lập ra xóm cồn chài và cầu mong trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa để xây dựng quê hương. Những buổi lễ phát động phong trào đánh bắt cá vụ Nam vào ngày 1/4 là ngày Bác Hồ về thăm làng cá, nhân dân trong xã kết hợp tổ chức lễ “Cầu Ngư”, tộc xóm tôi lại cử những thanh niên khỏe mạnh tham gia vào hội đua thuyền thống trên sông. Đêm đến tổ chức văn nghệ với “cây nhà là vườn” hái những bài dân ca  có nội dung mới phù hợp với địa phương và trình diễn vở “Hò đưa linh” hay còn gọi là “Hát bả trạo”, nhân dân trong xã kéo đến xem rất đông vui.

          Ngoài việc nhắc nhở con cháu trong tộc nhớ ơn công đức người xưa, trưởng tộc bây giờ biết đưa các chính sách của Nhà nước và động viên con cháu trong tộc thực hiện như: kế hoạch hóa gia đình. Những cặp vợ chồng nào sinh con một bề đều phải dừng lại ở 2 con để chăm sóc dạy dỗ. Việc nối nghiệp tông đường có tộc họ lo. Con cháu trúng tuyển nghĩa vụ quân sự được trưởng tộc mời đến nhà thờ làm lễ noi gương, kế thừa truyền thống, động viên con cháu lên đường và hứa hẹn hòa thành nhiệm vụ mới trở về. Ở xã có trưởng tiểu học, mỗi ngày hai buổi các cháu tung tăng cắp sách đến trường.

          Trưởng tộc còn biết rõ trong tộc có ai đói, ai nghèo để thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước đề ra. Hiện nay trong xóm tôi không còn diện đói. Con cháu tham gia các tổ chức quần chúng như: Chi đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân lao động và các hội khác đều được tộc động viên sinh hoạt đầy đủ. Có người trong tộc va chạm nhau mất đoàn kết hoặc vợ chồng có mối bất hòa, trưởng tộc biết được đều đứng ra giải hòa. Những ngôi nhà lợp tranh, vách đất trước đây nay dần dần được ngói hóa. Một sự kiện chưa từng có trong lịch sử xóm tôi từ khi khia thiên lập địa đến nay chưa bao giờ có điện. Bà con đều biết ơn Đảng và Nhà nước quan tâm đưa ánh sáng điện về làm cho dân xóm tôi được nâng lên. Hiện nay tộc họ và dân xóm tôi sống với nhau hiền hòa và ấm áp.

          Ngày nay, con người có thể đi trong vệ tinh nhân tạo đến các hành tinh xa xôi để tìm ra những bí ẩn của sự sống và mối liên kết tác động qua lại giữa các vì sao trong vũ trụ thì ở xóm tôi một cộng đồng người chung sống với nhau trên một diện tích nhỏ bé của bề mặt trái đất, đang tìm tòi một mô hình sinh hoạt giữa người với người nhằm vận dụng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Và, cũng đi tìm một mô hình về việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ở Xóm tôi./.
 
 

Tác giả: Nguyễn Vân Phi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây