Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Thông tin di tích miếu Bà ở khối Hoài Phô, phường Cẩm Phô

Miếu Bà hiện tọa lạc tại số 56B đường Nguyễn Thị Minh Khai, thuộc khối Hoài Phô, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Trong thời kỳ phong kiến, khu vực này thuộc phổ Xuân Thành, ấp Tu Lễ, làng Cẩm Phô, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Theo nội dung văn bia tại di tích cho biết cư dân phổ Xuân Thành, ấp Tu Lễ, xã Cẩm Phô đã tạo dựng ngôi miếu này để thờ vị thần Thiên Y Ngọc Nữ, tên gọi khác là Thiên Y A Na, là một vị nữ thần Champa. Nội dung văn bia ghi “Thiên Y Ngọc Nữ thượng miếu, bổn xã phường tùng tiền kiến trúc cổ hĩ. Thành Thái Đinh Mùi niên, Xuân Thành phổ hành tu bổ...” (Tạm dịch: Miếu Ngọc Nữ thượng do bổn xã xây dựng lên từ xưa. Đến năm Thành Thái Đinh Mùi (1907) phổ Xuân Thành tiến hành tu bổ).

Trong quá trình cộng cư, người Việt đã tiếp thu, biến đổi nhằm phù hợp với phong tục của người Việt. Vị nữ thần này đã được các vua triều Nguyễn ban sắc phong là: “Hoàng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần”. Ngoài thông tin về vị thần chủ tại ngôi miếu qua nội dung văn bia là vị Thiên Y A Na, hiện trạng tại bàn thờ trong gian hậu tẩm còn có 08 linh tượng, các tượng này đều là tượng nữ thần và một bài vị Ngũ Hành Tiên Nương.

Các vị cao niên sinh sống lân cận di tích cho biết trước đây tại bàn thờ gian hậu tẩm có 05 tượng Bà Ngũ Hành Tiên Nương và bài vị Ngũ Hành Tiên Nương, sau trận lụt lớn năm 1999, bà con dọn vệ sinh ngôi miếu đã phát hiện thêm 03 linh tượng từ đâu trôi dạt vào, bèn thỉnh các linh tượng này lên thờ trên bàn thờ gian hậu tẩm đến ngày nay.

Ngũ Hành Tiên Nương là tên gọi chung cho năm vị nữ thần, bao gồm: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi. Dân gian gọi chung năm Bà là Bà Ngũ Hành. Vào năm Duy Tân thứ 5 (1911), vị Ngũ Hành Tiên Nương được triều đình nhà Nguyễn gia tặng mỹ tự: “Tán Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyên Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần”. Ngũ Hành trong quan niệm dân gian liên quan tới mọi mặt đời sống con người, vì vậy cần phải thờ cúng Ngũ Hành và cầu mong Bà phù hộ, độ trì trong việc làm ăn, cầu sức khỏe, may mắn, tránh rủi ro, hoạn nạn.

Theo tư liệu điều tra của Viện Viễn Đông Bác Cổ về làng xã ở Quảng Nam giai đoạn những năm 1941 đến 1943 cho biết tại xã Cẩm Phô có sắc phong cho 06 vị nữ thần, gồm có: “Đại Càn Quốc gia Tứ vị thánh nương, Thiên Y A Na, Ngũ Hành Tiên Nương, Bạch Thố Kim tinh, Cửu Thiên huyền nữ, Cô Ngọc Nữ”.

Căn cứ những thông tin thu thập được như trên có thể khẳng định ngôi miếu này thờ nữ thần; thần chủ là vị Thiên Y Ngọc Nữ, phối thờ vị Ngũ Hành Tiên Nương. Có thể nói quá trình tiếp thu tín ngưỡng thần Mẹ Xứ Sở Po Yan Inư Nagar của cư dân Champa đã diễn ra từ thuở đầu khi cư dân Việt chuyển dịch về phương Nam định cư, cho đến các đời vua Nguyễn việc chuyển hóa các vị nữ thần Champa thành nữ thần Việt ngày càng mạnh mẽ thông qua các câu chuyện thần thoại Việt hóa các vị nữ thần Champa.

Về niên đại xây dựng ngôi miếu, theo nội dung trên xà cò và văn bia cho biết ngôi miếu này được xây dựng vào thời vua Tự Đức năm thứ 22 (1869), được trùng tu tôn tạo vào thời vua Thành Thái năm thứ 19 (1907), đến  thời vua Bảo Đại năm thứ 20 (1945) lại trùng tu và lập văn bia lưu truyền đến ngày nay. Xà cò khắc hai dòng chữ Hán: “Tự Đức nhị thập nhị niên tuế thứ Kỷ Tỵ hạ nguyệt cốc đán Cẩm Phô xã bổn xã đồng kiến lập/Thành Thái Đinh Mùi niên lục nguyệt cốc đán Cẩm Phô xã Xuân Sanh phổ đồng trùng tu tạo”.

Qua những thông tin trên, có thể nhận thấy khu vực này xuất hiện hai tên gọi: phổ Xuân Sanh và phổ Xuân Thành. Trước hết, đối chiếu theo nội dung xà cò, trong đó có ghi vào năm Thành Thái, Đinh Mùi niên (1907) xã Cẩm Phô và phổ Xuân Sanh cùng trùng tu ngôi miếu. Theo nội dung trên văn bia lập thời Bảo Đại năm thứ 20 (1945) chỉ nhắc đến địa danh phổ Xuân Thành mà không thấy đề cập phổ Xuân Sanh.

Ngôi miếu có mặt tiền xoay về hướng Đông - Nam, tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai. Kiến trúc ngôi miếu được xây dựng theo kiểu ba gian, gồm có: hiên, tiền đường và hậu tẩm. Kết cấu miếu gồm tường biên xây gạch, tường quét vôi màu vàng, nền lát gạch đỏ, mái lợp ngói âm dương; bờ nóc cong, trên bờ nóc trang trí đồ án “Lưỡng Long triều dương” được đắp cẩn sành sứ mềm mại, tinh xảo; bờ chảy cong nhẹ, giật cấp tại vị trí giao nhau với đầu bờ hồi, đầu bờ chảy trang trí đề tài con lân được cẩn sứ. Hệ khung chịu lực chính của ngôi miếu bằng gỗ. Hệ cửa mặt tiền kiểu “thượng song hạ bản”. Bên trong tiền đường bố trí 02 bàn thờ, quần bàn vẽ đề tài bình hoa, trái cây, chim chóc. Hai bên tường biên có hai bia đá khắc các đại tự chữ Hán. Tiền đường và Hậu tẩm ngăn cách bằng hệ cửa gỗ. Bên dưới đòn đông gắn thanh xà cò. Bên trong hậu tẩm bố trí 01 bàn thờ, bên trên có khám thờ bằng gỗ sơn màu đỏ, quần bàn viết chữ đại tự chữ Phúc, trên bàn thờ đặt 08 tượng nữ thần và bài vị Ngũ Hành Tiên Nương.

Trải qua thăng trầm thời cuộc, sự khắc nghiệt của vùng đất chịu nhiều tác động của thiên nhiên hằng năm nhưng ngôi miếu vẫn hiện diện như một chứng tích lịch sử của vùng đất Hội An, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Hội An nói chung, tín ngưỡng thờ nữ thần nói riêng; đặc biệt qua đó còn thể hiện sự giao thoa, tiếp biến văn hóa trong tín ngưỡng thờ nữ thần ở Hội An trong tiến trình lịch sử. Ngôi miếu còn là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương góp phần gắn kết, thắt chặt tình cảm thân thương, tình nghĩa xóm giềng. Dưới góc độ kiến trúc - nghệ thuật, ngôi miếu góp phần làm phong phú về mặt kiến trúc xây dựng, nghệ thuật trang trí của loại hình miếu thờ ở Hội An.
 
Mieu Ba

Mieu Ba

Mieu Ba

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây