Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Tết Nguyên Tiêu ở Hội An

Hằng năm, sau ngày khai hạ mồng 7 tháng giêng, người dân Hội An nô nức chuẩn bị ăn tết Nguyên Tiêu. Đây vừa là dịp lễ hội, vừa là ngày cúng tế cầu an, tế tự tại nhiều di tích tín ngưỡng và một số hội quán của người Hoa.
          Nguyên Tiêu (Nguyên là đầu tiên, Tiêu là đêm), Nguyên Tiêu là đêm rằm đầu tiên của một năm, rằm tháng Giêng. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng nguyên, vì Nguyên Tiêu đứng đầu trong Tam nguyên: Thượng nguyên - rằm tháng giêng; Trung nguyên - rằm tháng bảy; Hạ nguyên - rằm tháng mười. Theo quan niệm dân gian, Tết Thượng nguyên là ngày Thiên quan tứ phước, ngày các quan trời ban bố phước lành cho khắp cả nhân gian. Do vậy phải tổ chức cúng tế cầu an, cầu phước, đồng thời mở hội vui chơi để chuẩn bị bước vào công việc của năm mới với ước vọng vạn sự như ý.
 
 
Người dân và du khách đến viếng Chùa Ông vào dịp tết Nguyên Tiêu - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
         Ở Hội An, vào dịp Nguyên Tiêu các đình làng, chùa chiền và hội quán đều tổ chức cúng tế long trọng, giăng đèn kết hoa rực rỡ, không khí chuẩn bị nhộn nhịp vui tươi chẳng khác gì những ngày giáp Tết Nguyên đán. Đặc biệt các bang Quảng Triệu, Triều Châu không chỉ tổ chức cúng cầu mong an bình thịnh vượng mà đồng thời là ngày tế tự Tiền hiền và làm ngày gặp mặt thường niên của con cháu xa gần trong bang. Ở mỗi hội quán đều trang trí cờ hoa rực rỡ, đèn lồng nhiều màu sắc, bên trong các khám thờ cũng được trang hoàng lộng lẫy, trang nghiêm. Lễ vật được bày biện chỉnh tề, trên án thờ gồm có: heo quay, bánh bao, hương hoa, trà quả và những món ăn mang sắc thái của từng bang. Lễ tế thường diễn ra vào khoảng 10 - 11 giờ trưa. Trong giờ tế lễ tất cả bà con trong bang đều tập trung về trước điện, y phục chỉnh tề cùng nhau vái lạy thần thánh, tổ tiên. Sau phần tế lễ là thời gian hội hè rất sôi nổi vui tươi với nhiều hoạt động như: Múa lân, ca hát, xổ số, xin lộc làm ăn và cầu mong cho gia đình hạnh phúc, bình an vô sự. Ở Quan Công miếu và các hội quán khác cũng nghi ngút khói hương, khách thập phương ra vào tấp nập cầu an xin lộc đầu năm. Tết Nguyên Tiêu cũng là ngày cúng tế lớn của đạo Phật bởi quan niệm cho rằng “lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Hằng năm, đến dịp Thượng nguyên, ở các chùa đều tổ chức lập đàng cầu Phật tụng kinh, các sư thầy chủ trì tụng niệm với sự tham gia của đông đảo thiện nam tín nữ để cúng nhương sao giải hạn, trừ tai ách, cầu mong đức Phật phù hộ độ trì, gia đình được bình yên.
 
 
Người dân và du khách dâng lễ tại Chùa Ông vào dịp tết Nguyên Tiêu - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
         
          Ở các đình làng, miếu xóm, nhân dân cũng tổ chức tạ thổ kỳ yên đầu năm, cúng tế Thần Nông, Tiên Thánh, Thành Hoàng làng, cầu mong mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, quốc thái dân an.

          Tết Nguyên Tiêu tuy có nguồn gốc từ nhiều quan niệm khác nhau, nhưng có cùng một đặc điểm chung đó là nhân ngày rằm đầu tiên của một năm, người dân bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với chư Phật, chư thần, các vị tiền nhân... cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc đồng thời tổ chức lễ hội mừng xuân để chuẩn bị bước vào một năm sinh sống làm ăn mới. Vì vậy lễ hội này mang tính văn hóa tinh thần rất lớn cần phải được duy trì phát huy để góp phần làm phong phú đời sống văn hóa ở Hội An.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây