Những thách thức của thành phố Di sản thế giới Hội An - thực trạng và giải pháp
- Thứ hai - 24/07/2017 03:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. Đặt vấn đề
Thành phố Hội An nằm ở khu vực miền Trung - Việt Nam, thuộc tỉnh Quảng Nam, với diện tích 60km2, dân số hơn 92.000 người phân bố trên 9 phường, 4 xã, trong đó có 1 xã đảo. Tại đây, có một khu phố cổ minh chứng cho sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong nhiều thế kỷ (từ thế kỷ XVI - XIX) được bảo tồn nguyên vẹn và UNESCO ghi danh là di sản văn hoá thế giới năm 1999 và vùng đảo Cù Lao Chàm - Hội An còn gìn giữ một hệ sinh thái trên cạn, dưới nước phong phú, đa dạng, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2009.
Thành phố Hội An nằm ở khu vực miền Trung - Việt Nam, thuộc tỉnh Quảng Nam, với diện tích 60km2, dân số hơn 92.000 người phân bố trên 9 phường, 4 xã, trong đó có 1 xã đảo. Tại đây, có một khu phố cổ minh chứng cho sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong nhiều thế kỷ (từ thế kỷ XVI - XIX) được bảo tồn nguyên vẹn và UNESCO ghi danh là di sản văn hoá thế giới năm 1999 và vùng đảo Cù Lao Chàm - Hội An còn gìn giữ một hệ sinh thái trên cạn, dưới nước phong phú, đa dạng, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2009.
Trong những năm qua, chính quyền thành phố luôn chú trọng công tác bảo tồn khu di sản bằng nhiều biện pháp, cả về ban hành các văn bản quản lý; xây dựng cơ chế hỗ trợ (các chủ di tích) tu bổ các di tích xuống cấp với mức hỗ trợ từ 40 - 75% tổng kinh phí đầu tư; tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư chung tay bảo tồn di sản; tạo điều kiện và cơ chế để ngày càng có nhiều người hơn được hưởng lợi từ di sản; nghiên cứu, xác định giá trị và phục hồi một số hình thức văn hóa phi vật thể của địa phương,… Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp và có sự đồng thuận cao của cộng đồng, đến nay, khu Di sản văn hóa thế giới Hội An cơ bản đã thoát khỏi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, các hoạt động phát huy giá trị di sản được thúc đẩy mạnh mẽ, nhiều sản phẩm du lịch gắn với di sản được đầu tư, phát triển, góp phần thu hút lượng khách đến Hội An ngày càng đông, chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Bằng chứng rõ nhất là, lượng khách du lịch đến ngày càng đông được thể hiện qua biểu đồ (xem Biều đồ 1):
Việc bảo tồn di sản văn hoá Hội An đã mang lại những thành công nhất định, giải quyết được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, đáp ứng đời sống dân sinh, nhưng thực tế, đã xảy ra không ít những khó khăn, thách thức, những hiểm họa, nguy cơ đến từ thiên nhiên và con người mà các nhà quản lý khó có thể kiểm soát, ứng phó phù hợp và kịp thời.
2. Những thách thức của thành phố di sản thế giới Hội An
2.1 Thách thức do điều kiện tự nhiên
Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão lụt, bình quân mỗi năm, nơi đây phải nhận từ 2 - 3 trận lụt và cũng chừng ấy cơn bão lớn, nhỏ. Ngoài ra, nhiều yếu tố bất lợi từ khí hậu khắc nghiệt của miền Trung: nắng - nóng - ẩm, cùng với hỏa hoạn và mối mọt, là những mối hiểm họa thường xuyên, không thể tránh khỏi, là những thách thức hàng đầu đối với sự tồn tại của quần thể khu phố cổ đa phần là các ngôi nhà, di tích bằng gỗ - trên dưới 100 năm tuổi, nằm trên một nền địa chất không ổn định.
Sự chuyển đổi, bồi lấp của các dòng sông, dòng chảy còn là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng vào mùa khô; gây sạt lở bờ sông, đe dọa đến các làng quê, làng nghề truyền thống nằm ven các tuyến sông và ngay cả đối với Khu phố cổ.
2.2 Thách thức do tác động của con người
Với ý nghĩa là khu di sản sống, sự thay đổi trong nếp sống của người dân là thách thức lớn nhất, bởi hiện nay, hơn 82% các di tích trong khu phố cổ thuộc sở hữu của người dân. Chính vì vậy, quá trình bảo tồn di sản Hội An cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Việc tu bổ, sửa chữa di tích, trong thời gian gần đây diễn ra với tốc độ quá nhanh, vì mục tiêu kinh doanh, hoạt động thương mại, kể cả nhu cầu của cuộc sống hiện đại mà việc cải tạo, sửa chữa, sử dụng ngôi nhà - di tích có nhiều sai phạm về nguyên tắc bảo tồn, vi phạm tính lịch sử, tính nguyên gốc của di tích.
Việc sử dụng di tích sai chức năng, việc mua bán, chuyển nhượng di tích trong một số trường hợp đã biến những ngôi nhà cổ gắn với những giá trị văn hóa gia đình truyền thống nhiều thế hệ ở Hội An thành những cơ sở thuần túy chuyên về trưng bày, mua bán hàng hóa. Tình trạng thay đổi chủ sở hữu từ những người sống lâu năm trong ngôi nhà cho những người chủ mới từ nơi khác đến ngày càng phổ biến. Những việc làm này đang xâm hại đến các giá trị văn hoá truyền thống của Hội An về lối sống, sinh hoạt văn hoá, phong tục tập quán, ứng xử, ẩm thực,...
Trong quá trình phát triển thì lợi ích mang lại cho các chủ di tích cũng chưa thật công bằng. Sự chênh lệch về thu nhập, lợi ích từ khu di sản đang diễn ra giữa những ngôi nhà mặt tiền trên các trục đường chính với những ngôi nhà nằm trong kiệt, hẻm, giữa khu phố cổ và các vùng ven. Rõ ràng là, nếu trách nhiệm bảo tồn di sản là như nhau thì việc hưởng lợi từ di sản cũng phải được giải quyết một cách hài hòa, hợp lý.
Mặc dù được quan tâm từ khá sớm, nhưng do nhiều nguyên nhân, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể ở Hội An hoặc bị lãng quên, hoặc bị phủ nhận nên đã thất truyền, mai một đi rất nhiều. Một số làng nghề thủ công truyền thống chỉ hoạt động cầm chừng. Một số nghệ nhân cao tuổi đã lần lượt từ trần... Nhiều loại hình diễn xướng dân gian có nguy cơ mai một,... Nhiều chủ trương và chính sách về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đã được đưa vào chiến lược nhưng quy mô chưa tương xứng; các dự án đầu tư nghiêng về khai thác vì mục tiêu kinh tế mà chưa đề cao và khai thác bản sắc văn hóa, chưa phát huy sức mạnh và tính tích cực của cộng đồng.
3. Định hướng giải pháp cho thành phố di sản thế giới Hội An
3.1 Định hướng giải pháp vấn đề về tự nhiên
Tự nhiên là môi trường sống của con người. Mọi ứng xử của con người đối với thiên nhiên sẽ quyết định sự tồn tại cũng như mọi giá trị văn hoá mà con người gây dựng trong môi trường này. Vì vậy, bước đầu tiên trong việc bảo tồn di sản là nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên.
Không một mô hình quản lý nào hợp lý nếu không dựa vào những kinh nghiệm, tri thức bản địa, bởi chính cộng đồng ở nơi đó trong quá trình sống và tương tác với môi trường tự nhiên họ mới cảm nhận đầy đủ những gì mà tự nhiên ban tặng. Nếu áp đặt mô hình quản lý đi ngược với quy luật của tự nhiên, thì bản thân cộng đồng nơi đó sẽ phải chịu hậu quả. Vì vậy, cần phải đầu tư nghiên cứu các loại hình văn hoá mà con người đã tích luỹ trong quá trình tương tác với tự nhiên, để từ đó vừa nhân rộng, truyền thụ cho các thế hệ con cháu trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời có thể khai thác để trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của khu di sản Hội An.
Việc xây dựng cầu Cửa Đại, cầu Cẩm Kim hay mở rộng các khu vực Ngọc Thành, An Hội tưởng chừng là sự phát triển kinh tế tất yếu của một đô thị, nhưng nhìn lại một số bất cập đã xảy ra để cần phải chú trọng đến một số vấn đề, như: hệ sinh thái ở các vùng Cẩm Thanh, Cẩm Kim có nguy cơ bị xâm hại; tầm nhìn về phía Tây của khu phố cổ bị phá vỡ; lượng người buôn bán đông khiến phố cổ thêm chật chội; mật độ cây xanh giảm;… Với bài học rút ra từ phát triển đô thị, di sản Hội An cần quan tâm đến không gian xanh của khu phố; đầu tư, bảo tồn và gìn giữ các làng quê, làng nghề để hướng đến một thành phố sinh thái - văn hoá - du lịch trong tương lai.
Qua nghiên cứu, có thể thấy, việc ứng phó với thiên tai là việc làm khó, vì vậy, một kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa cho khu di sản cần được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Không chỉ có không gian xanh là mật độ cây xanh che phủ khắp thành phố mà bên cạnh đó, các loài động thực vật hiện có, nằm trong danh mục bảo vệ của khu dự trữ sinh quyển cũng cần được bảo vệ, nhân giống. Ngoài ra, việc xử lý môi trường nước, không khí cũng cần có các dự án triển khai thực hiện để đảm bảo một môi trường sinh thái cho các loài động thực vật và con người sinh sống.
3.2 Định hướng giải pháp cho vấn đề về văn hóa
Công tác đầu tư vào hoạt động bảo tồn di sản văn hóa vật thể ở Hội An trong thời gian qua rất lớn. Tuy nhiên, kỹ thuật tu bổ di tích cần phải đạt chất lượng cao hơn nữa về khoa học bảo tồn, tránh tình trạng tu bổ ồ ạt, xây mới, giả cổ,…
Đầu tư cho việc phát huy những đặc trưng văn hoá ở các xã, phường để mỗi xã, phường đều có những giá trị văn hóa tiêu biểu nhằm khai thác, thúc đẩy ngành kinh tế dịch vụ - du lịch phát triển đồng đều trên toàn thành phố. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo tồn di tích; tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Việc bảo tồn di sản văn hóa Hội An bên cạnh trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, phải chú ý đề cao và tạo mọi điều kiện phát huy hơn nữa trách nhiệm của cộng đồng người dân Hội An.
Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn di tích, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu về di tích, các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ thuật viên, thợ nghề, nghệ nhân, những người làm công tác bảo vệ di tích ở địa bàn xã, phường,…
Tiếp tục triển khai việc kiểm kê, nhận diện, sưu tầm toàn diện các giá trị văn hoá phi vật thể của Hội An. Lựa chọn những giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu để khôi phục và biến thành sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An phục vụ cho việc phát triển kinh tế.
Một thoáng phố cổ Hội An - Ảnh: Tư liệu Cục Di sản Văn hóa
4. Kết luận
Quá trình phát triển bao giờ cũng phải đối mặt với những thách thức và hạn chế, đòi hỏi phải sáng tạo, đổi mới tư duy, phương pháp thực hiện để nhằm hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Để bảo tồn bền vững Di sản văn hóa thế giới Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - Hội An, cần nhận thức rằng, bên cạnh việc tạo sự đồng thuận, chung tay, góp sức của cộng đồng, của các bên liên quan; việc nhận thức, xác định các nguy cơ ảnh hưởng đến các giá trị của khu di sản cũng hết sức quan trọng, nhất là đối với khu di sản sống thì quản lý di sản cần có một mô hình quản lý và những định hướng giải pháp phù hợp. Những giải pháp đưa ra chỉ mang tính định hướng và trong tương lai cần phải thực hiện chi tiết, cụ thể để thành phố di sản thế giới Hội An xứng tầm là thành phố sinh thái - văn hoá - du lịch tiêu biểu./.
Tài liệu tham khảo:
1- A.A. Radughin (chủ biên) 2004, Văn hoá học những bài giảng, Viện Văn hoá Thông tin.
2- Đỗ Thị Ngọc Uyển (2013), “Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá Hội An”, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn hoá học.
3- Nguyễn Bảo Lâm (2010), “Vai trò của sông nước trong việc kết nối không gian những giá trị của Hội An”, bài tham luận Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tìm mô hình quy hoạch và phát triển bền vững thành phố Hội An”.
4- Nguyễn Hoàng Trí (2010): Các khu sinh quyển thế giới “Tư duy hệ thống - cảnh quan - điều phối liên ngành - kinh tế chất lượng”, bài tham luận Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tìm mô hình quy hoạch và phát triển bền vững thành phố Hội An”.
5- Trần Quốc Vượng (1998), Việt Nam cái nhìn địa - văn hoá,
Nxb. Văn hoá Dân tộc.
6- UBND thành phố Hội An (1995 - 2015), Niên giám thống kê.
7- UBND thành phố Hội An (2009), Đề án “Xây dựng thành phố Hội An - thành phố sinh thái”.
Trích tạp chí: Di sản Văn hóa số 1 (58) - 2017