Nhớ biển
- Thứ hai - 13/02/2017 02:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giữa năm 2013 bãi biển Cửa Đại được tạp chí Trip Advisor (Mỹ) tôn vinh là một trong 25 bãi biển đẹp nhất châu Á với đánh giá “Sự bình yên tĩnh lặng cùng vẻ đẹp được thiên nhiên ưu đãi đã giúp bãi biển Cửa Đại của Việt Nam luôn nằm trong top những bãi biển đẹp nhất trong khu vực”
Tuy nhiên không phải đợi đến năm 2013 mà trước đó gần 4 thế kỷ, biển Hội An đã nổi tiếng là vùng biển, hải cảng đẹp. Cristoforo Borri, giáo sĩ người Ý trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 đã viết: “Còn về hải cảng thì thật lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm[1] một chút mà người ta đếm được khoảng hơn 60 cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Người ta cập bến bằng 2 cửa biển, một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Puluciambello (Hội An)”.
Đến đầu thế kỷ 20, ông vua tùy bút Nguyễn Tuân trong chặng đường lãng du của mình đã nghỉ chân tại Cửa Đại năm, sáu ngày liền và để lại tùy bút Cửa Đại nổi tiếng, trong đó nhà văn ca ngợi: “… Ở đây, người ta đi tắm là đi tắm. Hít gió ở đây là một cứu cánh chứ không phải là một phương tiện trá hình của đám trưởng giả. Ở đây chỉ có cát vàng, cây xanh, sóng trắng đầu. Cảnh tự nhiên chưa bị hoen ố bởi những tấm biển quảng cáo. Tạo vật được kính trọng cả trong những tiếng động. Ngoài cái bản đàn của sóng khơi và gió ngàn thông tịnh không có tiếng âm nhạc hỗn xược của nhà khiêu vũ hay của khách sạn mà mỗi lúc say sưa người ta lấy dao, lấy thìa, lấy chĩa ba mà gõ vào miệng cốc, thành dĩa để bắt chước cái tiếng động một chiếc máy chữ của những nước cơ khí hóa đến cả tấm lòng”[2]
Thời học sinh trung học trước năm 1975, thỉnh thoảng chúng tôi lại kéo nhau xuống biển Cửa Đại, khi đó hình như được gọi là bãi tắm Phước Trạch để vui đùa. Thời điểm này con đường xuống biển thuộc diện mất an ninh và hạn chế đi lại nhưng điều ấy không ngăn được bước chân của lũ học sinh nghịch ngợm. Trong trí nhớ của tôi con đường xuống biển lúc ấy khá dài. Hết cầu Đỏ lại qua cầu Đen. Nối giữa 2 chiếc cầu là con đường ngang qua 1 bãi sông rộng. Những ngày nước cạn, từng đàn còng sông, chúng tôi gọi là con học trò chui ra khỏi hang đi kiếm ăn đầy bãi phô một rừng càng đỏ tươi như một đám hoa rực rỡ. Một khi có bóng người thì a - lê - hấp, đám hoa bổng dưng biến mất dưới đám bùn đất như một phép lạ. Ngăn cách giữa bãi tắm với xóm dân thưa thớt là một chiếc cổng lớn bằng ciment kiểu như những cổng chào hiện nay. Từ cổng ra bãi tắm phải băng qua một cồn cát cao nhấp nhô như một con đê chạy dọc bờ biển trồng đầy dương liễu xen với những bụi cây dứa dại và một số loại cây thấp tạo thành những lùm bụi điểm xuyết màu xanh cho nền cát trắng. Còn cỏ lông chông và rau muống biển thì bò tràn lan mọi nơi. Rừng dương lúc ấy rất rộng và rợp mát, mỗi khi có gió biển thổi vào các cành lá đung đưa tạo thành một âm thanh du dương như bản đàn thiên nhiên của biển cả. Các cồn cát thì cao ngất ngưỡng, có chỗ tạo thành những dốc cát có thể chơi trò cầu tụt từ trên đỉnh tụt xuống bãi biển bên dưới. Còn bãi biển thì rộng thênh thang đủ để các chú còng gió chạy mỏi chân khi bị rượt đuổi và những bông cỏ lông chông tha hồ lăn như bay trên cát trắng cho đến hút tầm mắt. Cái cồn cát và bãi biển ấy cho đến năm 1995 vẫn còn…
Đến đầu thế kỷ 20, ông vua tùy bút Nguyễn Tuân trong chặng đường lãng du của mình đã nghỉ chân tại Cửa Đại năm, sáu ngày liền và để lại tùy bút Cửa Đại nổi tiếng, trong đó nhà văn ca ngợi: “… Ở đây, người ta đi tắm là đi tắm. Hít gió ở đây là một cứu cánh chứ không phải là một phương tiện trá hình của đám trưởng giả. Ở đây chỉ có cát vàng, cây xanh, sóng trắng đầu. Cảnh tự nhiên chưa bị hoen ố bởi những tấm biển quảng cáo. Tạo vật được kính trọng cả trong những tiếng động. Ngoài cái bản đàn của sóng khơi và gió ngàn thông tịnh không có tiếng âm nhạc hỗn xược của nhà khiêu vũ hay của khách sạn mà mỗi lúc say sưa người ta lấy dao, lấy thìa, lấy chĩa ba mà gõ vào miệng cốc, thành dĩa để bắt chước cái tiếng động một chiếc máy chữ của những nước cơ khí hóa đến cả tấm lòng”[2]
Thời học sinh trung học trước năm 1975, thỉnh thoảng chúng tôi lại kéo nhau xuống biển Cửa Đại, khi đó hình như được gọi là bãi tắm Phước Trạch để vui đùa. Thời điểm này con đường xuống biển thuộc diện mất an ninh và hạn chế đi lại nhưng điều ấy không ngăn được bước chân của lũ học sinh nghịch ngợm. Trong trí nhớ của tôi con đường xuống biển lúc ấy khá dài. Hết cầu Đỏ lại qua cầu Đen. Nối giữa 2 chiếc cầu là con đường ngang qua 1 bãi sông rộng. Những ngày nước cạn, từng đàn còng sông, chúng tôi gọi là con học trò chui ra khỏi hang đi kiếm ăn đầy bãi phô một rừng càng đỏ tươi như một đám hoa rực rỡ. Một khi có bóng người thì a - lê - hấp, đám hoa bổng dưng biến mất dưới đám bùn đất như một phép lạ. Ngăn cách giữa bãi tắm với xóm dân thưa thớt là một chiếc cổng lớn bằng ciment kiểu như những cổng chào hiện nay. Từ cổng ra bãi tắm phải băng qua một cồn cát cao nhấp nhô như một con đê chạy dọc bờ biển trồng đầy dương liễu xen với những bụi cây dứa dại và một số loại cây thấp tạo thành những lùm bụi điểm xuyết màu xanh cho nền cát trắng. Còn cỏ lông chông và rau muống biển thì bò tràn lan mọi nơi. Rừng dương lúc ấy rất rộng và rợp mát, mỗi khi có gió biển thổi vào các cành lá đung đưa tạo thành một âm thanh du dương như bản đàn thiên nhiên của biển cả. Các cồn cát thì cao ngất ngưỡng, có chỗ tạo thành những dốc cát có thể chơi trò cầu tụt từ trên đỉnh tụt xuống bãi biển bên dưới. Còn bãi biển thì rộng thênh thang đủ để các chú còng gió chạy mỏi chân khi bị rượt đuổi và những bông cỏ lông chông tha hồ lăn như bay trên cát trắng cho đến hút tầm mắt. Cái cồn cát và bãi biển ấy cho đến năm 1995 vẫn còn…
Năm 2014, khách sạn Victoria tổ chức Hội thi diều nghệ thuật lần thứ X với chủ đề bảo vệ môi trường sinh thái biển và bãi biển. Các đơn vị, cá nhân tham gia nhiều hơn các năm trước nhưng bãi biển lại chật chội, không đủ chỗ để thực hiện các thao tác thả diều. Lúc này giật mình nhìn lại mới thấy bãi biển bị thu hẹp đến không ngờ. Một số người làm việc lâu năm ở khách sạn cho biết so với lúc mới xây dựng thì bãi biển đã lùi vào đất liền đến vài trăm mét. Khi ấy có người đã lo lắng rằng sang năm sẽ không còn bãi biển để thả diều. Và điều đáng buồn đó đã xảy ra trong sự không mong muốn của mọi người. Cuối năm 2014 là thời điểm đánh dấu sự sạt lỡ không phương ngăn chặn của bãi biển Cửa Đại, một bãi biển mà trước đó chỉ một năm đã được vinh danh là một trong 25 bãi biển đẹp nhất châu Á.
Theo những người cao tuổi của địa phương thì trước đây việc bồi lỡ là chuyện bình thường. Nay lỡ mai bồi, bên lỡ bên bồi là chuyện của đất trời, bãi biển vẫn hoàn nguyên không việc gì phải lo lắng. Thế nhưng lần này việc sạt lỡ lại không theo “truyền thống” và trái với quy luật vốn có, ngày càng nghiêm trọng khó cứu vãn mặc dầu đã tốn nhiều công sức và biện pháp, kể cả về tâm linh và kỹ thuật. Con người dường như bất lực trước sự giận dữ của thiên nhiên. Mà thiên nhiên giận dữ, phẫn nộ vì chuyện gì?
Sau 3 cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế các nhà khoa học đã đi đến kết luận chung là không nên đổ lỗi hoàn toàn cho biến đổi khí hậu, cho hiện tượng thời tiết cực đoan mà phải xác định nguyên nhân chủ yếu là do con người gây nên như khai thác cát ở hạ lưu sông Thu Bồn – Vu Gia; phá rừng, ngăn nước đầu nguồn để làm thủy điện, xây các công trình trên bãi biển… Tất cả đã làm hao hụt lượng cát cần thiết để bồi đắp cho bãi biển hàng năm. Một nguyên nhân nữa theo tôi cần phải được đề cập là việc cải tạo môi trường tự nhiên của con người đã làm mất đi hệ thống tự bảo vệ chống sạt lỡ tại chỗ như các dãi cồn cát ven bờ và hệ động thực vật đặc thù gắn với môi trường bãi biển như rau muống biển, cỏ biển, dứa dại, dương liễu, còng biển, nhông cát v.v…
Bây giờ việc bảo vệ, giữ gìn bờ biển Cửa Đại, bờ biển Hội An trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. 7 km bờ biển của Hội An theo phân chia địa giới hành chính hiện nay đã sạt lỡ gần 1 nửa. Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của bên ngoài, của các cấp, các tổ chức chuyên ngành trong nước và quốc tế, thiết nghĩ cần phát động một chương trình hành động toàn cộng đồng cư dân địa phương chung tay cứu nguy bãi biển bằng những việc làm cụ thể, thiết thực có hiệu quả, từ việc giữ lại không san lấp tiếp các cồn cát, nỗng cát hiện còn đến việc tái tạo hệ thực vật có chức năng chắn gió, giữ cát đặc hữu như rau muống biển, dứa dại, dương liễu, cỏ biển,… từ việc cân nhắc, dự lường hậu quả trong xây dựng các công trình gần biển đến việc giữ gìn môi trường sinh thái biển và bãi biển kể cả việc bảo vệ giống còng biển - những công nhân vệ sinh cần mẫn đang bị một số người đào bắt hàng ngày… Hãy cứu bãi biển thân yêu và xinh đẹp của chúng ta khi chưa quá muộn. Đừng để mất tài nguyên bãi biển và môi trường sinh thái biển đảo bởi một thứ giặc nội xâm nằm trong ý thức và hành động không tôn trọng tự nhiên, không tôn trọng quy luật thiên nhiên của mỗi con người./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền