Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Nhìn lại vai trò của người Nhật ở thương cảng Faifo – Hội An vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII

Lâu nay, khi nghiên cứu về Đô thị - thương cảng Faifo - Hội An nhiều ý kiến cho rằng thương nhân Trung Hoa là những khách hàng chính tạo nên sự hưng thịnh một thời của thương cảng này. Nhận định này có thể đúng khi nhìn toàn quá trình và toàn cục nhưng xét vào những thời điểm nhất định, cụ thể là vào giai đoạn khởi phát của thương cảng Faifo - Hội An vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII thì có một số vấn đề cần phải làm rõ, trong đó có vấn đề về vai trò của người Nhật trong việc kích hoạt hoạt động mậu dịch nơi đây.
          Sự hưng thịnh của thương cảng Faifo - Hội An xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả bên trong lẫn bên ngoài. Nguyên nhân nội tại là sự thuận lợi về cửa biển, bến cảng, sự dồi dào của nguồn hàng, sự mở cửa và xu hướng mở rộng quan hệ ngoại thương quốc tế của các chúa Nguyễn. Nguyên nhân bên ngoài là sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới hải thương thời kỳ đại thương mại vào thế kỷ XVI - XVII và nhu cầu tìm kiếm thị trường ở khu vực Đông Nam Á của thương nhân nước ngoài. Tổng hợp tất cả các yếu tố nội - ngoại sinh đó đã dẫn đến sự hưng khởi của thương cảng Faifo - Hội An vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII và kéo dài cho đến các thế kỷ XVIII, XIX sau này. Một trong những dấu hiệu của sự hưng thịnh này là sự có mặt đông đảo của thương nhân nước ngoài đến từ nhiều quốc gia ở phương Đông cũng như phương Tây. Trong đó nhiều tư liệu cho thấy các thương nhân Nhật Bản có vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu khởi phát của thương cảng này.

          Tư liệu thứ nhất là bức tranh cuộn Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ của dòng họ Chaya (Trà Ốc) miêu tả hành trình vượt biển từ Nagasaki đến buôn bán ở Giao Chỉ, Đàng Trong. Bức tranh có niên đại đầu thế kỷ XVII đang được lưu giữ ở chùa Jomyo-ji, Nhật Bản (1).. Trong bức tranh có một đoạn vẽ phố người Nhật và phố người Hoa ở Hội An. Phố người Nhật được ghi là Nhật Bản đinh (日本町) và phố người Hoa được ghi là Đường Nhân đinh (唐人町). Đường nhân, người Đường là một khái niệm dùng để chỉ các nhóm cộng đồng người Hoa ở hải ngoại không phân biệt họ là người Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Nguyên nhân hình thành khái niệm được lý giải:

          “…những ảnh hưởng văn hóa và kinh tế của nhà Đường đến các quốc gia khu vực là khá mạnh mẽ. Các hoạt động đó đã góp phần thúc đẩy quan hệ giao thương giữa các quốc gia, khu vực. Điều có thể thấy được là, các khái niệm như Đường nhân (Tojin), Đường nhân phố (Tojin machi), Đường thuyền (Tosen) cũng bắt đầu xuất hiện và trở thành ý niệm chung của cư dân Đông Á. Về sau, các khái niệm đó không ngừng được mở rộng và sử dụng chung để chỉ các nhóm hay cộng đồng người Hoa ở hải ngoại cho dù họ là người Tống (960 - 1279), người Nguyên (1206 - 1369), Minh (1368 - 1644) hay Thanh (1644 - 1911)” (2).

          Ở bức tranh cảnh phố Nhật được vẽ với một dãy nhà ngói hai tầng khá dài, bên cạnh là một khu họp chợ với nhiều chiếc lều và nhiều người đi lại trông rất nhộn nhịp. Trong khi đó khu phố người Đường được vẽ với ba dãy nhà mái lá ngắn, dựng bên những chiếc cột, gồm hai dãy dọc và một dãy ngang, nằm bên bờ Nam dòng sông đối diện với khu phố Nhật. Dựa vào bức tranh có thể thấy rằng vào đầu thế kỷ XVII, khu phố Nhật ở Hội An có quy mô sầm uất hơn hẳn khu phố người Hoa. Việc phác thảo hai khu phố có quy mô khác nhau như vậy chúng tôi cho rằng không phải do thiên kiến chủ quan mà có cơ sở từ thực tế. Chúng ta biết rằng vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII nền hải thương Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của các Châu Ấn thuyền (Shuin - sen) được chính quyền Mạc phủ cấp giấy phép xuất dương có đóng dấu đỏ (Shuin - jo, châu ấn trạng). Đây cũng là giai đoạn nhà buôn lớn Trung Hoa đang vướng chân trong cuộc chiến tranh nội bộ Minh - Thanh và không bỏ lỡ cơ hội này để “đuổi kịp và vượt phương Tây” (3), các thương nhân Nhật Bản đã vươn lên trở thành bạn hàng chính ở nhiều hải cảng Đông Nam Á trong đó có Hội An, Đàng Trong. Theo nghiên cứu của nhà sử học Nhật Bản Iwao Siichi, từ năm 1604 đến 1635 chính quyền Mạc phủ Tokugawa đã cấp 355 châu ấn trạng cho các thương thuyền Nhật Bản đi ra nước ngoài, trong đó số thuyền đến các bến cảng Đông Nam Á chiếm số lượng lớn 280 chiếc (tỉ lệ 78,9 %). Trong số 280 thuyền đến Đông Nam Á này có 85 thuyền đến Đàng Trong của Đại Việt.
 
Thời gian An Nam Tonking Thuận Hóa Cijam Cochinchina Champa Combodia Siam Luzon Tổng
1604 - 1635 14 36 1 1 70 5 44 56 53 280
 (4)
         
          Các danh xưng An Nam, Thuận Hóa, Cochin China được dùng để chỉ các địa điểm bến cảng thuộc Đàng Trong của các chúa Nguyễn. So sánh chúng ta thấy rằng số thuyền Châu ấn đến Đàng Trong nhiều hơn hẳn số thuyền Châu ấn đến Đàng Ngoài hoặc đến các bến cảng của Xiêm, Campuchia, Philippines. Và đến Đàng Trong chủ yếu là đến Faifo - Hội An, nơi hình thành phố Nhật và là một địa chỉ mậu dịch được ghi trên nhiều bản đồ hàng hải quốc tế thời bấy giờ. Sự ra đời của các khu phố Nhật (Nihon machi) tại Thái Lan, Campuchia, Philippines, Việt Nam, trong đó có Hội An là minh chứng cho sự tham gia mạnh mẽ của người Nhật vào mạng lưới hải thương quốc tế cũng như vai trò của họ trong việc thúc đẩy, phát triển hoạt động mậu dịch tại các bến cảng này.

          Tư liệu thứ hai là tấm bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” có niên đại 1640 ở động Hoa Nghiêm, Non Nước (5). Tấm bia ghi lại việc xây dựng cảnh núi Phổ Đà, chùa Bình An để thờ Quan Âm bồ tát, trong đó có danh sách những cá nhân hoặc vợ chồng người Việt, Hoa, Nhật ở các địa phương cúng tiền hoặc đồng để làm công đức cho chùa (xây chùa, đúc chuông, mua ruộng tam bảo). Tổng số cá nhân hoặc gia đình phát tâm cúng dường là 57, trong đó cá nhân hoặc gia đình người Việt là 41, cá nhân hoặc gia đình người Nhật là 13, cá nhân người Hoa là 3.
 
Cá nhân, vợ chồng
Tổng số (%)
Việt Hoa Nhật
57 41 3 13
100% 72 5,3 22,7
 
         
          Phân biệt trường hợp đứng tên cúng dường như sau:
 
Quốc tịch
Đứng tên
Việt Hoa Nhật
Cá nhân 23 3 7
Gia đình 18   6
 Tổng số 41 3 13
(6)
         
          Ở đây có ba điểm cần lưu ý:

          - Thứ nhất, số lượng người Hoa đứng cúng tiền rất ít so với người Việt hoặc người Nhật. Điều này chắc hẳn không phải xuất phát từ nguyên nhân kinh tế hoặc tín ngưỡng mà chỉ có thể là do số lượng người Hoa ở Hội An thời điểm này chưa có nhiều.

          - Thứ hai, cách ghi địa chỉ, quê quán của các cá nhân, gia đình. Đối với người Việt thì ghi tên các làng xã. Đối với người Nhật thì có ba địa chỉ: Nhật Bản dinh (日本營), Tùng Bản dinh (從本營), Nhật Bản quốc (日本國). Đối với người Hoa thì ghi địa chỉ là Đại Minh quốc (大明國).
 
Quốc tịch Cách ghi địa chỉ, tên người, đạo hiệu Tổng số
Việt - Phước Thái xã Trần Thị Nụ hiệu Từ Mãn cúng tam bảo tam bách quan.
- Hội An xã Nguyễn Văn Triều tự Viên An Nguyễn Thị Đức hiệu Diệu Ngọc cúng tiền nhị thập quan.
(Tất cả có các xã Hội An, Cẩm Phô, Đào Vệ, Tân An, Trà Đông, An Phước, Bá Gián, Diễm Sơn, Trà Lộ, Phước Hải, Cảnh Dương, Nam An, Trí Vật, Giếng Bộng, Bồ Mưng, Đan Hải, Phú Kiều, Hải Châu, Du Nha, Phú Triêm, Mộ Hoa, Bồ Bản, Bất Nhị, Trí Dõng/ 41 cá nhân, gia đình)
41 cá nhân, gia đình, trong đó có 18 gia đình
Hoa - Đại Minh quốc Diệp Kiên công tự Đạo Hạnh cúng tiền thập ngũ quan.
- Đại Minh quốc Lữ Tông Ngô cúng tiền ngũ thập quan.
- Đại Minh quốc Cốc Ngô Nhĩ công cúng tiền thập quan tứ mạch.
3 cá nhân
Nhật - Nhật Bản dinh Bình Tam lang (Heizaburo) tự Từ Gia Nguyễn Thị Chức hiệu Từ Quảng tiền cúng tam bảo tam bách quan.
- Nhật Bản dinh Tuấn Môn (Shunkan) tự Viên Đạt Đỗ Thị Mặn hiệu Từ Châu cúng tiền tứ thập quan.
- Nhật Bản dinh A Tri tử (Achiko) tự Viên Thông Cụ Thị Chủng hiệu Từ Nghĩa cúng tiền nhị thập quan.
- Nhật Bản Quốc Trà Ốc Trúc đảo (Chaya Takeshima), Xuyên Thương Gia binh vệ (Kawakami Kaheie), Thiển kiến bát trợ (Asami Xasake) cúng đồng ngũ bách thất thập cân.
- Nhật Bản dinh Phạm Thị Nước hiệu Từ Thanh cúng tiền thập quan.
- Nhật Bản dinh Nguyễn Thị Phú hiệu Từ Nhân tiền nhất bách tứ thập quan cúng tam bảo.
- Nhật Bản dinh Thất lang binh vệ (Sichirobei), Nguyễn Thị Nụ hiệu Diệu Thái cúng tiền nhị thập quan.
- Nhật Bản dinh Hà Kỳ Kỳ tự Ki Cô (Akikachi), cúng ngân tử nhị thập ngũ lạng.
- Nhật Bản dinh Binh Tả vệ môn (Heizaemon) thê Nguyễn Thị Nở hiệu Diệu Quang cúng tiền thập ngũ quan.
- Tùng Bản dinh Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thị Diệu cúng ngân ngũ thập lạng.
- Nhật Bản dinh Tống Ngũ lang (Sôgarô) tự Đạo Chân cúng tiền nhất bách quan.
13 gia đình, cá nhân, trong đó có 6 gia đình
 
          Dựa vào cách ghi địa chỉ và các kết qủa nghiên cứu trước đây (7) có thể xác định Nhật Bản dinh, Tùng Bản dinh là các khu vực cư trú của người Nhật ở Hội An. Các khu vực, địa điểm này chắc chắn phải có một quy mô kiến trúc nào đó mới có thể được gọi là dinh. Dựa vào bức tranh Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ cho thấy các khu vực cư trú, buôn bán này của người Nhật nằm cạnh một con sông, có không gian mở, không có các hình thức tường bao, hào lũy ngăn cách với các thôn xóm xung quanh như khu vực dinh trấn của chính quyền sở tại. Củng cố cho nhận định này là việc kèm theo các địa chỉ Nhật Bản dinh, Tùng Bản dinh là tên những đôi vợ chồng Nhật - Việt, trong đó ông chồng là một người Nhật và bà vợ là một phụ nữ Việt. Nguồn gốc Việt của các bà vợ này được xác định bởi các tên Nôm như Đỗ Thị Mặn, Nguyễn Thị Nụ, Phạm Thị Nước, Nguyễn Thị Nở… Riêng trường hợp vợ chồng Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thị Điều ở Tùng Bản dinh thì khả năng có hai trường hợp: 1/ Nguyễn Văn Đức là tên người Nhật đã đổi sang hoặc được ban tên tiếng Việt như trường hợp của Araki Sotaro được chúa Nguyễn Phúc Nguyên ban cho tên là Nguyễn Đại lang. 2/ Là một người Việt làm việc, cư trú trong dinh Tùng Bản của người Nhật. Tùng Bản (松本 – Matsu Moto) là một dòng họ lớn của Nhật Bản. Dòng họ này đã đến buôn bán cư trú tại Hội An và dự định lập tại đây một ngôi chùa có tên là Tùng Bản tự. Gọi là dự định vì hiện nay chỉ còn bản vẽ của ngôi chùa chứ chưa có tư liệu nào cho biết nó đã được xây dựng hay chưa (?) (8). Cũng cần nói thêm là người thợ chạm đã thể hiện chữ Tùng là 從 thay vì Tùng 松 như cách dùng của người Nhật. Đây cũng là chi tiết thú vị về việc dùng chữ Hán để ghi âm tiếng Nhật.

          Địa chỉ Nhật Bản quốc chỉ xuất hiện một lần và kèm theo đó là ba tên người Nhật (Chaya Takeshima, Kawakami Kaheie, Asami Yasuke) cúng 570 cân đồng. Cách ghi này cho biết họ là những khách thương Nhật Bản không cư trú ổn định tại Hội An mà chỉ lui tới buôn bán bằng thuyền. Do vậy họ giữ nguyên địa chỉ Nhật Bản quốc, nước Nhật Bản và đồng là một trong những mặt hàng chủ yếu của người Nhật lúc bấy giờ đã được họ chở đến cúng cho chùa.

          Thứ ba là tên ba người Hoa cúng tiền được ghi kèm địa chỉ Đại Minh quốc, nước Đại Minh. Điều này cho thấy dường như khu vực cư trú, buôn bán của người Hoa ở Hội An chưa được định danh chính thức và lúc này xã Minh Hương cũng chưa được ra đời. Tư liệu thứ hai này góp phần củng cố cho tư liệu một về quy mô, mức độ phát triển của Nhật Bản phố và Đường Nhân phố ở Hội An vào năm 1640.

          Tư liệu thứ ba là ghi chú của Alexandre De Rhodes trong từ điển Annam -Lusitan - Latinh (Từ điển Việt - Bồ - La) xuất bản lần đầu tiên năm 1651 tại Roma. Trong cuốn từ điển này ở vần H có từ Hoăi Phố và được ghi chú là “Một làng trong xứ Cô Sinh mà người Nhật ở và gọi là Faifo” (9).Tuy chỉ vỏn vẹn một dòng nhưng đây là một tư liệu hết sức quan trọng trên nhiều lĩnh vực về lịch sử, văn hóa, ngữ âm. Trước hết tư liệu này xác định mối quan hệ ngữ âm giữa Hoăi Phô và Faifo -một địa chỉ mậu dịch nổi tiếng ở Đàng Trong (Cô Sinh/ Côchine china) xuất hiện phổ biến trên bản đồ hàng hải quốc tế của các thương nhân phương Tây từ cuối thế kỷ XVI trở về sau. Tư liệu của De Rhodes đã chỉ thẳng mối quan hệ ngữ âm từ Hoài Phố đến Faifo và loại bỏ những suy diễn khác về nguồn gốc của danh xưng Faifo từng có ở một số công trình nghiên cứu. Đồng thời tư liệu cũng cho thấy vai trò của người Nhật trong việc phát triển thương hiệu của các địa chỉ mậu dịch quốc tế Faifo - Hội An trong giai đoạn đầu khởi phát vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Có thể nói sẽ không có địa chỉ mậu dịch quốc tế Faifo nếu không có địa chỉ làng Hoài Phô, nơi có người Nhật cư trú tại Hội An, Đàng Trong. Cũng cần nói rằng tên làng Hoài Phô đã xuất hiện trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An vào cuối thế kỷ XVI (10). Đây là một ngôi làng người Việt và là nơi người Nhật đến cư trú chứ không phải thuần túy là một ngôi làng ngoại kiều mới hình thành riêng biệt. Điều này sẽ góp phần cung cấp tư liệu về vị trí của phố Nhật ở Hội An và mối quan hệ giao lưu kinh tế - văn hóa, hôn nhân - gia đình Nhật - Việt, Việt - Nhật tại chỗ.

          Tư liệu thứ tư là ghi chép của Alexandre De Rhodes trong Hành trình và Truyền giáo được xuất bản lần đầu vào năm 1653 tại Paris. Trong tác phẩm này, De Rhodes đã kể lại rằng, năm 1640 ông được phái trở lại Đàng Trong và ông ghi: “…Tuy được may mắn trở lại Đàng Trong, tôi nghĩ lúc này không nên vội công khai ra mắt. Tôi lẫn tránh và sửa soạn đường trước khi tiến tới dự định chính. Tồi liền lẫn tránh ở một tỉnh gọi là Hội An, nơi người Nhật đến buôn bán rất sầm uất. Họ ở đây để trao đổi hàng hóa” (11). De Rhodes sau đó đã nhờ viên bang trưởng người Nhật đưa đến gặp mặt chúa Nguyễn và “vị người Nhật này rất khôn khéo dẫn đưa tôi và nhờ các bạn của ông giúp nên tôi được tiếp đón niềm nở” (12) cho dù qua tác phẩm này chúng ta được biết, trước đó Alexandre De Rhodes đã bị chúa Nguyễn trục xuất. Bản dịch này của Hồng Nhuệ có một số chỗ cần điều chỉnh. Trong nguyên văn tiếng Pháp, nơi De Rhodes lẫn trốn được ghi là: “bourg nommé Faifo” (13), khu phố có tên là Faifo chứ không phải một tỉnh gọi là Hội An như Hồng Nhuệ dịch và viên bang trưởng của khu phố là người Nhật. Faifo lúc này có thể không phải/ chưa phải là Hội An. Tư liệu này củng cố cho tư liệu ba về mối quan hệ ngữ âm giữa danh xưng Hoài Phố nơi có người Nhật sinh sống với danh xưng Faifo được ký âm bởi một người châu Âu. Tư liệu cũng cho thấy vai trò của người Nhật trong hoạt động mậu dịch cũng như sự ưu ái, tín nhiệm của các chúa Nguyễn dành cho họ lúc bấy giờ.

          Tiếc thay hoạt động mậu dịch của người Nhật ở Faifo - Hội An không kéo dài như người Hoa. Từ những năm 1633 - 1635 Nhật Bản bắt đầu hạn chế và cấm xuất dương ra nước ngoài. Đến năm 1639 chính thức thực hiện chính sách tỏa quốc (Sakoku). Điều này dẫn đến sự suy tàn của các Nihon Machi ở Đông Nam Á trong đó có Hội An. Mặc dù vậy qua các tư liệu nêu trên chúng ta thấy rằng người Nhật là những thương khách tiên phong trong việc kích hoạt hoạt động ngoại thương và đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong quan hệ giao lưu kinh tế - văn hóa quốc tế và trong đời sống xã hội tại nhiều địa điểm ở Đông Nam Á ngay từ đầu thời kỳ đại thương mại vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII mà Faifo - Hội An là một trường hợp điển hình.
 
Chú thích và tài liệu tham khảo:

(1) Bản sao của bức tranh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An, số 80 Trần Phú và đã được giới thiệu trên nhiều bài viết: OguraSadao - “Về bức tranh Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” và “Thác kiến Quan Thế âm”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, NXB KH – XH, Hà Nội, 1991, Trang 193 – 203; Chihara Daigoro - “Về những công trình kiến trúc miêu tả trong Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” của Chaya Shinroku, Sđd, Trang 33 - 45.

(2) Nguyễn Văn Kim - Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh giao thương Đông Á thế kỷ XVI - XVII. Kỷ yếu Hội thảo quan hệ Việt - Nhật thời cận thế (thế kỷ XVI - XIX) thành phố Hồ Chí Minh tháng 3 - 2016, Trang 19.

(3) Nguyễn Văn Kim - Những chuyển biến kinh tế - xã hội ở Nhật Bản thời kỳ Tokugawa; Một số chuyên đề Lịch sử thế giới, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, Trang 178 - 222.

(4) Iwao Siichi (1985) Shuisen Boeki Shi-no Kenkyu, Kobundo, Trang 107. Dẫn lại Trần Thị Tâm - Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời kỳ Châu ấn thuyền (1592 - 1637). Kỷ yếu Hội thảo quan hệ Việt - Nhật thời cận thế (thế kỷ XVI - XIX), Sđd, Trang 150 - 151.

(5) Động Hoa Nghiêm tại Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Toàn văn nội dung bia được giới thiệu ở nhiều tư liệu của Việt Nam, Nhật Bản như Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, Tập IV, NXB Giáo Dục, 1987, Trang 21 - 34; Di sản Hán Nôm Hội An, Tập I, Công ty in ấn và phát hành sách Quảng Nam xuất bản 2014, Trang 112 - 132.

(6) Cá nhân là những người đứng tên một mình khi cúng tiền còn vợ chồng là ghi tên 2 người cả vợ và chồng, thường thì tên người chồng đứng trước tên người vợ. Mỗi gia đình chúng tôi tính một đơn vị như cá nhân. Nếu tính đủ tên những người được ghi trong văn bia thì con số là 71 (57 + 18 người ở gia đình Việt + 6 người ở gia đình Nhật).

(7) Nhiều tác giả - Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, NXB KH-XH, Hà Nội, 1991.

(8) Về vấn đề này xem thêm Vũ Minh Giang - người Nhật, phố Nhật và các di tích Nhật Bản ở Hội An, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về Đô thị cổ Hội An, Sđd, Trang 214.

(9) Alexandre De Rhodes - Từ điển Việt - Bồ - La, NXB KH - XH, 1991, Trang 117 bản dịch tiếng Việt.

(10) Dương Văn An, Ô Châu cận lục, NXB Khoa học - Xã hội Hà Nội, 1997, Trang 43, 67.

(11), (12) Alexandre De Rhodes - Hành trình và Truyền giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo, TP Hồ Chí Minh XB 1994, Trang 90 - 91.

(13) Alexandre De Rhodes - Hành trình và Truyền giáo, Sđd, phần bản gốc trang 120.
 
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây