Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Nguyễn Cho - một cơ sở cách mạng tin cậy

Đêm ngày 14/7/1967, quân và dân ta tấn công vào nhà lao Hội An – nhà lao Xóm Mới giải thoát hàng ngàn tù nhân khỏi chế độ giam cầm hà khắc của chính quyền Mỹ - ngụy. Một cuộc tấn công chớp nhoáng đã gây bất ngờ lớn cho địch, nhưng với ta, đó là cả một thời gian chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, từ lực lượng tham gia, công tác hậu cần, phương án tiếp cận và chiến đấu, … Đặc biệt, một trong những nguyên nhân quan trọng để có được thắng lợi này là ta đã xây dựng được một cơ cở cách mạng tin cậy ngay trong đội hình quân địch ở nhà lao Hội An. Cơ sở đó là ông Nguyễn Cho.
          Ông Nguyễn Cho sinh năm 1942. Cha là ông Nguyễn Văn Kiệt, mẹ là bà Trần Thị Tỳ. Ông sinh ra ở xóm nhỏ có tên gọi là xóm Mồ Côi thuộc đất Trường Lệ, Cẩm Châu, cách trung tâm Hội An không xa về phía đông bắc. Xóm này nằm giữa cánh đồng, khá cách biệt với những xóm khác. Bao quanh xóm là những lũy tre dày, bên trong cây cối rậm rạp với khoảng chục nóc nhà. Cũng như bao gia đình khác trong xóm, gia đình ông là một gia đình nông dân, cuộc sống vô cùng nghèo khó, cơ cực. Ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, từ nhỏ, hàng ngày ông đã phải bám theo chân cha mẹ ra đồng phụ giúp thêm việc đồng án.

          Đất nước kết thúc giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp lại phải gồng mình bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng bấy giờ được người lớn dìu dắt, ông và một số bạn cùng trang lứa trong xóm như Nguyễn Văn Việt – sau này được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã tích cực tham gia vào hoạt động đoàn thanh niên của xóm, chủ yếu làm nhiệm vụ liên lạc thông tin và dẫn đường cho cán bộ ta ra vào nội ô hoạt động cách mạng.

          Đến năm 1965, ông bị địch bắt đi làm quân dịch ở Huế. Thời gian không lâu, chúng đưa ông về Hội An. Chúng biên chế ông vào lực lượng địa phương quân, làm nhiệm vụ canh gác nhà lao Hội An. Hàng ngày, chúng bố trí ông canh trực ở cổng và trên các vọng gác bên trong nhà lao. Ban ngày nếu không canh trực ông được về nhà với gia đình nhưng đến tối phải quay lại thường trực trong nhà lao dù có phải canh trực hay không. Từ nhà lao về đến xóm Mồ Côi khoảng trên dưới 1km. Mỗi lần về nhà, ông thường gặp người bạn thân của mình là Nguyễn Văn Việt, lúc này đang tham gia tích cực phong trào cách mạng ở địa phương.

           Trong thời gian này, phong trào cách mạng ở Hội An đang có bước phát triển mạnh, nhất là kể từ sau hội nghị chuyên đề về công tác nội ô và vùng yếu do Thị ủy tổ chức vào tháng 3/1966. Tại hội nghị này, Thị ủy đã nhấn mạnh đến mối liên hệ mật thiết của phong trào cách mạng giữa vùng quân ta làm chủ và vùng địch tạm chiếm, chủ trương lấy vùng giải phóng ở nông thôn làm bàn đạp đẩy mạnh hoạt động đưa phong trào cách mạng ở vùng yếu và nội ô thị xã phát triển lên một bước mới. Cũng tại hội nghị này, Ban cán sự công tác nội ô do đồng chí Trương Minh Lượng - Phó Bí thư Thị ủy làm Trưởng ban được thành lập và đặt cơ quan tiền phương tại xóm Mồ Côi. Việc lựa chọn xóm Mồ Côi bởi lẽ nơi đây có đặc điểm khá hiểm yếu, dễ dàng cho lực lượng của ta quan sát từ trong ra ngoài nhưng cũng rất khó để địch tiếp cận vào trong xóm. Chọn vị trí nơi đây còn tạo nên cầu nối quan trọng trong mạng lưới liên lạc ở cánh Bắc Thị xã, vừa gần với các căn cứ Trà Quế và Xóm Chiêu lại nằm ngay sát nách địch là vùng trung tâm nội ô - nơi đóng các cơ quan đầu não của chúng. Đặc biệt người dân nơi đây có tinh thần cách mạng cao, luôn đề cao cảnh giác, bảo vệ cán bộ, cơ sở đến cùng. Hầu như nhà nào trong xóm cũng có hầm bí mật để nuôi dưỡng, che dấu cán bộ. Có thể nói xóm Mồ Côi đã được Thị ủy tin tuyệt đối. Lãnh đạo Thị ủy, trực tiếp là đồng chí Trương Minh Lượng và nhiều cán bộ của ta đã về đây đứng chân hoạt động trong một thời gian dài. Trong điều kiện đó, Nguyễn Cho được tiếp xúc thường xuyên với cán bộ, được giác ngộ thêm lý tưởng cách mạng để trở thành cơ sở của ta trong hàng ngũ địch. Việc thường xuyên về nhà như vậy khiến địch quen dần và không chút nghi ngờ gì; nhưng đó lại là những lúc Nguyễn Cho có điều kiện để thông tin tình hình địch bên trong nhà lao ra bên ngoài.

          Chiến dịch Đông Xuân 1966 – 1967 mở ra với chủ trương của Thị ủy Hội An là đồng loạt tấn công địch ở cả vùng nông thôn, vùng ven và nội ô, đánh những trận đau và hiểm vào sào huyệt của chúng, buộc chúng phải co vào thế bị động phòng thủ, hạn chế tối đa đánh phá ra các vùng ngoại ô. Trong chiến dịch này, sau khi tổ chức tấn công vào nhiều mục tiêu quan trọng của địch và giành thắng lợi lớn, ta quyết định mở cuộc tấn công vào nhà lao Hội An. Để chuẩn bị cho trận đánh, Thị ủy chỉ đạo móc nối liên lạc với Nguyễn Cho để nắm chắc tình hình địch, vẽ sơ đồ bố trí phòng ngự bên trong nhà lao để lên phương án tác chiến. Đêm ngày 14/7/1967, Nguyễn Cho cùng một số người được giao nhiệm vụ dẫn đường cho tiểu đội cải trang lính trung đoàn 51 ngụy vượt qua đồn Xóm Mới tiến vào cổng nhà lao bất ngờ nổ sung tấn công làm cho địch không kịp trở tay. Mở được cổng nhà lao, các mũi tiến công nhanh chóng tiêu diệt lực lượng địch tại đây, giải thoát tù nhân rồi rút lui an toàn về căn cứ. Về phần Nguyễn Cho, ông bị dính đạn khi dẫn lực lượng cải trang của ta tiếp cận cổng nhà lao. Cơ sở của ta đưa thi hài ông về xóm Mồ Côi dấu xuống ao nước trong vườn nhà của ông. Sau trận đánh này, nghe tin ông chết, bọn địch kéo đến dò hỏi. Gia đình ông bảo khi nghe có tiếng súng nổ, ông ra chuồng dắt trâu đi dấu thì bị trúng đạn chết rồi rơi xác xuống ao. Nghe vậy, bọn địch không còn nghi ngờ nữa. Sau đó gia đình tiến hành chôn cất ông ngay trong vườn nhà.

          Sau này, đánh giá thắng lợi về trận tấn công này, nhiều nhân chứng trong cuộc đã khẳng định Nguyễn Cho là người giúp cho trận đánh này của ta diễn ra và kết thúc nhanh chóng, ít tổn thất và tạo bất ngờ lớn cho địch. Trong tập sách hồi ký “Đời tôi”, đồng chí Nguyễn Đức Minh - nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã Hội An viết: “Chiến thắng vang dội này có công rất lớn của anh Nguyễn Cho từ khâu chuẩn bị chiến trường, lập phương án tác chiến đến lúc hợp đồng chiến đấu”. Sau ngày giải phóng, ghi nhận công lao của ông, nhà nước đã xét truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho ông và cải táng thi hài ông vào yên nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ của thành phố. Mẹ ông là bà Trần Thị Tỳ cũng đã được công nhận là mẹ Việt Nam anh hùng.
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây